Biển mặn...

Đăng lúc: Thứ năm - 03/05/2012 15:02
Ngư dân Lý Sơn. Ảnh: Lê Văn

Ngư dân Lý Sơn. Ảnh: Lê Văn

“…Trông lên trên trời… trời cao lồng lộng
Ngó ra ngoài biển… biển rộng thinh thinh
Ngó vô trong dạ buồn tình
Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng”
……
“…Đêm nằm nước mắt rơi nghiêng
Áo em năm vạt ướt liền cả năm”

 

(Ca dao)

Nhiều bài báo đã viết về những người phụ nữ “vọng phu” ở Lý Sơn: “…Đàn ông Lý Sơn nói biển là biển bạc. Biển bạc hôm nay cho cá tôm nhưng ngày mai sẵn sàng lấy đi mạng sống của họ. Đàn bà Lý Sơn nói biển là biển giả. Biển cho của ăn, của để nhưng ngày nào đó biển cũng cướp đi của họ tất cả…”.

Ngồi trên tàu cao tốc ra Lý Sơn, nhìn những lớp sóng ào ạt trên biển cả mênh mông…, những cảnh ngộ, những nỗi niềm của những thế hệ phụ nữ Lý Sơn cứ trăn trở trong tôi.

Trên boong tàu ngổn ngang dây, neo, xích sắt, hàng hóa, người thanh niên phía sau tôi nghẹn ngào: “...Sáu năm rồi không về quê… Được tin bà ngoại mất, từ Vũng Tàu tôi bổ về ngay mà cũng không kịp. Mười phút nữa là đến giờ chôn rồi…”.

Lại một người phụ nữ Lý Sơn khi từ giã cõi đời không được gặp đủ con cháu. Người thanh niên nhìn ra biển rộng, nước mắt chảy dòng trên má…

Có bao nhiêu dòng nước mắt đã hòa trong biển mặn quanh đảo
Lý Sơn?

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Hiện nay nghề biển chiếm tỉ lệ 70%, nghề nông chủ yếu trồng  hành, tỏi chiếm 20%, dịch vụ chiếm 10%. Toàn đảo Lý Sơn có 428 tàu thuyền thì đánh bắt ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là 120 tàu với gần 3.000 lao động (trong số 21.000 dân trên đảo).

Đằng sau 3.000 lao động này là bao nhiêu người già, trẻ em và bao nhiêu người phụ nữ?

Trong hai ngày đêm ngắn ngủi thăm đảo, chúng tôi chưa được đón con tàu nào từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa về cảng cá. Các lão ngư cho biết, các tàu đi ngư trường xa mới vừa xuất bến tuần trước, mỗi chuyến cũng phải 3-4 tuần. Chúng tôi đành dậy sớm đón những con tàu đi gần.

Khi những con tàu về cảng, đèn trên tàu bật sáng choang để ngư dân chuyển cá lên bờ và giũ lưới, thì trong làng, dù vẫn còn sớm, mới khoảng 3-4 giờ sáng, những người phụ nữ đã trở dậy. Công việc trên biển là của những người đàn ông, còn công việc trên bờ là của những người đàn bà. Họ là những người buôn bán, trở dậy nhóm bếp chuẩn bị hàng hủ tiếu, cháo, phở, cà phê… Họ là những người vợ, người mẹ của những ngư dân trên con tàu cập bến, đón chồng, con, đón lộc biển. Những cá, tôm, cua, mực lớn được thu gom chuyển đi xa hoặc ra ngay ngoài chợ.  Những cần xé cá cơm óng ánh còn tươi mới được chuyển đi hoặc được bán ngay trên cảng. Những đống cá cơm còn lại trên những tấm bạt trộn muối đóng bao để làm nước mắm được dồn lại căng phồng, trắng lốp dựng kề nhau xếp lớp bên bờ kè…

Trời sáng rõ mặt người. Những chiếc honda chở người, chở hàng nổ máy, chạy tản dần. Còn lại những người phụ nữ đội nón, che khăn trùm từng nhóm, từng nhóm tụ lại trao đổi, trả giá. Thấp thoáng đàng sau đám đông ấy vẫn có những người đàn bà lúi húi nhặt những con cá vụn trên bến cảng, sau đống lưới vừa giũ gom lại. Ông già làm vệ sinh trên bến cảng cũng cào gom lại những mảnh cá vụn thành những vun nhỏ như chiếc chén cho họ. Những dáng nhỏ bé lẻ loi lúi húi ấy là những người đàn bà như thế nào trên đảo Lý Sơn?

…Buổi trưa, bên đình làng An Vĩnh, dưới bóng mát lưa thưa của mấy cây dương, hai người đàn bà vẫn ngồi bên chiếc cân và thau cá cơm cùng những cần xé, bao cá…chờ người tới chở đi. Hỏi chuyện, bà Hai Lý kể, hai anh con trai đi biển, một anh đi dạy học, còn hai cô con gái cũng buôn bán… nhiều tuổi rồi nhưng vẫn làm cho vui mà cũng đỡ con cháu. Bà chỉ người bạn, bà Sáu Phận, chồng mới mất, hai người con trai vẫn đi biển, mặc dù đã 28 tuổi và 30 tuổi rồi nhưng vẫn chưa lấy vợ…Vừa mới nhắc thì hai người con trai từ bờ kè ven biển đi lên, mỗi người mỗi tay cùng khiêng chiếc khay cá cơm chừng gần hai chục ký mang lên cho mẹ. Hỏi vui, sao chưa ai chịu lấy vợ, hai chàng trai biển cao lớn chỉ cười. Bà mẹ cũng chỉ cười nhìn theo hai đứa con trai đang đi về làng…

…Tôi đứng ngây người, chăm chú và thán phục nhìn hai bàn tay khéo léo của những người phụ nữ làm khô cá cơm. Bàn tay trái cầm lên con cá cơm tươi óng ánh. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải khẽ bẻ đầu cá, kéo theo cả bộ lòng ruột gạt xuống chậu. Ngón cái bàn tay trái đưa dọc bụng cá, tách ra, biến một thân cá cơm thon nhỏ như ngón tay thành một miếng cá cơm tươi ngon, trắng hồng, trong như một miếng rau câu. Những ngón tay thành thục mười lần như một. Bàn tay nhỏ nhắn của bé gái chừng hơn 10 tuổi ngồi bên, cầm từng miếng cá đặt lên tấm vỉ lưới đem phơi… Chỉ qua “một nắng” thôi, những miếng cá cơm se se thịt ấy sẽ gợi ra “những ý tưởng phong phú” cho người đứng bếp rồi…

…Rong biển cũng là lộc biển nhưng chắc chắn phải qua tay chế biến của phụ nữ mới thành sản phẩm là món rau câu thanh lịch. Hái rong ngoài bãi biển là phụ nữ. Phơi rong ngoài bờ biển rồi phơi cho khô trên đất cũng lại là phụ nữ.

Con đường trải nhựa chạy dọc theo dãy nhà Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn, hai bên rất rộng và thoáng. Trên vỉa hè, những bao rong được rải ra cách đều nhau. Những người phụ nữ đang rải rong, phủ kín vỉa hè. Rải hết mấy bao rong, họ ngồi  nhặt, chọn lựa. Bên cạnh những bóng nón lúi húi lui cui cần mẫn là hai bé gái cũng theo mẹ nhặt rong, nhưng các em vừa làm vừa chạy lon xon chỗ này chỗ kia nghịch ngợm.

…Người ta nói Lý Sơn là vương quốc tỏi. Có lúc còn hơn cả vương quốc vì “làm vua thua làm tỏi”. Đất nông nghiệp ở Lý Sơn không trồng lúa, chỉ trồng hành, tỏi. Hoặc trồng bắp xen tỏi. Trồng tỏi rất công phu. Một lớp đất ba dan ở dưới. Lớp phân ở giữa. Lớp trên cùng dứt khoát phải là cát biển Lý Sơn, thứ cát trộn những mảnh vụn san hô và vỏ sò vỡ vụn từ lòng biển bị đánh dạt lên bờ…Tỏi được trồng ngoài ruộng. Tỏi được trồng trên nền nhà để trống. Tỏi được trồng ngay trên chậu kiểng quý trong sân nhà. Tỏi Lý Sơn nhỏ nhưng thơm, rất quý. Trân trọng khách quý phương xa, chủ nhà mời một ly nhỏ rượu tỏi.

Trồng tỏi, chăm sóc tỏi, thu hoạch tỏi, phơi tỏi, làm hàng tỏi luôn luôn là những người phụ nữ. Những người đi làm tỏi thường là bà mẹ với những đứa con gái nhỏ.

Cách dùng con dao làm hàng tỏi cũng khác với cách thông thường. Không phải cầm con dao đặt trên thớt cắt tỏi mà ngược lại. Đặt con dao xuống đất, hai bàn chân kẹp chuôi dao, ngửa lưỡi dao sắc lên trên, hai tay cầm túm tỏi (nhiều hay ít tùy sự thành thục) được xắp lại cho bằng, đặt xuống lưỡi dao, đẩy mạnh, củ tỏi vẫn trên tay nhưng lá, rễ rơi xuống đất, thật gọn. Nhìn bàn tay học trò sớm phải rời sách bút đang thoăn thoắt cắt tỏi trên lưỡi dao sắc tôi vừa thán phục, thương mến, lại vừa nghĩ ngợi xa xôi…

Phó Chủ tịch Phạm Thị Hương cho biết, có một số học sinh nghèo phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, nhưng những học sinh nào học lên tới phổ thông trung học đều học vững so với trình độ chung trong tỉnh. Những học sinh đi thi trường nghề hoặc cao đẳng và đại học đều có công việc làm trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh…

Người thanh niên từ Vũng Tàu trở về dự đám tang bà ngoại mà không kịp giờ chôn có phải là một trong những người đi làm ngoài tỉnh? 

Tôi đã đọc ở đâu câu thơ:

“…Lý Sơn lắm tỏi nhiều hành

Đã xinh con gái lại lành con trai

Tết về có bánh lá gai

Có chồng xứ Quảng

                    cho dài đường đi…”

Không chỉ những cô gái Lý Sơn “lấy chồng xứ Quảng cho dài đường đi” mà ngay nông dân Lý Sơn cũng có nhiều gia đình đã mang kỹ thuật trồng tỏi chuyển hẳn tới một vùng đất khác, lập nên một xóm tỏi Lý Sơn như ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cách đất liền hơn mười hải lý nhưng có tàu cao tốc chạy trên dưới một giờ là tới đất liền thì việc đi lại, buôn bán và giao lưu không còn là khó khăn. Mong ước “cho dài đường đi” là chuyện có thể nói là bình thường với những người “đã xinh con gái lại lành con trai”.

Nhưng đã có nhiều người, sau vài năm đi đây đi đó đã quay lại đảo.  Vì Lý Sơn là một ngư trường rất thuận lợi… Và Lý Sơn có những điều không dễ đâu cũng có.

Ở đâu có những chứng cứ hào hùng của một thời người Việt vươn ra biển rộng?

Mỗi nhà thờ họ, mỗi ngôi mộ gió, mỗi đình làng miếu mạo, mỗi câu ca xưa của Lý Sơn đều như những hiện vật thiêng trong nhà bảo tàng sẽ kể về những Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải của triều Nguyễn…
Đó là những trang sử bi hùng của nước Việt.

Ở đâu trên dải đất Việt này có những miệng núi lửa đã tắt. Có lẽ chỉ có ở Lý Sơn.

Ở đâu du khách chỉ đứng một chỗ có thể ngắm cả bình minh và chờ đón hoàng hôn trên biển? Xin hãy đến Lý Sơn.

Lý Sơn hôm nay vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ của đảo, với những miệng núi lửa, với những rạn san hô, với hang động kỳ thú… Nếu có những kế hoạch dự án bảo tồn giữ gìn, Lý Sơn sẽ là một viên ngọc quý của cảnh quan biển Việt, sẽ thu hút bao nhiêu người hâm mộ.

Bao nhiêu người sẽ ở lại, giữ gìn và xây dựng Lý Sơn?

Họ sẽ là những người đàn ông đi biển, là những người chồng, người cha, người ông của những gia đình trên đảo.

Họ sẽ là những người vợ, người mẹ sinh ra và nuôi dạy những đứa trẻ trên đảo Lý Sơn.

Dù vất vả, đau khổ… bất chấp những sóng gió nghiệt ngã của số phận, những người đàn bà Lý Sơn vẫn chờ chồng, chờ con đang ra khơi đánh cá đem nguồn sống về cho gia đình. Khi sống, họ là niềm vui, là mái ấm cho chồng con yên tâm đi biển, đi làm ăn. Khi chết, họ là linh hồn quy tụ con cháu xa xôi trở về đảo nhỏ. Họ là chiếc neo vững chãi cho những chiếc thuyền lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa vượt lên sóng gió và bão tố, vượt lên bao nỗi gian nguy để giữ gìn lộc biển và chủ quyền nước Việt.  

…Đặng Thị Hiền, 28 tuổi, trẻ trung, duyên dáng hướng dẫn chúng tôi thăm Nhà trưng bày di tích về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Cô làm việc tại Phòng văn hóa huyện đảo Lý Sơn. Cô rất tự tin giải thích về câu thơ “Lý Sơn lắm tỏi nhiều hành. Đã xinh con gái lại lành con trai…”, có lẽ người Lý Sơn ăn nhiều tỏi hành, cá tươi nên khỏe mạnh và xinh đẹp. Cô khoe, thi tốt nghiệp phổ thông trung học, thi cao đẳng và đại học, chúng em đâu có kém các bạn trong đất liền. Chỉ riêng môn tin học, đảo chúng em thiếu điện nên học không được nhiều. Đó là năm 2005 khi em còn đi học chứ bây giờ thì có điện, có máy, môn tin học khá rồi.

Khi được hỏi cô xinh đẹp học giỏi như vậy, sao không “…Lấy chồng xứ Quảng cho dài đường đi” như các bạn? Cô cười, các bạn cùng khóa với cô đã học nhiều trường và đều làm việc trong thành phố Quảng Ngãi hoặc ở tỉnh xa, không chỉ lấy chồng xứ Quảng mà “đường đi” của họ cũng xa và dài lắm. Cô học ngành Hướng dẫn du lịch và cùng chồng làm việc ở đảo. Cô nói rất tự hào, mình là hậu duệ của tài công Đặng Văn Xiểm, người lái thuyền cho hải đội Hoàng Sa trong lịch sử. Cô muốn đem hiểu biết và tình yêu đảo nhỏ để giới thiệu, hướng dẫn với du khách xa gần. Tuy đảo nhỏ nhưng cô được gặp gỡ, giới thiệu và học hỏi rất nhiều. Khách nước ngoài tới thăm đảo cũng cô hướng dẫn. Tôi hỏi vui, có nói trực tiếp tiếng Anh với khách không? Cô cười, đoàn khách ấy hỏi nhiều nhưng họ có phiên dịch, tiếng Anh của em còn ít lắm, nhưng em cũng đang cố học thêm để làm tốt công việc. Tôi chúc Hiền một ngày nào đó sẽ trực tiếp trò chuyện, giới thiệu với người nước ngoài bằng vốn tiếng Anh vững vàng của mình. Cô cười bẽn lẽn và đáp lại một tiếng “dạ” ngọt ngào…

…Tạm biệt Lý Sơn, chiếc tàu cao tốc lại băng băng trên biển.

Sóng lớn đánh ngang mũi tàu, nước biển hắt lên ướt những người đứng ngoài boong. Nước biển hắt lên mặt tôi, thấm vào miệng tôi mằn mặn…Tôi vẫn bám chắc lan can, đón gió biển và suy nghĩ miên man…Tàu đã ra ngoài hơn ba hải lý mà vẫn thấy một chiếc thuyền thúng với một người chèo lẻ loi và gan góc trên biển sóng. Thán phục nhìn chiếc thuyền thúng ngoài xa, tôi lại nhớ tới đảo Lý Sơn bé nhỏ kiêu hãnh, nơi đầu cầu xuất phát của những hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa…nơi những mộ gió chiêu hồn những người “bỏ mình vì nước nơi xa…hãy về hưởng huệ quê nhà Lý Sơn”…, cũng là nơi xuất phát của những con tàu đánh cá trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay.

Những khuôn mặt, những nụ cười, những xúc cảm từ những câu chuyện của những người phụ nữ Lý Sơn mà tôi được gặp lại hiện lên sống động.

Tôi nhớ vẻ mặt tự hào của chị Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo khi nói về sự vươn lên của những người phụ nữ Lý Sơn, nhớ tới nụ cười của hai chàng trai biển làng An Vĩnh, nhớ những tà áo dài trắng của các nữ sinh trung học trên đảo, nhớ những đôi chân trần các bé gái tung tăng trên sân trường mẫu giáo, nhớ ngón tay khéo léo của cô bé phơi cá cơm, nhớ giọt mồ hôi can đảm của hai em bé thoăn thoắt đưa tay cắt rễ tỏi trên lưỡi dao bén ngọt, nhớ những chiếc thuyền thúng dập dềnh, dập dềnh trên sóng…

Tôi nhớ tới nụ cười bẽn lẽn và tiếng “dạ” ngọt ngào của Đặng Thị Hiền.

Tôi tin em sẽ thực hiện được mong muốn trực tiếp hướng dẫn cho du khách nước ngoài bằng vốn tiếng Anh của mình. Em sẽ kể lịch sử và truyền thống can trường của đảo Lý Sơn, của Hải đội Hoàng Sa năm xưa, của sóng gió ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay. Không cần qua phiên dịch, chính em, người con gái Lý Sơn sẽ nói về những dòng “…nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng…áo em năm vạt ướt liền cả năm…” của những người phụ nữ Lý Sơn năm xưa và những lo âu, thắt thỏm của những người mẹ, người vợ hôm nay đang chờ tin chồng con  đánh cá ngoài ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, bám giữ chủ quyền nước Việt.

Em sẽ nói về biển Lý Sơn bao đời nay vẫn mặn bởi những dòng nước mắt…

Tháng 3 – 2012

Nguyễn Trii Nha
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 152
  • Khách viếng thăm: 151
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 16125
  • Tháng hiện tại: 2248675
  • Tổng lượt truy cập: 46215908