Chỗ dựa vững chắc để ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo

Đăng lúc: Thứ ba - 06/05/2014 08:04
Khi ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển xa xôi và thiêng liêng nhất của Tổ quốc, ngoài sự nỗ lực của bản thân, các ngư dân còn được sự hỗ trợ của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo. Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bám ngư trường để góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Trong buổi tiệc cúng bến trước khi khởi hành đánh bắt hải sản ở thềm lục địa phía Nam, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện cảm động của ngư dân với cán bộ, chiến sĩ đóng trên nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam cũng như bộ đội đóng quân trên các đảo ở Trường Sa.

Hầu hết đoàn tàu 20 chiếc của ấp Lăng (Tân Phước, Gò Công Đông) đều đánh bắt ở ngư trường thềm lục địa phía Nam và quần đảo Trường Sa, thỉnh thoảng cũng đến Hoàng Sa. Đối với ngư dân khi đánh bắt hải sản ở khu vực này, nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam, các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã trở thành biểu tượng gần gũi tượng trưng cho chủ quyền của Tổ quốc.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và vợ cùng chiếc tàu 350CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa và quần đảo Trường Sa
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và vợ cùng chiếc tàu 350CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa và quần đảo Trường Sa

Trong mỗi chuyến đánh bắt lênh đênh trên biển mấy tháng ròng rã và trong điều kiện sóng gió khắt nghiệt, ngư dân rất khó tránh được ốm đau, tai nạn bất ngờ. Nếu trở về đất liền để cấp cứu thì đường quá xa, mất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm tính mạng và chi phí hàng trăm triệu đồng cho chuyến đánh bắt, vì thế lựa chọn số một là cầu cứu bác sĩ các trạm xá quân y trên quần đảo Trường Sa.

Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, các bệnh xá của các điểm đảo đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ của hệ thống các bệnh viện quân y và Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nên đã đáp ứng được công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, thậm chí thực hiện được những ca phẫu thuật tương đối phức tạp mà trước kia phải chuyển về đất liền.

Thuyền viên Lê Văn Cảnh (35 tuổi, xóm Lăng) trên tàu TG 9235TS vào năm 2008 trong lúc đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa thì bị trật quai hàm rất nặng. Cơn đau nhức làm cho anh không thể cử động được nên làm sức khỏe anh suy giảm rất nhanh. Mặc dù gặp luồng cá lớn nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn quyết định ngừng thả lưới để đưa bạn vào điểm đảo gần nhất để cấp cứu.

Tàu ghé vào đảo Nam Yết ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 10o10’54N và kinh độ 114o21’36E, và được bác sĩ trên trạm quân y tiến hành giải phẫu kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.

Anh Tuấn xúc động kể lại: Bác sĩ trên đảo nhiệt tình lắm, trước khi về còn dặn dò chu đáo và cho thêm thuốc uống nên nhờ vậy mà tôi còn sống trở về đất liền! Được biết, mỗi năm trên bệnh xá của đảo Nam Yết đã cấp cứu hơn 100 lượt ngư dân bị nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho những con tàu đánh bắt xa bờ.

Còn lão ngư Nguyễn Văn Năm (63 tuổi, ấp Lăng), được xem là người đầu tiên tiến ra Trường Sa để đánh bắt hải sản từ năm 40 tuổi, khẳng định chắc nịch: Bộ đội Hải quân của mình đối với ngư phủ đúng là “tình quân-dân như cá với nước”. Khi ngư phủ hết nguyên liệu (dầu, nước ngọt) đột xuất cứ ghé đảo sẽ được hỗ trợ; còn ngư phủ sẽ tặng ngược lại bộ đội hải sản bắt được…Còn những lúc biển động, có bão lớn, ngư dân trú bão ở các đảo còn được các anh chia sẻ chỗ ở và thức ăn từ lát thịt hộp đến chén canh rau cải xanh hiếm hoi trên đảo.

Còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhớ hoài sự việc anh và các thuyền viên được cứu sống trong sự cố tàu bị chìm trong cơn áp thấp nhiệt đới năm 2000. Lúc đó, cả 3 trong 4 chiếc tàu của nhà anh bị ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới nên đều bị chìm, chiếc tàu do anh lái chìm ngay cửa biển. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám với nhau trôi dạt trên biển phó mặc số phận theo dòng nước gần một đêm.

Khi phao trôi vào gần đến nhà dàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam nhưng sóng to nên không thể tắp vào được nên anh Tuấn và người em thứ 4 là còn sức khỏe, khó khăn lắm bơi vào nhà dàn và leo lên để cầu cứu. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trên nhà dàn liên hệ với trung tâm cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền.

Tuy nhiên, khi vào đất liền, rất tiếc có một thuyền viên tử vong sau đó do trước đó đã bị mất nhiều sức vì cái lạnh và đói trên biển. Anh Tuấn chia sẻ: “Lúc đó, nếu không có các anh trên nhà dàn thì toàn bộ thuyền viên chúng tôi khó có khả năng sống sót. Do vậy, các anh trên nhà dàn cũng như trên các đảo được xem là vị cứu tinh của ngư dân trên biển khi gặp tình huống thời tiết xấu! Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ trên nhà dàn còn gởi tiền phúng điếu cho gia đình người thuyền viên bị tử nạn.”

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và vợ cùng chiếc tàu 350CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa và quần đảo Trường Sa
Lăng Ông Thủy tướng quân Nam Hải là nơi sinh hoạt của những người đi biển ở ấp xóm Lăng.

Sự hiện diện và mối liên hệ, gắn kết giữa ngư dân cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã giúp ngư dân Gò Công nói riêng và trong cả nước nói chung yên tâm, vững lòng tin bám ngư trường ở Trường Sa, Hoàng Sa. Trong đất liền, các ngư dân được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh hướng dẫn cụ thể về thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển, tần số gọi cấp cứu và hệ thống thông tin liên lạc…

Ông Nguyễn Hữu Nhâm, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) cho biết: “Theo quy ước của Đồn Biên phòng Kiểng Phước, cứ 15 phút các tàu liên lạc với tổng đài Biên phòng một lần để vừa cung cấp thông tin thời tiết cho ngư dân, vừa thu thập những thông tin trên biển mà ngư dân cung cấp để kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng khác kịp thời có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết”.

Khi đánh bắt trên biển, các tàu sẽ liên hệ với lực lượng Hải quân khi có tình huống cấp thiết cần giúp đỡ. Tuy nhiên, các thuyền trưởng và thuyền viên đều có ý thức cảnh giác và đề phòng các tàu lạ theo sự hướng dẫn của lực lượng Hải quân.

Thuyền trưởng tàu TG 92447TS Lê Văn Toàn cho biết: Chúng tôi vững lòng tin và cũng không sợ tàu lạ vì các anh Hải quân đã cung cấp nhiều thông tin và cách ứng phó với các tàu lạ trong quá trình đánh bắt gần những điểm đảo của Việt Nam mà nước ngoài đang chiếm giữ trái phép. Nhờ vậy, thời gian qua, đoàn tàu của ấp Lăng chưa có trường hợp nào bị tấn công.

Còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu TG2995TS vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở thềm lục địa phía Nam và khu vực các nhà dàn (Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường…) tự hào: “Chúng tôi vững tâm đánh bắt trên vùng biển đã được khẳng định thuộc chủ quyền của Tổ quốc vì đã có sự hỗ trợ và bảo vệ của lực lượng Hải quân trên biển khi xảy ra những tình huống xấu nhất.”

N.Hữu - P.Mai
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 171
  • Khách viếng thăm: 166
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4431
  • Tháng hiện tại: 2236981
  • Tổng lượt truy cập: 46204214