NHỮNG TRANG SÁCH mang lại niềm tin cuộc sống

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 09:40
Trại giam Mỹ Phước (huyện Tân Phước) thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng - Bộ Công an) vừa tổ chức cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” cho phạm nhân năm 2018. Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng; đồng thời, hình thành, phát triển văn hóa đọc trong phạm nhân, giúp họ thấy được giá trị văn hóa và tác dụng của việc đọc sách trong xây dựng, định hướng tư tưởng, tình cảm, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, khuyến khích phạm nhân tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Cuộc thi đã thu hút gần 50% phạm nhân trong trại tham gia với số lượng trên 600 bài dự thi. Theo đó, các phạm nhân viết bài cảm nhận và diễn thuyết về một quyển sách, một câu chuyện, hoặc những nhân vật mà bản thân người đọc cảm thấy yêu thích và tâm đắc, đem lại giá trị trong cuộc sống. Kết quả, qua vòng sơ khảo, có 67 bài đạt chất lượng. Ban Tổ chức đã chọn ra 10 bài thi xuất sắc tham gia vòng thi thuyết trình và trao giải thưởng.
 

Thượng tá Phạm Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước trao giải cho các phạm nhân

Có thể thấy, dù chỉ được phát động trong thời gian tương đối ngắn nhưng bài thi được các phạm nhân chuẩn bị rất công phu và tâm huyết cho thấy những tác động sâu sắc của việc đọc sách với việc định hướng suy nghĩ và khơi dậy ý thức hướng thiện, cũng như cung cấp những kiến thức bổ ích. Phạm nhân Phan Hoàng Huy, sinh năm 1987, Phân trại số 1, chia sẻ: Khi còn là sinh viên của Học viện Công nghệ thông tin quốc tế Ấn Độ tại Tp.HCM, tôi thường tìm đến những hiệu sách cũ để mua sách, vừa tiết kiệm tiền vừa tìm được những cuốn sách hay không còn tái bản. Cuộc thi lần này là cơ hội cho những phạm nhân như chúng tôi được chia sẻ những cuốn sách hay đến các phạm nhân khác, cũng như chia sẻ những bài học cuộc sống có giá trị từ những trang sách…

Có thể thấy, những trang sách đã trở thành người bạn và cũng là người thầy tiếp thêm nghị lực sống, mở ra cho họ những suy nghĩ tích cực về cuộc sống cho các phạm nhân. Đây cũng là lần đầu tiên ở nơi mà nhiều người hình dung rất đáng sợ với những con người lầm lỗi, mà nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội thường là do “hạn chế về trình độ, nhận thức” nhưng cuộc thi về chữ nghĩa, tri thức lần này lại diễn ra rất nghiêm túc, và vô cùng sôi nổi. Phạm nhân Nguyễn Thế Vinh, sinh năm 1992, đang chấp hành hình phạt 13 năm tù về tội cướp tài sản chia sẻ: Khi được cán bộ phát động cuộc thi em rất hào hứng, tranh thủ đến thư viện tìm sách hay mang về đọc đi đọc lại, và viết lên cảm tưởng suy nghĩ về cuốn sách, ý nghĩa của sách, bài học rút ra từ sách. Lâu ngày mới cầm bút viết, ban đầu chữ nghĩa chạy đâu hết trơn, nhưng viết được một mạch là bao nhiêu ý nghĩa lại tuôn trào ra đầu bút...

Thế Vinh vướng vào vòng lao lý khi vừa tròn 17 tuổi, với những ước mơ hoài bão chưa thực hiện. Vinh chia sẻ: Những ngày đầu vào trại nằm trong phòng giam là những ngày buồn tẻ, cô đơn và căng thẳng đến tột độ. Từ khi được Ban giám thị xem xét cho mượn sách đọc, cuộc sống em như được đổi từ màu đen u tối thành màu xanh đầy hy vọng. Từ đó, những trang sách với tôi trở thành tri kỷ, người bạn sẽ cùng tôi suốt những ngày chấp hành án còn lại…

Đọc sách còn thể hiện nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt hơn là trong môi trường giáo dục và cải tạo phạm nhân. Việc đọc sách giúp phạm nhân thấy và cảm nhận được những giá trị văn hóa, tinh thần mà sách mang lại. Việc đọc sách cũng xây dựng một thói quen tốt cho phạm nhân, định hướng tư tưởng, tình cảm, nâng cao nhận thức và trang bị cho phạm nhân kiến thức bổ ích để tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án tù.

Phạm nhân Nguyễn Văn Khánh, can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 14 năm tù bộc bạch: Tôi đã có quá trình chấp hành án phạt tù đến nay đã gần 8 năm, chứng kiến rất nhiều phạm nhân mới nhập trại, đã và đang chấp hành án. Hơn ai hết tôi hiểu rõ nhất tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của những phạm nhân như tôi. Thông qua những trang sách, nhất là quyển “Lời xin lỗi chân thành” viết từ 57 trại giam trong cả nước, tôi nhận ra cuộc đời vẫn dang rộng đôi tay sẵn sàng đón nhận những người lầm đường lạc lối như tôi, giúp tôi quay về nẻo thiện sau vấp ngã. Tôi đã viết thư gửi chị Ngô Thị Dung và Trần Thị Cẩm, là 2 trong số những bị hại của tôi để nói lên những suy nghĩ, trăn trở hối lỗi của mình. Cả hai chị cũng đã có thư hồi âm sẵn sàng tha thứ, động viên tôi cố gắng vươn lên, học tập cải tạo tốt để sớm được ra trại…

Dường như, sức cảm hóa mạnh mẽ từ những trang sách mỏng nhưng nặng tri thức đã khiến cho con đường hoàn lương của họ thực sự trở nên gần hơn. Đại tá Đặng Văn Phước - Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng cho biết: Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc trong phạm nhân, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng đã ban hành kế hoạch phát động “Ngày hội đọc sách” và cuộc thi viết “Cảm nhận về sách” cho phạm nhân các trại tạm giam trong cảm nước. Đây là một trong những nội dung của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Đại tá Phước khẳng định: Thông qua hoạt động này, giúp phạm nhân có thêm những hiểu biết, nét đẹp văn hóa, kinh nghiệm trong lao động sản xuất; những tấm gương người tốt việc tốt, những gương phạm nhân điển hình đã từng một thời lầm lỗi đã tích cực học tập, lao động cải tạo, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Từ đó, mỗi phạm nhân sẽ có những cảm nhận riêng và rút ra cho mình những điều hay lẽ phải, giúp cho họ có thêm động lực, niềm tin hướng thiện, lạc quan hơn trong cuộc sống, tin vào ngày mai tươi sáng.

Bài dự thi của phạm nhân với nhiều bài có nét chữ nguệch ngoạc, cùng vô số lỗi chính tả bởi đa phần phạm nhân chỉ dừng lại ở việc biết đọc biết viết, nhiều người đã lâu năm không cầm bút nhưng những suy nghĩ, những cảm nhận trong các bài dự thi lại hết sức chân thành, hàm súc và sống động. Các phạm nhân đã gửi trọn những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình vào những trang giấy trắng để nói về những cuốn sách hay, những bài học, sách dẫn dắt họ đến với con đường hoàn lương. Đây là một cuộc thi hết sức có ý nghĩa, chứa đựng vẻ đẹp nhân văn sâu sắc, khích lệ, động viên phạm nhân tìm đến với vẻ đẹp của những trang sách, xóa bỏ quá khứ lầm lỗi để hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Bùi Trần Lê Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 410
  • Hôm nay: 23671
  • Tháng hiện tại: 1889450
  • Tổng lượt truy cập: 48263577