Cái Rắn, Bang Dầu… ơi!

Đăng lúc: Thứ ba - 08/11/2011 08:47
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Vài người bạn thắc mắc tại sao tôi hay viết về những dòng sông, những con rạch. Có lẽ tôi được sinh ra và lớn lên cùng sông nước, hồi đó mẹ tôi “đẻ rớt” tôi trên một chiếc xuồng vào mùa lũ năm Sửu. Trời đã cho duyên báo nghiệp. Chuyện xa vời không dám luận nhiều, ngắn gọn là đời người giống một dòng sông mải miết trôi đến nỗi không hay mình đang thay đổi và bị đổi thay.

Con sông tôi nhắc ở đây là trường hợp bị đổi thay từ diện mạo đến họ tên - sông Bang Dầy.

Thật ra đó là một con rạch ngắn nối rạch Cái Bè theo bản đồ thực địa thời mồ ma thực Pháp, gọi là lưu vực phía Đông, chảy từ xã Phú An, qua Bình Phú đi vào xã Phú Nhuận. Ở Phú An, nó mang trên mình địa danh nổi tiếng là vịnh Ông Trung. Tương truyền chỗ ấy ngày xưa nước xoáy rất dữ, giống như một cái hang nước hay một dòng chảy ngầm bên dưới. Nghe nói có người làm dấu trái dừa khô ném xuống, mấy hôm sau thấy nó nổi lên ngoài vàm Hòa Khánh. Vào sâu trong địa phận xã Bình Phú không hiểu sao nó có một đoạn khá cạn, vào mùa nước kiệt có thể xắn quần lội qua mà không sợ ướt, địa danh ấy gọi là
Bến Lội.

Rạch Bang Dầy được tính từ đoạn ngã ba Bình Phú, nơi nó nối vào con rạch đậm dấu ấn thực địa thời khẩn hoang Rạch Tràm, rồi chảy vào hướng Đồng Tháp Mười, tiếp nhận những chi lưu thiên tạo như Cái Rắn và nhân tạo với hàng loạt con kinh đào lớn nhỏ. Bang Dầy- Cái Rắn - Rạch Muồng... tưởng những cái tên xa lắc thuở hồng hoang, song giở lại thư tịch thì đây là vùng đất mới so với nhiều xã thôn phía Nam Cai Lậy.

Làng Phú Nhuận do hai ông Nguyễn Văn Ngợi và Bùi Văn Tàng lập vào năm Gia Long thứ 18 (1819). Năm 1841 đời Thiệu Trị, có thêm làng Phú Thuận Đông rồi ông Phạm Ngọc Bạch lập thêm làng Phú Hưng thuộc tổng Lợi Thuận, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường. Pháp xâm lược, các đơn vị hành chánh bị họ thay đổi rất nhiều, năm 1913, làng Phú Hưng nhập vào Phú Nhuận, năm 1925, họ nhập Phú Nhuận và Phú Thuận Đông thành Phú Nhuận Đông. Sau năm 1945, chính quyền Việt minh gọi tắt là xã Phú Nhuận.

Lục trong Địa bạ Minh Mạng thấy mô tả thôn Phú Nhuận xưa ở hai xứ Quân Tử tả, Quân Tử hữu, phỏng đoán thôn nằm hai bên bờ một con rạch  có tên là rạch Tre. Nhưng cái tên rạch ấy từ lâu không thấy nhắc nên cứ băn khoăn không biết người xưa có lẫn lộn. Còn thôn Phú Thuận Đông thì “ở xứ Bang Lang”, dân gian gọi là Bang Dầy, chỉ cây cau. Nhưng trong thống kê của địa bạ thì thôn này có diện tích khai thác là 332 mẫu và có tới 99 mẫu là ao nuôi cá, không thấy đất nào trồng cau. Thêm cái băn khoăn nữa, hổng lẽ tiền nhân gọi xứ Bang Lang hay Bang Dầy là để trêu ngươi đàng hậu bối.

*

Phú Nhuận ngày nay trù phú, nhưng đời Gia Long còn hoang vu. Người xưa kể rằng, lúc mới lập làng, đình cất lại vàm rạch. Trước cửa đình có một cây đa khổng lồ, xung quanh là một đám sậy rậm rạp, trong đó có một hang rắn. Bọn rắn trong hang đã gây nhiều tai hại cho dân làng Phú Nhuận không kể xiết. Nào chuyện cắn chết người, nào chuyện rắn đòi hối lộ: Mỗi khi làng Phú Nhuận cúng kỳ yên hàng năm phải hiến cho bọn rắn mấy con heo trắng mới yên chuyện.

Một hôm, có một thầy thuốc rắn từ phương xa đến gặp các chức việc trong làng tỏ ý muốn diệt trừ hết bọn rắn ở đình để cứu nguy cho dân làng, với điều kiện phải cấp cho ông ta một cái quan tài !  

Hôm đó thầy dùng mác thông vào dọn đám sậy, miệng hang rắn lòi ra sâu hun hút. Thầy bẻ cành cây khô làm củi đốt, rồi móc trong bị ra một túi thuốc rắc lên ngọn lửa, quạt xông khói vào miệng hang. Trước đó thầy đã thoa tẩm thuốc men khắp thân thể, nên bọn rắn chịu phép để thầy bắt vào giỏ. Cuối cùng trong hang rắn bò ra một con rắn nhỏ bằng ngón tay, mình màu đen, cổ nó bốn khoang trắng. Ông thầy rắn thò tay bắt, tức khắc nó cắn ngay “hổ khẩu”. Thầy chặt nó làm hai khúc rồi đưa lên quan sát kỹ. Một lúc sau, thầy buồn bã nói với người ở phía sau: Mạng tôi đến đây là hết. Tôi đã bị con rắn chúa cắn rồi. Bà con ở lại mạnh giỏi!

Không ai biết tên họ ông thầy thuốc rắn ấy, cũng không ai biết rõ quê quán, gia đình của ông ta. Mọi người chỉ biết ông là một người ơn của dân làng nên đùm đậu tổ chức đám tang rất trọng thể.

Câu chuyện đậm chất huyền thoại hình như chỉ nhằm giải thích vì sao có tên rạch Cái Rắn, những người có nhãn quan địa chính thì cho rằng con rạch cong queo ngoằn ngoèo như con rắn. Còn tôi thì tôi tin chuyện có con rắn chúa. Ông tôi ngày xưa cũng là một thầy bắt rắn. Cậu tôi kể, ông có nhiều bài thuốc dụ rắn ra khỏi hang và thuốc cứu người bị rắn cắn rất đại tài, nhưng lại bị một con rắn hổ chúa cắn chết vào mùa nước lụt.

Cậu tôi thừa kế tài bắt rắn, bắt rùa của ông để lại. Có lần ông dẫn tôi đi bắt cua đinh. Ông bảo, phát hiện cua đinh dễ lắm, chỗ nào hang cua, hang còng bị bươi móc nhiều là chỗ đó có cua đinh, chúng móc hang bắt cua bắt còng ăn thịt. Ông chỉ mấy chỗ có cọng lá trâm bầu khô đang nhúc nhích là con cua đinh đang chém vè, ló mũi lên thở, nó lấy lá trâm bầu nguỵ trang kỹ, không để ý thì khó phát hiện. Ông xắn hai tay xuống bùn, hốt con cua đinh quăng lên bờ. Đi hết một vòng bờ mương, ông bắt được 6 -7 con, xỏ vè, xâu chúng lại. Ký ức về chuyến đi bắt cua đinh giờ chỉ còn đọng lại trong tôi mấy chữ cua đinh cắn cụt là để chỉ sự dữ dằn cộc lốc, và chém vè một thuật ngữ hay dùng trong chiến tranh chống Mỹ, xuất phát từ cách trốn tránh kẻ thù của cua đinh.

*

Trở lại Bang Dầy, hồi chống Mỹ đây là khu vực ác liệt, bên trái là vườn Bồ Rô, nơi căn cứ đóng quân của nhiều đơn vị huyện, tỉnh, bên phải là ấp Phú Bình địa hình phức tạp, thích hợp cho những kiểu đánh biệt kích của địch và chém vè phản kích của ta. Năm 1969, giặc phản kích, trong vòng một tuần có đến 12 du kích của ta hy sinh, đường dây tải hàng sang Bến Tre đi qua khu vực này bị cắt đứt, trên chi viện lực lượng về xây dựng lại. Cuối năm đó, giặc chuẩn bị đóng bót. Ta biết trước, cho người đào hầm ngầm núp sẵn dưới nền bót, đợi địch đổ quân rồi xuất kỳ bất ý tung hầm lên đánh. Chuyện kể nghe như Thổ Hành Tôn độn thổ trong truyện Tàu... Bang Dầy những năm tháng chiến tranh còn có nhiều trường học dạy bình dân học vụ cho con em bám trụ. Sáng giặc vô đốt, chiều cất lại, học tiếp. Bàn ghế đóng tạm bằng tre, bảng viết có khi đan bằng sậy, bên dưới lớp học là mấy cái hầm trảng xê tránh pháo. Học vì nhu cầu biết chữ và dạy vì nghĩa vụ cho chữ. Chỉ tiếc những chuyện như thế không được những người viết sử địa phương kể một cách ly kỳ, tỉ mỉ cho con cháu đời sau đọc mà  tự hào.

Hơn 30 năm trước rạch Bang Dầy còn chút dấu tích hoang sơ, hai bên bờ có nhiều cây gáo cổ thụ vươn bộ rễ to đùng ra làm cầu bến cho các cô thôn nữ chiều chiều ra ngồi tắm giặt, có khi là chỗ hẹn hò tâm sự của đôi lứa yêu nhau... Miền ký ức trong tôi là những đêm trăng của lứa tuổi học trò cùng nhau bơi xuồng ngao du trên rạch, rồi nấu chè, làm bánh... đàn hát thâu đêm. Kinh tế khó khăn sau ngày giải phóng không át nổi niềm vui được sống trong hòa bình của một thế hệ lớn lên trong hầm trảng xê và những đợt tản cư khắc nghiệt.

Khu vực Bang Dầy bây giờ giàu lên nhiều. Nhà ngói, đường nhựa, cầu bê tông, tiệm quán, cây xăng đầy đủ... Và các cô thôn nữ không còn phải tắm giặt bên sông, những cây gáo không có lý do tồn tại. Năm ngoái, trong nhóm bạn học cùng trường có một anh đề nghị họp mặt, tổ chức lại những chuyến “du thuyền” trên sông như thuở trước. Hắn bảo, ở Sài Gòn lâu quá, giờ thèm nhớ sông rạch, nhớ Bang Dầy.  Nghe vậy mà tôi luống  ngậm ngùi.

Bạn ơi, “Đại mộc lưu giang, bất đắc hồi cố”.  Cái tên Bang Dầy đã không còn trên bản đồ địa phương lâu lắm rồi,  có lẽ chỉ còn trong hồi ức của những người luôn nặng lòng về quá khứ mà thôi.

Nguyễn Ngọc Phan
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 281
  • Khách viếng thăm: 278
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 53205
  • Tháng hiện tại: 2285755
  • Tổng lượt truy cập: 46252988