Nhạc sĩ Hoàng Việt: Khi ra đi có hứa thu nay về...

Đăng lúc: Thứ ba - 08/05/2012 08:42
Nhạc sĩ Hoàng Việt: Khi ra đi có hứa thu nay về...

Nhạc sĩ Hoàng Việt: Khi ra đi có hứa thu nay về...

Xưa anh viết Tiếng còi trong sương đêm lúc còn niên thiếu, đã có câu vận vào đời chiến sĩ của mình: Khi ra đi có hứa Thu nay về. Và Thu nay anh về lại trong sự ngưỡng mộ và nhớ thương của đồng chí đồng bào, khi TP HCM tổ chức Hội thảo về đời anh, về sự nghiệp âm nhạc của anh để lập hồ sơ đề nghị truy tặng Anh hùng. Thôi thế cũng là một tôn vinh tưởng thưởng, dù muộn…

Anh đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về VHNT, nhưng trong tôi, anh còn là hình ảnh một người Anh hùng… Lúc còn bé, nghe anh chị tôi hát Nhạc rừng, lòng tôi bồn chồn vô hạn, biết đâu chiến tranh vẫn còn tiếp diễn và đến lượt mình thành anh chiến sĩ lãng mạn yêu đời trong bài hát… Lớn lên một chút, lớp chúng tôi được dạy hát Tình ca qua những người anh lớp trên, dạy một cách bí mật vì Tình ca đến lúc ấy vẫn chưa được phổ biến. Tôi đâu có biết khi tôi cất tiếng hát thì là lúc người nhạc sĩ chiến sĩ, tác giả những ca khúc lừng danh ấy đã chiến đấu và hy sinh trên chiến trường…  Và những ngày ra mặt trận, bản Tình ca luôn là bài hát chúng tôi hát cho nhau nghe để gửi thương gửi nhớ về quê hương …

Hoàng Việt của Tình ca và bản giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam

Người nhạc sĩ tài danh ấy đã hy sinh quá sớm, khi tài năng anh đang chín rộ mà một trong những đỉnh cao ấy là bản giao hưởng Quê hương. Anh được xem là một trong những nhạc sĩ đầu tiên mở đường cho thể loại âm nhạc bác học này ở Việt Nam. Nhưng có thể nói, cái làm nên chân dung Hoàng Việt giữa cuộc đời là những bản tình ca. Vâng! Những bản tình ca.  Hoàng Việt đã để lại - những ca khúc mà sáu chục năm rồi vẫn được tấu lên, vẫn được cất lên bởi những người dân Việt yêu Tổ quốc quê hương tha thiết: Khi cất lên tiếng ca gởi về người yêu phương xa/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba... Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra.../ Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha...

Bài hát ấy đã hơn nửa thế kỷ được hát lên, bắt đầu bằng tiếng hát của NSND Quốc Hương. Đó là lần đầu tiên Quốc Hương cất tiếng ca với lòng tha thiết của những người con miền Nam trên miền Bắc hướng về Nam. Quốc Hương hình như đã có duyên nợ gì đó với nhạc Hoàng Việt. Từ những ngày đương lưu lạc giữa Sài Gòn những năm bốn mươi, ông đã hát Tiếng còi trong sương đêmcủa Hoàng Việt (Lê Trực). Bài hát đã làm nên tên tuổi Quốc Hương giữa đô thành Sài Gòn trước lúc anh ra bưng biền kháng chiến.

Rồi những ngày trên miền Bắc, lại chính Quốc Hương hát Tình ca của Hoàng Việt. Bài hát sau đó bị ngưng lại do có người nhận xét rằng lời ca ủy mị, đau thương... Mười năm sau, khi Hoàng Việt nằm lại đất miền Nam, bài hát ấy của anh lại được Quốc Hương cất lên trên miền Bắc nhưng lần này với tâm trạng tự hào xen lẫn nhớ thương. Bài hát ấy lại đã thành một phần số phận người ca sĩ khi ở miền Nam, có một nữ thính giả tên là Nguyễn Lê Thu An đã mê bài ca và cả giọng ca gửi từ miền Bắc qua làn sóng phát thanh. Cô nữ sinh Thu An của Trường Trưng Vương ấy đã xuống đường tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ và đã bị bắt đày ra Côn Đảo cho tới khi miền Nam giải phóng.

Sau này, khi làm công tác Đoàn ở thành phố, Thu An đã tình cờ gặp lại người hát Tình ca năm xưa. Mối tình nảy nở khi chị nghe Quốc Hương hát Tình ca ngay giữa Sài Gòn ngày giải phóng: Giữ lấy đức tin bền vững em ơi/ Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời...Nghe tiếng anh cất lên, ai cũng cảm thấy nổi da gà. Một sự xúc động lạ lùng khiến chị không cầm được nước mắt...

Khi đã quen nhau, Quốc Hương cho biết nữ nghệ sĩ điện ảnh ấy chấp nhận chia tay để ở lại đất Bắc. Còn anh, anh nguyện sẽ về lại để hát và chết ở Sài Gòn... Một cuộc chia tay và một cuộc gặp gỡ như là duyên phận, từ bài Tình ca đã cho họ thuộc về nhau. Khi ấy, Quốc Hương đã 58 tuổi và chị mới 29 xuân xanh...

Không chỉ có Tình ca, Hoàng Việt đã viết những ca khúc bất hủ: Lên ngàn, Lá xanh, Nhạc rừng ngay trong những năm kháng chiến ở bưng biền Nam Bộ. Những bài hát của anh đã có sức lay động lớn lao, động viên đồng bào chiến sĩ góp phần vào cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc.

Còn nhớ Erenbua có nói đại ý rằng: Một tác phẩm nghệ thuật chân chính có sức lôi cuốn, trở thành sức mạnh đôi khi hơn cả một sư đoàn.

Tên thật của Hoàng Việt là Lê Chí Trực. Anh sinh tại Chợ Lớn năm 1928, nhưng quê nội lại ở Bà Rịa... Sớm có năng khiếu âm nhạc, từ rất sớm, mới 16, 17 tuổi anh đã viết Chị cả, Biệt đô thành, và nổi tiếng với bài Tiếng còi trong sương đêm được nhiều người yêu mến.

Khi Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ, như bao thanh niên trí thức yêu nước, Hoàng Việt, vừa mười tám tuổi giã từ thành phố để đi vào kháng chiến. Theo NS Minh Trị, người từng là thành viên ban nhạc Quân khu 8, Hoàng Việt lúc ấy là đội viên an ninh (Công an) thuộc tỉnh Bà Rịa. Những ngày Pháp chiếm đóng các đô thị lớn, lực lượng phân tán và anh bị mất liên lạc phải lánh vô Sài Gòn mưu sinh và để tìm cách bắt liên lạc với kháng chiến. Từ đây, anh đã tìm đến với cách mạng bằng hành trang âm nhạc và lòng phơi phới tuổi xuân. Tại Đồng Tháp Mười, anh công tác ở Đoàn Văn công Khu 8. Nhiều người kháng chiến năm xưa, bây giờ vẫn còn hát: Sở Thượng giang; Lá xanh; Ai nghe chiến dịch mùa xuân; Tin tưởng...

Nhà thơ Bảo Định Giang kể rằng những ngày Hoàng Việt về Đoàn Văn công phân Liên khu miền Đông Nam Bộ, cuộc sống đồng bào chiến sĩ lúc này quá nhiều gian khó. Anh đã cùng anh em đi lấy vật liệu làm lán trại để ở và chống cọp. Ngày ngày lên rừng chặt cây đốn gỗ nhưng chỉ có củ mì thay cơm, nhiều hôm thấy nhạc sĩ Hoàng Việt và họa sĩ Thanh Nha bụng đói chân run về đến nơi đã mệt nhoài mà cười ra nước mắt. Nhưng người nhạc sĩ ấy đã hòa mình vào đời sống chiến đấu của "Miền Đông gian lao mà anh dũng".

Vừa theo đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ, Hoàng Việt còn say sưa sáng tác... Nhiều ca khúc để đời đã được viết trong hoàn cảnh thực tế như vậy: Bài Nhạc rừng làm khi đơn vị tăng gia tự túc trên chiến khu Dương Minh Châu. Còn Lên ngànđược viết vào lúc trận lụt lịch sử năm NhâmThìn 1952... ập đến khiến cuộc sống kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ càng gian khó hơn… Trong gian khó ấy, Hoàng Việt đã tìm được nguồn động viên quân dân miền Đông gian lao bằng những ca khúc lạc quan yêu đời: Em đi cắt lúa trên ngàn/ Còn anh chiến đấu sa tràng/ Kháng chiến nhất quyết thành công/ Anh về em thỏa ước mong

Nhà thơ Bảo Định Giang nhớ lại: Đận ấy bộ đội và nhân dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Sau khi đi công tác Đức Hòa trở về, Hoàng Việt bảo anh về trước, còn anh ở lại Trảng Còng ven sông Vàm Cỏ Đông để đi tìm cảm hứng cho sáng tác. Khi trở về, bài hát Lên ngàn vừa xong Hoàng Việt đã hát lần đầu tiên bên cánh võng Bảo Định Giang. Vừa dứt lời ca, Bảo Định Giang bỗng nức nở khóc. Có lẽ bài ca mang tính bi tráng của cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng, một sự chấp nhận hy sinh gian khổ của cả một thế hệ nhằm  giữ lấy mảnh đất quê hương.

Khi ra đi có hứa Thu nay về

Trong đoàn quân tập kết ra Bắc năm 1954 có người nhạc sĩ - chiến sĩ Hoàng Việt. Vào học Trường Âm nhạc Việt Nam trên đất Bắc, với nỗi nhớ thương quê hương miền Nam trào dâng lòng người nhạc sĩ, anh hình dung cảnh mẹ già và người vợ trẻ đêm ngóng ngày trông người đi tập kết chưa về, khi quân thù chia cắt lâu dài đất nước… Những năm tháng ngày Bắc đêm Nam ấy, Hoàng Việt đã viết Tình ca như muốn gửi về Nam tấm lòng những người đang xa. Và nối hận quân thù trào dâng đầu ngọn bút khi anh viết: Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly...

Năm 1958, Nhà nước cho anh sang học âm nhạc tại Nhạc viện Sofia Bulgaria. Dù đang du học nước ngoài nhưng tâm hồn người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương đang dưới ách quân thù. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần kể rằng: Trong một bức ảnh gửi về cho bạn bè từ nước ngoài năm 1960, trên đó Hoàng Việt ghi: "Cho đến chết mới hết sáng tác cho đời". Câu lưu bút như một tuyên ngôn của người nghệ sĩ. Tài năng âm nhạc bẩm sinh và kiến thức âm nhạc hiện đại đã kết tinh trong bản giao hưởng Quê hương của anh. Quê hươngđược xem là một trong những bản giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam. Tác phẩm mang tính sử thi, quy mô đồ sộ ghi dấu ấn trưởng thành của âm nhạc Việt. Bản giao hưởng đầu tiên mang âm hưởng quê nhà trên nền âm nhạc bác học. Đoạn kết mang tính chất vui tươi rộn rã thể hiện khát vọng về niềm vui trong ngày hội thống nhất non sông đất nước độc lập tự do...

Trở về Tổ quốc năm 1964, với bằng tốt nghiệp hạng ưu, Hoàng Việt công tác ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1965, sau khi trình diễn báo cáo bản giao hưởng của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong niềm trông đợi và chúc mừng của đồng nghiệp, anh xin được trở lại chiến trường miền Nam để tham gia đánh giặc và tiếp tục viết những bản giao hưởng khác về công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cuối năm 1966 trong đoàn quân văn nghệ gồm trên 30 người trở về Nam do NS Lưu Hữu Phước, và nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ huy, Hoàng Việt đã trở lại quê hương. Mười hai năm xa cách, ngày gặp lại người vợ của mình, giây phút hạnh phúc hiếm hoi trong chiến tranh thêm nung nấu ý chí chiến đấu giải phóng quê hương trong con người nghệ sĩ chiến sĩ ấy.

Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ

Trong xúc động nghẹn ngào, người vợ đã kể cho anh nghe nối khổ đau mong nhớ suốt 12 năm anh đi xa. Chỉ có bài hát Tình ca của anh vọng từ Bắc vào làm điểm tựa cho nỗi đợi chờ dằng dặc… qua bao nhiêu khảo tra, bắt sám hối của kẻ thù, lòng chị vẫn kiên trinh son sắt… Nhưng chiến tranh quái ác đã không để cho lứa đôi ấy được đoàn tụ lâu dài. Họ đã sống cho nhau và cho Tổ quốc trên hết và anh đã ngã xuống giữa chiến trường trong một ngày định mệnh.

Ngày ấy là ngày cuối cùng của năm 1967, khi quân Mỹ càn quét nơi có chiếc trực thăng của chúng bị bắn rơi. Cuộc tấn công bằng máy bay và hỏa tiễn của địch đã khiến anh và những đồng đội hy sinh bên dòng kinh quê mẹ ở Cái Bè, Tiền Giang cho đến nay vẫn không tìm thấy xác. Anh ngã xuống trong tư thế của người anh hùng ngoài mặt trận. Người nhạc sĩ gan góc ấy đã hy sinh khi mới 39 tuổi đời, lứa tuổi đương có nhiều cống hiến cho cuộc đời và âm nhạc.

Anh ra đi mà chưa kịp hoàn thành bản giao hưởng hoành tráng từng mơ ước mang tên "Cửu Long" viết về thành đồng Tổ quốc. Dâng hiến cả tài năng và cuộc đời cho cách mạng, người trai ấy đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cả tâm hồn tình cảm anh gửi lại Tổ quốc yêu dấu của mình. Anh xứng đáng là người nghệ sĩ, chiến sĩ anh hùng. Tên tuổi của anh sống mãi với thời gian, âm nhạc của anh vẫn được tấu lên giữa quê hương đất nước muôn đời như những khúc ca bi tráng của tình yêu quê hương đất nước. Anh ra đi nhưng những tác phẩm âm nhạc, những Tình ca, Quê hương của anh vẫn còn mãi trong lòng dân Việt.

Để nhớ người nhạc sĩ tài danh và một nhạc phẩm nổi tiếng, một người cháu ngoại của anh đã được đặt tên là Tình Ca. Nguyễn Thụy Tình Ca, nữ doanh nhân trẻ đẹp ấy hôm nay luôn tự hào được mang tên ca khúc bất hủ của người ông…

Tân Linh
(Theo Chuyên đề An ninh thế giới số 33)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 226
  • Khách viếng thăm: 224
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 53560
  • Tháng hiện tại: 2286110
  • Tổng lượt truy cập: 46253343