Tích cực thực hiện công tác quy tập và chăm sóc mộ liệt sĩ

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/04/2015 14:08
Quan niệm của người Việt là “sống có nhà, thác có mồ”. Thế nên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015), công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ được Đảng và Nhà nước tích cực thực hiện.

CHĂM SÓC NƠI AN NGHỈ

Suốt 40 năm qua, chưa lúc nào công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ dừng lại. Sau giải phóng, Đảng, Nhà nước tiến hành xây dựng nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương để đưa hài cốt của liệt sĩ về an táng và chăm chút mộ phần. Trừ trường hợp thân nhân muốn lưu giữ mộ phần tại đất nhà, tất cả mộ liệt sĩ nằm rải rác trong đất dân đều lần lượt được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ tại Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam về Tiền Giang.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ tại Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam về Tiền Giang.

Hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng 20 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 5 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 14 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Trong số gần 20.400 ngôi mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang, có 10.394 mộ có đầy đủ thông tin, 1.927 mộ có một phần thông tin và 8.111 mộ chưa có thông tin về liệt sĩ.

Ông Võ Văn Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác chăm sóc mộ liệt sĩ được thực hiện chu đáo. Ngoài lực lượng quản trang tại mỗi nghĩa trang, hàng năm các trường học, cơ quan, đơn vị thường xuyên đến viếng và chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm ngân sách đầu tư từ 5 - 7 tỷ đồng để sửa sang, nâng cấp mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh đều khang trang, mộ liệt sĩ tại gia đình đều được xây dựng.

Ngoài việc chăm chút mộ phần, những liệt sĩ không còn thân nhân hưởng tuất liệt sĩ hàng tháng đều được trợ cấp tiền thờ cúng liệt sĩ hàng năm. Bên cạnh những liệt sĩ đã tìm được mộ phần đều được chăm sóc mộ phần chu đáo, thì vẫn còn 4.000 gia đình khắc khoải vì mộ phần người thân vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng sâu núi thẳm hay miền quê nào đó.

VẪN ĐAU ĐÁU ĐI TÌM

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng vết thương lòng của hàng ngàn người mẹ, người vợ đã âm thầm quặn thắt vì tin tức mộ phần của chồng, con vẫn bặt tin mấy chục năm qua. Đây cũng là niềm đau, nỗi ray rứt của đồng chí, đồng đội những người nằm xuống. Nhiều cựu chiến binh dù tuổi cao sức yếu vẫn cố công tìm lại chiến trường xưa với hy vọng phát hiện một manh mối về mộ phần đồng đội. Chưa bao giờ công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ dừng lại. Hết lớp này đến lớp khác cùng nhau tìm kiếm.

Còn nhớ, hôm Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức đoàn đến Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam ở Đồi 82, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để viếng và đón hài cốt của 4 liệt sĩ quê Tiền Giang đưa về an tang tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, ai nấy đều xúc động.

Trong số những di hài tìm thấy có liệt sĩ Nguyễn Văn Lời, sinh năm 1948, quê xã Bình Đông, TX. Gò Công, nguyên là TNXPGPMN; còn lại là 3 bộ đội: Liệt sĩ Đoàn Khoa Học, sinh năm 1943, quê xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè; liệt sĩ Nguyễn Văn Mẫn, sinh năm 1942, quê xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông và liệt sĩ Phạm Văn Mênh, sinh năm 1945, quê xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông. Cả 3 anh cùng chiến đấu chung đơn vị E2 thuộc F9 và hy sinh trong đợt tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài vào đêm mùng 8 rạng mùng 9-6-1965.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm. Ban Chỉ đạo tỉnh về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm đầu mối được thành lập.

Khi có thông tin về mộ liệt sĩ, lập tức Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện các bước xác minh, nếu chính xác là mộ liệt sĩ thì quy tập về nghĩa trang liệt sĩ gần nhất. Hơn 1 năm kể từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã tìm kiếm và quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ đưa về an tang tại nghĩa trang.

Khi chưa tìm hết mộ phần của liệt sĩ thì công tác tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn chưa ngưng. Tất nhiên công tác này càng về sau càng khó khăn hơn do nhân chứng càng ít dần và điều kiện môi trường, cảnh quan thay đổi. Đặc biệt, Chính phủ sẽ cho tiến hành thử AND hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin trong các nghĩa trang để lập ngân hàng gen Quốc gia, từ đó thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm của thân nhân.

Thuỷ Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 212
  • Khách viếng thăm: 193
  • Máy chủ tìm kiếm: 19
  • Hôm nay: 8587
  • Tháng hiện tại: 2241137
  • Tổng lượt truy cập: 46208370