Lính thời bình

Đăng lúc: Thứ ba - 23/03/2010 14:30
Lính thời bình

Lính thời bình

Hình như là tôi đang mơ, một giấc mơ thật đẹp. Tôi đi trên những con đường dal mát rượi giữa rừng tràm bạt ngàn, trùng điệp. Trên đầu tôi là màu xanh của lá, dưới chân là những tấm dal nối nhau là đà trên mặt nước, hai bên cây tràm dày đặc, cao vút như hai bức tường dựng đứng. Khu rừng như tấm bánh da lợn khổng lồ với ba tầng: tầng trên là màu xanh của lá, ở giữa là màu trắng mốc của thân cây, bên dưới là màu vàng đục của nước phèn. Và, như có một bàn tay thần kỳ đã cầm dao vạch những đường thẳng trên tấm bánh ấy, để vào đó những sợi chỉ màu trắng - màu của những con đường dal. Tôi đi trên những con đường mới mở đó mà hồn cứ lâng lâng, phơi phới. Chắc là tôi đang mơ. Trong khu rừng tràm ngập nước không có bóng người, lại có những con đường dal mới tinh, dài hun hút; có những chiếc cầu thật đẹp; rồi những chòi canh, nhà treo, nhà bạt, nhà hầm… ẩn mình trong cây lá đẹp như tranh vẽ.

Nhưng... rõ ràng không phải mơ.  

Xe đã đưa chúng tôi qua trung tâm huyện Tân Phước, rồi rẽ vào một con đường, chạy mãi về hướng Bắc. Chúng tôi đã qua những cánh đồng khóm với màu xanh mốc pha chút sắc tím bạt ngàn, qua những cánh rừng tràm nối nhau trùng điệp; bỏ phía sau cây cầu có cái tên Tràm Mù xa lắc và dừng lại bên một chiếc cầu ván còn mới tinh. Cây cầu bắc qua con kinh rộng có tên là kinh LM. Đại tá Lương Quốc Thọ, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đi trước dẫn đường, tôi và hai chị bạn đi sau. Chúng tôi qua cầu, đi theo con đường dal rộng chừng 2 mét cặp theo cánh rừng tràm. Con đường cũng mới được mở, những vá đất còn chưa khô. Tới một con đường dal nhỏ khác, chúng tôi rẽ vào đây - Khu sơ tán, căn cứ của tỉnh trong diễn tập TG 09.

Tôi đứng ngẩn ngơ trước cây cầu dài cả trăm mét, được bện bằng thân cây tràm. Đang giữa trưa, nhiệt độ bên ngoài lên rất cao, nhưng ở đây không có nắng, không có gió, cũng không có âm thanh nào cả. Hình như không gian cũng giống như chúng tôi, đang lặng đi trước sự kỳ vĩ này. Chúng tôi đi qua cầu, theo mũi tên trên tấm biển chỉ đường “nhà Chính ủy”, đến một căn lều bạt màu lá, dựng như “treo” trên cao. Đồng chí Chính ủy leo lên cầu thang, “chui” vào ngôi nhà của mình, rồi tươi cười ngồi xuống bên chiếc bàn như để khẳng định vị trí “gia chủ”.

Rời nhà Chính ủy, chúng tôi đi theo những con đường dal. Có rất nhiều con đường giống hệt nhau và nhiều chòi gác, hố bắn cá nhân. Chúng tôi đi qua những căn hầm họp rộng thênh thang ẩn mình trong cây lá, rồi hầm làm việc, hầm trú ẩn kiểu chữ A, chữ U, chữ Z... Bỏ qua những tấm biển chỉ nhà các vị chỉ huy và các cơ quan Tham mưu, Chính trị… chúng tôi vào hội trường Tỉnh ủy. Quá ngạc nhiên! Giữa cánh rừng ngập nước lại có một hội trường rộng cả ngàn mét vuông, với đầy đủ bàn ghế, phông màn; có cả hầm trú ẩn, nhà vệ sinh…. Tiển và Hiệp, hai cán bộ của Ban Tuyên huấn Tỉnh đội đang lui cui trang trí. Sắp đến ngày “N” rồi nên họ không nghỉ trưa. Đại úy Chung Văn Đăng - Chỉ huy trưởng phân đội 514 - hôm nay cũng không nghỉ. Sau khi tiễn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ra về, đồng chí Đăng quay lại định làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi, nhưng biết đồng chí ấy chưa ăn cơm, nên Chính ủy bảo Đăng về. Đã hơn 12 giờ rồi, trong đoàn cũng chưa có ai ăn trưa, nhưng chỉ thấy vui, tâm trạng cứ lâng lâng, không thấy đói.

Mỗi bước đi, mỗi đoạn đường lại thêm một sự ngạc nhiên, thích thú. Có rất nhiều lối rẽ và những tấm biển đỏ chỉ đường. Chúng tôi vừa đi qua khu quân sự, bây giờ tới chỗ khối Đảng, rồi tới nhà Bí thư Tỉnh ủy. Đó cũng là căn lều bạt màu xanh da beo, dựng trên cao; bên ngoài phủ đầy dây leo. Phía dưới, ngay chân cầu thang có cái hầm trú ẩn cũng được ngụy trang thật kín. Đồng chí Chính ủy nói: “Hệ thống chính trị cấp tỉnh có tổ chức nào, thì ở đây cũng có tổ chức đó”.

Như để chứng minh cho lời nói của đồng chí Chính ủy, phía trước là tấm biển đề “Bệnh viện”. Đi theo lối đó, chúng tôi tới các dãy nhà bạt rộng lớn, khép kín hình chữ U. Bác sĩ Huỳnh Lâm Hải trong bộ quân phục màu lá úa tươi cười bước ra chào chúng tôi. Những nam nữ khác mặc thường phục, đa số còn rất trẻ, đang ngồi xúm xít trên dãy giường với những túi hành lý. Có lẽ những người thầy thuốc này vừa mới tới. Trong bệnh viện, ngoài những y cụ cần thiết, còn có xoong, nồi, chén, đũa… và cái bếp Hoàng Cầm. Các thầy thuốc đang chuẩn bị bữa ăn đầu tiên ở khu căn cứ bằng… mì ăn liền.

Đi hết đường dọc, chúng tôi bước lên con đường ngang, nơi các chiến sĩ Phân đội 514 đang đóng quân. Cách vài chục mét lại có một căn lều bạt. Ra khỏi rừng mới biết trời rất nóng; cái nóng phà vào mặt, nung chảy những giọt mồ hôi. Trong những căn lều bạt, các chiến sĩ cởi trần, lui cui mở những chiếc ghế xếp, chuẩn bị nghỉ trưa. Thấy chúng tôi, anh em lúng túng đứng nghiêm. Chính ủy ra hiệu cho các chiến sĩ tự nhiên. Tôi chợt thấy thương những người lính trẻ; thời nào cũng vậy, người lính luôn đi đầu trong gian khổ.

Rời khu căn cứ, chúng tôi lên con lộ đá đỏ, đến điểm đóng quân của Ban chỉ huy Phân đội 514. Thượng tá Võ Văn Hoàng - Chính ủy đơn vị 924 (đơn vị cấp trên trực tiếp của 514) đang ngồi bên bàn nước với Đại úy Chung Văn Đăng. Anh Hoàng đã theo sát Phân đội từ ngày đầu vào đây làm nhiệm vụ, tính đến nay đã hơn hai tháng. Từ 19 héc ta rừng ngập nước đầy dây leo, cỏ dại; anh đã chỉ huy các chiến sĩ của mình róc cành, phát cỏ, làm đường… xây dựng thành khu căn cứ. Để có khung cảnh đẹp như tranh mà chúng tôi vừa thấy, các chiến sĩ 514 đã trải qua biết bao gian khổ.

Đồng chí Đăng cho biết, để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị đã huy động gần hết quân số. Tháng cao điểm, cả chiến sĩ mới đang trong giai đoạn huấn luyện cũng xuống tham gia. Chuyện đóng quân dã ngoại, rày đây mai đó đối với đơn vị đã quen rồi, nhưng lần này khó khăn hơn. Trong vùng chỉ có một phòng học nhỏ, không đủ chỗ trú quân, anh em phải ở nhờ nhà dân. Chuyện ở nhà dân là chuyện thường của bộ đội mỗi khi hành quân dã ngoại. Những vùng khác, bộ đội về mà không ở nhà mình bà con còn giận; còn vùng này thì… Những ngày đầu, bộ đội ngủ ngoài hiên, tối là bà con đóng kín cửa. Có đêm mưa tạt, đồ đạc bị ướt hết, anh em quấn tăng ngồi co ro chờ trời sáng. Sáng ra họ vẫn phải dầm mình trong bùn đất, hì hục đào đắp, khiêng, vác… Vì nhiệm vụ cấp bách, không có thời gian cho anh em ngủ bù. Vì vậy, tuần đầu vào đây nhiều anh em bị cảm. Lao động trong nước, trong rừng không có ánh nắng, cả ngày quần áo không khô; chiều về lại phải tắm nước phèn, nên mấy ngày đầu có gần 20% quân số bị bệnh ngoài da. Nay thì quen rồi nên cũng bớt. Ở đây nước ngọt hiếm lắm, nấu cơm cũng phải dùng nước phèn, nên chất lượng bữa ăn kém ngon. Dù tiền ăn khá cao, cộng với tiền Bộ chỉ huy cho ăn thêm, mỗi người được 38.000đ/ngày.

 Đồng chí Đăng chỉ nói có một phần gian khổ mà tôi đã thấy xót xa. Thực tế không chỉ có vậy. Vì phải ngâm mình cả ngày trong làn nước đục, nên nhiều anh em bị đau mắt; rồi bị lở vai bởi không quen khiêng vác nặng. Trời mưa, quần áo không kịp khô; anh em phải chọn giữa chiều về mặc đồ ướt, hay ở trần đi làm? Rồi mưa gió, rồi muỗi mòng… những thứ đó đâu có biết thương người lính. Nghe kể mà lòng tôi nghèn nghẹn, mắt cay cay. Thương biết bao nhiêu những người lính trẻ, không bù đắp được cho họ thì thôi, sao lại nỡ …

Như đọc được tâm trạng của tôi, Đăng trấn an: Chị đừng lo, chuyện đó chỉ xảy ra mấy ngày đầu thôi, những ngày sau thì… Phòng Hậu cần chở bạt lên để anh em che, không còn bị tạt nữa; rồi bộ đội tìm cách tiếp xúc với dân… Dù lao động cả ngày rất mệt, nhưng thấy bà con làm gì là anh em xắn tay làm giúp, không nề hà khó nhọc; làm từ những chuyện lặt vặt trong nhà, đến ra vườn nhổ cỏ, thu hoạch khóm... Tháng rồi xảy ra gió lốc, trong xã có 13 nhà bị sập và tốc mái, bộ đội lại “xông vào” giúp dân khắc phục. Tết Trung thu đến, bằng tấm lòng của mình, bộ đội phối hợp với trường THCS của xã tổ chức cho các cháu trong vùng vui chơi, tặng mỗi cháu một cái lồng đèn và 10 quyển tập. Những việc làm đó đã làm ấm lòng bà con ở đây, khoảng cách thu hẹp lại; rồi cái tình, cái nghĩa cũng mặn mà hơn. Chỉ sang tuần thứ hai thì có 5/6 gia đình mở cửa mời bộ đội vào nhà nghỉ, tuần thứ ba thì không còn nhà nào để bộ đội ngủ ngoài hiên. Rồi chính quyền, đoàn thể xã; Tỉnh ủy đến thăm, động viên, tặng quà...

Tôi hỏi anh Hoàng về nhiệm vụ cụ thể của Phân đội 514 ở đây. Anh nói: “Là mở đường, đào hầm, dựng nhà cửa, hội trường… cho khu căn cứ, rồi làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc diễn tập”. Biết tôi muốn nắm những con số cụ thể, Đăng nói thêm:

- Khu căn cứ 3 con đường dọc từ kinh LM xuống, mỗi đường dài 450 mét, rộng 2 mét; 2 đường ngang có chiều rộng 1 mét, chiều dài cũng khoảng 400 - 500 mét và nhiều con đường nhỏ nối từ khu này đến khu khác; tới các hội trường, hầm chiến đấu, hầm họp, hầm trú ẩn; nhiều cây cầu tới chòi gác, tới nhà các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy… Tổng cộng phân đội đã vận chuyển 10.000 tấm dal từ Mỹ Tho và Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) về đây; mỗi tấm rộng 0,5 x 1 mét, nặng từ 60 kg trở lên. Xúc và vận chuyển trên 30.000 bao cát…

Căn cứ có 3 khu chính: Khu quân sự, khối đảng, công an; khu chính quyền và khu đoàn thể. Để hình thành các khu này, Phân đội 514 đã xây dựng 20 hầm làm việc, mỗi hầm rộng 15m2; 3 hầm họp, mỗi hầm rộng 24m2; 15 hầm trú ẩn chữ A; 10 hầm chữ L, chữ U, chữ Z; 13 chòi gác; 13 hội trường - cái nhỏ nhất 100m2, lớn nhất 1.000m2 và nhiều hố bắn cá nhân…

Để hình thành khu căn cứ như bây giờ, cán bộ, chiến sĩ phân đội 514 đã lao động cật lực hơn 2 tháng trời, làm trên 6.000 ngày công lao động. Bây giờ việc xây dựng đã hoàn thành đúng tiến độ, anh em chiến sĩ mới xuống đây từ 19/10, tới 15/11 đã trở về đơn vị tiếp tục huấn luyện. Các chiến sĩ cũ cũng đã rời nhà dân, ra đóng quân ở bìa rừng để làm nhiệm vụ bảo vệ trong những ngày diễn tập.

Hỏi về các chiến sĩ của mình, anh Hoàng và Đăng đều có chung nhận xét: Anh em rất tích cực, biết đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Những đêm đầu trời mưa, thiếu chỗ ngủ, anh em nằm úp vào nhau, người này nhường chỗ cho người kia… thấy mà thương. Những anh em bị bệnh, vừa khỏe lại là đi làm ngay. Có chiến sĩ ở nhà có chuyện, xin về phép; nhưng quy định trong đóng quân dã ngoại là không được nghỉ phép, kể cả “tranh thủ”, nên đơn vị giải thích, động viên và anh em đã chấp hành tốt. Anh Hoàng cười, nói tiếp: Ngay Phân đội trưởng Đăng đây, vợ bệnh, con đau cũng đâu có về được. Còn tôi, ngày mai đám hỏi con gái, mà giờ còn ở đây,  cũng… đâu có dám buồn!

Được biết, nhà anh Hoàng ở Long định, chỉ cách đây vài chục phút chạy xe, mà hơn hai tháng nay anh cũng chưa ghé qua. Ngày mai gia đình làm lễ hỏi cho con gái đầu lòng, mọi chuyện trong ngoài anh đành phó mặc cho vợ. Còn Đại úy Đăng nhà ở tận huyện Giồng Trôm, Bến Tre; đã 3 tháng rồi chưa về nhà. Tuần rồi gia đình điện lên cho hay vợ và con (Đăng có đứa con gái 3 tuổi) đều bị bệnh; rất sốt ruột, nhưng Đăng đâu dám nghĩ đến chuyện về nhà. Cũng may, nay hai mẹ con đã khỏe. Cuối tháng 8, Đăng đi tập huấn về là cùng đơn vị hành quân dã ngoại, vừa huấn luyện vòng tổng hợp, vừa làm công tác vận động quần chúng ở xã Quơn Long và Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo). Huấn luyện hình thức đại đội phục kích xong, đơn vị hành quân về biển Tân Thành tổ chức bắn đạn thật cho Trung đội phòng ngự bờ biển. Ngày 15/9, từ Tân Thành hành quân luôn về đây phục vụ diễn tập. Đã hơn hai tháng rưỡi rồi, cán bộ chiến sĩ 514 không biết đến thứ bảy, chủ nhật…

Hôm đó là 17/11, Đăng nói theo dự kiến thì cuối tháng đơn vị rút quân về cứ; nhưng đồng chí Chính ủy Bộ chỉ huy bảo “chưa chắc!”.

Rồi ngày “N” tới, từng đoàn xe, từng dòng người sẽ ồ ạt đổ về đây. Khu căn cứ sẽ nhộn nhịp bóng người, rừng tràm sẽ lay động. Sẽ có những đêm rừng cùng thức với con người, cùng chiến đấu chống kẻ thù “giả định” để giữ vững trận địa này. Nhưng sau một ngày, hai ngày; một đêm, hai đêm… rồi cuộc diễn tập hoàn thành, tất cả sẽ rút về; chỉ còn lại cánh rừng và những người lính. Những người lính ở lại thu dọn tàn cuộc, khắc phục hậu quả. Bao giờ cũng vậy, những người lính luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió; họ đi đầu trong gian khổ, hy sinh và về sau khi thanh bình.

Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 390
  • Khách viếng thăm: 388
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 65808
  • Tháng hiện tại: 2230468
  • Tổng lượt truy cập: 46197701