Đi tìm nỗi sợ ngày xưa

Đăng lúc: Thứ ba - 24/01/2017 10:10
Ý nghĩ này cháy lên khi chúng tôi đi vào trung tâm Đồng Tháp Mười tháng 9 năm 2016...
Tôi vào huyện Thạnh Hóa, Long An khẩn hoang Đồng Tháp Mười, cuối năm 1986, đầu năm 1987. Làm nhà, đào kinh xả phèn, bám trụ được 10 năm. Chịu không nổi xứ nắng lửa phèn chua và lũ lụt triền miên, phải “cuốn dù”, bỏ của chạy lấy người. Kể như “Dã tràng xe cát biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì!”… Dĩ nhiên tôi rút được bài học sống làm người đắt giá. Cũng nhờ đó mới có so sánh hơi kì cục là “đi tìm nỗi sợ của ngày xưa”!
Đoàn Văn nghệ sĩ Tiền Giang đi thực tế ở Đồng Tháp Mười

Đoàn Văn nghệ sĩ Tiền Giang đi thực tế ở Đồng Tháp Mười

Nói là thọc sâu vào Tháp Mười chứ thật ra tôi chỉ đến nơi mình lập đất khai hoang, ý định dựng trang trại và sẽ chuyển về đó công tác, gắn bó với vùng đất đã chọn. Tôi chỉ có hai điểm đi và đến: xuất phá từ trường Thủ Khoa Huân, Chợ Gạo; đến ngã năm Hoàng Gia (ngã năm Bắc Đông). Cứ hai điểm ấy lặp đi lặp lại suốt mười năm. Có hai lần chú Hai Cừ khai hoang vùng Pa Ren giáp biên giới Campuchia rủ tôi lên đó chơi và kiếm một cô vợ chính gốc Tháp Mười để giữ đất, sinh con đẻ cái nơi ấy. Tôi hăng hái khám phá ở cái tuổi 27 trai tráng xuống biển lên rừng nhẹ như ra vườn lội ao nhà mình. Tôi ngồi ghe máy suốt một ngày trời mới tới Pa Ren. Ăn uống và xả ngay trên ghe ngượng ngùng chết đi được. Chẳng lẽ xin dừng ghe cho riêng mình “giải quyết”? Gia đình chú Hai tỉnh queo như không. Còn tôi, thầy giáo trẻ, chưa từng làm thế. Người con gái chú Hai mai mối cho tôi tên như không tên: “Bé Năm”! Bầu bĩnh, trắng hồng và khỏe như bao người sinh ra và quen với mùa nước nổi. Bé Năm kể cho tôi nghe quê hương: “Ở đây muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh. Sáu tháng nước về bắc sàn ở. Khâu vệ sinh thì tùy nhà. Người kỹ thì chèo thuyền ra bờ kinh. Còn biếng thì làm ngay xuống nước…Tụi em không học hành. Nếu giỏi thì biết đọc chữ là giỏi lắm rồi... Đất này dễ sống lắm anh ơi! Nuôi trồng được tuốt, ăn cá tươi, rau xanh, gà vịt sẵn trong chuồng…Nhưng người trắng trẻo, học cao như anh, từ miền ngoài vô chắc không ở nổi đâu! Không phải em dám chê anh. Nhưng em sợ mình không hợp. Có con rồi, lỡ anh bỏ em, sao nuôi nổi đây?”. Bé Năm cởi mở, dám nói thật. Tôi biết thêm nhiều miền quê Đồng Tháp là nhờ dân thổ địa kể lại. Chứ mười năm khai hoang có thấm tháp chi mà bày đặt nói mình rành đất này?

Từ năm 1988 đến 1992, Đồng Tháp ngập tràn nước lũ. Đê bao lúc ấy dang dở, đường sá thì thôi khỏi nói! Chỉ di chuyển bằng thuyền chèo tay mướt mồ hôi. Sao đi đâu? Chúng tôi dân xứ lạ đến với đất này. Mùa khô cánh đồng bao la. Trời bát ngát. Bạt ngàn cỏ năn, đưng, bàng, lau sậy… nhìn lãng mạn lắm. Nhưng mùa nước nổi thì khủng khiếp. Bây giờ mơ thôi cũng tháo mồ hôi nói chi những năm bám đất? Mấy trận lũ lớn bất thường đã cuốn trôi nhà cửa, đồ đạc, cây cối vừa bén rễ… Mấy anh em trắng tay sạch vốn, phải tháo lui, làm mướn khắp nơi. Lũ cũng cuốn trôi mất ý định lập nghiệp tại Đồng Tháp của tôi! Trở về trường xơ xác, thân già trước tuổi. Tám ha đất đành bán rẻ như cho không. Đất ấy nằm ngay ngã năm Hoàng Gia, liên thông hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Giờ có chục tỷ cũng không rớ nổi! Thôi thì cái số nghèo vẫn nghèo. Nói chính xác là bội phản chính mình, hèn nhược nên không thể làm giàu! Người ta vẫn nói: “Có chí làm quan/ Có gan làm giàu”. Không gan góc, kiên trì bám trụ thì đành chấp nhận chứ trách ai?

Hôm nay chúng tôi vào trung tâm Đồng Tháp. Nhờ sông mồ hôi của triệu người mới có đường nhựa xe đi. Những cây cầu hiện đại, những cung đường kết nối những miền quê vời vợi. Ngày xưa lội cả tháng trời. Hôm nay chạy vèo vài tiếng là tới. Sướng như tiên. Nhưng cũng buồn tiếc nuối ngày xưa đâu rồi?

Hôm nay đi giữa huyện Tháp Mười, cái rốn lũ rốn phèn mà khô cháy chang chang. Nước lũ ở đâu? Chỉ những con kinh lừng chừng nước lững lờ trôi rất chậm. Ngày xưa, mùa này lênh láng nước. Nước tràn đồng ruộng. Trên trời mây trắng bao la. Dưới đồng nước cũng trắng ngút ngàn như mây trắng trên trời…Những dòng kinh lớn như Nguyễn Văn Tiếp, Bắc Đông, Bằng Lăng, Kinh Bùi, Kinh Giữa, v.v. dòng nước chảy, lao vun vút, ngầu bọt hồng hộc như ngựa chiến hỏa tốc! Những mái lá cột tràm chơ vơ trong nước. Lũ chuột đồng chí chóe. Lũ rắn hổ ngựa nháo nhào săn chuột. Rồi điên điển vàng rực cánh đồng. Mùa này cá rô non chảy theo dòng lũ, bà con hứng hàng trăm ký một ngày. Cá lóc, rắn ri, cá chốt, cá mè lưới bắt rọng đầy khạp. Xẻ phơi khô, làm mắm, nấu canh chua… Thôi thì đi đâu cũng cá. Thấy cá, đạp lên cá, không gian Đồng Tháp đặc mùi cá đồng!

Nhưng giờ còn đâu? Trong tôi lâng lâng, ngùi ngùi một tứ thơ mà không chép nổi nên vần. Tôi thấy dâng lên một cái gì đó quý như vàng vừa đánh mất. Ai đánh mất? Biến đổi khí hậu, tham lam tàn phá của con người đánh mất? Thời thế thay đổi rồi. Đất có tuần nhân có vận. Trời đất là bộ máy siêu nhiên. Nó mà đổi thì con người chỉ như con sâu cái kiến. Nhưng xót cái là chính sự tham lam, tàn bạo ích kỷ con người đã đẩy con người vào thảm họa!

Vô trung tâm, cái núm ruột Đồng Tháp giữa mùa nước nổi mà chẳng thấy lũ. Về lại Bắc Đông càng vắng bặt nước nôi. Trung tâm không có lũ sao cái rìa ngoài có lũ? Đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên do Sở Nông nghiệp dự định thành lập mấy trăm ha cũng vắng ngoe nước nôi. Cấp trên không cho vô thăm! Dù phó giám đốc thân thiện muốn cho mấy thi nhân vô dòm một chút… Tôi biết tỏng trong ấy chẳng có gì ngoài tràm, cỏ năn và ít nước vàng vàng

tù đọng!

Đồng Tháp Mười đang khô hạn giữa mùa mưa lũ! Cả 13 tỉnh miền Tây Nam bộ hiện nay đang sống trong hạn hán và mặn xâm thực. Dòng Mê - Kông cạn nước hay là thượng điền tích nước hạ điền khan? Hay 17 cái đập thủy điện quái ác đã chặn dòng vàng bàng bạc phù sa, cắt đứt nguồn sữa thiên nhiên dành cho hạ lưu Mê-Kông? Chẳng lẽ mới vài năm mà một vùng trù phú bậc nhất Việt Nam đã và đang bị sa mạc

hóa ư?

Ngày xưa sáu tháng nước nổi, mưa lũ là sự ám ảnh, sợ hãi của cư dân vùng này. Mùa lễ hội tưng bừng của nước là mùa buồn ly lạc của bà con. Khi mà Tháp Mười chưa được quy hoạch, chưa có vùng dân cư tránh lũ, chưa có như đê bao, những cung đường hiện đại như giờ, bà con tới lũ phải trào tán loạn khắp nơi né lũ. Mười năm quy hoạch nông thôn mới, gương mặt quê hương Đồng Tháp hồng da thắm thịt. Mừng chưa được nhiêu, thì nay đã rơm rớm nỗi buồn lo!

Khu dân cư vượt lũ, cầu đường hiện đại chỉ có ích khi đồng ngập nước. Nhưng giờ khô hạn khốc liệt thì phỏng có ích chi? Ai cũng chờ mong dòng nước lũ về đồng. Khi chưa hiểu thì tưởng rằng là họa. Khi hiểu thương rồi thì nó chính là phúc. Nước lũ là quà tặng khổng lồ trời ban cho 20 triệu dân 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Nước lũ mang theo phù sa dinh dưỡng tự nhiên bồi lắng cho toàn lưu vực Mê-Kông. Nhờ đó mà thành vựa lúa, vựa thủy sản và vựa trái cây của cả nước. Dân làm khơi, chơi chơi vẫn có ăn. Đầu tư chăm chỉ một tí thôi sẽ khá giả và giàu có.

Nước lũ kéo theo nhiều loài cá nước ngọt. Tôi từng chứng kiến cảnh hứng và hốt cá mùa lũ. Các loại rắn, chuột cũng theo nước chạy về. Tất cả đều theo con nước trời mà tưng bừng đi dự lễ hội mùa nước nổi!... Các loài chim cò cũng theo dòng nước về hội tụ. Có nước mới có mồi. Hàng triệu con chim lấy thức ăn từ muỗi, từ cá, ếch nhái. Giờ không còn lũ thì tất cả biến mất. Vùng sinh thái rồi sẽ vĩnh viễn nằm trên giấy và ý tưởng không bao giờ thành hiện thực nữa rồi!

Cái ngày xưa bà con sợ hãi sông ở Đồng Tháp là mùa lũ nước dâng chiếm đất. Cái khiến cho tôi và những người bạn bỏ chạy khỏi Đồng Tháp là lũ tràn vùng cuốn trôi tài sản. Nỗi sợ của ngày xưa, của lớp người khẩn hoang ngày trước chính là cái mong mỏi kiếm tìm của người hôm nay. Chúng tôi đi tìm dấu hoang hóa, tìm lũ của ngày xưa. Nhưng không còn thấy nữa. Và, liệu sẽ chẳng bao giờ còn nữa chăng?

Khi trời ban tặng món quà vô giá làm nên sinh thái đồng bằng sông Cửu Long thì mình lại sợ hãi. Bây giờ trời không cho nữa lại tiếc ngẩn ngơ! Trên đời, trong cõi trần gian điều này đã xảy ra và đang diễn ra. Bởi thế nên mới cười ra nước mắt! Đến trung tâm Đồng Tháp vắng lũ. Đến Bắc Đông, huyện Tân Phước, Tiền Giang càng vắng nước… Nơi tôi đang đứng trước khi lên xe về Mỹ Tho gọi là ngã năm Hoàng Gia. Trước khi thành lập huyện Tân Phước (1994) gọi là ngã năm Hoàng Gia. Tôi có bài ký về Năm Hoàng Gia, nhân vật đã đến khai hoang năm 1976. Sau đổi thành ngã năm Bắc Đông. Giờ lại gọi như xưa: ngã năm Hoàng Gia! Đây là vùng cá đổ về hàng năm. Có thóc là có bồ câu. Nơi nào sống được con người tìm đến! Cư dân Tháp Mười có địa chỉ khắp 63 tỉnh thành cả nước Việt Nam. Nơi này vẫn là ngã năm nhưng khô hạn và dĩ nhiên thiếu cá đồng! Các bạn hãy xếp câu ca “về sông ăn cá, về đồng ăn cua” vào cổ tích đi là vừa... Điều tưởng như không thể đã xảy ra. Không có gì là không thể dưới tác động của 7 tỷ dân trên trái đất! Con người đang “ngoạm” hết rừng đến biển, điến bưng biền, khu dự trữ sinh thái…

Năm 2016 là năm chấn động toàn thế giới. Loài người khắc khoải âu lo: nhân loại sẽ đi về đâu? Làm sao qua thảm họa? Cắt giảm khí thải thế nào? Lợi ích trước mắt và tương lai trái đất với số phận con cháu sau này?

Hàng chục triệu người di cư tới châu Âu. Châu Âu gồng mình chống chọi. Anh rời Liên minh EU. Chiến tranh Trung Đông, Tổ chức IS, khủng bố toàn cầu. Tranh chấp biển đảo, tranh chấp năng lượng hóa thạch làm khốn đốn an ninh thế giới. Việt Nam trong vòng xoáy ấy. Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, đất nông nghiệp bị nắng nóng và biển cả đòi lại. Vùng đất trù phú nhất Việt Nam - Tây Nam bộ đang thay đổi dữ dội. Từ sống chung với lũ giờ phải sống chung với hạn hán, ngập mặn. Từ cực này chuyển qua cực kia con người khó trở tay cho kịp với ông trời. Tôi nhìn lên bản đồ đất nước, nhìn châu thổ Cửu Long trong bối rối, ngậm ngùi. Bạn bè có ai ngợi ca nổi không về vùng quê giàu có rạng ngời? Riêng tôi thì không thể viết nổi một dòng lạc quan tếu táo!

Một ngày lang thang trong Đồng Tháp với bạn bè thơ phú. Tôi day dứt ngậm ngùi. Tôi trở lại mảnh đất hơn hai mươi năm trước tôi đã đến. Không phải dạo chơi mà đổ mồ hôi sôi nước mắt để tạo nghiệp. Dù không thành nhưng bài học cuộc sống dạy mình không nhẹ như sách vở! Nếu vùng trọng điểm nông nghiệp này không đứng vững thì nước mình có giàu mạnh văn minh hay không? Nếu chỉ có một cái chân công nghiệp với bao tiềm ẩn chất thải độc hại ô nhiễm, nước mình có vươn tới ngày mai như mong muốn hay không? Tây Nguyên thì mất rừng nguyên sinh tiếp theo sẽ cạn nguồn nước ngọt. 13 tỉnh Tây Nam bộ thì đang hạn hán, ngập mặn, mất nguồn đất phù sa canh tác và cũng không đủ nước ngọt cho hai chục triệu người sinh sống…

Xin bạn bè cùng đến với châu thổ Cửu Long, cùng chứng kiến biến đổi khí hậu đang hoành hành dữ dội, khốc liệt, cùng suy nghĩ tới tương lai thân phận con người. Tôi và chúng ta sẽ phát hiện ra điều: Cái hôm qua người ta lo sợ chính là món quà ông trời hào phóng tặng trao. Và bây giờ, ta lại phải mỏi chân, mòn mắt đi tìm nỗi sợ ngày xưa.

Nói nghe trái ngoe cẳng ngỗng. Mà sự thật đời sống lại là có lý, lại là sao tìm được mùa lũ như xưa? Bao giờ hàng năm tháng tám, chín thượng nguồn Mê-kông lại tưng bừng hội ngộ làm tươi xanh cuộc sống châu thổ chín rồng? Mơ ước, mong muốn là chuyện tâm hồn lãng mạn thi nhân. Còn trí tuệ lạnh lùng chính xác để giải quyết bài toán đời sống, chuyện bức xúc vùng đất là của nhà khoa học, là quốc sách đầu tư khôn ngoan của chính phủ.

Nước Hà Lan mấy ngàn năm nằm dưới mực nước biển mà họ vẫn bình an, giàu có. Israel, Trung Đông khô hạn mấy ngàn năm mà họ vẫn giàu có, thịnh vượng. Vấn đề của Tây Nam bộ tất nhiên cũng giải đáp được. Bắt đầu từ nay phải tính toán, đầu tư vào đó. Tôi tin cuộc sống sẽ vẫn êm trôi như dòng sông vĩ đại ngàn đời đã chảy và sẽ mãi mãi chảy theo luật ông trời... Dù ai đó tưởng rằng mình thay quyền tạo hóa bắt sông mẹ chảy theo ý mình! Tôi đã từng đọc và nghe các nhà khoa học nói rằng: Người ta chỉ dám ngăn nhánh sông làm thủy điện chứ không ai rồ dại mà cản dòng chảy của sông cái!

Vâng, từ nay đồng khô hạn đấy! Không tin cũng phải chấp nhận nó. Nhưng, hãy cẩn thận: bất ngờ bất kỳ khoảng khắc nào đó, nước từ thượng nguồn bật tung, phá tung những con đập ngăn dòng, gần 40 triệu ha châu thổ của mình trắng băng trong nước… Nhà bác học thiên tài Einstein nói: cái ta biết chỉ một giọt nước, cái chưa biết cả một đại dương. Sự tiên đoán dự phòng tình huống xấu nhất mới cứu thoát con người khỏi thảm họa! Tin tưởng hy vọng cũng cần. Nhưng dự đoán lo xa còn cần hơn thế nữa. Ông cha dạy: khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống. Nhưng mà phải biết trước, dự đoán từ xa, đón đầu quy luật tự nhiên để nương theo nó mà tồn tại và phát triển.

Nguyễn Thanh Xuân
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 77)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 174
  • Hôm nay: 39000
  • Tháng hiện tại: 2271550
  • Tổng lượt truy cập: 46238783