Chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa

Đăng lúc: Thứ tư - 08/08/2012 14:48
Vừa rồi tôi có tham gia thuyết trình trong buổi trình diễn diễn xướng Chầu văn tại Đền liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Nhiều người nói với tôi rằng lần đầu họ hiểu hơn về ý nghĩa của Đạo Mẫu Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước giờ đây đã được tín ngưỡng hóa và tâm linh hóa.
Văn hóa tâm linh gắn liền với chủ nghĩa yêu nước
 
Không phải cho đến khi hoạt động diễn xướng Chầu văn được đưa ra Côn Đảo - nơi có đền thờ Bà Phi Yến và Cô Sáu (Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu) mà bản thân Đạo Mẫu từ xa xưa cũng đã thể hiện chủ nghĩa yêu nước rồi. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chủ nghĩa yêu nước hôm nay đã được tâm linh hóa, và khi đã được thể hiện dưới dạng tín ngưỡng thì nó có sức mạnh vô cùng. Có thể thấy việc những tín đồ của Đạo Mẫu hôm nay đang ý thức rất cao về trách nhiệm xã hội của mình. Như nhiều người biết, diễn xướng Chầu văn là một nghi lễ của Đạo Mẫu, là một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc và đó chính là một di sản văn hóa có giá trị trong đời sống. Chúng tôi, những nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về vấn đề này cách đây nhiều chục năm rồi. Sự nghiên cứu ấy nhằm mục đích làm rõ bản chất của Đạo Mẫu cũng như hoạt động diễn xướng Chầu văn. Trải qua bao thăng trầm thời gian, giờ đây, Chầu văn đã được đưa lên sân khấu biểu diễn. Việc ra đời Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn Việt Nam được coi là một trong những "bước đệm” thúc đẩy công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Chầu văn là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trên bình diện nghiên cứu, chúng tôi thấy việc bảo tồn di sản không chỉ là dừng lại ở những công trình nghiên cứu mà phải đưa nó song hành cùng đời sống. Có như vậy di sản mới phát huy được giá trị.
 
Chầu văn - thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc, một di sản văn hóa có giá trị trong đời sống. 
Ảnh: HOÀNG LONG

 
Dự một buổi lễ diễn xướng Chầu văn như được đọc một cuốn lịch sử dân tộc
 
Cho đến nay, Chầu văn đã được đưa đi biểu diễn ở một số nơi trên giới. Điều đặc biệt là đi tới đâu, nghi lễ này cũng được những người xem, người nghe đánh giá rất cao. Năm 2011, khi mang Chầu văn sang diễn xướng tại Hàn Quốc, nhiều nhà nghiên cứu xứ Hàn tỏ ra rất thích thú và họ đã sang tận Việt Nam để tìm hiểu về nghi lễ này.
 
Vậy thì giá trị của diễn xướng Chầu văn trong Đạo Mẫu được thể hiện ở những điểm nào? Thứ nhất, trong cách lý giải người Việt đã quan niệm tự nhiên chính là Mẫu - người Mẹ: mẹ trời, mẹ đất, mẹ nước, mẹ rừng núi (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn)… Tiếp đó, ở phương diện nhân sinh quan, người ta đi theo Đạo Mẫu để cầu sức khỏe, hạnh phúc. Đây rõ ràng là một tư tưởng tiến bộ vì Đạo Mẫu của người Việt hướng người ta sống đẹp hơn ở thế giới trần thế. Thứ ba là diễn xướng Chầu văn của Đạo Mẫu luôn xuất hiện các vị thần, có khoảng trên dưới 50 vị thần hầu hết là các nhân vật lịch sử hoặc đã được lịch sử hóa. Có thể thấy, tất cả những người có công với nước đều được nhân dân tôn làm thánh và ca tụng trong các bài diễn xướng. Vì vậy, dự một sinh hoạt như thế này, người ta sẽ như được đọc một cuốn lịch sử của dân tộc. Theo tôi đó cũng là một cách học lịch sử sinh động, qua đó để bồi đắp tinh thần yêu nước cho người dân Việt Nam.
 
Điều quan trọng nữa là sinh hoạt này cũng tạo ra một hình thức nghệ thuật, môi trường văn hóa, nghệ thuật rất độc đáo.
 
Cộng đồng mới là chủ thể trong bảo tồn và phát huy di sản
 
Dẫu vậy, diễn xướng Chầu văn trong Đạo Mẫu cũng là vấn đề còn nhạy cảm, nên có những người đang lợi dụng nó. Phải khẳng định rằng nếu có ai đó lợi dụng hình thức sinh hoạt này thì đó cũng chỉ là sự vụ lợi (về tiền bạc) mà thôi. Tại sao nói vậy? Vì Đạo Mẫu gắn với cội rễ của dân tộc. Đạo Mẫu là tín ngưỡng về người Mẹ, mà người Mẹ Việt Nam vốn nhân hậu, sẽ không bao giờ người ta lợi dụng Đạo Mẫu để làm những việc càn quấy.
 
Trên thực tế, những giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Chầu văn nói riêng đều do nhân dân, do cộng đồng sáng tạo ra. Cho nên những giá trị ấy chỉ có thể phát huy được khi chính cộng đồng làm chủ thể. Tất nhiên, bên cạnh đó phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà nghiên cứu khoa học. Đấy cũng là tư tưởng rất cơ bản của UNESCO: bao giờ vai trò cộng đồng cũng phải đặt ở trung tâm.
 
Có một diều đáng buồn là nhiều ông, bà đồng đang thực hiện tín ngưỡng này nhưng chính họ không hiểu họ đang làm gì. Bây giờ, việc quan trọng của chúng ta là giúp cho cộng đồng nhận thức được giá trị của tín ngưỡng mà họ đang theo, đồng thời có những hành động đúng để bảo tồn, phát huy và ngăn chặn những mặt trái của những giá trị đó (Tôi không thích nói rằng chúng ta phải giáo dục nhân dân, nghe vừa to tát, lại vừa không phù hợp, vì nhân dân chính là người tạo ra những giá trị ấy).
 
Nhìn rộng ra, về phương diện nghệ thuật, tất cả những loại hình di sản phi vật thể như Hát Xoan, Ca Trù, Quan họ, Chầu văn... đều có sự ảnh hưởng và giao thoa với nhau, dưới dạng này, dạng khác. Nhưng tự thân mỗi di sản đã chứa đựng một giá trị to lớn rồi.
 
Còn nhớ cách đây ít lâu, người ta đã tổ chức kỷ lục guiness Quan họ. Tôi cho rằng, đấy là những người rất yêu Quan họ nhưng không hiểu Quan họ nên đã làm những việc chống lại Quan họ. Nếu chúng ta cứ bảo tồn theo hướng này, nó sẽ dẫn tới việc làm băng hoại giá trị của Quan họ. Tôi tin là không ai thay quần chúng trong việc bảo vệ tốt nhất những giá trị do họ tạo ra. Nếu chúng ta quản lý văn hóa bằng những qui định hành chính, những văn bản mang tính chất pháp quy thì người dân - chủ thể của những giá trị ấy vô hình trung lại đứng ngoài những giá trị văn hóa do mình tạo ra.
GS.TS Ngô Đức Thịnh
(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 427
  • Khách viếng thăm: 403
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 39217
  • Tháng hiện tại: 1788117
  • Tổng lượt truy cập: 48162244