Về với đất rừng

Đăng lúc: Thứ hai - 08/11/2010 08:46
Đoàn văn nghệ sĩ TG nghe thuyết trình về quá trình hình thành và bảo vệ an toàn cho chiến khu

Đoàn văn nghệ sĩ TG nghe thuyết trình về quá trình hình thành và bảo vệ an toàn cho chiến khu

Ngày cuối thu, khắp nơi bầu trời giăng đầy mây xám, càng trở nên thuận tiện cho chuyến đi xa về nguồn của đoàn văn nghệ sĩ (Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang) tìm đến với đất rừng miền biên giới, chiến khu D.

Ở đây vạt rừng mênh mông sâu thẳm, âm u chằng chịt với các sắc màu hoang dại. Rừng bao phủ trên nền đất xám bạt ngàn, rừng chắn trước mặt, rừng chờ chực ở hai bên, hiện diện xa gần, khắp nơi khắp chốn.

Rừng nhiệt đới miền Đông Nam bộ nơi đây vốn nổi tiếng là kho tàng quý giá của vô số loại gỗ cùng sự tạp chủng về mọi loài thảo mộc đa dạng, đa ngành. Có đến nơi mới nhận ra cây cối đã mặc sức tung hoành ra sao khi đeo bám, nương tựa để vươn đến tầm cao ngất ngưỡng “thỏa chí bình sinh”. Riêng với sự hoang dại khá nguyên sơ, đầy thách thức thì chắc chắn nhiều người sẽ phải chùn chân sợ hãi khi phải một mình cô đơn lạc lối giữa nơi thâm u, hiu quạnh nầy.

Nhưng trái lại, đã từ nhiều năm trước, rừng không vì thế mà trở thành đất chết. Chốn rừng thiêng nước độc nầy lại còn là nơi nuôi dưỡng chí lớn ngất trời của các bậc cha anh ra đi làm nên lịch sử.

Chúng tôi đặt chân đúng vào khu di tích Cục R ngày nào vào buổi xế chiều, nơi đây từng là trung tâm đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống xâm lược miền Nam. Cô hướng dẫn rất trẻ cứ thỉnh thoảng lại dừng bước hãnh diện “khoe” một số đặc sản rừng với những thân cây cao ngất hay dây leo chằng chịt mà trong đó đã không thể thiếu lá trung quân, cây kơnia hay những cổ thụ đồ sộ còn lại đang hiên ngang giữ rừng mà tuổi đã không ít hơn thế kỷ.  

Dưới tán rừng bây giờ độc một nguồn ánh sáng dịu mát sâm sẩm, tạo mối giao thoa giữa hoài niệm và cảm xúc cho những ai đang cố tìm về dấu vết ngày xưa. 

Hồi ấy nơi đây, những ngôi nhà lợp lá trung quân nho nhỏ đơn sơ nằm rải rác theo cách thiết kế không cửa, vách thấp, có chiến hào mà chủ nhân của chúng chính là các vị tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo cấp cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Những con người ấy có thực, từng hiện diện, ẩn cư nơi đây giữa những năm tháng đầy gian khổ và ác liệt trong chiến tranh cách mạng giải phóng. Người ta đã không quên bố trí bảo vệ đặc biệt cho khu vực quan trọng nầy với tầng tầng lớp lớp an ninh liên lạc, cùng các trạm gác, hầm chông, mìn bẫy…

Khó khăn là thế, nhưng người ở rừng vẫn còn phải canh cánh chống trả lại vô số âm mưu hiểm độc của kẻ thù, từ việc không kích, oanh tạc đến dùng vũ lực tiến công ồ ạt. Địch phun thuốc khai hoang, ném bom rải thảm và càn quét… để lại nơi đây dấu vết hố bom B52 dẫy đầy cùng với vô số chiến hào của ta quanh co gấp khúc... Những trận càn liên miên vô chừng của địch mà trong đó tập trung nhất bởi chiến dịch Jônsơn-Xity vốn là đỉnh cao cho sự càn quét quyết liệt, địch huy động đến mấy chục ngàn quân còn in hằn dấu vết trong sách vở, trên trận địa và ở cả lòng người.

Nhưng rừng thiêng đã tự khẳng định mình, thể hiện bản lĩnh qua những ngày bốc lửa, sôi sục khí thế bất khuất, đập tan kế hoạch của kẻ thù để giành chiến thắng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc kháng chiến của nhân dân. Nếu giặc sử dụng sức mạnh tối đa, ta chủ động rút lui, lánh mặt, nhưng khi địch liều lĩnh đột kích, ta cương quyết đập tan, lúc địch lùi ta tiến, địch càng tiến, càng bại. Thế trận ở rừng chính là quyền làm chủ và cái quyền thiêng liêng ấy lúc nào cũng thuộc về chiến sĩ cùng nhân dân ta.

Về với rừng, hơn nữa còn có một đêm được ở lại rừng, đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang càng thấm thía sâu sắc để được chiêm ngưỡng đôi nét sự kiện lịch sử những ngày còn chưa xa lắm. Về đây với rừng để thoáng chốc tiếp cận chút hào khí oanh liệt, bài học nằm gai nếm mật, chí quật khởi kiên cường, bất khuất thể hiện nguồn kinh nghiệm quý báu đúc kết tự ngàn xưa của các bậc tiền nhân...

Những địa danh như Tua Hai, Xa Mát… chưa từng quen biết, nhưng qua chuyến đi sẽ còn nhắc nhở mãi lòng mình kỷ niệm về một vùng đất từng trải qua lịch sử đầy gian truân, đầy nghiệt ngã nhưng rất oanh liệt, anh hùng.

Lê Tư
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 416
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 63916
  • Tháng hiện tại: 1812816
  • Tổng lượt truy cập: 48186943