Tavasi

Đăng lúc: Thứ tư - 23/02/2011 13:25
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (trái) và tác giả bài viết.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (trái) và tác giả bài viết.

Tavasi là tên gọi vui đối với nhà thơ Tạ Văn Sỹ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Kon Tum. Cái tên này có cách nay vừa đúng 10 năm, khi tôi và Tạ Văn Sỹ cùng tham gia Trại sáng tác Văn học tại Hà Nội, do Hội Nhà văn tổ chức vào năm 2001. Thú thực là lúc đó tôi chỉ gọi cho vui thôi, ai ngờ “chết danh” luôn. Hồi đó cũng như bây giờ gặp lại, Tavasi của tôi chẳng thay đổi bao nhiêu, vẫn đen giòn, vui nhộn, nói năng hoạt bát, sống hết mình với bạn bè và rất đỗi yêu thơ. Chỉ có khác là Tavasi già dặn hơn, phong trần hơn, hồn thơ khúc chiết hơn, sâu lắng hơn và đã là ông ngoại của hai cháu.

Chuyến đi thực tế của Trại sáng tác truyện ngắn Tiền Giang năm 2010, do nhà văn Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, làm trưởng đoàn nhắm đèo Măng Đen (thuộc xã Đắk Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) trực chỉ. Trên chặng đường hành trình dài gần một ngàn năm trăm ki lô mét, đoàn dừng nghỉ chân tại thành phố Ban Mê Thuột để sáng hôm sau tới viếng mộ Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan. Số trời! Và hình như có duyên nợ, tại đây anh em văn nghệ sĩ Tiền Giang tình cờ được gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, tác giả của bài hát nổi tiếng “Ly cà phê Ban Mê”, người thầy của nghệ sĩ Y Moan, vừa mới từ Hà Nội bay vào thăm công trình xây mộ Y Moan. Giữa bạt ngàn rẫy cà phê đang vào mùa thu hoạch, nhạc sĩ Nguyễn Cường, dân Hà Nội, từng uống nước sông Sê Pan, sông Krông Ana, từng nghe tiếng chim Chơrao trên đỉnh Chư Prông, từng tắm mình trong tiếng chiêng cồng Tây Nguyên với biệt danh ông “Tây độc” đã cùng đoàn thắp nén nhang trước “Ngọn lửa cao nguyên” vừa vụt tắt. Trước đó, mặc dù thời gian eo hẹp, vội vã, khẩn trương, nhưng đoàn cũng tranh thủ giao lưu với nhà văn Niê Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk và nhà thơ Lê Vĩnh Tài bên ly cà phê Ban Mê buổi sáng trước khi lên đường đến Măng Đen và cũng chính nhà thơ Lê Vĩnh Tài tình nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn tại tỉnh Đắk Lắk.

Tavasi đón đoàn tại thành phố Kon Tum, vừa bước lên xe đã cười giòn và “mở đài” ngay khi chưa kịp chào hỏi: - Lên Măng Đen còn khoảng 50km nữa và chỉ có một con đường độc đạo là đường 24. Đường 24 được ví là “con đường xanh Tây Nguyên” nối đường 14 tại Kon Tum với Quốc lộ 1 tại Quảng Ngãi. Còn Măng Đen được ví như “Đà Lạt thứ hai”, “Đà Lạt của Kon Tum”, nằm ở độ cao

hơn 1.300 mét so với mực nước biển, giữa ngút ngàn thông reo và hương hoa rừng; nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng từ 20 đến 22oC. Đây là điểm phân thủy giữa Đông và Tây Trường Sơn, nơi mà…! Giọng Tavasi chợt ngân lên: - “Bên nắng đốt, bên mưa quây”, “Trường Sơn bên nắng bên mưa rừng/ Nắng mưa năm tháng em đã từng”, “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” và, nếu ta chưa tới đó là chưa hiểu mình. Nhà thơ có khác, mỗi chút mỗi lấy thơ ra minh họa. Tôi ghé vào tai Tavasi nói nhỏ: - Ông học thêm vài ngoại ngữ rồi chuyển qua nghề hướng dẫn viên du lịch là có thể tung lên mạng “tavasi@gmail.cháo” được. Tavasi  cười, giọng cười giòn tan.

Lời giới thiệu quả không ngoa, đường 24 như một dải lụa uốn lượn giữa đại ngàn Tây Nguyên, xuyên qua bạt ngàn rừng thông, rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang; xuyên qua đèo Măng Đen và đèo Viôlắk, qua các bản làng người dân tộc Bahna, Xêđăng, Ka Dong, Hrê, Mơ Nâm. Đường ngoằn ngoèo, đèo uốn lượn, khung cảnh thiệt nên thơ. Chỉ vào một thân cây sừng sững một mình giữa đồi cao có tán lá hình quả trứng màu xanh sẫm, Tavasi hỏi: - Các bạn có biết đó là cây gì không? Chưa ai kịp trả lời, giọng Tavasi lại ngân lên: - Buổi sáng em làm rẫy/ Thấy bóng cây kơnia/ Bóng ngã che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây kơnia... Cả xe ồ lên! Bởi vì lâu nay nhiều người chỉ biết cây kơnia qua bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Ngọc Anh, sáng tác vào những năm 1957-1958, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc vào năm 1971, qua giọng ca biểu diễn rất thành công của ca sĩ Măng Thị Hội, chớ nào đã có ai nhìn thấy cây kơnia bao giờ.

Quê gốc ở Quảng Ngãi, theo cha mẹ lên Kon Tum lập nghiệp từ lúc còn nhỏ, Tavasi đã có hơn 50 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, nên anh rất rành rẽ, thông thuộc vùng đất này. Qua lời giới thiệu của Tavasi, mọi người không chỉ được biết loài cây có bộ rễ “dài nhất thế giới”, mọc ở miền Trung, uống nước nguồn tận miền Bắc mà còn được biết cây kơnia có chiều cao khoảng 15 đến 30 mét, đường kính từ 40 đến 60cm, lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành, tán lá hình quả trứng, hoa màu trắng, có từ 4 đến 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá; quả hình trái xoan chứa tinh dầu mùi thơm, ăn được, có tác dụng chữa bệnh đầy bụng, no hơi, sốt rét rừng. Cây kơnia có sức sống rất mãnh liệt, chất độc hóa học của Mỹ cũng chào thua, cành lá tươi tốt, xanh sẫm quanh năm và mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào dân tộc vì họ cho rằng, đó là nơi trú ngụ của các thần thánh, vong linh người đã khuất. Gỗ cây kơnia khi khô rất cứng, đinh đóng vào là bị cong, nhưng lại dễ mục, mối mọt nên khó sử dụng. Lại còn được biết thêm về nhà thơ, nhà báo Ngọc Anh (Nguyễn Ngọc Anh), sinh ngày 3/3/1934, tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từng làm báo Vệ quốc quân thuộc Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu V; một thời cùng làm phóng viên chiến trường tại mặt trận Tây Nguyên với nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Nhật Lai, Trương Đình Quang. Ngọc Anh là người sống dưới bóng cây kơnia, chết dưới gốc cây kơnia, ông hy sinh năm 1964 tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Tavasi đi nhiều, biết rộng, có trí nhớ tốt, từng một mình một xe Honda rong ruổi khắp 64 tỉnh, thành trong cả nước, nên chỗ nào cũng có bạn văn thơ. Vì vậy, hầu hết các đoàn văn nghệ sĩ trong cả nước có dịp du lịch đến Kon Tum, đều nhờ Tavasi làm hướng dẫn viên. Tavasi kể: - Có lần ông Trí Huân dặn lần này ra dự Đại hội Hội Nhà văn, Sỹ cứ bay ra rồi hội thanh toán. Không ngờ ông lại thấy tôi lù lù xuất hiện với con chiến mã. Có lần tôi dẫn một đoàn xuống Ban Mê Thuột, chơi hết bóp luôn, lúc về phải nói nhỏ với nhà thơ Lê Vĩnh Tài “cho tao ít tiền đủ về đến Kon Tum”. Có lần…!. Tavasi của tôi là vậy. Lúc đoàn đến xã Hiếu, huyện Kon Plong, khi Tavasi đang nói về ngục tù Kon Tum và cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thì chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia ai đó đang hỏi thăm sức khỏe, Tavasi cười, trả lời rổn rảng: “Tôi thì lúc nào cũng vậy, khỏe toàn phần, đen toàn thân”. - Đến Măng Đen mà không thăm đèo Viôlắk coi như chưa đến. Giọng Tavasi lại vang lên: - Bên này đèo là huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, bên kia đèo là huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Chuyện xưa kể lại rằng, vào năm một ngàn không nhớ, có hai làng dân tộc hẹn nhau giao chiến dưới chân đèo. Đến nơi, họ mang rượu ra thách thức “violak” trước, tiếng dân tộc có nghĩa là chưa say, thì chưa chiến. Uống say, thay vì chiến họ lại hòa, dân hai làng kết nghĩa ăn thề, tên đèo Viôlắk được khai sinh từ đó.

Đường đèo quanh co, uốn lượn giữa bạt ngàn thông reo, thấp thoáng lưng chừng đồi từng nếp nhà sàn lơ lửng khói. Xa xa, từng chân ruộng bậc thang như tô điểm thêm sức sống của con người, vẽ nên một khung cảnh tuyệt vời, nên thơ. Tham gia làm hướng dẫn viên cho đoàn do Tavasi mời còn có thầy Lê Văn Tân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đắk Long và thầy Đinh Xuân Giang, người dân tộc Xê Đăng làm Phó Hiệu

trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Kon Plong. Tavasi cặn kẽ: - Người dân tộc Xê Đăng trước đây không có họ, do tham gia cách mạng bị bọn Pháp bắt, chúng phân biệt với những người khác bằng hai nét xổ dọc và xổ ngang như hình cái khố, giống hình chữ đinh, nên từ đó người dân tộc Xê Đăng đều lấy chữ Đinh làm họ. Nghe Tavasi, Lê Văn Tân, Đinh Xuân Giang thuyết trình thì Măng Đen quả tuyệt vời và qua tham quan thực tế, chúng tôi thấy còn “hơn cả tuyệt vời”, đúng là “vương quốc của ngàn thông”, “Đà   Lạt   thứ  hai”   trên   cao

nguyên xanh. Hơn nửa thế kỷ trước, người Pháp đã có ý định xây dựng Măng Đen thành khu an dưỡng, nghỉ mát nhưng không làm được thì giờ đây, Tavasi cho biết: - Măng Đen đã được Tổng cục Du lịch đưa vào kế hoạch bổ sung cho chiến lược quy hoạch phát triển ngành du lịch Việt Nam và là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum. Ngoài đèo Măng Đen, đèo Viôlắk, rừng nguyên sinh và bạt ngàn thông đẹp như thơ, xung quanh Măng Đen trong vòng bán kính khoảng 10km còn có rất nhiều hồ và thác như: thác Tram, Paish, Đắk Ke, Lô Ba tung bọt trắng xóa; hồ Toong Đam, Toong Pô, Toong Zơri thơ mộng đúng nghĩa với tên gọi Làng Hồ (Kon: làng, Tum: hồ). Tuy nhiên…! Giọng Tavasi chợt buồn: - Ở thành phố Kon Tum thì tên gọi Làng Hồ rồi sẽ không còn nữa bởi hầu hết các ao hồ đã bị lấp gần hết để lấy đất xây dựng và quá trình đô thị hóa đã làm cho làng cũng không còn. Riêng ở Măng Đen thì trong tương lai sẽ trở thành một “thành phố của những người giàu” bởi những quy hoạch mang tính nghiêm ngặt. Đất thì huyện bán như cho, khoảng 100 đến 250 ngàn đồng một mét vuông, nhưng phải xây biệt thự chí ít cũng từ 1 đến 2 tỷ đồng. Sau khi giao đất từ 3 đến 6 tháng mà không xây dựng, huyện sẽ thu lại, hiện đã có 162 khu biệt thự và khoảng gần 190 khu đang chờ giấy phép. Bên cạnh đó, Măng Đen đã có 36 dự án đầu tư với số tiền gần 3.500 tỷ đồng, ngoài ra còn có 7 dự án du lịch, 5 dự án nuôi trồng rau, hoa, cá xứ lạnh cùng các dự án: khu thực nghiệm sinh học, khu nuôi thú rừng, nhà máy xử lý rác và phân vi sinh, nhà máy thủy điện… với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD.

Chuyện hôm qua như nước chảy về đông! Rút dao chém xuống nước, nước chảy càng mạnh! Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn! Tạm biệt Măng Đen, tạm biệt Tavasi.

Đậu Viết Hương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 176
  • Khách viếng thăm: 170
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 7251
  • Tháng hiện tại: 2239801
  • Tổng lượt truy cập: 46207034