Quê Hương - Bản giao hưởng đầu tiên của Hoàng Việt

Đăng lúc: Thứ tư - 30/11/2011 09:45

"Cho đến chết mới hết sáng tác cho đời…”. Nhạc sĩ Hoàng Việt đã viết như vậy trên một tấm hình của anh gởi về cho bạn bè ở Hà Nội năm 1960, trong thời gian anh đang học ở Nhạc viện Xôphia Bungari. Không chỉ riêng tôi, mà nói chung hầu hết những người thân và đồng nghiệp của anh đều hiểu rằng: Câu nói trên đối với Hoàng Việt có nghĩa là “Cho đến chết anh mới hết đem hết tài năng, trí tuệ và tâm hồn của mình hiến dâng cho dân tộc, cho thời đại”.

Các bài hát của Hoàng Việt đã đi vào lòng người từ những năm kháng chiến và cho đến ngày hôm nay chứng minh sâu sắc “tuyên ngôn” trên của anh. Và trách nhiệm của một “nghệ sĩ - chiến sĩ” càng khẳng định hơn khi Hoàng Việt viết bản giao hưởng đầu tiên của mình mang tên Quê hương với lời đề tặng: “Kính dâng Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”. Khi xem xét tác phẩm này dưới góc độ nghề nghiệp, tôi càng cảm nhận đầy đủ sự nỗ lực vươn lên, sự miệt mài lao động của anh đứng trước những thử thách mới về các thể loại âm nhạc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, đối với nghệ thuật. Đó là các thể loại của nhạc giao hưởng, mà các nhà lý luận mỹ học cho đó là “một trong những biểu hiện rực rỡ nhất của sự trưởng thành về tinh thần của loài người”. Và Hoàng Việt đã thành công, anh đã vượt qua chặng đầu của sự thử thách trong tư duy sáng tác. Thông qua bốn chương bản Giao hưởng số 1 này, bút pháp của Hoàng Việt nhận thấy có nhiều bước tiến mới, những suy nghĩ của anh đã vươn lên một tầm khác hơn so với những tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc trong thời gian trước đó.

Bản giao hưởng số 1 Quê hương của Hoàng Việt cũng chính là một trong những bản giao hưởng đầu tiên của đất nước chúng ta, một tác phẩm mang tính chất sử thi với quy mô đồ sộ, đã đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của giới nhạc sĩ Việt Nam. Trong bản Giao hưởng đầu tiên này. Hoàng Việt đã đặt ra cho mình một nhiệm vụ, cũng có thể nói là một vấn đề thuộc tính bút pháp rất quan trọng mà mới xem qua tưởng như đơn giản, nhưng thật ra rất phức tạp. Đó là làm thế nào để tác phẩm với loại ngôn ngữ  mang “tính nhân loại” này có thể hiểu được và gần gũi với người nghe Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên tiếp xúc với nhạc giao hưởng, nhưng đồng thời không được làm giảm đi “tính giao hưởng” và nhất là tính thống nhất trong tác phẩm.

Nếu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc sống “gian lao mà anh dũng” là mảnh đất tốt làm nảy sinh những bài hát của Hoàng Việt cũng như của các nhạc sĩ khác, thì trong bản Giao hưởng Quê hương của mình, anh đã vận dụng khéo léo những âm điệu quen thuộc trên cơ sở chọn lọc những tinh hoa có sức sống nhất trong kho tàng những bài hát cách mạng Việt Nam. Bằng cách đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm được đặt ra một cách sâu sắc và lớn lao, đồng thời Hoàng Việt đã tận dụng những phương tiện kỹ thuật sáng tác để biểu hiện nó trong sự phát triển rộng rãi, căng thẳng, đôi khi tạo nên những xung đột, mâu thuẫn chứa đựng nhiều kịch tính. Những hình tượng, những âm hưởng hào hùng và trữ tình, những nhịp điệu sôi nổi và duyên dáng của những bài hát quen thuộc đã đưa chúng ta trở lại quá khứ với những kỷ niệm, những tình cảm không bao giờ quên được của một thời kỳ lịch sử oanh liệt đáng tự hào của dân tộc.

Chương thứ nhất: Mô tả những ngày tháng 8 năm 1945 cướp chính quyền và cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống thực dân Pháp.

Mở đầu vào chương này, tác giả đã sử dụng âm vang kêu gọi từ bài Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước trên nền đàn dây trầm hùng với tiếng trống thúc giục, đồng thời xen kẽ vào đó những tiết điệu ngắn gọn từ nét nhạc Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn, kế tiếp cả dàn nhạc cùng đồng nhất vang lên bài Lên đàng (Lưu Hữu Phước), đây là chủ đề âm nhạc mang tính chủ đạo được xuất hiện nhiều lần với các dạng khác nhau trong suốt quá trình phát triển của toàn bộ chương này. Nếu vào phần mở đầu của bản Giao hưởng, tiết điệu ngắn gọn từ bài Nam bộ kháng chiến đã vang lên lúc ẩn lúc hiện, thì giờ đây nó đã trở thành giai điệu trầm hùng rõ ràng, kiên định mang tính chất thúc giục mọi người lên đường cứu nước.

Tất cả mọi diễn biến, tất cả mọi xung đột giữa nhân dân và kẻ thù được Hoàng Việt mô tả một cách đầy đủ trong phần phát triển của chương thứ nhất. Nét nhạc Nam bộ kháng chiếnLên đàng luôn luôn được xen kẽ với chủ đề thể hiện quân địch bằng những bước đi nặng nề và thô bạo. Về cuối chương thứ nhất, tiếng kèn đồng được vang lên một cách trang nghiêm, hùng vĩ làm nền cho khúc nhạc dạo đầu bài Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận và đi xen kẽ vào đó là âm điệu bài Nam bộ kháng chiến. Với tất cả sự kết hợp tinh tế đó, tác giả đã kết thúc chương thứ nhất một cách huy hoàng, tràn ngập không khí vui mừng thắng lợi.

Chương thứ hai: Quê hương trong những năm kháng chiến, đất nước được giải phóng và sau hoà bình.

Với nhịp điệu chậm rãi và trên nền hòa âm mang màu sắc dân gian xuất hiện nét nhạc duyên dáng, trữ tình của bài Lên ngàn chứa đựng âm hưởng trìu mến, thiết tha như gợi lên khung cảnh quê hương Nam bộ trong kháng chiến. Bỗng nhiên nhịp điệu thay đổi bằng tiết tấu nhảy múa sôi động và giai điệu bài Kỵ binh Việt Nam vang lên, tác giả đã khéo vẽ lên một bức tranh sinh hoạt nhộn nhịp, một cuộc sống lạc quan yêu đời của nhân dân và bộ đội trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ.

Trong quá trình phát triển âm nhạc ở chương thứ hai, chủ đề bài Lên ngàn được thay đổi bằng nhiều dạng khác nhau và càng về cuối chương, âm nhạc càng được mở rộng ra bằng những hình ảnh tương phản khác nhau. Có lúc người nghe cảm nhận được âm điệu giống như bài Cây trúc xinh (dân ca Bắc Bộ) nhưng tiếp theo đó lại là nét nhạc bài Mùa lúa chín và cũng như vậy giai điệu bài Quê tôi giải phóng của Văn Chung được vang lên đi tiếp sau là bài Lên ngàn… Phải chăng ở đây tác giả muốn nói lên tâm tư của những người miền Nam sống trên đất Bắc giải phóng mà ngày đêm vẫn nặng tình với quê hương và tình cảm Bắc Nam ruột thịt càng thôi thúc mọi người hành động làm việc vì miền Nam. Hoàng Việt đã khéo léo kết hợp các chủ đề Lên ngàn, Quê tôi giải phóng và Mùa lúa chín với nhau trong một tổng thể phức điệu chặt chẽ, có lôgíc và bức tranh quê hương của chương thứ hai được kết thúc bằng nét nhạc bài Lên ngàn với tiết tấu thu gọn nhịp nhàng, duyên dáng.

Chương thứ ba: Cuộc kháng chiến lần thứ hai chống giặc Mỹ
xâm lược.

Mở đầu chương này bằng nét nhạc hung ác, thô bạo với nhịp điệu xáo động, khô khan, tác giả đưa ra hình tượng này nhằm miêu tả tính chất tàn ác của giặc Mỹ và tay sai trên quê hương Nam bộ. Đối lập với nét nhạc trên, Hoàng Việt đã sử dụng bài Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng) làm chủ đề âm nhạc chủ đạo tượng trưng cho ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân ta. Kế tiếp đó người nghe còn cảm nhận được màu sắc đặc biệt của âm nhạc Tây Nguyên qua bài Đợi chờ duyên dáng, ở đây Hoàng Việt muốn nói lên toàn dân ta người Kinh cũng như người Thượng đều một lòng đi theo Mặt trận Dân tộc
giải phóng.

Các nét nhạc Giải phóng miền Nam Đợi chờ luôn luôn nối tiếp, đi xen kẽ với chủ đề nhạc tượng trưng kẻ thù đã xuất hiện ở đầu chương càng làm cho phần phát triển của chương III này mang nhiều tính chất xung đột căng thẳng, tràn đầy kịch tính, gợi lên hình ảnh một cuộc chiến đấu hết sức gay go và ác liệt. Vào cuối chương, âm nhạc có lúc như lắng dịu đi để rồi lại bùng lên một cách mạnh mẽ và tác giả đã kết thúc chương nhạc này bằng cách cho xuất hiện chủ đề bài Lên đàng  đã sử dụng ở chương thứ nhất với phong độ trang nghiêm, hùng dũng cùng với chủ đề bài Giải phóng miền Nam. Đồng thời tiếp sau đó cả hai chủ đề này cùng đi chồng lên trên nền nét nhạc chủ đề kẻ thù với khí thế áp đảo, khẳng định thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chương thứ tư: Chương kết thúc có hợp xướng - niềm vui khi đất nước được độc lập tự do. Với tính chất vui tươi, huy hoàng, rộn rã và cũng có lúc như lắng dịu xuống chứa đựng bao nỗi suy tư để rồi lại tiếp tục tưng bừng náo nhiệt, tác giả đã đưa chúng ta vào khung cảnh của ngày hội dân tộc, trong đó vang lên những giọng hát yêu đời, ca ngợi cuộc sống tự do thanh bình trên mảnh đất quê hương.

Nhạc sĩ Hoàng Việt đã hy sinh, người chiến sĩ âm nhạc đã ngã xuống, anh đã hiến dâng cả cuộc đời và tài năng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, anh đã gởi cả tâm hồn và trái tim của mình cho đất nước yêu thương. Bản Giao hưởng số 1 Quê hương của anh đánh dấu một bước tiến mới quan trọng, một giá trị tinh thần sống mãi với đất nước, một đóng góp lớn lao vào nền âm nhạc Việt Nam dân tộc hiện đại.

Ca Lê Thuần
(Theo Tuyển tập Lý luận phê bình VHNT Tiền Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 223
  • Khách viếng thăm: 220
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 6267
  • Tháng hiện tại: 2238817
  • Tổng lượt truy cập: 46206050