Chiến thắng Ngã Sáu-Bằng Lăng: Niềm tự hào của Sư đoàn Bộ binh 8

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/03/2015 14:52
Sư đoàn Bộ binh (BB) 8 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên và duy nhất của Quân khu 8 đóng vai trò “quả đấm” quyết định cho trận quyết chiến cuối cùng trên chiến trường Trung Nam bộ.

Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn BB 8 đã cùng quân và dân tỉnh Mỹ Tho chiến đấu tạo thế, tạo lực trong Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975, để rồi sau đó cùng toàn quân, toàn dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Quyền Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 8 Nguyễn Hữu Vị.
Quyền Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 8 Nguyễn Hữu Vị.

Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy và mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Bộ Tư lệnh Sư đoàn BB 8 hạ quyết tâm dứt điểm căn cứ Ngã Sáu, “đả viện” Bằng Lăng, làm chủ kinh Nguyễn Văn Tiếp B, mở rộng vùng giải phóng, liên thông đường hành lang vận chuyển vũ khí và lực lượng, đón thời cơ giải phóng miền Nam.

Tôi may mắn là người trong cuộc với tư cách là Quyền Tư lệnh Sư đoàn BB 8 trực tiếp chỉ huy chiến dịch cao điểm từ ngày 10-3 đến 26-3, trong đó có trận dứt điểm căn cứ Ngã Sáu ngày 11-3-1975.

40 năm là thời gian khá dài của đời người và có thể quên đi nhiều điều, nhưng chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng không thể phai mờ đối với những người trong cuộc. Chiến thắng ấy là chiến công chung của nhiều người, nhiều đơn vị, trong đó có sự góp sức của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, huyện Cái Bè và xã Mỹ Trung.

Hưởng ứng thắng lợi từ Chiến trường Phước Long đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn BB 8 mở chiến dịch cao điểm nhằm giải phóng và làm chủ vùng trung tâm của đồng bằng Trung Nam bộ - một vị trí quan trọng cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế, tạo thế và lực cho chiến dịch tiếp theo. Chiến dịch này lần đầu tiên Quân khu 8 ra quân cấp sư đoàn để thực hiện những trận đánh then chốt.

Trung đoàn 24 giỏi về chiến thuật đánh cường tập, nhiều kinh nghiệm diệt địch trong công sự vững chắc, thực hành trận đánh then chốt số 1, chiến đấu ngoan cường suốt 18 tiếng đồng hồ, dứt điểm căn cứ Ngã Sáu.

Lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp và Mỹ ở Quân khu 8 ra quân công đồn tiêu diệt địch cấp tiểu đoàn, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mm và 1 hầm đạn pháo. Trung đoàn 320 có sở trường vận động chiến đấu, thực hành trận đánh then chốt thứ 2, phục kích tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn chủ lực đối phương trên cánh đồng Bằng Lăng.

Bị thua rất đau, đối phương tiếp tục điều động 1 tiểu đoàn chủ lực hòng tái chiếm căn cứ Ngã Sáu đã bị Trung đoàn 207 của Sư đoàn BB 8 đánh cho tơi tả, tháo chạy thoát thân. Trung đoàn 207 tiếp tục nổ súng tiến công dứt điểm đồn ngã tư Thạnh Mỹ và kinh Nhất, giải phóng một loạt đồn bót từ Ngã Sáu đến kinh 3 Mỹ Điền. Mấy ngày sau, một tiểu đoàn địch tái chiếm căn cứ Ngã Sáu.

Lập tức Trung đoàn 207 bao vây tiến công giải phóng lần thứ 2. Từ đó Sư đoàn BB 8 đã giải phóng và làm chủ toàn bộ tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp B, mở rộng đợt hoạt động sang các vùng xung quanh Nam - Bắc đường 4 Mỹ Tho.

Thắng lợi to lớn của trận “công đồn” Ngã Sáu và “đả viện” Bằng Lăng trong chiến dịch cao điểm tạo ra hiệu ứng tích cực. Nhân dân các huyện Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho), Mỹ An (tỉnh Kiến Phong) và Vùng 4 tỉnh Kiến Tường phấn khởi, tin tưởng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn BB 8. Chính quyền địa phương, các đoàn thể cách mạng liên tục thăm hỏi, ủy lạo, động viên bộ đội.

Địch ở 3 tỉnh giáp ranh thì hoang mang lo sợ, bỏ hàng loạt đồn bót. Ta giải phóng thêm xã Thạnh Mỹ, Mỹ Trung và một phần của xã Mỹ An, Đốc Binh Kiều. Vùng giải phóng nối liền 3 tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong và Mỹ Tho. Khí thế của Sư đoàn BB 8 lên cao hơn bao giờ hết và trưởng thành một bước cơ bản trong chiến thuật đánh tập trung hiệp đồng cấp sư đoàn.

Cuộc đọ sức quân sự của Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn BB 8 với căn cứ quân sự Ngã Sáu là trận đánh then chốt, mở màn cho chiến dịch cao điểm - một trận đánh táo bạo, đánh hay, đánh đẹp, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Trận đánh diệt căn cứ Ngã Sáu trở thành sự kiện lịch sử quân sự của Sư đoàn BB 8 - mốc son trong lịch sử phát triển của Sư đoàn. Bởi vì chiến thắng Ngã Sáu tác động thắng lợi dây chuyền cho toàn bộ chiến dịch. Đối phương chiến bại liên tiếp trong trận đồ “đô-mi-nô” mà Sư đoàn BB 8 là chủ thể quyết định.

Do vậy, có thể nói chiến thắng Ngã Sáu là điểm tựa đột phá và là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, phát triển trưởng thành của Sư đoàn BB 8.

Chiến thắng Ngã Sáu còn có tác dụng thúc đẩy khí thế cách mạng dâng lên của các tỉnh giáp ranh, mà Ngã Sáu là trung tâm đầu mối giao thông thủy được mở thông, thuận lợi cho việc vận chuyển người và vũ khí từ dưới lên và ngược lại, đặc biệt là khí thế cách mạng dâng cao ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè nói riêng và toàn tỉnh Mỹ Tho nói chung. Từ đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho cùng với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn BB 8 phấn khởi vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nếu chiến thắng Phước Long được xem là đòn thăm dò chiến lược giúp Trung ương đánh giá sát tình hình địch - ta, vững tin thắng lợi, kiên quyết lãnh đạo mở Chiến dịch Tây Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thì chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là chiến thắng mở màn chiến dịch cao điểm mùa khô năm 1975, tiến tới mở mảng, mở rộng vùng giải phóng liên tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong và Mỹ Tho, tạo thế và lực mới để Quân khu 8 nói chung và Sư đoàn BB 8 cùng chiến trường Mỹ Tho nói riêng tích cực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi ở hướng Tây Nam.

40 năm gặp lại ở chiến trường xưa, tôi xin cúi đầu cảm phục trước sự hy sinh những người con của các bà mẹ Nam - Bắc vì sự nghiệp cao cả. Xin cảm ơn các đơn vị tăng cường phối hợp, các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hậu cần nhân dân vùng chiến sự. Tôi không quên cảm ơn Huyện ủy, BCH Huyện đội Cái Bè, đặc biệt là anh Ba Trọng (Chính trị viên Huyện đội) đã sát cánh, nhiệt tình hỗ trợ Sư đoàn BB 8 chuẩn bị chiến trường, phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Quá trình xây dựng, quyết tâm chiến đấu và xử lý tình huống trong tác chiến tôi luôn được trợ giúp với trách nhiệm cao của anh Phan Lương Trực (Phái viên của Bộ Tư lệnh Miền), anh Hai Điệp (Tham mưu trưởng), Năm Nhơn (Tham mưu phó Sư đoàn) và được thống nhất chỉ đạo sát sao của anh Ba Thắng (Chánh ủy Quân khu 8), anh Mười Thi (Chánh ủy Sư đoàn BB 8)…

Niềm vui hội ngộ 40 năm Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng không trọn vẹn khi vắng mặt các anh: Ba Thiên (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24) vì tuổi cao sức yếu; anh Mười Liên (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 320) và Năm Thời (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 207) đã ra đi vì bệnh tật. Tôi cảm ơn các chiến binh thuộc quyền đã thực thi “quân lệnh như sơn”.

Suy cho cùng, chiến thắng trên chiến trường phụ thuộc vào tinh thần quả cảm và mưu trí của chiến binh. Xương máu, lòng dũng cảm của họ và những chiến công xuất sắc của các đơn vị cùng với công sức đóng góp của nhân dân huyện Cái Bè, xã Mỹ Trung đều có giá trị vô giá cho thắng lợi chung. Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là chiến công chung của mọi người, không phải của riêng ai.

Thiếu tướng NGUYỄN HỮU VỊ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 242
  • Khách viếng thăm: 238
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 79451
  • Tháng hiện tại: 2279740
  • Tổng lượt truy cập: 48653867