Phú Quý - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/04/2014 08:37
Nằm giữa trùng khơi, cách xa đất liền hơn 100 km nhưng đảo Phú Quý có nhiều lợi thế, tiềm năng cả về kinh tế lẫn quốc phòng, lại vừa là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên từ xưa đến nay, đảo Phú Quý luôn là một đề tài nóng bỏng được nhiều người quan tâm.

Sau cuộc hành trình bằng đường bộ suốt đêm ra đến thành phố Phan Thiết, chúng tôi tiếp tục theo đường thủy lên tàu vượt gần 56 hải lý (trên 100 km), lênh đênh trên biển suốt 6 tiếng đồng hồ mới ra đến đảo.

Ngược dòng thời gian

Trong những phát hiện mới nhất về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đảo Phú Quý thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, tồn tại cách nay hàng nghìn năm. Tuy là một đảo nhỏ nằm giữa trùng dương, cách xa đất liền hơn 100 km, nhưng những dấu tích phát hiện được cho thấy, con người đã có công khai phá, tạo nên cuộc sống trên đảo từ rất sớm.

Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động của người xưa như rìu, búa và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng, trước khi có sự khai sơn phá thạch của những con người từ lục địa ra, trên đảo đã có một giống người “Thượng” sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển.

Một góc đảo Phú Quý.
Một góc đảo Phú Quý.

Qua sử sách từ thời Tiền Lê (980-1009), đảo Phú Quý từng có nhiều tên gọi như: Cổ Long (Koh-Rong), Kulau (cù lao) Khoai Xứ, Kulau Thu… Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể.

Cùng với những phần mộ còn sót lại trên đảo, sự tích công chúa Bàn Tranh chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở đảo này rất sớm. Sự tích kể rằng, Bàn Tranh là một nàng công chúa xinh đẹp vì chống lệnh vua Chăm, bị kết tội phản nghịch nên bị lưu đày ra đảo. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672), rất nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung hoặc chạy giặc lánh nạn, hoặc đi tìm nguồn cá, thuyền của họ vượt sóng trùng dương gặp phải những trận cuồng phong khốc liệt đã phiêu dạt lên đảo.

Vào thế kỷ thứ XVII, một số quan quân nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại, đã phải trốn ra nước ngoài. Từng đoàn thuyền người Hoa vượt biển tiến về phía Nam, trong số đó có hàng chục thuyền đã quyết định dừng chân lập nghiệp ở đảo Phú Quý. Khi dân cư ngày một đông thì các hình thức tổ chức xã hội cũng dần dần được hình thành.

Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo thành từng hộ bạch bố đến đội bạch bố rồi dần dần trở thành ấp và làng. Lúc bấy giờ, Phú Quý có đến 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi lúc chỉ có từ 10 đến 12 tráng đinh và thường mang những tên cũ của địa phương trước khi đến đây lập nghiệp.

Trong một thời gian dài, Phú Quý đã sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Mặc dù nằm giữa trùng khơi nhưng dưới các triều đại phong kiến, nhà Nguyễn đã áp đặt nơi đây nhiều sắc thuế như thuế thân, thuế bài chỉ, thuế vảy đồi mồi, thuế mắm cá cơm, thuế vải…Vì vậy, mâu thuẫn giữa người dân và chế độ phong kiến dâng lên cao độ. Từ đó, trên đảo đã hình thành những cuộc đấu tranh giữa những ngư dân với bọn quan lại trên tinh thần ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh.

Là một hòn đảo có nhiều lợi thế, tiềm năng cả về kinh tế lẫn quân sự nên thực dân Pháp và phát xít Nhật đều có mặt trên đảo Phú Quý. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, phong trào “Diệt giặc đói - Diệt giặc dốt - Diệt giặc ngoại xâm”; phong trào “Tuần lễ vàng - Hũ gạo kháng chiến”, nở rộ như hoa mùa xuân trên đảo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do nằm giữa biển khơi, xa sự chỉ đạo của Đảng từ đất liền nên đảo Phú Quý hầu như là một vùng trắng, ta không xây dựng được cơ sở cách mạng tại chỗ. Tuy nhiên, với truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, nhân dân trên đảo vẫn liên tiếp vùng lên đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống bắt lính bắt xâu, đòi tự do độc lập cho đến ngày 27-4-1975, đảo Phú Quý hoàn toàn được giải phóng.

Hướng tới tương lai

Sau ngày giải phóng, Ban Cán sự đảo được thành lập nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chuẩn bị thành lập chính quyền nhân dân cách mạng trên đảo. Bước đầu, đảo Phú Quý được xác định là một đơn vị hành chính cấp xã gồm ba thôn, trực thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Thuận Hải.

Đảng bộ lâm thời đảo Phú Quý được thành lập gồm ba chi bộ ở ba thôn với 16 đảng viên, hầu hết được tăng cường từ đất liền ra. Do tính chất đặc thù là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, vừa có tiềm năng kinh tế dồi dào, vừa mang tầm chiến lược an ninh quốc phòng vùng biên giới hải đảo nên ngày 15-12-1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/CP, quyết định thành lập huyện đảo Phú Quý.

Trên cơ sở đó, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời và các tổ chức chính quyền, ban ngành, đoàn thể của một huyện đảo mới thành lập từng bước được xây dựng và củng cố. Từ ngày 27-7 đến ngày 1-8-1979, Đại hội đảng viên Đảng bộ huyện Phú Quý lần thứ I, nhiệm kỳ 1979-1982 được tổ chức với sự tham dự của 55 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ.

Từ đó đến nay trải qua gần 40 năm, qua 9 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, từ 16 đảng viên ban đầu với 3 chi bộ, đến nay Đảng bộ huyện Phú Quý đã phát triển nâng tổng số lên 778 đảng viên, sinh hoạt tại 51 chi bộ trực thuộc 17 Đảng bộ cơ sở. Có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huyện đảo Phú Quý từng bước phát triển đồng bộ, về mọi mặt, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh - quốc phòng.

Đường giao thông trên đảo Phú Quý không ngừng được nâng cấp, xây dựng.
Đường giao thông trên đảo Phú Quý không ngừng được nâng cấp, xây dựng.

Trên lĩnh vực kinh tế, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, chế biến và nuôi trồng.

Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 20 ngàn tấn, nuôi trồng đạt gần 200 tấn, tăng gấp 13 lần so với những năm đầu thành lập huyện. Kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt gần 2.500 nghìn USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt gần 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1.000 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 1% so với tiêu chí mới.

Lĩnh vực văn hóa xã hội không ngừng được quan tâm đầu tư phát triển. Trước đây, mỗi xã chỉ có một trường tiểu học thì giờ đây, toàn huyện đã xây dựng được 14 trường (có 2 trường đạt chuẩn quốc gia) với tổng số 208 phòng học và 138 phòng chức năng. Trong đó, bậc mầm non 4 trường, bậc tiểu học 6 trường, bậc trung học cơ sở 3 trường, bậc trung học phổ thông 1 trường. Mỗi xã đều có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học phổ thông cơ sở. Năm 2007, huyện đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân được đầu tư đúng mức, 3/3 xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện hiện có 14 bác sĩ, 35 y sĩ, 24 điều dưỡng và 12 dược sĩ; các trang thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men được đầu tư toàn diện, đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Điện và nước ngọt là hai vấn đề sống còn của người dân trên đảo đã và đang từng bước được đầu tư nâng cấp, đảm bảo đủ cho nhân dân sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt năng lượng gió là nguồn điện dồi dào, đầy tiềm năng đang được huyện kêu gọi đầu tư để nâng cao sản lượng.

Trên lĩnh vực giao thông, ngoài thế mạnh đường thủy, hầu hết các tuyến đường trên đảo đều được nhựa hóa, bê tông hóa vươn dài tới các khu dân cư; cả ba xã đều đã đạt trên 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với những cố gắng nỗ lực vươn lên không ngừng, huyện đảo Phú Quý đang mở ra nhiều tiềm năng mới. Ngoài thế mạnh về kinh tế biển, Phú Quý là một hòn đảo đẹp với những bãi biển cát vàng thoai thoải, trải rộng, khí hậu trong lành, môi trường xanh - sạch - đẹp và có nhiều di tích lịch sử. Trong đó, chùa Linh Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng từ thời Cảnh Hưng thứ 8, đến nay đã có hơn 250 tuổi, còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn.

Bên cạnh đó, không thể không nói đến những hải sản độc đáo mà bất kỳ du khách nào cũng muốn được thưởng thức đó là cua huỳnh đế, ốc vú nàng và hải sâm. Tương lai đang rộng mở trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đậu Viết Hương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 207
  • Khách viếng thăm: 205
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 43750
  • Tháng hiện tại: 2276300
  • Tổng lượt truy cập: 46243533