Nâng cao ý thức trách nhiệm PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại

Đăng lúc: Thứ hai - 09/09/2013 14:03
Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị (sau đây gọi tắt là chợ) lớn, nhỏ. Đây là những nơi tập trung đông người với lượng hàng hóa lớn, trong đó có nhiều chất dễ cháy nên nguy cơ cháy lan, cháy lớn rất cao khi có sự cố cháy xảy ra; việc thoát nạn và công tác cứu người, di dời tài sản, chữa cháy và chống cháy lan gặp rất nhiều khó khăn.
Diễn tập phương án cứu người khi có sự cố cháy xảy ra.

Diễn tập phương án cứu người khi có sự cố cháy xảy ra.

Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Như vụ cháy chợ Cai Lậy xảy ra vào ngày 31-12-2003 ở khu 2, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, gây thiệt hại toàn bộ nhà lồng chợ với 240 quầy sạp của 135 hộ kinh doanh. Tổng thiệt hại tài sản trị giá khoảng 19 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy do sự cố điện.

Hay như vụ cháy chợ An Hữu, thuộc ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè vào lúc 5 giờ ngày 15-3-2003. Vụ cháy đã gây thiệt hại 230m2 nhà lồng chợ và 5 căn nhà liền kề. Thiệt hài tài sản gần 7 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy vẫn là do sự cố điện.

Ngoài ra, còn nhiều vụ cháy khác như: Cháy chợ trái cây Vĩnh Kim, Châu Thành gây thiệt hại 300 triệu đồng; cháy dãy vựa trái cây ở khu 3, thị trấn Cái Bè gây thiệt hại 1 tỷ đồng; cháy chợ Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, thiệt hại 650 triệu đồng; cháy chợ Bến Tranh, huyện Chợ Gạo, xảy ra vào ngày 24-2-2013, thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Những vụ cháy trên không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, để lại nhiều khó khăn cho tiểu thương mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đa số các vụ cháy xảy ra vào ban đêm, không được phát hiện sớm.

Mặt khác, hệ thống PCCC tại các chợ đều không được quan tâm đầu tư trang bị hoặc có trang bị nhưng không được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên nên khi có sự cố cháy xảy ra đã xử lý không hiệu quả. Nhiều chợ khi cháy xảy ra, xe chữa cháy không có đường vào.

Một thực tế thường thấy là hiện nay hệ thống điện ở nhiều chợ (nhất là các chợ tạm) câu mắc chằng chịt như mạng nhện, chưa tách hệ thống điện thành từng hệ thống riêng biệt; hàng hóa để cả lên dây điện hoặc sát đường dây dẫn điện nên rất dễ xảy ra cháy.

Nguồn nước tại chỗ thiếu nghiêm trọng; việc xây dựng và trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC tại chỗ còn mang tính chiếu lệ, đối phó. Các chợ không có cơ chế hoạt động rõ ràng cho lực lượng PCCC tại chỗ, cho nên chất lượng hoạt động của lực lượng này không cao.

Điều đáng lưu ý là ở một số nơi, các cơ quan chức năng, ban quản lý chợ chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, thậm chí có nơi còn cố tình vi phạm quy định về an toàn PCCC. Khi lực lượng kiểm tra phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục hạn chế lại đưa ra nhiều lý do để biện minh.

Để thực hiện tốt công tác PCCC tại các chợ, trước tiên là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm từ phía cơ quan chủ quản, Ban quản lý các chợ. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục hạn chế, thiếu sót. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, cần chú trọng những biện pháp sau:

1. Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định.

2. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm, dễ cháy như xăng dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà lồng chợ.

3. Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

4. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ.

5. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.

6. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn ủi điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.

7. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng.
8. Chợ có diện tích vượt quá tiêu chuẩn (2.200m2/tầng) phải xây tường ngăn cháy, trường hợp không thể áp dụng được giải pháp trên thì lắp đặt màn nước ngăn cháy lan tại ví trí xây tường ngăn cháy.

9. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.

10. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định.

11. Không làm thêm mái che, mái vẩy, không bố trí quầy sạp, bãi để xe, không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.

12. Không bố trí nhà ở, khách sạn, vũ trường, trường học và các hoạt động tập trung đông người ở tầng trên của các chợ.

13. Khi bố trí chợ ở phía trên của nhà nhiều tầng, phải:

- Bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp.

- Bố trí phòng lánh nạn tạm thời, bố trí lối thoát nạn dự phòng. Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời.

- Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.

- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.

14. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để thường trực, tuần tra phát hiện cháy; huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.

15. Trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy. Tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, sớm phát hiện thiếu sót và tổ chức khắc phục kịp thời. Mua bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện và bắt buộc theo quy định.

16. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống xảy ra cháy phức tạp nhất.

17. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất; đồng thời bằng mọi cách dập lửa và cứu người theo phương án.

Lê Thanh Nhàn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 396
  • Khách viếng thăm: 394
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 106650
  • Tháng hiện tại: 1855550
  • Tổng lượt truy cập: 48229677