Ngã ba sông

Đăng lúc: Thứ ba - 28/07/2009 08:58
Ngã ba sông

Ngã ba sông

Nhân thăm bạn ở Vĩnh Long tôi tìm được tài liệu thú vị về cù lao Tân Phong, một xã đảo giàu có của huyện Cai Lậy. Cuộc đất hình bình hành nằm giữa sông Tiền chưa biết hình thành bao giờ, nhưng khi tổ tiên người Việt vào khai phá, đặt nền hành chính cai trị thì nó có tên là Tân cù Bình An thôn, tức cồn mới bình an, thuộc tổng Bình Dương, châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Năm 1808, đời Gia Long, nó thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh và đến đời Minh Mạng, năm 1836, cái tên Tân Phong với ý nghĩa là đất mới giàu có ra đời, thuộc tổng Bình Hưng, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.
Khi người Pháp vào xâm lược đặt sự đô hộ, nền hành chánh có một số thay đổi, đầu năm 1900, làng Tân Phong lại thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Một người bạn nghiên cứu về lịch sử hành chánh lại cho biết, khoảng năm 1923, làng nầy bị Tây đổi tên là Tân Đông, nhưng vẫn ngờ ngợ, việc người Pháp phiên âm sai các địa danh ở Nam bộ là chuyện thường. Ở Cai Lậy, cái rạch Bàn Long họ phiên thành Ban Loi thế là người đời sau cứ ú ớ phóng bừa là Bang Lợi chết danh đến bây giờ chưa ai dám sửa...Ấy là chưa kể đến các ông thầy Nho khoái khoe chữ nghĩa mà xa rời thực tế như giồng Sao ở xứ Dưỡng Điềm là giồng có nhiều cây sao, mà phiên âm thành Tinh phụ, những con mọt sách hiểu là giồng ngôi sao thì có nước độn thổ. Tư liệu, sách vở xưa hẳn còn nhiều chuyện nhiêu khê, ai đó chép mà không bình tĩnh suy xét hay đến tận tại chỗ xác minh thì không chỉ “bút sa gà chết” mà chết cả thế hệ sau vì sự kém cỏi, dốt nát của người đi trước.

Cũng chuyện tên gọi mà cất công đi hỏi một cụ già ngoại tuổi thất tuần nghe nói sống ở cù lao Tân Phong từ nhỏ, tại sao đặt tên ấp Tân Luông, Tân Bường... chẳng có ý nghĩa gì hết. Cụ lắc đầu không biết, đành phải giở tất cả tài liệu liên quan rồi suy đoán. Thì ra tên ấp ngày xưa cũng khá hay “Lương - Thiện - Thái - Bình”, sau nầy có thêm Tân An và hai cái tên hiện còn giữ nguyên là Tân Thiện và Tân Thái. Còn Lương thì bị gọi trại đi là Luông và Bình thì chuyển thành Bường, sau năm 1975, do “nở nồi” nên cắt ra thành Tân Luông A và B và Tân Bường A và Tân Bường B. Nghe hơi kỳ nhưng cũng không đến nổi, có lần đi Chợ Gạo thấy người ta đặt tên ấp Đăng Phong Dưới và Đăng Phong Trên còn “sốc” hơn nhiều, chẳng lẽ tiếng Việt của chúng ta lại cùn mằn như thế!

Trở lại chuyện cù lao, sau năm 1945 tổng Bình Hưng chuyển sang quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long cho đến thời ông Diệm nắm quyền vẫn giữ nguyên như vậy. Riêng chính quyền kháng chiến thì do qua lại sông Tiền khó khăn, đất Tân Phong lại gần hơn với Cai Lậy, Cái Bè nên quyết định cắt chuyển sang Mỹ Tho để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng, rồi giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày thống nhất đất nước, thuộc đất Cai Lậy - Tiền Giang. Có điều băn khoăn tại sao cái cù lao nầy nằm gần với đất liền của Mỹ Tho mà cơ cấu hành chánh ngày xưa, tức từ thời Gia Long lập quốc lại đưa nó về xứ Vãng. Đứng ở ngả ba sông Tiền, nơi giao nhau các dòng nước phía đầu cồn, nhìn những đoàn ghe xuồng tấp nập đổ về hướng Mỹ Tho. Họ đi theo nhánh phía bắc, qua ngang Hiệp Đức, đoạn sông nầy hẹp nhưng sâu, còn phía nam thì mênh mông sóng gió, phỏng đoán một điều chưa biết đúng sai, có lẽ người xưa căn cứ vào thủy lộ để chia ranh giới. Và bây giờ nó vẫn là đường giao thông chính, cho nên đến cù lao Ngũ Hiệp ghe thuyền rẽ về phía nam qua Hàm Luông, nhờ thế mà Ngũ Hiệp từ lâu thuộc về Cai Lậy.

Tân Phong là vùng đất giàu có, như cái tên của nó. Giàu nhờ vườn. Cái thứ đất màu mỡ gà có khi sậm hơn vào mùa nước son đổ đã làm nên sự phì nhiêu của cái bãi bồi, cho nên càng về phía cuối hạ lưu, đất càng màu mỡ trồng cây gì cũng tốt. Có lẽ sự màu mỡ của đất thu hút dân tứ xứ đổ về khai thác, nên Tân Phong đa phần là dân ngụ cư, gốc gác từ Vĩnh Long, Cai Lậy, Cái Bè... gần như là nơi hội tụ của các anh hào giàu kinh nghiệm làm ra sản phẩm văn minh miệt vườn.

Cách đây mươi năm có một anh bạn làm chủ tịch xã nầy. Bấy giờ anh là một trong những chủ tịch xã trẻ nhất huyện. Năng nổ, nhiệt tình và phong cách của anh công tử miệt vườn, làm ăn giỏi nhưng chơi cũng hết mình. Nghe đâu vì chuyện để ria mép và tóc dài mà anh cũng từng bị phê bình. Sau được cho đi học, rồi được rút lên huyện làm phó cho một ngành mà anh thấy mình không có năng lực nên xin hưu non, về làm vườn. Mắc mớ gì! Một câu nói dứt khoát đúng phong cách của công tử miệt vườn. Nhưng không phải là công tử đâu, làm quần quật suốt ngày cây trái mới ra hoa kết quả chứ. Nhưng chơi là chơi hết mình. Khách đến thăm, anh kéo ngay chiếc tam bản đậu sẵn trước ụ nhà mời khách xuống. Bia rượu đầy đủ, mồi thì xứ nầy không thiếu, sang thì có tôm càng xanh, cá cóc cá chẻm, bình dân thì có con lưỡi búa, vẹm hến...Chạy một vòng quanh cù lao, thấy vườn cây nào hợp nhãn thì tấp vô bày cuộc chén anh chén chú. Có khi nhậu ngay trên ghe khi khách khoái tắm nắng tắm gió sông Tiền... Mấy năm không gặp, nghe nói anh đã bỏ đất cù lao, mang hết kinh nghiệm kiến thức nhà vườn của mình lên vùng Bình Phước khẩn đất trồng cây ăn trái và bây giờ trở thành chủ trang trại thuộc hàng đại gia trên đó.

Hồi đó nhờ anh giải thích mà hiểu phần nào cái cụ thể của văn minh miệt vườn. Văn minh đi liền với khoa học kỹ thuật, nhà vườn trồng cây đu đủ khi lớn phải đạp cho nó ngả nghiêng, vì cây đứng, trái sẽ đeo sát thân không lớn được lại dễ bị sâu bệnh, cây nghiêng thì trái thòng ra ngoài mau lớn, lại to, dễ chăm sóc nữa. Thêm chuyện trồng chuối làm sao mà một mô ba cây trổ quày một lượt theo ba hướng khác nhau. Ấy là khi trồng người ta chú ý đến vết xắn cây con và đặt theo hướng đối diện. Cái nầy nhà vườn phải để ý nhiều năm mới rút kinh nghiệm được. Thú vị hơn là tính toán làm sao cho bụi chuối cau có quày bán được vào đúng dịp các ngày rằm lớn trong năm... Dân miệt vườn làm thử rồi làm thiệt và phổ biến cho nhau, chứ không cần định nghĩa, không lý luận dông dài bằng những từ ngữ rất kêu như là mô hình thí nghiệm..., nhưng những giống sầu riêng nổi tiếng như RI.6, tức của Sáu Ri, sầu riêng Chín Hóa, hạt lép Chuồng Bò...là thương hiệu của nhà nông chứ không phải của ông kỹ sư nào hết.

Chuyện làm ăn nhanh nhạy là nhờ biết tiếp thu học hỏi. Riêng cái sự chơi thì văn minh miệt vườn cũng lắm điều phiền toái mà cũng xuất phát từ tinh thần ham tiếp thu học hỏi, thích giao du. Biểu họ chọn lọc sao được, thanh niên ở đây chơi hết mình vì xung quanh là bốn bề sông nước, qua đò qua bắc rất khó khăn. Muốn đi xem hát thì đêm hôm bất tiện, thôi thì ở tại chỗ, tự tổ chức những trò giải trí vậy. Cho nên cũng không lạ khi xã nầy nổi tiếng với nhiều vụ cờ bạc, đá gà, thêm cá độ, thụt bida ăn tiền... một dạo làm đau đầu các vị giữ an ninh trật tự. Mấy năm gần đây có cái Câu lạc bộ hát với nhau làm ăn cũng khá, thanh niên nam nữ đất cù lao có chỗ để phô diễn hát hò, rồi thêm một số quán karaoké, ở gia đình thì hầu như nhà nào cũng có ti vi đầu máy, bây giờ thì rộ lên dịch vụ internet... nói chung không thiếu trò giải trí, còn lành mạnh hay không thì cũng tùy người chơi lẫn người có trách nhiệm quản lý nhắc nhở.

Nói về sự chơi mới nhớ đến chuyện khai thác du lịch. Từ năm 1990 trở lại đây, Tân Phong nổi lên cái chuyện tắm sông vào ngày Đoan Ngọ, không biết dựa vào đâu một số bài báo viết là “đi tắm cồn” vừa vô duyên vừa không đúng nghĩa. Vào ngày nầy nam thanh nữ tú từ các nơi đổ về, họ thuê những chiếc xuồng nhỏ, bơi ra mấy chỗ nước nông đối diện với vàm Cái Bè rồi nhảy ù xuống tắm. Vô tư, không có huyền thoại hay sự mê tín nào, một thứ hội tự phát không có yếu tố lễ, chủ yếu là vui. Tắm xong rồi kéo nhau lên các vườn cây hái trái. Chôm chôm, nhãn, cam quít đủ loại nhưng mà trực tiếp hái ăn mới ngon, chứ qua chợ Cái Bè mua thì còn gì thú vị của buổi tắm sông ngày Đoan Ngọ. Có năm, họ còn được thưởng thức ốc gạo. Câu phương ngôn “Ốc gạo Cồn Tre hai người đè một người lể” bây giờ được hiểu theo nghĩa chụp giựt, tranh giành và không ai có trách nhiệm bảo vệ, vì vậy năm có năm không, còn lơ mơ thì xài đồ giả, tức ốc đắng được tẩy vỏ cho trắng rồi bán với giá ốc gạo, mua về làm quà biếu thì coi chừng ê mặt. Xa xa phía thượng lưu, cồn Tre cũng nằm hướng ấy, một đoàn xà lan đen xì hì hục đào bới lấy cát, vỏ ốc cũng tan chứ đừng nói gì... Thấy mà đau lòng, lại thêm chuyện cào bắt bằng phương tiện hiện đại, hủy diệt giống loài. Cứ cái đà nầy, tương lai không xa, ốc gạo Tân Phong chỉ còn trong sách vở.

Một vài nhà báo thổi phồng lên chuyện du lịch xanh, còn mấy ông khai thác du lịch thì cứ sẵn ổ mà đẻ, quên rằng Tân Phong là cù lao, thiên nhiên chỉ ban tặng phù sa, mỗi năm bồi thêm năm ba thước đất, còn chuyện muốn cho nó xanh tươi thì phải qua bàn tay con người. Muốn có cảnh “bần gie đóm đậu sáng ngời” thì phải trồng bần và bảo vệ con đom đóm. Nhưng đất thì tận dụng triệt để, bồi thêm miếng nào dùng xáng cạp múc lên miếng ấy để lập vườn. Mấy năm nay thêm cái vụ lập vuông nuôi cá tra xuất khẩu... cảnh quan môi trường bị hủy hoại âm thầm nhưng quyết liệt. Xem chừng ngành du lịch đầu tư thì ít mà khai thác thì nhiều. Cái chợ nổi ở vàm Cái Bè chẳng qua là một hoạt động giao thương trao đổi hàng hóa chớp nhoáng kiểu trung chuyển, nó chỉ lạ đối với những người quanh năm suốt tháng sống trong bốn bức tường và mua sắm ở các siêu thị. Vậy mà người ta giới thiệu rằng du khách được chứng kiến một “nếp sống thương hồ” của những cư dân sống bằng nghề mua bán trên sông từ thuở xưa, nay được tái hiện bằng hình ảnh của những chiếc thuyền, ghe chở đầy hoa trái... Không hiểu người giới thiệu biết nếp sống thương hồ thuở xưa cỡ nào. Hồi đó ở vùng Cai Lậy, Cái Bè không thiếu những chợ nổi như vậy, đa phần đóng ở những nơi giáp nước để thương hồ dừng tay chèo đợi con nước thuận, có khi phải ở lại vài ba ngày nên các sinh hoạt chợ nổi rất nhộn nhịp, kể cả sinh hoạt văn nghệ như hò đối đáp, nói vè, nói thơ, đàn ca tài tử...vì vậy mà có điệu hò đặc biệt là hò bán vàm, nghe nói phát sinh ở vùng vàm Bánh Tét, huyện Tân Phước hiện nay. Còn chợ nổi ngày nay với phương tiện xuồng ghe máy móc hiện đại mà hình ảnh được tái hiện chỉ là những ghe treo lủng lẳng các mặt hàng cần bán như củ khoai, gốc mía, quả dưa…. Chưa kể, việc ăn ở sinh hoạt buộc phải có trên chợ nổi và mỗi khi đoàn khách du lịch đến, cái họ để lại là sản phẩm thải ra từ kỷ nguyên đồ nhựa, biến ngã ba sông thơ mộng và dòng nước mà người ta có thể múc lên vo gạo nấu cơm thành đám rác đủ loại trôi bồng bềnh với những giề lục bình xơ xác. Cái ngành công nghiệp không khói nhưng nhiều rác đã bị phản ảnh nhiều nhưng chưa có tín hiệu hồi âm tích cực.

Mênh mông trời rộng sông dài. Đứng ở ngã ba sông mới thương con sông miệt mài nhẫn nại đem phù sa bồi đắp vô điều kiện cho đất cù lao lớn lên xanh tốt.
Nguyễn Ngọc Phan
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 220
  • Khách viếng thăm: 216
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 31469
  • Tháng hiện tại: 2264019
  • Tổng lượt truy cập: 46231252