80 năm phong trào Thơ mới và văn học Tự lực văn đoàn - Khai sinh Tự lực văn đoàn

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/08/2012 10:49
Trong phần đầu của bài viết Phong Hoá và những ước vọng xa vời, TS Hoàng Văn Quang, đã cho rằng ngay từ những số đầu tiên, Phong Hoá đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào lòng bạn đọc, được đông đảo nhân dân, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản, trí thức thành thị khắp ba kỳ hoan nghênh, ủng hộ. Phong Hoá liên tục phải tăng lượng in. Báo thường in 5.000 bản nhưng có những số phải in tới một vạn bản (kỷ lục lúc bấy giờ) mà vẫn bán hết veo. Tuy nhiên...
Nhà văn Nhất Linh (bên phải) và nhà thơ Đông Hồ tại Sài Gòn năm 1960. Ảnh: tư liệu

Sự ảo tưởng khổng lồ

Bạn đọc thích Phong Hoá bởi, như trên đã nói, thời gian này các phong trào đấu tranh cách mạng bị đàn áp nặng nề nên việc đấu tranh vũ trang hầu như vắng bóng. Tập trung phê phán những thói hư tật xấu, những tập tục lạc hậu, cổ hủ, hô hào Âu hoá, thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật theo lối mới của Phong Hoá cũng ít nhiều đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Cũng chính sự ủng hộ của bạn đọc là động lực thúc đẩy anh em tích cực khai phá các nội dung mới, tìm tòi những phương thức thể hiện sao cho hấp dẫn, dễ hiểu nhằm nâng cao dân trí.

Không khí làm báo Phong Hoá đã được Tú Mỡ kể lại: “Mỗi tuần lễ, tôi đến họp mặt với các anh từ tối thứ bảy bàn soạn về việc viết lách cho báo, cặm cụi viết vẽ suốt cả ngày chủ nhật; mệt nhọc thì ra sân đá cầu, đánh bóng bàn để giải trí. Thế là bước đầu chúng tôi có một “trại sáng tác” tuy còn nhỏ… Các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục, làm ngày làm đêm, tốn khá nhiều càphê, thuốc lá, làm việc đến rạc cả người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng, ai không biết cứ tưởng là “dân làng bẹp”.

Tuy có lượng phát hành lớn, đời sống anh em vẫn chưa được cải thiện do bị nhà in và các đầu nậu giấy ép giá. Trước thực tế đó, Nguyễn Tường Tam cùng mọi người trong toà soạn bàn bạc quyết định lập Tự lực văn đoàn để chủ động trong các khâu in ấn, đồng thời biến đây thành nơi tập hợp tầng lớp văn nhân ký giả. Để mở rộng sản xuất, mua sắm thiết bị hiện đại, Tự lực văn đoàn hoạt động theo hình thức đóng góp cổ phần. Với mỗi cổ đông 500 đồng, Tự lực văn đoàn nhanh chóng có đủ tiền gây dựng nhà xuất bản Đời Nay. Có lẽ do ảnh hưởng của chủ nghĩa Ánh sáng, chủ nghĩa Cộng sản không tưởng phương Tây, những người trong Tự lực văn đoàn đã vẽ ra nhiều kế hoạch “to tát” nhằm nhanh chóng thay đổi đời sống nhân dân như xin đất rồi tập trung lại khai khẩn, lập những trang trại kiểu mẫu, trong đó có nhà hợp vệ sinh, có đèn điện, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, câu lạc bộ… cho tá điền sử dụng với hy vọng mô hình đồn điền kiểu này dần sẽ được nhân rộng ra toàn cõi Đông Dương… Rõ ràng, ý tưởng trên đây là có thiện ý tốt nhưng thiếu thực tế, viển vông, nên sớm bị phá sản. Vô tình, những dự án kiểu như thế này lại rất phù hợp với chính sách mị dân của chính quyền thực dân, nên được người Pháp ủng hộ. Dường như, những người sáng lập ra Tự lực văn đoàn không hiểu rằng cái người dân Việt Nam cần lúc này không phải là miếng cơm manh áo mà là độc lập tự do.

Có thể nói, tư tưởng của Tự lực văn đoàn có nhiều mặt tiến bộ, nhưng đôi khi ảo tưởng, thiếu thực tế, viển vông. Nói cách khác, họ hầu như không nắm được bản chất xã hội đương thời.

Nội dung chính của Phong Hoá là phê phán các thói tật xã hội. Do được bạn đọc ủng hộ cổ vũ nên báo ngày càng lấn sâu vào các địa hạt chính trị, châm biếm tầng lớp quý tộc, phê phán các chính sách cai trị… Nhà cầm quyền thực dân đã nhiều lần bắn tiếng đe doạ đóng cửa Phong Hoá. Điều này không làm cho Phong Hoá nhụt chí. Báo vẫn đều đặn mang tiếng cười sảng khoái đến cho dân chúng, nhưng lại là mũi dùi đâm vào ruột gan tầng lớp thống trị. Phong Hoá chủ yếu bộc lộ một số quan điểm: phê phán sự lạc hậu, mê tín của các tôn giáo truyền thống như đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, ca ngợi khoa học, triết học phương Tây. Báo nhiều lần chê bai các tập tục, lễ nghi phong kiến đang đè nặng lên người dân thôn quê, đồng thời đề cao sự bình đẳng trong gia đình, coi trọng quyền công dân tại các thôn xóm…

Giải thưởng văn chương Tự lực văn đoàn. Ảnh: tư liệu

Tư tưởng tiến bộ nhưng còn ảo tưởng, viển vông

Có thể nói, tư tưởng của Tự lực văn đoàn có nhiều mặt tiến bộ, nhưng đôi khi ảo tưởng, thiếu thực tế, viển vông. Dường như họ chỉ phản ánh tốt đời sống của giới trí thức theo tây học, tiểu tư sản thành thị. Đối với các tầng lớp khác, hoặc là họ bỏ qua, hoặc mô tả một cách phiến diện. Nói cách khác, họ hầu như không nắm được bản chất xã hội đương thời. Chính vì vậy mà trong các bài viết của mình họ thường rất lúng túng khi tìm lối thoát cho các nhân vật, không xây dựng được các khuôn mẫu điển hình cho người Việt Nam. Các tác phẩm đăng trên Phong Hoá tuy được đánh giá cao trên phương diện nghệ thuật, nhưng xét về mặt xã hội lại không đạt được nhiều ý nghĩa. Với giọng văn hài hước, châm biếm Phong Hoá không chỉ phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, báo còn đả kích khá mạnh mẽ thói tham lam, độc ác của tầng lớp thống trị. Các đối tượng nha lại, chức dịch vùng thôn quê, công chức nơi thành thị bị Phong Hoá đưa lên mặt báo nhiều nhất. Thỉnh thoảng báo cũng đề cập đến những nhân vật chóp bu trong xã hội nhưng tránh nói đến người Pháp cũng như các chính sách của chính quyền thực dân.

Phong Hoá số 121 ra ngày 26.11.1934 có mục Từ ông nghị này đến ông nghị khác đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ giá áo túi cơm, tiếng là đại diện cho nhân dân, nhưng lúc nào cũng chăm chăm làm thế nào để túi mình ngày càng đầy thêm. Có những bài thì châm biếm sâu xa, kín đáo, có bài thì chửi thẳng vào mặt. Việc châm biếm đả kích tầng lớp quan lại người Việt tuy thoả mãn được tâm tư, tình cảm người dân, nhưng nó cũng cho thấy Phong Hoá chưa xác định được kẻ thù của dân tộc ta là chủ nghĩa đế quốc, thực dân, là triều đình phong kiến thối nát. Nhiều khi báo còn gián tiếp ca tụng người Pháp thông qua những bài viết ca ngợi văn minh, lối sống, khoa học phương Tây, coi rẻ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không những thế, đôi khi báo còn đưa người dân nghèo, ít học ra làm trò cười, coi họ như là lực cản của tiến bộ, là những người ăn bám, thậm chí là tác nhân kéo lùi bước tiến của xã hội, của lịch sử. Phong Hoá số ra ngày 4.8.1933 đăng bài Các trình độ học thức của Nhị Lang (Trần Khánh Dzư) đã đánh giá: Sự sống eo hẹp, khó khăn của dân quê ta phần lớn nguyên nhân là ở chỗ vô học trong đó có loại vô học cùng dân: lúc nhúc như đàn cừu đói rét, chẳng ai đoái thương. Như vậy là, theo Phong Hoá, nguyên nhân của mọi sự cùng khổ bất công trong xã hội là do sự vô học của tầng lớp dân nghèo, chứ không phải xuất phát từ sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, của chế độ phong kiến đớn hèn, mục ruỗng. Tầm nhìn hạn hẹp và sai lầm này còn xuất hiện ở nhiều tờ báo đương thời. Điều đó cho thấy, có thể, do sự áp chế của nhà cầm quyền mà báo chí thời đó phải nói tránh đi như vậy.

TS Hoàng Văn Quang
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 428
  • Khách viếng thăm: 422
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 10449
  • Tháng hiện tại: 1876228
  • Tổng lượt truy cập: 48250355