Những ca khúc song hành cùng đất nước

Đăng lúc: Thứ năm - 21/07/2011 14:53
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Mừng xuân Tân Mão, Đài Truyền hình TFS vừa  ra mắt khán giả bốn tập phim thuộc dạng “sử nhạc” mà đài truyền hình cùng ê kíp làm phim đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để dàn dựng  những thước phim đầy ắp hình ảnh của quê hương thời khói lửa cùng sự ra đời của các bài hát đã trở thành bất tử. Cảnh quan sinh động cùng lời hát chan chứa ân tình, lời tâm sự thâm trầm của tác giả kể lại cảm xúc của mình trong những phút giây sáng tạo nhạc phẩm,  phim  khiến người xem đôi lúc phải rưng rưng nước mắt.

Bốn tập phim có tên chung “Lời nguyền chiến thắng” gồm: tập 1 mang tên “Niềm tin”, tập 2 “Hy vọng”, tập 3 “Mùa xuân”, tập 4 “Khúc khải hoàn”. Mỗi tậ­p đều có lời bình thật sắc sảo của tác giả Trần Đức Tuấn và giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên Kim Phụng gây ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Bài hát “Qua sông” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ta nghe đến thuộc cả lời hát nhưng “Qua sông” trên phim lần này được minh họa  trong cảnh trời đêm, có đoàn bộ đội bơi vội vã trên sông, hai bên bờ  lau sậy hoang vu, khiến ta nhớ những đêm bơi xuồng đi công tác trên các kênh rạch của Đồng Tháp Mười thời chiến tranh, những ngày gian nan khốn khó mà ai có trải qua mới thấm thía được hết ý nghĩa của bài hát “Hò hò khoan... chúng em khua mái chèo, đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo… Đường hành quân các anh đi khắp nẻo... Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao...”. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể, hôm

ấy trời mưa lất phất, ông đang trên đường công tác cùng với một đơn vị bộ đội, bơi xuồng trên sông Vàm Cỏ, xa xa là vùng sáng của Sài Gòn,­ hỏa châu run rẩy trôi trên bầu trời đêm, ông chợt nghĩ tới những cô gái giao liên đêm đêm dưới ánh hỏa châu đưa những đoàn quân qua sông để các anh lên đường giết giặc, và ông viết bài hát “Qua sông”. Bài hát ra đời đã nhanh chóng được phát trên sóng phát thanh, hát trong những buổi biểu diễn của các đoàn văn công tỉnh và miền, trở thành bài hát truyền miệng của quân dân vùng giải phóng thời bấy giờ, tác giả đã nhận được giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu.

Bài “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã một thời “làm mưa làm gió” trong mảng âm nhạc phản chiến mà hầu như “sinh viên học sinh đô thị” nào cũng thuộc nằm lòng. Trong lúc đô thị miền Nam vùng lên, sinh viên học sinh ngày ngày hừng hực xuống đường, ngày ngày phải đối đầu với dùi cui, lựu đạn cay thì bài hát như ngọn lửa,  nung nấu ý chí đấu tranh của những người bạn trẻ mạnh mẽ dấn thân và đi tới “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào, hát trong đêm âm u lửa cháy trong trại ngục tù... Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ... Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào... Giành lại dòng sông nầy cho lúa chín khắp đồng xanh… Giành lại thành phố đó, bàn tay nâng niu hòa bình...” Trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường của sinh viên học sinh, bài hát có sức mạnh phi thường thúc giục tuổi trẻ đứng lên, không sợ xiềng xích, không sợ hiểm nguy đang chực chờ phía trước, bài hát có thể lạc điệu trong bối cảnh thanh bình hiện nay đối với thế hệ trẻ nhưng những thế hệ “sinh viên già” như chúng tôi thì không thể nào quên.

Song hành với bài “Hát cho dân tôi nghe”“Bài ca hy  vọng”. Hai bài hát nầy được sinh viên hát đi hát lại trong những buổi sinh hoạt thường kỳ hay trong “Những đêm không ngủ”, nhạc sĩ Văn Ký cho biết ông rất xúc động khi biết bài hát của mình thường được anh chị em tù hát trong nhà lao, trong cảnh tù đày tra tấn dã man,  bài hát mang đến niềm tin yêu cuộc đời và hy vọng một ngày mai tươi sáng. Ông không ngờ bài hát đầy tính mộng mơ và lãng mạn của mình lại giúp cho những ngày tù tội bớt đi sự đau thương u uất “Từng đôi chim bay đi... Tiếng ca rộn ràng... Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân... Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương... Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ...”. Nhẹ nhàng, lãng đãng mà thiết tha quá! Trong cảnh thanh bình hiện giờ, mỗi khi hát bài  này ta vẫn thấy một niềm xao xuyến lay động trong lòng, thấy phấn chấn yêu đời hơn.

Các cô gái Sài Gòn mảnh mai tơ liễu ôm những thùng đạn nặng băng nhanh trong đêm tối, tiếng hát của bài ca quen thuộc “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” cuốn theo những bước chân “Hôm qua... Hôm qua...  chưa hề vác nặng... em chưa từng vượt suối qua bưng... em chưa từng giải nắng dầm mưa... Hôm nay... hôm nay em là chiến sĩ vai dạn dày, vững vàng bước chân... lòng người đang độ mùa xuân, trào dâng niềm vui đánh Mỹ, dẫu hiểm nguy em không nề. Quả pháo ơi! Sao mà vui như đứa trẻ, suốt đêm ngày ta bế trên vai… Đường về đô thị còn xa, ngày nay đi diệt thù cứu nước có ta có mình. Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân cùng hiến dâng quyết giải phóng quê mình... Chị em ơi! Niềm tin thắng lợi, thôi thúc ta lên đường... Kìa tiền tuyến đang chờ ta... Sài Gòn đó!  Đang chờ ta tải đạn về...”. Đó là những “tiểu thư” rời bỏ Sài Gòn vào chiến khu tải đạn,  hình ảnh độc đáo và  xúc động  của cuộc chiến tranh nhân dân đã được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ghi lại bằng những ca từ rất thật, rất sinh động theo giai điệu rộn ràng vui tươi. Bài hát như vẫy gọi những người con của thành thị, không phân biệt gái trai, hãy mau mau chung lưng đấu cật với bộ đội đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng, đang cần những viên đạn như cơ thể cần máu. Tôi từng xem bài hát nầy do tốp nữ của Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho biểu diễn ở vùng ven  huyện Cái Bè trong những năm cuối của cuộc chiến. Nón lá, tóc thề, áo bà ba trắng, quần đen, khăn rằn quấn cổ, giọng hát của tốp nữ rập ràng, duyên dáng, sâu lắng khiến cho khán giả “bộ đội” ngồi xem nín lặng, bài hát vừa hết, tiếng vỗ tay rào rào, tiếng huýt sáo vang dội, rồi tiếng yêu cầu hát lại lần nữa, vậy là tốp nữ phải trở ra, đợi tiếng vỗ tay lặng bớt mới bắt đầu cất tiếng. Chao ơi! Những bài hát thời khó khổ sao mà máu thịt, sao mà  gắn bó thiêng liêng giữa người sáng tác với người hát, người nghe biết dường nào.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết bài “Bóng cây kơ-nia” hai ba lần mới xong. Ông thích bài thơ của nhà thơ Ngọc Anh, bắt đầu phổ từ năm 64 nhưng mãi tới những năm đi B, vào lăn lộn chết sống ở chiến trường Tây nguyên, thuộc từng tiếng chim, nhớ từng loài hoa rừng, ngắm nghía cây kơ-nia, hiểu được tấm lòng của người Tây Nguyên đối với cách mạng, khi trở ra Hà Nội ông mới hoàn thành bài hát vào năm 1971, “Buổi sáng em làm rẫy...Thấy bóng cây kơ-nia… Bóng ngã che ngực em… Về nhớ anh không ngủ... Buổi chiều mẹ lên rẫy… Thấy bóng cây kơ-nia... Bóng tròn che lưng mẹ... Về nhớ anh mẹ khóc… Em hỏi cây kơ-nia... Gió mầy thổi về đâu... Về phương mặt trời mọc... Mẹ hỏi cây kơ-nia... Rễ mày uống nước đâu... Uống nước nguồn miền Bắc...”. Tiếng hát vút cao của ca sĩ Tường Vi cùng cảnh núi rừng Tây Nguyên khiến ta nhớ về nơi xa xôi hẻo lánh, nơi đại  ngàn trùng điệp, núi non chớn chở, vậy mà những  con người chân chất hoang dã đó cũng một lòng một dạ, góp sức người sức của vào công cuộc chiến đấu chống ngọai xâm.

Những chuyến xe chở quân, chở đạn, lá ngụy trang xanh xanh hòa vào núi rừng trùng điệp, xe lên đèo, xuống dốc, xe băng suối, lội rừng, rồi những đoàn quân áo xanh, nón tai bèo, gương mặt trẻ trung khôi ngô tuấn tú, bước chân đi như chạy, họ đang tiến về chiến trường để kết thúc cuộc chiến đẫm máu đã hơn 30 năm, trong số họ chắc chắn sẽ có người nằm lại nhưng họ nào ngại ngần chi, vì trong tim luôn đầy ắp  tình cảm thân thương  với gia đình, làng xóm,  với người yêu đang chờ đợi họ đâu đó ở hậu phương hay đang cùng  hành quân ra chiến trường “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn... Hai đứa ở hai đầu xa thẳm... Đường ra trận mùa nầy đẹp lắm... Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây... Trường Sơn Tây anh đi... Thương em, thương em bên ấy mưa nhiều... Con đường gánh gạo muỗi bay rừng già cho dài tay áo. Hết rau rồi em có lấy măng không... Còn em thương bên Tây anh mùa Đông, nước khe cạn bướm bay lèn đá... Biết lòng anh say miền đất lạ… là chắc em lo đường chắn bom thù...”. Tiếng hát quyện theo đoàn xe, theo bước chân người chiến sĩ giải phóng quân, tiếng hát vút cao giữa núi rừng xa thẳm khiến ta thấy thương những mối tình thời chiến. Thương nhau không được bên nhau, chỉ biết lo lắng cho nhau khi thấy thời tiết khắc nghiệt bất thường của Trường Sơn, anh không biết bên ấy em có lo tròn công việc hậu cần hay không, còn em, em  phải lo thông đường  để  xe anh ra trận an toàn. Thương quá!  Cao cả quá những chàng trai cô gái thời chiến, chuyện chung chuyện riêng quyện hòa nhau làm một, động viên nhau, hồn nhiên  trong  mũi đạn lằn tên như chưa hề biết chuyện sống chết đang cận kề trong gang tấc. Bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (thơ Phạm Tiến Duật) vẫn sống mãi cho đến hôm nay. Người ta hát nó trên cánh đồng, trên rẻo cao, trong những tiệc vui, trong nhà hàng sang trọng, trong quán karaoke, cả những em bé bán báo, đánh giày cũng hát…

“Năm anh em trên một chiếc xe tăng... Như năm bông hoa nở cùng một cội... Như năm ngón tay trên một bàn tay... Đã xung trận cả năm người như một... Năm anh em ta có năm cái tên... nhưng khi lên xe không còn tên riêng nữa... Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa... Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng... Một con đường đất đỏ như son... một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng... Một ý chí bay qua đầu ngọn súng... Một niềm tin quyết thắng... trong trận này...”. Anh lính xe tăng trẻ trung Hữu Thỉnh ngày nào đã trở thành nhà thơ, bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của anh đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Doãn Nho, ông trầm trồ mấy câu thơ có tính so sánh và ẩn dụ
“Như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay”, đắc ý với mấy câu thơ trên, ông phổ nhạc bài thơ và từ đó bài thơ cất cánh bay cao cùng năm tháng, giai điệu rộn ràng  tươi tắn khiến mọi người thích hát trong những buổi sinh hoạt vui vẻ, những tiệc đám cưới, những chương trình ca nhạc dành cho bộ đội, nhất là bộ đội thiết giáp thì không thể thiếu vắng  bài hát này. Cho tới nay, bài hát vẫn đứng đầu bảng là bài hát hay về lính xe tăng.

Cảnh bom rơi, đạn nổ trên thủ đô Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm rải thảm của bọn giặc lái Mỹ, nhà cửa, trường học, bệnh viện… la liệt người chết. Những dàn pháo cao xạ giương nòng, những gương mặt trẻ măng với đôi mắt sáng như sao, đôi tay nhanh nhẹn thông minh đã nhắm đúng ­­­lũ giặc trời, bọn chúng  tan tác như bầy ong vỡ tổ. Bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân ra đời trong bối cảnh đó “Hà Nội đó, niềm tin yêu, hy vọng... Của núi sông hôm nay và mai sau...­­­­ Chân ta bước lòng ung dung tự hào... Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao...”. Bài hát với  giai điệu hùng tráng, tự tin, hào sảng khiến ta thấy bầu trời thủ đô vừa xanh trong rạng rỡ mà cũng vừa ngạo nghễ kiêu hùng. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể,  ngày cuối cùng của cuộc chiến, toàn dân đổ ra đường mừng chiến thắng, cả đất nước như rền vang tiếng reo vui, giây phút thiêng liêng của lịch sử đã đến, kỳ diệu và hoành tráng biết bao, nhạc sĩ nhớ tới người đã bao năm gian khổ vì đại cuộc, ông viết ngay bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng... Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông... Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến đã thành công... Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh...”. Lời bài hát thật giản dị, ai nghe cũng thuộc và hát theo được, người Việt Nam hát đã đành, bè bạn năm châu đến Việt Nam lâu ngày cũng biết hát, khi ta ra nước ngoài, người nước khác  hỏi thăm biết người Việt Nam, họ thường mỉm cười bắt tay, miệng bập bẹ chào “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, thật hãnh diện và tự hào biết bao.

Chiến tranh đã tạnh từ lâu, đất nước đã qua những ngày ảm đạm, những bài hát thời khói lửa vẫn đi cùng nhân dân qua bao năm tháng của lịch sử, đó là những bài hát bi tráng được chắt ra từ xương máu của dân tộc, ngập tràn sức sống, tài hoa và lãng mạn của một thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ, là những trí thức của nền âm nhạc Việt, trong đó có những người từng nổi tiếng với những bài hát tiền chiến trữ tình  như : Hòn vọng phu, Đêm đông, Dư âm... Nền âm nhạc cách mạng đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh chống ngọai xâm.

Tập phim “sử nhạc” “Lời nguyền chiến thắng” dù chỉ mới điểm qua một số bài hát và trên 20 nhạc sĩ trong số hàng trăm nhạc sĩ và rất nhiều bài hát được người nghe yêu thích mến mộ, đó  là việc làm hết sức đúng lúc của những người làm phim trong bối cảnh nền âm nhạc Việt đang bị “mạo hóa”, lai căng, nhạc “não tình” đang bát nháo chốn nhạc trường. Cha anh ta - lớp nhạc sĩ cách mạng - sống và sáng tác như thế, đã đổ xương máu và sức lực viết nên những ca khúc góp phần giành lại  non sông, vậy mà  trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay, một số người viết nhạc trẻ không nhận thức được chức năng cao quý trong việc xây dựng đời sống tinh thần đã cho ra đời những ca khúc vô bổ, dễ dãi thiếu tính nghệ thuật đã làm hạ thấp thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ.

Lời bình ở đoạn cuối phim của tác giả Trần Đức Tuấn nghe thật xúc động, mong sao cho đất nước không phải lặp lại những tháng kinh hoàng của chiến tranh và mãi mãi về sau cuộc chiến tranh nhân dân và những ca khúc song hành sẽ trở thành bất tử.
Kim Quyên
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 46)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 371
  • Hôm nay: 50348
  • Tháng hiện tại: 1691761
  • Tổng lượt truy cập: 48065888