Trung học tư thục Lê Quí Đôn, ngôi trường “việt cộng”

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/08/2012 21:04
Vào giữa thập niên năm mươi (những năm 1955, 1956, 1957), nhiều trường trung học tư thục mọc lên ở khắp tỉnh Định Tường. Trong đó, một số trường là nơi tụ hợp của các giáo sư là những cựu kháng chiến còn lại ở miền Nam để tạo nơi bám trụ hợp pháp, né tránh sự lùng sục bắt bớ, đồng thời tìm cách liên lạc, móc nối với tổ chức cách mạng, chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Trường Trung học tư thục Lê Quí Đôn Cái Bè do ông Diệp Tư Khấu, một cán bộ kháng chiến đứng ra thành lập theo sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Văn Thời (Huỳnh văn Niềm), phó bí thư chi ủy xã Đông Hòa Hiệp và thị trấn Cái bè xác nhập. Trường thành lập khoảng năm 1957, bắt đầu chiêu sinh từ lớp đệ thất (lớp 6). Học trò đa phần từ làng quê và các xóm lao động nghèo vì trốn quân dịch làm căn cước giả, khai man tuổi nên không vào trường công được. Ban đầu, trường chỉ mời một số giáo sư ở Cái Bè  giảng dạy, sau mở thêm các lớp đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, số lượng học sinh ngày càng đông, phải thỉnh giảng một số thầy cô ở các trường Nguyễn Công Trứ (Mỹ Tho), trường Nguyễn Du (Cai Lậy), Bán công Chợ Gạo… Dù thành lập sau, trước đó ở Cái Bè đã có trường Tư thục Dân Trí, nhưng với đội ngũ giáo sư giỏi: Thầy hiệu trưởng Cổ Tấn Anh Phong dạy lý, hóa, thầy Võ Đăng Minh dạy toán, thầy Lương Hiệu Vui dạy Pháp văn, thầy Huỳnh Công Trứ dạy văn…, trường đã nhanh chóng nổi tiếng và thu hút học sinh ghi tên nhập học.

Cô Lê Thị Nhạn (cựu giáo viên trường tiểu học Lê Thị Riêng. TP Hồ Chí Minh) là học sinh của trường Lê Quí Đôn từ năm 1957đến 1960, bồi hồi nhớ lại: Năm đó tôi học xong đệ thất ở trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, vì gia đình nghèo, phải chuyển về  trường Lê Quí Đôn. Ban đầu tôi rất buồn vì mình đang là học sinh một ngôi trường nổi tiếng ở tỉnh, phải chuyển về trường quận lỵ. Mà lại là trường tư, vốn dành cho những học sinh thi rớt vô trường công… Nhưng rồi chính ở ngôi trường  nền đất, vách ván đơn sơ nầy, tôi đã trãi qua những năm học lý thú và bổ ích. Những giờ toán vốn khó nuốt, qua sự dẫn dắt của thầy Minh không còn là những con số, hình vẽ khô khan, mà mở ra cho chúng tôi những khám phá thú vị. Thầy Vui dạy Pháp văn, giản dị dễ hiểu, mà hấp dẫn, lôi cuốn với những bài lecture, rédaction luyện tập sinh động, học rồi là không quên.  Chính những kiến thức căn bản trang bị ở trường Lê Quí Đôn, đã giúp tôi vượt qua kỳ thi Trung học đệ nhất cấp ỏ trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, học tiếp chương trình đệ nhị cấp và thi đỗ tú tài sau nầy…

Học trò Lê Quí Đôn luôn trông chờ đến giờ việt văn của thầy Trứ, để được nghe thầy giảng về những áng văn thơ yêu nước  của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị… Những bài giảng của thầy luôn khơi dậy trong các lứa học sinh lòng yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. Không chỉ ở những bộ môn chính, trong các bài giàng địa lý, sử ký, thầy cô cũng mang đến cho học sinh nhiều thú vị như vĩ tuyến 17 không phải là ranh giới quốc gia của nước Việt Nam cộng hòa, như sách ghi, mà chỉ là đường ranh tập kết quân sự tạm thời và sẽ được xóa khi hai miền tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Genève. Từ những kiến thức ngoài sách vở ấy đã cho học sinh sự am hiểu, cái nhìn đúng đắn về thời cuộc, để hình thành chí hướng, con đường tương lai khi rời trường. Rất nhiều lứa học trò từ những bài giảng, từ lớp học của trường Lê Quí Đôn đã đi thẳng vào chiến khu…

Trường Lê Quí Đôn còn là địa điểm tụ hợp của bộ phận công khai hợp pháp  thuộc cơ sỏ Tư trí vận Mỹ Tho. Ngôi nhà trong vườn cây sầm uất của ông Diệp Tư Khấu, ông Huỳnh Công Try là nơi họp mặt, nuôi dấu cán bộ hoạt động nội thành. Có các đồng chí bị địch lùng sục, “treo giá” rất cao như: Phan văn Thảo (Chín Thảo), Phạm Văn Kim (Bảy Kim), Hồ Quang Ân (Ba Ân), Nguyễn Thị Thanh Hà (Tám Hà)… Năm 1971, ông Diệp Tư Khấu, bị bắt đày ra Côn Đảo. Ông hiệu trưởng Cổ Tấn Anh Phong bị mời qua dinh quân. Trước khi đi, ông nói với thầy Huỳnh Công Trứ: Nếu hôm nay tôi đi mà không về, thì anh thông báo với mọi người, sắp xếp thầy dạy thế các môn của tôi, không để học sinh phải mất giờ học… Tại dinh Quận, đích thân quận trưởng Hạp chất vấn thầy Phong về thành phần xuất thân và tình hình giảng dạy của trường. Rất bình tĩnh, thầy Phong nêu tôn chỉ mục đích của trường, và yêu cầu thỉnh giảng giáo viên đúng tiêu chuẩn đã được chính quyền đề ra, và thực chất họ đã giảng dạy thật tốt, còn quá khứ xuất thân của họ trường không chịu trách nhiệm. Quận trưởng Hạp phủ đầu. Nếu chúng tôi ra lệnh đóng cửa trường thì ông nghĩ sao? Thầy Phong đĩnh đạt. Đó là việc của chính quyền, nhưng tôi nghĩ đóng cửa một ngôi trường thì phải có lý do chính đáng, và tôi đề nghị các ông phải lo cho học trò có chỗ học tiếp tục không để việc học hành của các em dở dang.

Thầy Phong ra về bình an, trường Lê Quí Đôn vẫn tiếp tục hoạt động giảng dạy cho đến ngày 30/4/1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các trường tư thục được sáp nhập với trường công lập. Trường Lê Quí Đôn chấm dứt vai trò của mình, các thầy cô, đa số đều tham gia hoạt động cơ sở hoặc xuất thân trong gia đình theo cách mạng, người tiếp tục giảng dạy, người được tổ chức phân công chuyển ngành: Thầy Phong được bổ nhiệm là hiệu trưởng trường Trung học Cái Bè, thầy Vui về Ty giáo dục, thầy Trứ về Mặt trận Tổ Quốc thành phố Mỹ Tho…

Gần bốn mươi năm trôi qua, thầy Phong, thầy Trứ, Thầy Ân…đã lần lượt qua đời, dấu tích ngôi trường dưới chân cầu sắt ngày nào không còn gì, nhưng  kỷ niệm về ngôi trường thân yêu vẫn mãi in đậm trong tâm tưởng các lứa học sinh, để mỗi khi có dịp gặp nhau, là họ say sưa cùng nhắc lại và tự hào có một thời mình đã mang phù hiệu có dòng chữ: Trung học tư thục Lê Quí Đôn Cái Bè trên áo.

Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Lê Quí Đôn, Thu Trang

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 432
  • Khách viếng thăm: 429
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 85867
  • Tháng hiện tại: 1951646
  • Tổng lượt truy cập: 48325773