Bolero lại sáng đèn:Kỳ cuối: Bolero - mạch ngầm và sông suối

Đăng lúc: Thứ ba - 12/06/2012 08:36
Một nhạc phẩm bolero trước 1975

Một nhạc phẩm bolero trước 1975

Khái niệm "bolero" - còn được gọi một cách phổ thông hơn là "nhạc sến" - vượt ra khỏi định nghĩa một nhịp điệu của âm nhạc. Khi đến với tâm thức và ngữ cảnh Việt Nam, nó hình thành một hình thái không ngờ: tâm lý tiểu thị dân. Cần khẳng định ngay chính cái tâm lý ấy đã tạo thành một chân dung khác rất "made in Việt Nam", trong khi trước đấy ở phương Tây, bolero vẫn chỉ là một nhịp điệu mà thôi.
Lịch sử hình thành những đô thị lớn ở Việt Nam luôn có dấu ấn của những di dân hay còn gọi là người nhập cư. Khởi đi từ những miền quê xa xôi, khó khăn thiếu thốn rất nhiều những điều kiện về công việc, học hành, lập thân, lập nghiệp...; khi đặt chân đến đô thị, những con người tứ xứ ấy luôn ở tâm trạng hoang mang, lo âu, liệu mình có thể sống được, liệu mình có cơ hội làm ăn giữa chốn phồn hoa không dành cho tầng lớp của mình?

Nếu là cậu học trò lên tỉnh thì ngoài cái âu lo cơm áo còn là chút mặc cảm như những con người nhập cư khác - cái mặc cảm "tỉnh lẻ"... Thế rồi những con người định cư, nhập cư theo hoàn cảnh cá nhân hay lịch sử cũng hình thành nên những "quần cư" theo địa phương, theo quê quán cũ hay đơn thuần chỉ là những xóm ngoại ô ngõ vắng, lầy lội heo hút ánh đèn vàng...

Cái tâm thức âu lo, muộn phiền, hoang mang ấy khởi đầu và trở thành đề tài cho âm nhạc bolero - bình dân khai thác và hình thành.

Nhạc sĩ người miền Tây Trúc Phương được xem là ông vua của những ca khúc thể loại tâm tình, kể lể, sướt mướt, nhiều muộn phiền. Những ca khúc đó phản ánh gần như tất cả những điều vừa kể của tầng lớp bình dân trước khi thành tiểu thị dân.

Một đặc điểm nữa của ca khúc mang âm hưởng bolero - nhạc bình dân luôn là: kể lại một câu chuyện. Không ca khúc nào của dòng nhạc này không được sáng tác để kể lại một câu chuyện nào đó. Chuyện tình Lan và Ðiệp là điển hình của một câu chuyện éo le, trái ngang bằng âm nhạc. Hàn Mặc Tử cũng là một câu chuyện bi thương khác. Căn nhà ngoại ô, Nửa đêm ngoài phố cũng là những chuyện tình hoặc buồn cho thân phận nghèo hèn, hoặc nỗi buồn phất phơ của một cuộc gặp gỡ tình cờ ngoài phố đêm bên ánh sáng kinh thành. Kiếp nghèo, Phố buồndù được viết ở nhịp điệu tango cũng được liệt vào loại nhạc mang nỗi buồn ngụ cư, cái mặc cảm thua kém bên cạnh cái hoa lệ đô thị lớn... Kẻ quê lên thành phố, người ở quê lo ngại mất đi cái hồn hậu, thật thà thì kẻ ở phố về cũng đã mang dáng thị thành làm người quê buồn bã, trách hờn. Quê và thị thành luôn là những mâu thuẫn nội tại để trở thành đề tài thường nhật, có thật của con người.

Âm nhạc bình dân chính là tấm gương phản ánh tâm trạng có thật ấy. Nó là tiếng nói bằng nhịp điệu và thứ ngôn ngữ đời thường nhất. Chất hoa mỹ nếu có trong ca khúc bolero cũng không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm. Nó chỉ lên bổng xuống trầm như dân ca, như ca dao, như lời nói. Cũng nhờ lối thể hiện chân phương ấy mà bolero đã tạo nên một thư viện âm nhạc toàn cảnh chân chất và độc đáo, có đủ mọi ngõ ngách của đời sống con người.

Một điều độc đáo của thứ âm nhạc bình dân này không hẳn chỉ là dành cho những tầng lớp bình dân. Cậu học trò năm xưa khi đã đỗ đạt, đã thành tài, đã có cơ nghiệp, trở thành trí thức thì hình ảnh căn gác trọ thuở hàn vi vẫn còn nguyên vẹn đấy, vẫn in đậm trong tâm thức.

Thế nên, nếu có vô vàn tầng lớp mới giàu có hay thành trí thức nghe nhạc bolero - nhạc sến - nhạc bình dân thì cũng chẳng có gì lạ. Nó là hệ quả của lịch sử bản thân của mỗi người, mà bậc trí giả nào không có xuất xứ gia đình năm bảy đời xuất thân nông thôn?

Vậy dòng âm nhạc bolero mặc nhiên là một dòng chảy luôn song hành cùng đời sống. Thế hệ nào cũng có những nỗi băn khoăn thân phận, gia cảnh, môi trường sống, học hành... Dòng chảy ấy đôi khi là mạch ngầm, đôi khi phun trào thành suối lớn. Nó tồn tại bởi vì đề tài của nó không xa lạ với cuộc đời và những con người đang trôi qua trong dòng đời ấy.

Có lẽ thế.


Đỗ Trung Quân
(Theo Tuổi Trẻ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Avata
G-h - Đăng lúc: 12/12/2013 05:46
Ban co the cho toi, vai chi tiet ve noi dung nay hay khong?

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 439
  • Khách viếng thăm: 438
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 56123
  • Tháng hiện tại: 2337780
  • Tổng lượt truy cập: 48711907