Lê Uyên Phương - nhạc sỹ của tình nhân

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/11/2012 22:42
Những đêm văn nghệ không ngủ xuống đường tại Sài Gòn, bên cạnh những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, sự xuất hiện của cặp song ca tình nhân Lê Uyên và Phương như một hiện tượng.

Với giai điệu nồng nàn, khắc khoải, đôi khi bàng bạc và triết lý, Lê Uyên Phương đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt và tôn sùng như một thần tượng với những nhạc phẩm trĩu nặng tình đời, tình người và tình yêu: Dạ khúc cho tình nhân, Tình khúc cho em, Đưa người tuyệt vọng, Không nhìn nhau lần cuối, Vũng lầy của chúng ta...

Những hạnh ngộ đầu đời

Lê Uyên Phương là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam trước 1975. Tên thật của ông là Lê Minh Lập, nhưng do giấy tờ bị thất lạc trong chiến tranh, tên của ông đã bị khai nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Ông giữ tên Lê Văn Lộc từ đó cho tới khi đã bước lên thiên đường. Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi - người đã gieo vào ông niềm say mê âm nhạc, niềm cảm hứng với những cung điệu.

Ông lấy chữ Phương trong tên mẹ và tên Uyên của một người con gái ở vùng cao nguyên rất xanh với dấu ấn của cuộc tình đầu buồn đẫm lệ. Từ đó kỳ lạ thay, mỗi người con gái xuất hiện trong đời anh đều là Uyên của những nhớ nhung, hoài vọng cồn cào trong tâm tưởng. Nghệ danh trong sự nghiệp viết nhạc của Lê Uyên Phương bắt nguồn như thế. Một nghệ danh mà chữ mệnh đã kéo anh lên đỉnh cùng của vinh quang rồi chính nó lại khiến anh xoay vần đau khổ đến thẳm cùng bĩ cực.

Lê Uyên vợ của Lê Uyên Phương. Họ là cặp đôi đã tạo sắc thái rất đặc trưng cho nền Tân nhạc miền Nam trước 1975

Lê Uyên Phương thích viết những bản nhạc đầy ám ảnh, những giòng giòng thương đau. Bên cạnh Trịnh Công Sơn, có lẽ Lê Uyên Phương là người thứ hai coi trọng vấn đề ca từ trong bài hát của mình đến vậy. Anh tỉ mỉ, tinh tế, cân đo đong đếm từng câu, từng chữ và luôn luôn đau đáu tìm những từ mới trong tứ nhạc da diết mà trái ngang của lòng mình. Nhưng Trịnh Công Sơn hơi trừu tượng, hơi xa vắng chừng nào thì ngôn ngữ trong ca khúc của Lê Uyên Phương giàu hình tượng và thực đến chừng ấy.

Đã có một thời người ta cho rằng Lê Uyên Phương là kẻ nổi loạn, vì những hình ảnh ông vẽ ra trong các nhạc phẩm của mình đang trở nên quá nổi tiếng đối với giới trẻ và dường như nó quá trần trụi, đánh đổ cả một nền tảng giá trị luân lý, động chạm đến những cấm kỵ mà bao nhiêu lớp đàn anh không dám nhắc tới. Ở thời kỳ mà tuổi trẻ Việt Nam đang muốn đập vỡ tung bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh, của hủ tục, vươn tay ra đón nhận những luồng tư tưởng mới, dòng nhạc của Lê Uyên Phương là một trong những điều mà họ mong đợi nhất. Áo rực rỡ, hoa hòe hoa sói, tóc tai rối bù kiểu hippie, quần ống loe, họ đua nhau ngồi trong quán cà phê, ngồi gục đầu đốt thuốc lá bên những tách cà phê đen khói bay vẩn vơ, nghe từng chữ từng lời phát ra từ những thanh âm dồn dập mang tên Lê Uyên Phương. Hình như tự lúc nào cái tên này trở thành một phần máu thịt trong số tất cả những người như họ.

Đầu những năm 64 - 65 của thế kỷ 20, những người sành nhạc mới biết đến cái tên Lê Uyên Phương và để ý tới những ca khúc tự sự của anh. Đến những năm cuối thập kỷ 60, cặp song ca Lê Uyên  Phương trở thành một giá trị bảo đảm cho chiến thắng của mọi buổi văn nghệ có tính tiền bán vé. 

Cho đến những năm đầu của thập kỷ 70, Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong đạn bom và máu lửa, phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng rầm rộ. Từ thành phố cao nguyên Đà Lạt đến với Sài Gòn hoa lệ và đau thương, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã mang sinh khí mới và thổi một luồng gió mới cho Tân nhạc  miền Nam qua các bài hát song ca cùng người vợ trẻ Lê Uyên.

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Ăm ắp say mê, ngút ngàn dâng hiến

“Màn đêm mở huyệt sâu/ Mộng đầu xin dài lâu/ Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay/ Ái ân ơi xin đừng phụ lòng ta/ Nhớ thương sâu xin gửi người xa/ Khóc thương nhau trong cuộc đời. Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô/ Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là hồn nhiên…”. Những ca khúc của Lê Uyên Phương như gắn liền với những tao ngộ trong đời của biết bao những người khác, của những ngày sống và lớn lên, của những chiêm bao trăn trở, của những nụ cười và giọt nước mắt. Và những vết sẹo dài theo năm tháng ấy đã theo mỗi trái tim yêu nhạc đến tận giờ để chỉ cần một điệu nhạc lướt qua cũng đủ khiến họ sống dậy một thiên tai âm ỉ mà buốt nhói cuộc đời.

Ca từ trong các sáng tác của Lê Uyên Phương không đi sâu vào những chiêm nghiệm hay triết lý về tình yêu, thân phận của con người. Càng không "dính dáng" gì đến chính trị, lo toan hay mong ước cho vận mệnh của đất nước trong thời chiến. Đơn giản, nó chỉ nói về tình yêu. Cái tình yêu dành cho tình - nhân ấy: Lãng mạn, cuồng đam mê nhưng vẫn đầy lo âu. Và thậm chí, trong nhiều ca khúc, nó còn có vẻ... trần tục nữa.

Bài hát đầu tiên đưa tên tuổi của cặp song ca lên tột đỉnh thành công, có lẽ là Vũng lầy của chúng ta. Ca khúc trái ngược với tên gọi bởi nó ăm ắp say mê, ngút ngàn sự dâng hiến. Từ tiết tấu đến ý tưởng, từ cách chuyển đổi đến lối gieo âm vận. Mà lạ nhất, vẫn là cách Lê Uyên Phương ghép mình lại với nhau và hát. Nếu tách rời từng người ra, chắc mỗi người họ sẽ không có gì đặc biệt. Một người gục trên cần đàn, mắt mở vô hồn, tay khua gấp gáp trên mấy giây đàn phừng phừng, cất giọng khàn khàn khô khốc mà gào thét. Một người, tay vung loạn bản, mắt nhắm mắt mở, đầu lắc lư, cứ  như đang bị quỷ ám. Âý thế mà khi hòa vào với nhau, chỉ cần nghe họ hát, người ta sẽ nhớ đời vĩnh viễn.

Những bản nhạc tình như báo mộng ấy: Vũng lầy của chúng ta, Đưa người tuyệt vọng, Không nhìn nhau lần cuối, Hãy ngồi xuống đâysau này được coi như những lời tiên tri vận vào đời Lê Uyên Phương tài hoa mà bất hạnh. 27 tuổi, Lê Uyên Phương vẫn không dám yêu và lập gia đình với ai. Bởi ông đã mắc phải một căn bệnh kì lạ: Ngón tay và nhiều nơi trên thân thể ông xuất hiện những khối u. Bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư xương và chẳng còn sống bao lâu nữa. Còn Lê Uyên thì bị gia đình ngăn cấm tuyệt đối mối quan hệ không môn đăng hộ đối và dường như, không có... ngày mai ấy. Nhưng họ đã thật sự cảm thấy mình không thể sống thiếu nhau và quyết định cùng nhau... trốn chạy. Đó là những ngày lang thang mòn mỏi trên những con phố đồi dốc ở Đà Lạt... Là những tháng chơ vơ hẹn hò ở sân ga Sà Gòn, mỗi ngày chỉ có mẩu bánh mì queo quắt...Rồi họ kết hôn vào năm 1968 và chia tay nhau sau 15 năm chung sống. Năm 1999, Lê Uyên Phương mất sau một thời gian dài bạo bệnh, thọ 59 tuổi.

Hơn 10 năm trôi qua Lê Uyên Phương đã không còn nữa nhưng tình khúc của ông đã trở thành những viên ngọc quý. Với giai điệu đầy luyến tiếc, người ta thấy trong Lê Uyên Phương một tấm lòng bao dung và một sự chắt chiu cho âm nhạc.

Đơn giản, ông là nhạc sĩ của... tình nhân

Lê Uyên Phương sáng tác rất nhiều tình khúc mà lại là đớn đau, sầu khổ, nặng nề đến tê dại. Người ta từng gọi ông là nhạc sĩ của tình nhân, vì trong mọi sáng tác của ông, tình yêu đôi lứa trở đi trở lại khắc khoải và mãi mãi được ví von như nguồn cơn của mọi bất hạnh đời sống sau này của ông. Âm nhạc của ông không phải viết về cái thuở tình học trò bồng bột, ngây thơ. Cũng không phải ca ngợi cho tình yêu vợ chồng nồng nàn, chung thuỷ. Càng không là những lời thở than cho cuộc tình đã chia lìa, tan vỡ. Đơn giản là, các bài hát ấy chỉ dành cho... tình nhân.

Hương Giang
(Theo Nguoiduatin.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 44525
  • Tháng hiện tại: 2209185
  • Tổng lượt truy cập: 46176418