Bà Tư bán xôi

Đăng lúc: Thứ hai - 16/09/2013 09:15
Dáng gầy gò của bà lão đội nón lá với gánh hàng xôi tại góc đường Tết Mậu Thân (Khu phố 5, Phường 4, TP. Mỹ Tho) đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc đối với những ai qua lại nơi đây. Và tên gọi “Bà Tư bán xôi” cũng có từ đó.
 
Năm nay bước sang tuổi 71, ở  tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn chưa được nghỉ ngơi, mỗi ngày bà vẫn quảy gánh xôi ra bán từ sớm tinh mơ. Góc đường đông xe cộ vào giờ đi làm, chốc chốc lại có người ghé vào mua vội gói xôi rồi phóng xe đi ngay cho kịp giờ làm việc. Trong số ấy rất nhiều người tấm tắc khen xôi của bà Tư nhưng chắc chẳng có ai có thời gian nhìn rõ mặt bà. Bà vẫn ngồi đó, bền bỉ và âm thầm, mặc cho chung quanh dòng người đang xuôi ngược bươn chải theo cuộc sống.

Sáng nào, tôi cũng thấy bà Tư loay hoay bên gánh xôi. Bà chậm rãi rọc từng chiếc lá chuối, ép thẳng thớm bằng đôi bàn tay già nua, nhăn nheo vì tuổi tác. Khách của bà Tư chủ yếu mối quen. Quen đến nỗi bà biết người nào thích ăn xôi gì, mua bao nhiêu tiền… Nắng sáng bắt đầu vượt qua khỏi những ngọn cây, chiếu vào khuôn mặt gầy guộc của bà. Bất chợt gương mặt bà toát lên một vẻ nhân hậu lạ thường. Bàn tay gầy guộc của bà không biết đã trao bao nhiêu gói xôi cho những người lao động mỗi sáng đi qua ngã tư này. Bao khó khăn, vất vả của một đời người dường như đã hằn sâu thành những vết nhăn năm tháng trên trán bà.
Thế mà cũng đã bốn mươi năm trôi qua, bà Tư giựt mình nhớ lại, kể từ cái ngày đầu tiên bà gánh những thúng xôi vò rao bán từ nội thành cho đến ngoại thành Mỹ Tho và giờ đây là góc đường này.

Bà Tư cố lục tìm trong ký ức về những ngày tháng xa xôi rồi kể tôi nghe bằng giọng chậm rãi: “Mười ba tuổi cả nhà tui phải xa quê lên thành sinh sống. Cha mẹ, anh chị em của tui lúc ấy không có một xu dính túi. Đất Mỹ Tho dung nạp tui bằng nghề duy nhất là nấu xôi do một người hàng xóm tốt bụng chỉ lại. Chẳng ngờ cái nghề vừa đủ kiếm ba hột qua ngày ấy lại theo tui suốt cuộc đời!”.
Cũng chính vì hoàn cảnh gia đình khốn khó nên từ bé bà Tư đã ý thức được sự khó khăn vất vả của việc kiếm từng miếng cơm manh áo. Chồng bà, nay đã đi xa hơn ba mươi năm, thuở sinh thời phải đi làm thuê kiếm từng đồng, từng cắc cùng bà nuôi năm người con. “Chú biết hôn, cả tui và ổng đều làm việc cật lực, đổ mồ hôi sôi nước mắt vậy mà năm đứa con thì cứ cù bất cù bơ, khổ lắm!”. Giọng bà Tư như nghẹn lại. Dù bà cố tình ngó đi chỗ khác nhưng tôi vẫn thấy mắt bà đỏ hoe.


Chồng mất, bà đùm túm con cái lên thành. Cái nghề bán xôi không thể làm giàu nhưng cũng đủ để nuôi sống mấy đứa con bà Tư khôn lớn nên người. Mấy chục năm qua, bà vẫn gánh trên vai những thúng xôi, miệt mài khắp hang cùng ngõ hẻm, khàn giọng rao “Ai ăn xôi hôn…” cố gom từng đồng bạc lẻ. Bà nói: “Cái nghề bán xôi vất vả lắm, nhưng mỗi sáng nhìn những gương mặt thân quen đón từng gói xôi trên tay mình, tôi thấy trong bụng vui vui…”. Bữa nào bận việc hoặc đau ốm nghỉ bán, bà con lại hỏi thăm. Vậy đó, “giải nghệ sao được!”.

Để có gánh xôi nóng thơm ngậy mùi bắp, mùi đậu đen, đậu xanh, mùi nếp, mùi trứng chiên, lạp xưởng… bà phải thức dậy từ hai giờ sáng để nấu. Gánh xôi của bà có bốn loại: xôi bắp, xôi vò, xôi nếp than và xôi mặn. Riêng nồi xôi bắp, bà cho biết phải qua nhiều công đoạn. Bà mua trữ nguyên liệu rất nhiều để dành phòng khi khan hiếm. Bắp khô ngâm nước nấu qua ba lần lửa. “Phải hầm thật lâu bắp mới nở hết và mềm. Thấy vậy chứ nấu một nồi bắp không hề đơn giản, vì dễ bị chai cứng”, bà say sưa nói. Chịu thương chịu khó, ham học hỏi, vì thế càng “lâu tuổi nghề” bà càng “làm” ra nhiều mẻ xôi ngon tuyệt vời.

Để có hương vị đặc trưng của món xôi, bà luôn gói bằng lá chuối xanh. Giờ người ta xài túi ni lông hoặc hộp giấy, lá chuối hiếm lắm, bà phải đặt mua ở tận Mỹ Phong từ cô bác nhà vườn đem ra. Ngày xưa, bà còn dùng lá dứa gai làm muỗng múc xôi bán cho khách, nhưng nay rất khó kiếm. Bất đắc dĩ bà Tư phải thay bằng muỗng nhựa mà trong lòng chẳng vui chút nào.

Những ngày giáp tết cổ truyền, bà Tư còn gói thêm bánh tét để bán. Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) bà làm thêm món cơm rượu bán kèm theo xôi vò. Gần nửa thế kỷ đi qua, khách đến gánh xôi của bà đủ thành phần, đa số là người quen, sinh viên, học sinh, công chức. Thỉnh thoảng còn có người dừng xe hơi mở cửa nhảy xuống mua. Có nhiều người "nghiện" xôi đến mức đưa tiền trước cho bà Tư, sáng sớm đi làm chỉ cần chạy ngang qua là cầm gói xôi đi luôn. Biết rằng đến trễ 15 - 20 phút là sẽ hết xôi nên một số khách hàng quen thường chạy ra dặn bà để phần cho sáng hôm sau. Những người không có tiền vẫn được bà Tư bán thiếu. Bất kể mưa nắng, sáng nào ngang qua ngã tư này đều thấy bà ngồi với gánh xôi nghi ngút khói. “Ngày xưa lúc mới bán, còn trẻ, tôi gánh thúng xôi trên vai đi bộ không biết bao nhiêu cây số mà vẫn không thấy mỏi. Giờ tuổi cao sức yếu nên tôi phải bán ở gần nhà. Đời mình đã khổ, thôi còn sức thì ráng làm, được đồng nào hay đồng đó, lo cho con cho cháu…”. Lời tâm sự của bà Tư bất chợt làm tôi se lòng. Thấy gánh xôi đã cạn, khách đã thưa, tôi ngồi xuống bên bà hỏi tiếp: “Thế sao bà không bán trước nhà cho tiện hay tìm góc phố khác đông người để bán nhiều xôi hơn?”. Bà Tư đáp ngay: “Bốn mươi năm bán xôi chỗ này rồi bỏ đi chỗ khác tui không đành. Dù chỉ là người buôn gánh bán bưng, nhưng qua bao năm tháng ngồi đây tui đã chứng kiến biết bao điều, vui có, buồn có. Những năm tháng bom đạn dữ dội. Rồi ngày giải phóng mấy chú bộ đội tiếp quản thành phố đóng quân gần đây quý tui lắm, sáng nào cũng tới ăn xôi! Hồi đó con lộ này chưa láng nhựa còn hẹp té. Còn dãy phố kia sơ sài lắm đâu có nhà cao tầng như bây giờ. Mấy người khách quen của tui hồi đó còn trẻ măng, bây giờ thành nội ngoại hết rồi!”. Cuộn phim đời vụt qua trong ký ức bà Tư. Chẳng ngờ người phụ nữ bán xôi âm thầm đã trở thành một chứng nhân sống của lịch sử.

Chiều ấy tôi tìm đến nhà bà Tư. Ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp luôn rộn vang tiếng cười khi đón tiếp tôi đến thăm: “Tôi chỉ sống bằng nghề bán xôi giản dị đâu ngờ được “cậu nhà báo” tới thăm. Tui nghèo rớt mồng tơi lại gánh xôi còng lưng cả đời mà lên báo cái nỗi gì. Người ta cười chết đó!”. Rồi bà lại cười, nụ cười thanh thản, nhân hậu như mỗi ngày. Tôi im lặng nhìn bà Tư nghe như có gì thổn thức trong lòng. 
Thảo Trúc
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 59)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 193
  • Khách viếng thăm: 189
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 30931
  • Tháng hiện tại: 2263481
  • Tổng lượt truy cập: 46230714