Đời lũ: Du mục trên sông (kỳ cuối)

Đăng lúc: Thứ sáu - 21/12/2012 10:01
Rày đây, mai đó, họ cứ lênh đênh hết bến nước này đến cánh đồng lũ khác chẳng khác nào đời “du mục”. Nhưng nơi họ đến, họ đi không phải là thảo nguyên, không có những đàn cừu mà chỉ có mênh mông sông nước. Đời họ nổi trôi như con nước lũ, chỉ đi qua chứ không bao giờ dừng lại một chốn nào.

Một đoàn ghe của dân vạn chài sống đời “du mục” trên sông nước đang neo đậu ở bờ kênh Vĩnh Tế – An Giang.

Dở “nhà” theo con nước

Xế chiều, mấy “cái nhà” di động cuối cùng cũng đã cập bến bên bờ kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rải rác dọc bờ kênh này từ khu vực xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc vào tận Tịnh Biên đều có ghe xuồng của dân vạn chài tứ xứ đến tạm cư. Mỗi nơi họ đến, nếu ở lại mươi ngày, nửa tháng thì phía trên bến xuồng neo đậu dựng tạm lên mái liều để che mưa nắng. Cà ràng, ông táo, nồi niu, xoong chảo, chăn mùng và bao nhiêu thứ khác khi đó đều được dọn từ dưới ghe xuồng lên “nhà”. Chiếc xuồng trở thành phương tiện mưu sinh, đánh bắt cá hàng ngày của họ. Còn cái gọi là “nhà” thường chỉ là một tấm bạc cũ căng trên vài cây cột bằng gỗ tạp to cỡ cườm tay người lớn. Lão ngư Tám Nê nay đã ngoài cái tuổi 70 mà vẫn còn phải sống cảnh rày đây, mai đó, lênh đên khắp vùng sông nước chẳng khác nào đời “du mục”. Cái cằm móm sọm, đôi hàm răng chỉ còn vài chiếc cuối cùng, nước da đen nhẻm vì gần cả cuộc đời cứ phơi mình trong nắng gió thương hồ. Lẽ ra ở cái tuổi an hưởng điền viên thì ông Tám Nê phải ngày ngày chèo chống chiếc xuồng, gồng hết sức bình sinh để quăng chài bắt cá. Phóng tầm mắt về phía bên kia biên giới, bằng cái giọng buồn buồn lão ngư kể về cuộc đời “du mục” trên sông nước của mình. Là con trai thứ tám trong gia đình có đến mười anh chị em, hết thảy đều nghèo. Cha mẹ nghèo thì con cái cũng nghèo. Thưở trước, khi mới lập gia đình, Tám Nê cũng cất một mái nhà nhỏ ở dãy đất cuối đuôi cồn Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Nhà ở tạm trên phần đất rẫy của người bà con bên bờ sông Hậu. Cả ngày hầu như Tám Nê đều ở trên sông đánh bắt cá. Gió lớn, đất lở, căn nhà nhỏ không đủ sức đương đầu với sóng gió nên bị đổ sập. Kể từ đó, Tám Nê đùm túm vợ con xuống chiếc xuồng cui bắt đầu đời “du mục” khắp vùng sông nước. Gần hai nươi mùa lũ đến rồi đi, năm đứa con, bốn trai, một gái ra đời. Ông nói: “Cái nghề này cứ theo con nước dở “nhà”. Mùa khô thì tui vô tận miệt Đồng Tháp Mười đánh bắt. Tới đâu ở tạm luôn tại đó. Cá tôm bắt được bán cho bạn hàng tại chỗ. Lũ về lại ngược dòng về vùng đầu nguồn huyện An Phú, Tân Châu, tỉnh An Giang. Tùy theo con nước rong (từ khoảng mùng 10 tới 15 âm lịch) hàng tháng mà tính toán di chuyển tới chỗ nào nhiều cá. Hồi mới từ bên An Phú qua tui neo xuồng ở đầu kênh Vĩnh Tế rồi cứ lần theo con nước tiến vô sâu. Chỗ này cũng mới ở được ba ngày, hết con nước rằm rồi cũng đi tìm bến khác”.


Bến xuồng của dân vạn chài “du mục” ở Tịnh Biên, An Giang.

Tha phương cầu thực

Cũng như Tám Nê, đoàn xuồng vừa cập bến bên bờ kênh Vĩnh Tế chiều nay cũng là dân vạn chài miệt sông Tiền. Anh Năm Chức cho biết, quê ở tận Vĩnh Long, nhưng mùa lũ năm nào cũng lên vùng đầu nguồn đánh bắt, rồi tá túc tại xứ người. Năm Chức giới thiệu bốn “đồng nghiệp” đi cùng trong nhóm là Hai Bui, Út Mởn, Sáu Khởi và Chín Ri. Trong đó, Sáu Khởi và Chín Ri là hai vạn chài có tuổi đời trẻ nhất và là em ruột của anh Năm Chức. Trên mỗi chiếc xuồng dài sáu thước năm (6,5m) là một “gia đình”. Năm Chức nói, cái nghề “bà cậu” bạc bẻo, thăng trầm này mà cũng cha truyền con nối. Thuở nhỏ anh theo cha lênh đênh sông nước nên đã biết rõ mặt hàng trăm loại cá ở đồng bằng. Lớn lên cưới vợ, không ruộng đất, nghề nghiệp cũng không nên Năm Chức nối nghiệp cha trở thành một vạn chài thực thụ. Đến lượt Sáu Khởi cũng không ngoại lệ. Hôm Chín Ri cưới vợ, tiệc cưới đơn sơ được tổ chức ngay bên nhà gái ở miệt Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Đó là cái duyên trời định, khi Chín Ri đến xứ này làm nghề chài lưới thì phải lòng cô gái địa phương. Gia cảnh đôi bên đều nghèo khó nên cũng dễ cảm thông. Đám cưới đơn sơ với khách mời phần lớn là cánh vạn chài tứ hải, quen biết trong những lúc bôn ba. Sau đám, nhà trai và nhà gái hùn vốn sắm một chiếc xuồng cui để vợ chồng Chín Ri gia nhập vào đoàn người “du mục”. “Hôm cặp cà rèm làm bằng tre lá được đóng hoàn thành cất lên xuồng cũng là lúc vợ chồng tôi rời bỏ quê nhà. Xuồng đã đi xa, vợ tôi vẫn còn ngoái lại nhìn mà nước mắt hai hàng rơi lã chã”, Chín Ri bùi ngùi kể.

Lão ngư Tám Nê cho biết, hầu hết dân vạn chài đều nghèo kiết xác, mà nghèo đến ba đời. Cái nghề hạ bạc này bắt đầu từ thời cha ông, đến lượt ông, giờ thì các con ông cũng mang lấy “nghiệp”. Cả gia đình chục con người chia nhau từng chỗ nằm chật hẹp trên ba chiếc ghe chài, rong ruổi khắp miền Tây sông nước. Hai người con lớn của Tám Nê đã thành gia thất, mỗi người ông cho của hồi môn là một chiếc xuồng và một tay chài. Ba người con nhỏ hiện vẫn còn chung sống với vợ chồng ông trên chiếc ghe chài lớn. Nay đậu bến này, mai lại dời đi bến khác, họ cứ mãi kiếp sống “du cư”. Mỗi lần neo ghe ở một bến nước bên bờ kênh nào đó thì ông lão liền lôi lên bờ lỉnh khỉnh là cây, là bạc để dựng liều. Nơi đó chỉ có hai vợ chồng già ông Tám Nê ở, còn các con ông vẫn ngủ trên ghe. Ba ngày nay con nước đầu nguồn lên chậm, cá cũng không nhiều. Từ khi măt trời chưa ló dạng, ông Tám Nê cùng với hai người con trai trẻ đã tủa ra kênh Vĩnh Tế quăng chài. Hì hụt, lặn ngụp trong dòng nước lũ từ hừng đông đến khi mặt trời đứng bóng mà mỗi người chỉ kiếm được non chục ký cá một ngày.


Lão ngư Tám Nê, hơn 70 tuổi vẫn phải sống kiếp thương hồ lênh đênh sông nước, tha phương cầu thực.
 
Đứng bóng, cái nắng vùng biên giới hắc vô mặt người khô rát vậy mà vẫn không xua được tiết lạnh của gió bấc đầu mùa. Vừa thả chiếc chài từ trên vai xuống đất, ngư dân già ngồi bệt xuống bờ kênh vì mệt nhọc, tay chân bủn rủn. Cô con gái út ông Nê từ dưới ghe chài xách rổ và con dao ếm đến xuồng đụt lựa mớ cá to chặt vi, đánh vảy. Đằng lái ghe, bà Tám già đã nhóm bếp lửa hồng bằng mấy nhánh củi tràm khô vặt được. Nồi cơm đã cạn nước, sôi bọt trào ra tận mép nồi. Cô út nhanh tay chẻ nẹp, kẹp gấp mớ cá nướng lửa hồng. Mùi cá nướng, mùi cơm cháy lửa hồng từ lái ghe làm lữ khách cũng đói lòng. “Bữa nay sẵn dịp ăn cơm đạm bạc với vạn chài, hén!”, lão ngư móm mém mời mộc nhiệt tình. Khi có vài ly rượu đế, lão “du mục” mở toạc lòng mình. Ông bảo, cô con gái út nay đã 19 tuổi đầu cũng là ngần ấy năm cả gia đình phải rời bỏ quê nhà, đùm túm xuống chiếc ghe chài tha phương cầu thực. Thưở trước, lũ về con nước tràn đồng, cá tôm nhiều vô số kể. Chỉ có mùa khô là phải đi đánh bắt xứ xa, nhưng vậy thì cũng được vài tháng lũ ở gần nhà. Dần dần, bờ bao cứ vây kín lấy các cánh đồng, ngăn lũ để làm lúa vụ ba. Vạn chài không còn địa bàn đánh bắt, ngày càng phải đi xa và đi xa hơn nữa mới kiếm được bữa cơm. Tội nhất là thân con gái, đã tới tuổi thành gia thất mà cứ mãi theo cha mẹ làm kiếp thương hồ, thì ai dám lấy. Cảnh nghèo, nhà cửa chỉ là chiếc ghe chòng chành trên sóng nước, rồi đây cô út cũng sẽ phải mang kiếp vạn chài, du cư khắp nơi như ông nội, như cha và các anh trai vậy. “Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, vạn chài già Tám Nê nói vậy rồi trầm tư: “Mấy anh nó cũng là duyên nợ bèo mây, thằng lấy vợ miệt Tiền Giang, thằng thì Thạnh Hóa. Để coi duyên nợ ghé “bến” nào thì con út cũng phải chấp nhận chứ nào có quyền mơ với ước”.


Đời sống dân vạn chài “du mục” hết thảy đều nghèo, vất vả mưu sinh.
 
Bữa cơm trưa ăn vội nhưng câu chuyện cuộc đời của dân “du mục” trên sông nước vẫn cứ đều đặn trôi. Đoán là luồng cá không chạy ở khúc sông này, lão ngư giục các con mau mau thu dọn, dở “nhà” cho xuồng ghe đi sâu hơn vào kênh Vĩnh Tế, nơi tiếp giáp với cánh đồng nước lũ của nước bạn Campuchia. Chỉ độ nửa giờ, mọi thứ từ chài lưới, quần áo, cà ràng đều được thu dọn chất hết lên ghe. “Mỗi nơi tui đến, tui đi lâu lắm cũng chỉ độ chừng nửa tháng. Với dân vạn chài cuộc đời cũng trôi theo con nước, chỉ đi qua chứ không dừng lại một chốn nào. Quê hương là để ở trong lòng, nhớ quê nhưng cũng không về được vì cái kiếp nghèo phải tứ xứ mưu sinh”, lão ngư gân cổ nói vói theo tôi khi chiếc ghe chài đã dạt khỏi bờ, tiếp tục cuộc hành trình vô định của đời “du mục”.
Bùi Quốc Dũng
(Theo nhandan.com.vn và thegioif5)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Khách viếng thăm: 196
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 81293
  • Tháng hiện tại: 2362950
  • Tổng lượt truy cập: 48737077