Đồng chí Phan Văn Khỏe - một nhân cách cộng sản chân chính,...

Đăng lúc: Thứ hai - 29/05/2017 09:19
Có rất nhiều nhân tố: Chủ quan và khách quan, trực tiếp và gián tiếp, dân tộc và thời đại tác động trực tiếp đến việc hình thành đạo đức cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe. Chung quy lại có thể khái quát thành các nhóm nhân tố sau đây:

- Gia đình, quê hương, dân tộc đã hun đúc và tạo các điều kiện để đồng chí Phan Văn Khỏe hình thành nhân cách cộng sản. Các giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa Tiền Giang, đồng bào Nam bộ, văn hóa Việt Nam: Yêu nước, thương nòi, nhân ái, đoàn kết, cố kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, trọng nghĩa khí, ghét áp bức bất công, cần cù, sáng tạo, bao dung, độ lượng, chừng mực, không thích những gì thái quá... đã khắc sâu vào tâm khảm đồng chí ngay từ thời ấu thơ. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khỏe đã kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống, vượt qua những điểm hạn chế, nâng các giá trị đó lên một tầm cao mới phù hợp với tiến bộ lịch sử và xu thế phát triển của thời đại: Đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân.

- Tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Phan Văn Khỏe đã cải biến và tự hoàn thiện các phẩm chất đạo đức cá nhân theo lập trường, quan điểm và phương pháp hành động biện chứng mácxít. Sự xâm nhập, tương tác, thẩm thấu, hòa quyện các giá trị đạo đức dân tộc và quốc tế, dân tộc và thời đại, dân tộc và chủ nghĩa Mác-Lênin để cuối cùng hình thành một nhân cách đạo đức Phan Văn Khỏe ổn định, sáng ngời là một chủ đề cần có sự đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu; bởi từ đó có thể phát hiện hàng loạt vấn đề có tính quy luật hình thành đạo đức của xã hội chúng ta. Đồng chí Phan Văn Khỏe tiếp nhận đạo đức Mác-Lênin, đạo đức cộng sản như là một cuộc hội ngộ, gặp gỡ lịch sử tự nhiên, tất yếu, nằm trong dòng chảy liền mạch hội nhập của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Ý nghĩa thời đại của nhân cách đạo đức Phan Văn Khỏe chính là ở nguồn gốc hội nhập chủ động, đầy sáng tạo đó.

- Các phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe được hình thành, dần dần củng cố, hoàn thiện và phát huy tác dụng thông qua thực tiễn cách mạng. Thực tiễn hoạt động của đồng chí thực sự phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực: Học tập (học tri thức, học văn hóa), làm ruộng (môi trường nông nghiệp), làm lính (môi trường quân sự), tổ chức tranh đấu, tù đày, tham gia kháng chiến, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị; thực tiễn hoạt động tại nhiều tỉnh, thành... Chính thực tiễn cách mạng phong phú, đa dạng, nhiều khi khắc nghiệt, tàn khốc đã tôi luyện đồng chí thành một chiến sĩ cộng sản đầy bản lĩnh: Giàu sang không quyến rũ, nghèo khổ không chuyển lay, uy vũ không khuất phục, đầy lòng nhân ái, khoan dung.

Nói về quá trình gian khổ rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh viết:

Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” - Hồ Chí Minh)

Còn nhà văn Xô viết Ôxtrốpxki thì viết một cách đầy hình tượng, có sức lay động lớn: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, khi đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ...”. Thực tiễn đấu tranh cách mạng tôi luyện phẩm chất đạo đức con người, để con người sống, tự khẳng định mình. Một điều đặc biệt lý thú là thông qua các loại hình hoạt động thực tiễn cụ thể, đồng chí Phan Văn Khỏe đã biết bổ sung vào nền móng đạo đức của mình các nhân tố mới, các giá trị mới, tích cực và tiến bộ, để tích hợp trong đó một hệ chuẩn giá trị của một nền đạo đức mới, vượt lên tất cả các hình thái đạo đức đã từng tồn tại trước đó.

- Một nhân tố quan trọng để hình thành phẩm chất đạo đức của đồng chí Phan Văn Khỏe là năng lực cá nhân. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã tỏ ra thông minh, vượt trội bạn bè cùng trong lớp về nhận thức, tư duy và hành động. Các năng lực bẩm sinh này cho phép đồng chí nhìn nhận hiện thực đất nước, thời đại theo một nhãn quan, lăng kính phù hợp với xu thế phát triển. Việc chọn trường học vấn, tổ chức yêu nước, học hỏi kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, nhận thức cảm tính về ý nghĩa các sự kiện lịch sử đang dồn dập diễn ra... đều bắt nguồn từ năng lực chủ quan như vậy.

Điều kiện lịch sử dân tộc, thời đại và các phẩm chất vốn có đã xác lập các tiền đề vững chắc để đồng chí Phan Văn Khỏe làm người, làm việc, trưởng thành, để cuối cùng có một nhân cách đạo đức Phan Văn Khỏe, nói theo ngôn ngữ của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, mở đầu cho sự ra đời một nền luân lý: Vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại.

(Lược ghi tham luận của PGS. TS PHẠM NGỌC ANH, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 406
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 86653
  • Tháng hiện tại: 1835553
  • Tổng lượt truy cập: 48209680