Cây bàng Trường Sa

Đăng lúc: Thứ tư - 12/12/2012 15:23
VNTG - Nói đến Trường Sa ta thường liên tưởng ngay đến một vùng biển đảo nhiều bão tố với đá san hô, chim biển và trời, nước bao la đầy nắng gió, sóng vỗ bốn mùa.
Nhưng không phải chỉ có thế, đấy chỉ là cảm nhận ban đầu. Trường Sa còn có làng xóm, cư dân, trường học, trạm xá, chùa chiền, bộ đội hải quân, vùng tránh bão cho ngư dân và nhiều thứ khác nữa… Đó là một huyện đảo xa xôi của Việt Nam trên vùng biển Đông, là một vùng lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những khi trời quang, mây tạnh từ trên cao nhìn xuống vùng Trường Sa - biển Đông nhập nhòa ranh giới biển, trời mênh mông xanh biêng biếc. Khi máy bay hạ dần độ cao chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những vòng tròn trắng lao xao, nhấp nháy trên biển. Đấy là những bãi đá, hải đảo trong quần đảo Trường Sa đang hiện ra rõ dần, xa xa trông như những con rùa xanh khổng lồ đang bơi trên mặt biển, đẹp tuyệt vời.
Những khi sóng lặn, gió yên từ xa rất xa trên tàu biển chúng ta có thể nhìn thấy một nét đậm như sợi chỉ nhô lên một đoạn ngắn trên đường chân trời xanh thẫm. Nét chỉ sẽ to dần, rõ dần khi cự ly từ từ được rút ngắn. Với những người ra thăm đảo lần đầu tiên, ai cũng có cảm giác nao nao, chờ đợi phút giây được đặt chân lên đảo. Mọi người sẽ căng mắt chăm chú vào sợi chỉ ở đường chân trời cho đến khi nó hiện rõ thành một hình hài thân thương hằng mong đợi. Ai muốn đến đây cũng phải trải qua hàng trăm hải lý chập chùng sóng nước mới chạm chân được lên lớp san hô phong hóa và gặp gỡ bà con huyện đảo. Đó là những tấm lòng của những con người ở đất liền hướng về biển đảo, là những nghĩa cử đẹp tuyệt vời.
Ngày nay, chính quyền và nhân dân Trường Sa đang phấn đấu phát triển đời sống kinh tế - xã hội đặc biệt của vùng biển đảo, đang nỗ lực xây dựng một huyện đảo xanh, thanh bình trên vùng biển Đông góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về tự nhiên, Trường Sa có một thảm thực vật che phủ tạo nên màu xanh tươi đẹp cho từng đảo như rau sam, rau muống biển, cây tra, cây bàng, cây dừa… Nhiều loài quen thuộc không khác gì đồng loại trong đất liền. Nhưng Trường Sa cũng có một số loài thực vật đặc hữu. Trong số một ít cây trái đặc hữu của Trường Sa, tôi rất thích cây bàng. Tôi đã đọc, đã xem ảnh, đã biết nhiều về cây bàng này, và ao ước có riêng một cây để trồng, để chăm sóc và để… gọi tên.
Dịp may lại đến, trong lần tổng kết cuộc vận động “Góp đá xây dựng Trường Sa” và công diễn hội thi toàn ngành “Hát về biển đảo quê hương” tôi được đón tiếp Đoàn đại biểu huyện đảo Trường Sa về tham gia tổng kết. Nói là Đoàn đại biểu nhưng chỉ có hai người, một người là Trung tá hải quân - Phó Chủ tịch Ủy ban  nhân dân huyện đảo Trường Sa và một người là chiến sĩ hải quân kiêm lái xe. Chúng tôi tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu bằng cả tấm lòng mến mộ đối với những người con của
Tổ quốc từ nghìn trùng sóng nước trở về thăm đất liền chỉ trong mấy ngày rồi sẽ lại ra đi, trở về với Trường Sa sóng vỗ.

Trong chuyện trò với Đoàn đại biểu, chủ đề biển đảo luôn hào hứng và sôi nổi. Qua những câu chuyện kể chúng tôi được biết cụ thể hơn về những khó khăn nơi vùng đảo xa, có cả những thách thức, hiểm nguy luôn rình rập phải thận trọng, cảnh giác: Bão tố, tuần tra ban đêm, theo dõi tàu lạ, bảo vệ khí tài, hỗ trợ ngư dân…, nhưng cũng có không ít những niềm vui thường đến với đảo như đón nhận những chuyến tàu hải quân, những đoàn công tác từ đất liền ra thăm viếng, tiếp tế, giao lưu… đã làm vơi đi nỗi nhớ người thân, nhớ đất liền của người lâu ngày ở đảo.
Dịp này tôi cũng tranh thủ hỏi chuyện về những cây bàng trên các đảo. Anh Thuân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa cho biết:
- Cây bàng sống được trên khắp các đảo ở biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Trường Sa, Hoàng Sa… Trong quần đảo Trường Sa, các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Đông, Song Tử Tây… đều có cây bàng này. Đây là cây bàng quả vuông.
Nói đến đây, anh Thuân bật điện thoại di động cho chúng tôi xem nhiều bức ảnh về cây bàng, bông bàng, trái bàng ở Trường Sa do anh chụp được. Xem ảnh xong, nhiều người có ý kiến và câu chuyện xoay qua “chủ đề cây bàng”.
- Bông bàng Trường Sa đẹp quá!
- Hao hao giống bông bần đó!
- Nên gọi là cây bàng gì cho
đúng đây?
- Thì gọi là cây bàng biển cũng được vậy .
- Biển nào?  Phải gọi là cây bàng biển Đông mới chính xác.
- Thì gọi là cây bàng Trường Sa đi!
- Thôi! Gọi là cây bàng trái vuông như mọi người thường gọi là
được rồi.
- Cứ gọi là cây bàng quả vuông hay bàng vuông cũng được mà.
- Thì quả vuông hay trái vuông gì cũng được thôi! Có sao đâu.

Từ khi chuyển qua “chủ đề cây bàng” đến giờ, anh Thuân chỉ ngồi nghe thôi, không nói gì. Để cho các tranh cãi lắng xuống, tôi giải thích:
- Bây giờ mình nên gọi là cây bàng Trường Sa đi! Gọi như vậy vừa thân thiết vừa dễ hiểu. Hiện nay trong đất liền có hai loại cây bàng là cây bàng nhớt và cây bàng gai. Cây bàng nhớt còn gọi là cây bàng bị hoặc chỉ gọi cây bàng là đủ. Cây bàng nhớt được trồng nhiều trong các trường học có trái hình dẹt cỡ bằng hai ngón tay người lớn, bên trong có nhân khi chín ăn được. Cây bàng gai là loại bàng có gai nhọn bên ngoài da cây, lá to gấp đôi lá bàng nhớt, trái hình bầu dục, mọc thành chùm, mỗi trái to bằng ngón tay cái người lớn không ăn được. Vì có nhiều gai nhọn nên loại bàng này ít ai trồng, chỉ mọc hoang dại thôi. Riêng cây bàng nhớt và cây bàng Trường Sa rất giống nhau, khó phân biệt nhất là khi cây còn nhỏ. Thông thường phải nhìn vào bông, trái của chúng thì mới phân biệt được đâu là cây bàng gai, đâu là cây bàng nhớt.
Tôi vừa nói xong mọi người lại tiếp tục “chủ đề cây bàng”.
- Cũng là cây bàng thôi! Nhưng để thích nghi với biển, cây bàng Trường Sa phải có cành lá dẻo dai, dáng vẻ oai phong, lẫm liệt để chống chọi được với bão táp, phong ba. Phải không anh Thuân?
- Thế thôi!
- Thôi đủ rồi! Bây giờ có ai thích cây bàng Trường Sa thì hỏi xin anh Thuân hoặc nhờ anh giúp cho một chuyến đi Trường Sa để có được
cây bàng.
- Thích lắm! Nhưng trước khi đi Trường Sa đề nghị anh Thuân cho mỗi người một cây bàng con để trồng.
- Cho hột bàng cũng được. Mỗi người có vài ba hột để gieo trồng, chăm sóc mấy năm sau cũng có được cây bàng Trường Sa vậy. Xin hột bàng gọn hơn.
Anh Thuân mỉm cười:
- Vâng! Tôi sẽ tặng các anh mỗi người ít nhất một cây bàng Trường Sa, nhận tại Nha Trang vào giữa tháng sau nha. Được không ?
-  Xin hoan nghênh đồng chí Phó Chủ tịch huyện đảo.
-  Bây giờ … xin mời cụng ly.
Sau đêm công diễn tổng kết đầy ấn tượng, chúng tôi chia tay nhau. Đoàn đại biểu quay về với biển, đảo.
Y hẹn, nửa tháng sau chúng tôi đưa một xe tải chở hàng hóa, thiết bị của đợt vận động ra Nha Trang. Từ đây tàu hải quân sẽ chuyển số hàng này ra cho bộ đội và bà con Trường Sa. Trong cabin của chuyến xe tải trở về có năm cây bàng Trường Sa là quà của anh Thuân đang còn ở biển chuyển vào và nhờ căn cứ ở đất liền gửi tặng chúng tôi.
Thế là tôi có được hai cây bàng Trường Sa, tôi gửi tặng ngay một cây cho một trường trung học phổ thông lớn trong thành phố Mỹ Tho và tham gia trồng trực tiếp tại góc phải sân cờ của trường. Cây còn lại tôi đem về trồng nơi quê nhà, chăm sóc bằng loại đất màu mỡ là phù sa do sông Cửu Long hào phóng ban tặng.
Từ ngày có cây bàng Trường Sa, tôi luôn mong sao nó mau lớn ra bông, kết trái để chẳng bao lâu sau tôi sẽ có hàng trăm cây bàng con. Tôi sẽ xin đem tặng cho mỗi trường học một cây với bảng tên “CÂY BÀNG TRƯỜNG SA - BIỂN ĐÔNG” và trồng trong sân phía phải cột cờ. Mỗi ngày đến trường thầy cô giáo và các em học sinh sẽ có được ít nhất một lần đọc tên cây. Cây bàng sẽ là tinh thần, biểu tượng, niềm tin của thầy và trò mỗi khi dạy và học bài Thơ thần của Lý Thường Kiệt,
bài Bình Ngô đại cáo của
Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh…
Một lần đến thăm lại cây bàng Trường Sa được trồng trong sân trường trung học phổ thông, tôi vui mừng thấy cây bàng được nhà trường chăm sóc tốt, khỏe mạnh. Thầy hiệu trưởng hỏi tôi:
- Thế còn góc sân trái bên cột cờ mình sẽ trồng cây gì?
Tôi nói ngay:
-  Cứ để sẵn chỗ đó đi! Chúng ta hoặc học trò của chúng ta cũng sẽ trồng vào đấy một cây bàng với bảng tên “CÂY BÀNG HOÀNG SA - BIỂN ĐÔNG”. Đồng ý không?
- Đồng ý! Quá đồng ý thầy ơi!
Phương Nam
(Theo VNTG số 55)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 417
  • Khách viếng thăm: 413
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 103303
  • Tháng hiện tại: 1852203
  • Tổng lượt truy cập: 48226330