Hóc Đùn những ngày tháng Tư

Đăng lúc: Thứ hai - 01/12/2014 09:32
Bên cái bàn tròn giữa ngôi nhà ngói cao rộng thênh thang có 3 người, thuộc 2 thế hệ đang kể về những ngày 30/4 trên mảnh đất có cái biệt danh là “Hóc Đùn” nổi tiếng của xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho. Nhưng thật ra chỉ có chú Mười Hùng (Nguyễn Thế Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy, kiêm Chính trị viên Xã đội Đạo Thạnh năm 1964 - 1975) nói nhiều; chú Quốc Anh (một cán bộ cao niên vùng này) chỉ thỉnh thoảng mới thêm vào vài câu. Còn tôi, chỉ đặt những câu hỏi và lắng nghe.
Nhìn cây xoài cổ thụ trước sân, chú Mười Hùng kể lại những ngày vùng này không một ngôi nhà, không một ánh lửa, không một làn khói bếp. Đó là những năm 69 - 72 bọn lính tập trung đốn cây, bình định. Vùng này vốn là một làng quê trù phú, nổi tiếng với mận hồng đào; những vườn mận nối tiếp nhau che mát đường đi lối lại. Đến mùa, mận hồng đào đỏ rực trên cây, rụng đầy dưới mương, thế mà … chỉ sau vài ngày gọi là “phá hoang” bọn địch đã đốn sạch, để chúng đứng ở đầu cầu Bến Chùa có thể nhìn thấu tới ấp 5 - căn cứ của ta. Nhà dân thì đã bị chúng đốt hết từ năm 1969. Du kích, cán bộ cách mạng vẫn bám trụ. 22 anh em ban ngày ở dưới những đống chà cây, đêm đi tìm chuối về trồng. Chỉ có chuối mới lên nhanh, mới kịp che chở cho du kích trước khi lá cây rụng hết. 4 giờ sáng phải dậy nấu cơm, đào hầm mà nấu để địch không thấy lửa. 5 giờ rưỡi cơm nước xong, bung ra tiền duyên gài lựu đạn, chặn những con đường địch có thể đi qua. Chiều lại phải đi gỡ. Những bãi chết thì khỏi gỡ, nhưng 5-6 ngày phải thay dây thun. Nếu không thì thun giãn, muỗng bật lên, lựu đạn sẽ tự nổ. Lựu đạn do ta tự tạo bằng lon cá mòi.

Dù bọn địch ngăn chặn cỡ nào cũng không ngăn được lòng dân đến với cách mạng. Bằng nhiều cách, bà con vẫn đem gạo thóc, mắm muối vào địa hình; có cả thịt hộp, thuốc Rubi… Nhiều người còn đem phân bón cho chuối mau xanh. Còn thức ăn thì thiếu gì, xách bao cát Mỹ đi quần mương vài giờ thì đã kiếm được vài bao tôm. Tôm càng nướng ăn đến no. Hồi đó gian khổ thì nhiều, nhưng cái ăn, cái mặc của du kích vùng này thì không thiếu.

Sau bình định năm 72 địch không còn dám càn vào đây nữa, vì sợ lựu đạn. Sau vài tháng, chuối ra lá, mận đâm chồi, địa hình đã xanh trở lại. Mặc dù những năm 72 - 73 địch tăng cường hành quân lấn chiếm khắp nơi để thực hiện mưu đồ “tát” dân ra khỏi cách mạng, nhưng ở Đạo Thạnh tương đối ổn định. Cuối năm 1974, đầu năm 1975 thế chiến trường đã thuộc về ta; tin chiến thắng từ khắp nơi dội về làm nức lòng người. Tháng 2/75, Thành ủy Mỹ Tho chỉ đạo xã phải chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng tiếp quản thị xã. Lúc này toàn xã được 27 tay súng, nhưng du kích thì chỉ có 17 người, còn lại là lãnh đạo xã và các ngành. Chú chia lực lượng ra làm 2 cánh: Cánh 1 do chú chỉ huy, có 7 tay súng, sẽ đi từ căn cứ ấp 5, đến ấp 3B, 3A, rồi qua sông Bảo Định; có nhiệm vụ tiếp quản cơ sở Châu Phước Liêm và công sở tề xã Đạo Thạnh. Cánh thứ 2 do Năm An (Xã đội trưởng) chỉ huy, có 8 tay súng. Cánh này cùng đường xuất phát với cánh 1, nhưng qua sông Bảo Định thì đi ngược lên chiếm đồn Cầu Sắt. Điểm tập trung của 2 cánh khi hoàn thành nhiệm vụ là công sở tề xã Đạo Thạnh.

Song song với kế hoạch này, xã còn gấp rút vận động nhân dân may cờ, mua gạo thóc, mắm muối dự trữ để sẵn sàng đón lực lượng của trên về. Nghe nói sắp có đánh lớn bà con mình rất phấn khởi, nhiều người tự nguyện mua vải may cờ gởi cho cách mạng. Có người may hàng chục lá cờ mà không cần cơ sở gởi vải. Nhờ vậy, chỉ trong vòng một tháng mà ta có được hàng trăm lá cờ; cộng với số cờ may hồi ký Hiệp định Paris thì đủ cắm từ Đạo Thạnh ra thị xã Mỹ Tho. Còn gạo thì cơ sở cũng đã mua hàng tấn, vô bao chỉ xanh, gởi ở các nhà máy.

Khoảng tháng 3 thì lực lượng C2, C5 - Bộ đội địa phương Mỹ Tho - và cán bộ Thành ủy về, làm cho Hóc Đùn đông vui, rộn rịp hẳn lên. Đêm đến, đi đâu cũng thấy tăng võng, cũng nghe tiếng cười nói và bước chân lạo xạo dưới những liếp mận hồng đào. Nhưng đợi đã hơn 1 tháng mà chưa thấy trên có lệnh gì, thật bứt rứt, khó chịu. Ngày ngày mở đài nghe tin quân ta thắng lớn ở Buôn Mê Thuộc, Kon Tum, Plây-cu, Bình Định, Khánh Hòa; rồi Huế, Đà Nẵng… lại càng nôn nóng, đứng ngồi không yên.

Sáng 30/4, tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng làm cho cả Hóc Đùn bừng dậy; hối hả, rầm rập, mỗi cánh quân đi về một hướng theo kế hoạch. Chú chỉ huy cánh của mình hướng về sông Bảo Định, tới ấp 3 thì bà con báo phía trước có địch rất đông. Nắm được đó là lực lượng của Tiểu đoàn 516 Bảo an, chú cho thông tin lên máy gọi hàng. Chúng không trả lời. Chú cho lực lượng mình tìm chỗ ẩn núp, rồi dùng loa tay gọi hàng, bảo chúng cử đại diện đến gặp quân giải phóng. Chừng 10 phút sau, tên trung úy Đại đội trưởng Bảo an đi lên. Chú bảo hắn cho lính gom súng giao quân giải phóng rồi tự rã ngũ. Hắn xin cho hắn quay lại ít phút để báo cáo cấp trên. Chú đồng ý, nhưng buộc hắn phải cam kết từ giờ không được nổ súng.

Đợi khoảng 10 phút, không thấy hắn lên. Chú cho lực lượng dò la thì biết chúng đã bị lực lượng của Thành đội giải giáp. Chú đưa lực lượng qua sông, lấy thêm du kích mật ở ấp 7 và một số nhân dân chí cốt; tất cả hơn 30 người, nhưng chỉ có 9 tay súng và một số lựu đạn. Sắp đến công sở tề thì Hai Ký ra đón. Hai Ký là đại diện xã, nhưng là nội tuyến của ta. Năm 1972 cũng nhờ Hai Ký báo tin kịp thời, lực lượng cách mạng ở Đạo Thạnh mới tránh được tổn thất. Hai Ký báo cáo tình hình ngoài đó và đề nghị chú chậm lại vài giờ để tránh đổ máu; vì lúc này địch trong công sở tề và cơ sở Châu Phước Liêm vẫn còn nguyên.

Hai Ký quay về cho lực lượng nghĩa quân trong công sở giải tán; súng đạn bỏ lại, giấy tờ, tài liệu đâu để đó. Bọn địch trong cơ sở Châu Phước Liêm thấy thế cũng tự giải tán. Chú cho lực lượng tiến lên, vừa đi vừa cắm cờ dọc hai bên đường. Gần đến công sở tề thì gặp 2 chiếc Bùlu. Súng tiểu liên bắn sao nổi xe bọc thép, nhưng chú cũng gọi hàng. Chúng chạy vào thị xã, bị lực lượng khác bắn hạ 1 chiếc.

3 giờ chiều lực lượng ta có mặt ở công sở tề và cơ sở Châu Phước Liêm. Bà con xung quanh kéo đến reo mừng. Họ ôm chầm lấy chú, Năm An và từng anh du kích. Các chú bác, cô dì vừa cười vừa khóc. Họ sờ đầu, nắn vai từng người, miệng lẩm bẩm như trong mơ “Từ nay hết chết rồi các con ơi! Hết chết rồi!”, “Cám ơn trời phật, hòa bình thiệt rồi!”…Rồi từng nhóm, từng nhóm người kéo đến với gà, vịt, bánh trái kĩu kịt. Bà con tự tổ chức liên hoan mừng chiến thắng, mừng đất nước hết chiến tranh, con em mình còn sống trở về. Quân cũng như dân, cùng nhau thức trắng, cùng nhau reo hò. Suốt 3 đêm liền chú, Năm An và tất cả anh em đều không ngủ; mệt quá thì ngả ra bàn, vài phút cũng bị bà con réo tên, lôi dậy. Những ngày ấy, lúc nào trong trụ sở Quân quản của xã cũng có 60 - 70 người đến mừng, lưu luyến không muốn về. Nhưng vui thì vui, việc vẫn phải làm. Các chú bắt tay củng cố lực lượng, lấy súng địch trang bị cho du kích các ấp. Rút lực lượng hợp pháp bổ sung cho các ngành, đoàn thể. Vận động nhân dân xóa cờ 3 que, treo cờ giải phóng và các khẩu hiệu mừng chiến thắng. Phân công người giữ tài liệu; tiếp lực lượng tề, ngụy đến đăng ký…

Những ngày đầu thật bỡ ngỡ, là một Bí thư Đảng ủy xã, kiêm chính trị viên Xã đội, nhưng chú có được tập huấn công tác lãnh đạo chính quyền hồi nào đâu. Thôi thì làm gì ích nước lợi dân, làm gì để cuộc sống thanh bình thật sự có ý nghĩa và bền vững thì chắc không sai.

Cho đến bây giờ, khi đã trở về cuộc sống đời thường, làm người dân bình thường chú vẫn tâm niệm như vậy. “Làm gì để đất nước mãi mãi thanh bình; làm gì để ích nước lợi dân thì ắt không sai”.                                        

Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 62)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 810
  • Tháng hiện tại: 2233360
  • Tổng lượt truy cập: 46200593