Kính thưa ... ôsin

Đăng lúc: Chủ nhật - 18/11/2012 22:00
Sau Tết, tôi gặp lại mấy ông bạn, mặt ông nào cũng như cái bánh đa nhúng nước. Hỏi ra mới biết mấy ông phải làm ôsin thay cho mấy bà ôsin thứ thiệt về quê ăn Tết. Đại tai họa. Ôsin nào lịch sự lên đúng hẹn thì phe ta còn hưởng được sái tết. Còn ôsin nào miệt mài chạy theo cái "tháng giêng là tháng ăn chơi" mà trễ hẹn là coi như đi đứt mười cái "mồng". Cho nên Tết này mấy ông bạn tôi (và tôi) mong ôsin quay lại còn hơn mong người yêu nữa...

Ai bảo ôsin là khổ

 


Xét về cách nghĩ của nhiều người thì người giúp việc (ôsin - theo cách gọi trong một bộ phim Nhật) là những người có trình độ văn hoá thấp, phải làm những việc mà gia đình người ta hoặc vì quá bận bịu hoặc vì không nhúng tay vào. Đầu tắt mặt tối, lại bị coi rẻ, bị mắng chửi, tiền công tồi tàn... thậm chí bị nghi oan đủ thứ, kể cả việc cô nào ngon mắt thì bị ông chủ lợi dụng... Nhưng có lẽ thời này đã có khác, nhất là ở các thành thị, ôsin đã có giá hơn. Không tin các bạn cứ thử đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Tôi cũng đã đến tìm người một vài lần. Ơ đây, những phụ nữ đến đăng ký làm việc nhà đông đến mấy cũng hết, vấn đề là nhanh hay chậm thôi. Nói không quá, gọi là trung tâm cho oai nhưng cũng không khác gì cái chợ. Tranh giành, cãi cọ, chụp giựt, trao đổi, mặc cả...

Bà thì xa xả đòi lại tiền đặt cọc. Cô thì cong cớn chê bai để giảm giá với người làm. Còn nhân viên trung tâm thì cứ nhận thêm hồ sơ, cứ giới thiệu, chất lượng thì phó mặc cho gia chủ. Mai mốt cô ôsin nào bỏ việc quay lại tái xin việc thì lại lấy thêm một lượt tiền lệ phí. Gia chủ cũng quay lại tìm người giúp việc khác, cũng lại xì mấy chục nữa ra. Trung tâm ăn hai đầu, việc gì chả nhiệt tình. Cái nghề ôsin hình thành như một công nghệ. Tìm thì dễ nhưng để ưng ý và an toàn thì khó. Ôsin biết vậy nên cũng tự biết ra giá cho mình... làm việc nhà một giá, trông trẻ con giá khác, làm cả hai giá khác nữa. Nếu nhà nuôi chó thì có thể từ chối làm. Rồi tuỳ thuộc vào nhà lớn hay nhỏ, đông hay ít người, công việc nặng hay nhẹ, đi xa hay gần, các tiêu chuẩn khuyến mãi thế nào... Mấy ông bạn tóm được tôi là người cùng cảnh ngộ, ra sức kể chuyện ôsin. Và sau đây là những chuyện của họ:

Trường ca ôsin

Chuyện người thứ nhất: Nhờ người mai mối, tôi thuê được một ôsin tận dưới Bến Tre. "Cô này từng là công nhân, phải đối xử đàng hoàng, lên đến nơi phải cho cô tiền xe, giá cả thế nào cho cô đừng buồn, Tết nhớ cho cô thêm tiền về quê..." - người mai mối gọi điện dặn đi dặn lại. Y hẹn, cái cô từng là công nhân lên. Ẵm thằng nhỏ ba tháng tuổi một cái. Rửa một mớ chén bát. Xong vào nhà khóc một tăng. Rồi... em nhớ con em quá, chào anh chị... em dzìa.

Chuyện người thứ hai: Nhà tôi cũng có một cô ôsin làm hơn 10 năm. Trước bảo ăn gì cũng không dám ăn, tự nhiên bây giờ đối đáp chan chát. Hỏi tưới cây chưa, cô bảo bà chủ dốt quá, không phân biệt cái cây tưới rồi với cây chưa tưới. Thôi bà giỏi bà làm đi. Bà chủ không dám nói tiếp, vào nhà méc với con gái. Cô con gái bảo con dám cãi lại mẹ chứ không dám cãi ôsin, nó bỏ việc là chết cả nhà. Thế là cả nhà im thin thít. Gặp ôsin phải đi nhẹ nói khẽ, sợ ôsin mất lòng...

Chuyện người thứ ba: Tôi nhờ người tìm được một ôsin từ miền Bắc. Cô ấy vừa xuất hiện là cả nhà muốn đứng tim, nghĩ là cô tìm nhầm nhà. Ôsin gì mà trẻ đẹp hơn bà chủ. Cô nói như hát quan họ: Nhà chủ ngoài kia khinh người lắm, em thích làm trong này hơn. Và cô nhanh nhẹn... đi gọi điện thoại khắp nơi báo tin mình đã vào đến TPHCM (tất nhiên là bằng điện thoại đường dài của chủ nhà). Thế nhưng nhà chủ làm sao dám góp ý liền, phải từ từ... nhưng vì cái "từ từ" ấy mà "biu" (hóa đơn) điện thoại tháng ấy tăng đến chóng mặt.

Chuyện người thứ tư (chuyện người này hơi dài): Tôi ở một chung cư, nên cứ buổi chiều là thấy gần đủ mặt các ôsin tụ tập dưới sân. Ăẫm em, đẩy xe lăn xe nôi, làm mấy việc lặt vặt... riêng có một ôsin đúng giờ đó là được hẹn với người yêu dưới sân một giờ đồng hồ để cùng đi... tập thể dục. Một ôsin cũ về chơi mà cả hội không nhận ra, vì cô được ông chủ người Hàn Quốc cho tiền đi sửa mắt sửa mũi. Có một nhà kia có hai ôsin một lúc, một làm việc nhà, một trông em, họ tỵ nạnh nhau, nhưng cũng có lúc bênh vực nhau. Cả hai đều có ưu điểm là kể tội người khác rất hay... Họ bảo con nhỏ ôsin kia đã làm cho bảy nhà trong hai tháng, bị cho nghỉ chỉ vì cái tội nói nhiều và khi ăn cá thường chọn cái lườn cá ăn trước chủ nhà. Nhưng nó chưa sướng bằng ôsin nhà kia. Tết đến, bố vợ ông chủ nhà phải chen chúc đi tàu ra Bắc, còn ôsin thì được đi máy bay cho nhanh, vào cho nhanh để ẵm em cho vợ chồng ông chủ.

Chuyện của người thứ năm: Ai nói có cô ôsin hai tháng làm bảy nhà, chứ tôi thì khác, hai tháng thuê bảy ôsin. Cô thì không biết dùng thiết bị gia dụng bằng điện trong nhà, cô thì kho cá mặn quá bị rầy thì trả lời tại... cá biển nó mặn. Cô thì không biết làm sao để dỗ cho thằng nhỏ hết khóc vì... hồi nào tới giờ em chỉ hát nhạc ngoài quán chứ có biết hát ru đâu? Lại có cô thì rất giỏi việc, nhưng can tội đòi tăng lương bất tử. Cô thì lại hay ngắm nghía cái bóp tiền của bà chủ... Cô thì tự ý bỏ việc vì... ông chủ còn trẻ quá (!) v.v...
 

Công việc các ôsin ưa thích nhất
là đưa bé đi chơi.

Ôsin thời hiện đại

Thời hiện đại, ôsin khác trước nhiều. Trước là hồi xa xưa lắm, từ cái hồi chưa có cái từ ôsin kia. Hồi nhỏ ở Hà Nội tôi cũng có biết mấy người giúp việc. Họ sống như người trong nhà, thân thiết và chia sẻ cùng gia đình những thăng trầm vất vả. Khi những đứa nhỏ đã lớn, chúng vẫn còn quyến luyến với vú em, khi bà ấy mất, chúng theo đám tang về tận quê nhà bà vú. Có nhà nuôi người giúp việc từ nhỏ, lớn lên cho đi học, gả chồng, tìm việc làm, giao phó hẳn con cái nhà cửa cho cô giúp việc trông coi. Hồi ấy đi làm giúp việc chủ yếu là để có nơi mà ở, có cái mà ăn, chứ có được trả công theo thị trường như bây giờ đâu. Còn bây giờ có cô không biết chữ, không biết xem đồng hồ, nhưng tính tiền công vanh vách. Song nói vậy nghề ôsin cũng nhiều loại. Có không ít người bị ngược đãi, thậm chí đánh đập, bị bó buộc tù túng bởi bao thứ quy định trong nhà. Làm bể chén bát là bị trừ vào tiền lương. Đi chơi là trừ vào ngày công. Và đáng nói nhất là bị la mắng suốt ngày vì làm không đúng ý gia chủ. Vì thế cũng có những người ngấm ngầm phản ứng, có cô ăn cắp của chủ, thậm chí có người gây án. Nhưng đó chỉ là số ít trong hàng vạn người phụ nữ đang làm cái nghề mà ta quen gọi là ôsin này.

Nhưng tôi cũng biết nhiều chuyện đầy tình người từ cái nghề xa nhà gian nan ấy. Có cô bị chủ nhà sa thải, nhớ đứa con nhà chủ mình hay bế bồng mà hàng đêm vẫn về đứng ngoài hàng rào nhìn trộm đứa bé, để được nghe vọng ra tiếng nó bi bô nói cười. Có cô ở với chủ nhà mà thành tình nghĩa chị em, chủ khác mời gọi giá cao hơn mà không bỏ đi. Có cô đi rồi quay lại tình nguyện làm giúp cho đến ngày gia chủ tìm được người mới ưng ý. Nhiều cô ăn ở cũng khéo, chủ nhà cho mười, cô biếu lại một, hai. Thôi nôi em bé cũng không quên dành dụm chút quà. Tình người là thế. Nhưng cuộc sống cũng là thế. Nghề ôsin không khó, nhất là với những cô gái chịu khó làm lụng tay chân, khéo léo việc gia đình. Cứ thử tính, trung bình làm cho một nhà hai vợ chồng một đứa con nhỏ là 800 nghìn đến 1 triệu đồng, không tốn tiền nhà, được bao ăn ba bữa... thì cô để dành cũng khá hơn là một công nhân. Ơ với những gia đình tử tế, các cô học thêm được nhiều điều từ cuộc sống, và có cơ hội tìm kiếm việc làm khác tốt hơn. Nhưng cái cần là nghề ôsin phải khéo và biết xử thế. Thật ra ít gia chủ nào tiếc tiền nếu ôsin làm việc tốt, an toàn và nhất là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trông được cục cưng của họ (điều mà nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện nay khiếm khuyết).

Lời cuối cho nghề ôsin

Nhưng đáng tiếc là nhiều người vẫn coi nghề này chỉ là giải pháp tạm thời, làm không toàn tâm toàn ý, nên dễ có mâu thuẫn với gia chủ. Trong cái quan hệ cung cầu, thì hiện nay cung và cầu tương đương, nhưng chất lượng cung chưa đạt được với cầu. Số lượng đông mà chất lượng chưa cao, kể cả những người tự khoe là đã được đào tạo nghề làm việc nhà để đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Nhiều công ty đã nắm bắt được nhu cầu về người giúp việc rất lớn của các gia đình hiện nay mà lao vào dịch vụ giới thiệu, nhưng đáng tiếc tình trạng đem con bỏ chợ là chính, họ không đầu tư vào việc đào tạo người giúp việc từ những việc làm rất đơn giản trong gia đình, trong khi người giúp việc thường là từ các vùng quê nghèo đổ về thành phố. Thật ra, đây có thể là một nghề nghiêm chỉnh, nên có trường lớp đào tạo đàng hoàng. Nhìn từ góc độ việc làm thì nghề này có thể giải quyết rất nhiều nguồn lao động cho các vùng quê đang bị đô thị hoá và khan hiếm việc làm. Nếu như được đào tạo đàng hoàng và làm tốt, thì nghề giúp việc nhà đâu có phải là hèn kém?

Tôi biết nói vậy có thể còn có nhiều tranh cãi, nhưng chắc đa số mọi người đều đồng ý với tôi rằng nghề này là cần thiết, thậm chí quá cần thiết. Không tin các bạn cứ hỏi mấy ông trưởng phó phòng, kỹ sư, nhà báo, nhân viên công ty bằng cấp đầy người... phải ăn mì gói và ẵm con vẹo cả sườn suốt dịp Tết vừa qua mà xem?

Tái bút: Từ giờ cho tới Tết năm tới, xin đừng ai đưa bài báo này cho cô giúp việc nhà tôi đọc, vô cùng cảm ơn.


Huỳnh Dũng Nhân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 226
  • Khách viếng thăm: 186
  • Máy chủ tìm kiếm: 40
  • Hôm nay: 19192
  • Tháng hiện tại: 2251742
  • Tổng lượt truy cập: 46218975