Mò cá bóng dừa - niềm vui thôn dã

Đăng lúc: Thứ năm - 20/09/2012 11:03
VNTG- "Công cá bón" là "Con cá bống"
Sông nước quê mình có khối gì những loại tôm, cá… mà sao tôi vẫn nhớ hoài cái "công cá bón". Có lẽ chữ bón ở đây là đồng nghĩa với sự vun đắp. Vâng! Chính cái "con cá bống" đã có công bón cho tôi những niềm vui thôn dã; nó vun đắp cho mình tình yêu quê hương, ngay từ thời tuổi dại.
Có nhiều loại cá bống. To nhất và đặc biệt nhất là bống mú, bống tượng, kế đến là bống cát; Rồi tuần tự các loại bống khác như: bống mật, bống trứng, bống trân, bống sao… Nhi nhí thì có bống nút (có người gọi là lóng mít), bống bọt (loại cá bống trứng sống trên đồng năn, lung đưng…). Lạ đời lại có cá bống nhảy (thòi lòi). Còn khi về miệt giáp biển mà xem ai "kéo bống cà" rồi được mời ăn cháo rổ(1) với món "cá bống kèo". Thiệt đã.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin giới thiệu duy nhất loại cá bống dừa. Loại cá mà cái tên của nó đã được đặt ra từ cái nơi "chôn nhau, cắt rốn" của dòng dõi nhà nó.
… Cá bống dừa và mùa cá rộ…
Thật là sai sót nếu không giới thiệu đôi nét về thứ cá vẩy nhuyễn, miệng rộng; lưng bống thì đen, dưới vây thì lườn bống trắng… Quanh năm chúng đeo bám theo những nách bặp (hoặc bợp) dừa nước, ở ven sông, rạch, xẻo… Nước lớn chúng lội theo dòng, lần lên ngọn rạch, nép mình, quẫy đuôi dưới những đám lá nổi, rác trôi cỏ chèn hay chà cây rậm rạp…Nước ròng thì chúng lại rút ra giữa dòng cửa rạch, giữa xẻo… mà trú thân trong những ống bọng, co mình trong trái dừa mỏ rụng hoặc núp bóng dưới những tấm mo nang lật úp… và chắc chắn chúng không quên cái tổ ấm ngàn đời là kẹt nách bặp dừa.
Cá bống dừa là loại cá háu ăn, chúng luôn bị săn lùng bởi những cục mồi trùn của bọn trẻ "du ngư". Đặc biệt vào những ngày nước rong, từ 14 đến 16 AL hàng tháng (trừ những tháng nước kém). Nếu đi câu đúng vào mùa cá rộ (từ tháng 6 đến tháng 8 AL hằng năm) chắc chắn các bạn nhỏ du ngư sẽ mang về làm quà cho bữa ăn gia đình (trong 3 ngày ấy) mỗi ngày hàng ký lô cá, nếu bán cũng được vài chục ngàn đồng.
Vào những tháng cá rộ là chúng vào mùa ép, chúng thường ở từng cặp trong những nách bặp dừa để hưởng tuần trăng mật và cũng đúng vào những ngày rằm, 16 (…) chúng sinh sản cơ man những con cháu ra đời; rồi mặc tình cho đám trứng ấy đeo bám đến nhám cả nách bặp dừa, sau đó thì tự do phát triển phôi bào và tự do phiêu sinh, mưu cầu sự sống mà phớt lờ mọi sự đe dọa sinh tồn. Đám con cái ấy, rồi cũng lớn từ từ theo ngày tháng dần trôi. Chúng sẽ lặp lại từ đầu cái điều mà cha mẹ chúng đã đối xử với chúng!?
Mò cá bống dừa…
Âu cũng là điều kiện để những "gã thợ mò" thò tay vào những nách bặp dừa đúng vào những ngày rằm, 16 ấy như một qui luật. Mà phải là rằm, 16 tháng 6 đến tháng 8 (AL) mới đã chứ. Bởi những tháng này cá thường rất mập, chúng tròn mẫy, đen ngợi và to; có con to bằng cổ tay của người cầm viết này đấy nha! Chẳng thế mà người ta bảo rằng: "Rạm nổi mồng 5 tháng 5, cá bống dừa nằm rằm tháng 6" là vậy.
Nhưng nào có dễ dàng gì đâu?! Muốn bắt được một con cá đã di chí, di nan; đừng nói chi một cặp. Mình phải chịu khó lần lội ven sông, gồng mình cho bù mắc chích, ngứa đỏ da lưng, nổi mận sần bắp vế mà ế ẩm vẫn là thường sự. Đôi khi còn phải giận mình đạp nước vừa tức, vừa tiếc… "… Ối sẩy rồi!..." Mặc dù người đi mò thật nhẹ nhàng, khéo léo một tay chặn một tay thọt sâu xuống nách bặp dừa, có lúc kẹt tay trong đó đến móp cả gò thái dương(2) mòn da gù tháng giêng(3) ngón trỏ, thậm chí rướm máu mu bàn tay mà cũng chỉ bắt được một con, con còn lại đã nhanh vây, trơn vẩy phóng vèo qua mặt "thợ mò" trêu ngươi.
Bởi vậy, người đi mò đôi khi phải sắm sửa đồ nghề như: móc sắt, cây khều và rổ xúc (đục hoặc túi đựng là ắt phải có). Người ta hứng rổ một bên, rồi thọt móc vào móc hoặc khều cho cá phóng vào rổ mà bắt sống, để rộng được dăm, bảy ngày. Vâng! Cực thì có cực vậy đó. Mà vui! Long sông, lần rạch, lội xẻo… để mò về một con cá bống, dăm con tép thợ rèn… giữa những ngày hè oi ả thì còn gì đã cho bằng? Dù biết rằng lát nữa về nhà, má sẽ đánh đòn vì con còn là trẻ nít mà nghịch sông, giỡn nước.
Mà đâu chỉ có trẻ nít mới đi mò để hát cái câu: "… Má ơi! Đừng đánh con đau…"! Đằng sau cái thú vui sông nước. Đi mò còn là một mưu sinh của người dân  lam lũ; họ đi mò để bán kiếm tiền đổi gạo nuôi thân và mò về để làm thức ăn cho bữa cơm đạm bạc.
Và món ăn từ cá bống dừa:
Cá bống dừa là một loại cá ngon của vùng sông nước phù sa. Cá rất dẽ thịt khi kho, thơm thịt khi um và ngọt thịt khi nấu canh bù ngót. Còn gì hạnh phúc hơn khi vợ nhà đang nằm giường cữ, mà anh chồng chịu khó đi mò được một ít cá bống dừa đem về kho tiêu bằng tộ. Chắc rằng chị vợ sẽ và cơm ngon miệng mà quên đi cơn đau rát ruột vừa qua; thậm chí còn phải khen vì tiêu ấm lòng, cơm bữa đã xong mà cá còn ấm tộ và thịt của cá thì quả thật ngọt, thơm…
Đâu chỉ có vậy, cá bống dừa còn đựơc kho sả ớt, kho khô hay nấu canh với lá bù ngót, mướp hương, cải trời… Cá chiên và lăn bột chiên để cặp với rau thơm, rồi chấm vào chén nước mắm tỏi ớt mà nhậu. Chao ui! Cái hương vị ấy có khác gì món tôm lăn bột. Nếu cực chẳng đã thì cứ đem trui từng lụi mà nhấm nha, nhấm nháp sự đời, còn bằng thừa thãi siêng năng thì um nước cốt dừa với đọt mì, đọt lang mà chắp chắp mấy cái xây chừng; để ý, coi chừng say hồi nào hổng biết! Thú thật, bài viết này không nhằm mục đích giới thiệu một món nhậu đặc sản. Nhưng nếu có dịp xin mời bạn ghé quê tôi và chỉ thử gắp một miếng đọt mì um hay chép miệng vào muỗng nước cốt dừa nóng hổi, rồi hãy uống cái bóng rượu đế hà nàm(4) sau cùng mới đưa cay bằng miếng nạc cá bống dừa.
Đừng nhé! Đừng khen to, mà hãy nói cho mình nghe thôi. Rằng: "…Ồ!... sướng thật, một món ăn bình dị quê hương…"
                                                                     Tháng 3 năm 1995
 
Nguyễn Chi
(Theo Tuyển tập Hương đồng quê)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 398
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 106681
  • Tháng hiện tại: 1748094
  • Tổng lượt truy cập: 48122221