Đảo bé đang lớn lên từng ngày

Đăng lúc: Thứ ba - 27/03/2012 15:11
Rừng dừa phía Tây của đảo bé (An Bình, Lý Sơn).

Rừng dừa phía Tây của đảo bé (An Bình, Lý Sơn).

Đảo bé nằm phía Bắc đảo lớn (An Vĩnh, An Hải), ngày xưa gọi là Cù lao bãi bồi, nay là xã An Bình của huyện đảo Lý Sơn. Dân số 502 người/112 hộ, diện tích tự nhiên 69 ha, chiều dài theo hướng Đông - Tây là 1,2km, hướng Bắc - Nam là 0,64km. Nghề nghiệp chính của cư dân nơi đây là đánh bắt cá và trồng tỏi. Nơi đây không có chợ và thường xuyên bị cô lập bởi gió lớn và bão.

Đến với Cù lao bãi bồi

Chiếc tàu gỗ chở gần 20 người và một số hàng hóa rẽ sóng đưa chúng tôi tiến về đảo bé. Biển êm đềm, xanh biếc dưới nắng ban mai, những ngọn sóng tinh nghịch chồm lên nhau tung bọt trắng ngần. Biển đã qua cơn "giận dữ" nên hiền hòa và nên thơ. Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình (ông sống trên đảo lớn, nhưng hàng ngày phải qua đảo bé làm việc) chỉ tay về hướng Đông giới thiệu: "Trên ngọn núi là sân bay dành cho trực thăng lên thẳng, dưới đó chỉ có 8 ngôi nhà, còn trên đây - ông chỉ về hướng Tây có hàng dừa đang đứng chơ vơ dưới nắng và bãi cát trắng ôm lấy bờ - là trụ sở UBND xã và toàn bộ nhà dân đều tập trung gần giữa đảo. Hồi xã mới thành lập, 100% là hộ nghèo, đến nay mặc dù An Bình vẫn còn là một xã khó khăn nhất nước, nhưng số hộ nghèo đã giảm còn 66,07%. Bình quân thu nhập đầu người 460 ngàn đồng/người/tháng. Đất sản xuất nông nghiệp được 12 ha, trung bình mỗi người dân ở đảo bé được canh tác 110 m2. Tuy còn nghèo nhưng đảo bé cũng có người đậu thạc sĩ, đó là Bùi Văn Kim 35 tuổi, hiện công tác ở Khánh Hòa". 

Bên cạnh tôi là cụ bà Bùi Thị Thê, 75 tuổi và cháu trai của bà mới gần 5 tuổi, bà nói: "Bảy, tám ngày nay gió miết (gió thổi suốt), hôm nay biển êm mới đi chợ". Hỏi ra mới biết đảo bé không có chợ, chỉ có 2 tiệm tạp hóa nhỏ, một trạm y tế, một Trường Mầm non có 24 cháu và một Trường Tiểu học có 12 giáo viên và 56 học sinh. Các em học hết lớp 5 thì được gia đình gởi qua đảo lớn ở nhờ nhà bà con để đi học, có em cả năm mới về thăm nhà. Trạm y tế xã có 5 y sĩ và một bác sĩ tăng cường từ đảo lớn, mỗi tháng đổi một bác sĩ khác.

Bà Thê cho biết những lúc mưa gió kéo dài không đi chợ được thì ăn muối, có lần bão kéo dài trên 20 ngày, không còn gì để ăn, may mắn là Nhà nước cho máy bay chở lương thực ra cứu trợ. Khi hỏi sống ở đảo cực khổ như vậy, sao bà không ra đất liền mà sống, bà cười: "Ông bà, cha mẹ mấy đời sống ở đây, mình bỏ đi đâu cho đành!"

Cuộc hải trình không đầy 30 phút, tàu đã cặp bến. Đám trẻ ùa ra bến mừng bà, mừng mẹ đi chợ về. Tiếp chúng tôi có hầu hết cán bộ đầu ngành của xã, một cán bộ có giọng ca "vàng" ở đây được cử giới thiệu quê hương của mình qua ca khúc "Đảo bé thân yêu", Anh Phạm Văn Lâm, phụ trách Văn phòng UBND xã cung cấp cho chúng tôi những thông tin của đảo: "Hiện nay, xã đã có vài công trình đáng kể như vừa hoàn thành 2.663m đường bằng bê-tông, xây một bể chứa nước có dung tích 288 m3 và trường mẫu giáo 2 phòng; có 65 hộ được lắp đặt hệ thống thu điện năng lượng mặt trời, hiện nay Tỉnh Đoàn đang vận động nguồn tài trợ để lắp đặt cho những hộ còn lại".

Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch xã phấn khởi cho biết thêm: "Sắp tới, Công ty Doosan của Hàn Quốc sẽ tài trợ cho xã 2 máy lọc nước, 2 máy phát điện; tỉnh sẽ tài trợ kinh phí xây nhà để máy, nhà cho công nhân ở và lương cho người điều hành máy..." Chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chia sẻ: "Nhà nào cũng xây hồ chứa nước nhưng vẫn không đủ xài. Mùa nắng như vầy, phụ nữ và trẻ em rất khổ vì thiếu nước, nước ngọt bên đảo lớn đem qua giá 160.000  đồng/m3. Mỗi ngày chỉ được tắm một lần, mỗi người không quá 5 lít nước ngọt, nước sử dụng theo qui trình: Tắm xong giặt đồ, lau nhà rồi đem đi tưới cây. Hoa màu mùa này không có nước tưới nên phó thác cho trời, chính vì vậy thu hoạch không đáng kể!".  

Những câu chuyện trên đảo bé

Đảo bé do 4 vị tiền hiền họ Đặng, họ Trần và hai vị họ Nguyễn ra đây khai phá.

Đi một vòng đảo, chúng tôi mới chiêm ngưỡng hết phần nào vẻ đẹp nơi đây, đứng trên sân bay nhìn thấy toàn xã An Bình, những mái nhà được xây dựng kiên cố để tránh bão, những vuông đất trồng tỏi, trồng đậu... Thấy cả bên kia đảo lớn, nghe cả tiếng sóng dập vào sườn núi. Xuống bãi tắm tiên, nước trong xanh, từng lượn sóng xô nhè nhẹ, nghe kể chuyện ngày xưa tiên nữ xuống đây tắm. Tóc các nàng rụng xuống thành loài rau biển hình sợi màu hồng gọi là tóc tiên và đặc biệt loài rau này chỉ có ở đây vào mùa đông, dùng trộn gỏi hoặc nấu canh rất ngon. Hang "Chàng thiếp" là câu chuyện có thật cách đây 80 năm, có đôi trai gái yêu nhau không được gia đình chấp nhận đã đưa nhau ra đảo và sống trong hang sinh con đẻ cái và sau đó trở về, gia đình phải chấp nhận.

Bên mâm rượu có đĩa ốc tai voi do con trai chủ nhà vừa đi biển đem về, bác Đặng Yên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tâm tình: "Người dân ở đây đã quen khổ cực từ khi lọt lòng mẹ, mỗi năm phải chịu ít nhất là 3 cơn bão, còn chuyện cán bộ xã về huyện họp đôi khi gặp gió lớn không tàu về, ở bên đảo lớn cả chục bữa là chuyện thường ngày... Ngày xưa, ở đây không trường học, không trạm xá, 49 năm trước cô Lê Thị Mười, đau bụng 3 ngày đêm nhưng không sinh được. Bà mụ nhìn thấy chốp tóc của đứa bé mà không tài nào kéo nó ra. Để cứu mẹ, ông Bùi Ngố (chồng bà mụ) đã lấy cái lưỡi câu cá lớn, móc vào đầu thai nhi và lấy sức mạnh của dân làng chài kéo đứa bé ra. Thai phụ thoát chết mà thằng bé lại khóc rất to, ông Ngố gỡ cái lưỡi câu, đầu thằng bé ngập máu, chẳng có thuốc men, mọi người cạo phấn dừa cầm máu cho nó..." Chúng tôi ngạc nhiên, khi người đàn ông trung niên ngồi đối diện khom đầu xuống cho xem sẹo, chiếc sẹo khá lớn không mọc tóc nằm chếch phía sau bên phải của đầu, bác Đặng Yên nói: "Đứa trẻ ngày xưa là nó đó". Anh cười hiền lành, tự giới thiệu: "Tôi là Nguyễn Thịnh, nay đã 49 tuổi có vợ và 5 đứa con, Má tôi đã mất, ba tôi hiện làm trưởng thôn".

Đảo bé bây giờ tuy có đường, trường, trạm nhưng chưa có chợ và thiếu thốn nhiều bề, người dân nơi đây luôn mong mỏi những vòng tay yêu thương của cộng đồng, hà hơi, tiếp sức để họ thêm sức mạnh bám biển mà sống, giữ gìn từng tấc đất của quê hương.

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 294
  • Hôm nay: 58877
  • Tháng hiện tại: 2427302
  • Tổng lượt truy cập: 48801429