Vai trò của lý luận phê bình đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật

Đăng lúc: Thứ hai - 23/07/2012 08:40
Một nhà văn hiện đại của Việt Nam từng có câu nói nổi tiếng đại ý như sau: "Tôi chỉ sáng tác vào ban đêm khi nhà phê bình văn học đi... ngủ". Câu nói trên phần nào cho thấy sự "dị ứng" của các nhà văn Việt Nam đối với công việc của các nhà lý luận phê bình văn học.

Nhiều thập kỷ qua, lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam thường giữ vai trò như chiếc roi ngựa, "quất" vào con ngựa sáng tác để nó "lồng" lên hoặc giữ vai trò cổ vũ, động viên để văn nghệ sĩ sáng tác theo một định hướng, một chủ trương, đường lối nào đó. Trên thực tế, nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật thường bị đánh giá là "ăn theo" hoặc "theo đuôi" văn nghệ sĩ. Các nhà lý luận phê bình đã bỏ quên thiên chức của mình. Nhìn một cách lý tưởng, trên hành trình sáng tạo cùng với các văn nghệ sĩ, các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật phải thấu triệt được thiên chức của người viết lý luận phê bình và hiểu rõ chức năng, vai trò của lý luận phê bình đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật. Có như vậy lý luận phê bình văn học nghệ thuật mới tìm được chỗ đứng trong tiến trình phát triển văn học nghệ thuật của dân tộc.

Thành tựu của lý luận phê bình về văn học nghệ thuật mang tính toàn cầu hóa. Lý luận phê bình được hình thành qua các trường phái, trào lưu văn học nghệ thuật và xâm nhập vào các quốc gia. Có thể kể qua các trào lưu trường phái lý luận phê bình nở rộ qua từng thời kỳ và ảnh hưởng đến lý luận phê bình của Việt Nam như: Phê bình theo phương pháp phản ánh hiện thực, phê bình thi pháp học, phê bình cấu trúc, phê bình bản thể luận, phê bình phân tâm học, phê bình theo phong cách học, phê bình theo chủ nghĩa hậu hiện đại.v.v... So với các nước khu vực và thế giới, ở Việt Nam, quan niệm về lý luận - phê bình văn học nghệ thuật ra đời rất muộn và hầu hết mang tính tự phát. Chính vì thế lý luận phê bình văn học nghệ thuật khó tránh khỏi một số hạn chế và lạc hậu. Khoảng hơn hai thập niên qua, các nhà lý luận phê bình mới bắt đầu đặt ra vấn đề xây dựng nền lý luận - phê bình văn học nghệ một cách khoa học và giới nghiên cứu về văn học nghệ thuật bắt đầu tiếp nhận và sử dụng kiểu tư duy phân tích - một sản phẩm tư duy có nguồn gốc phương Tây. Kể từ đây, lý luận phê bình văn học nghệ thuật mới thực sự vừa mang tính khoa học vừa mang tính sáng tạo.

Lý luận phê bình văn học nghệ thuật bao gồm các quan điểm, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển của văn học nghệ thuật, các trào lưu trường phái, cơ chế sáng tạo của văn nghệ sĩ, sự tiếp nhận của người thưởng ngoạn và các hiện tượng văn học nghệ thuật. Để phát triển nền lý luận phê bình, chúng ta cần phải đào tạo những nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Ở Việt Nam hiện vắng bóng những nhà lý luận phê bình có tâm huyết và có nghề. Tuy nhiên, lý luận phê bình phải trở thành sự tự ý thức của văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Khi văn nghệ sĩ tự ý thức về đặc trưng của từng loại hình văn học nghệ thuật và cơ chế sáng tạo của người nghệ sĩ thì sẽ khai mở được thế giới nội tâm và chuyển hóa được chất liệu sống thành tác phẩm văn học nghệ thuật.

Hệ thống lý luận phê bình của Việt Nam phải ra đời, hình thành từ chính hiện thực đời sống văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam chứ không phải mô phỏng, vay mượn hệ hình lý luận phê bình của thế giới. Lý luận phê bình có chức năng phát hiện, định hướng và cổ vũ cho cái mới trong hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ. Lý luận phê bình giúp văn nghệ sĩ thức tỉnh "cái tôi" sáng tạo để khơi gợi những góc khuất thẳm sâu trong thế giới nội tâm. Nhà khoa học, kỹ thuật phải nắm chắc qui trình, kỹ thuật sản xuất của một loại hàng hóa nào đó. Văn nghệ sĩ không hiểu bản chất của cơ chế sáng tạo mà chỉ sáng tác theo bản năng thì chỉ có thể tạo ra những tác phẩm thiếu chiều sâu về tư tưởng và thiếu sự độc đáo về nghệ thuật. Cơ chế sáng tạo của nghệ sĩ là sự bí ẩn mà lý luận phê bình cần tìm hiểu, phát hiện và lý giải.

Lý luận phê bình văn học nghệ thuật giữ vai trò đồng hành với quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Lý luận phê bình văn học phải hướng tới sự khai phá và mở đường - nếu không, lý luận phê bình sẽ bị tụt hậu so với sáng tác và sự tồn tại của lý luận phê bình sẽ trở thành vô nghĩa. Lý luận phê bình đúng nghĩa cũng chính là sự sáng tạo hoặc ít nhất phải là sự khơi gợi, kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Lý luận phê bình phải vừa khai mở, dò đường vừa phải soi bóng vào tác phẩm văn học nghệ thuật để khám phá, giải mã tác phẩm.

Việc nghiên cứu một cách có hệ thống các hệ hình lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên thế giới để tiếp thu có chọn lọc đang là sự đòi hỏi bức xúc. Trên cơ sở quan điểm khoa học về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, chúng ta cần nhìn nhận về lý luận phê bình văn học nghệ thuật là một hệ thống mở. Như một dòng sông tuôn chảy và hòa nhập các dòng nước khác nhau, hệ thống lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần khai mở và dung nạp những quan niệm, hệ hình phê bình mới để làm phong phú, đa dạng hệ thống lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Hiện thực sáng tạo của văn nghệ sĩ luôn thay đổi và vận động theo sự biến đổi và nhu cầu của thời đại. Chính vì thế những quan niệm lý luận văn học về phản ánh hiện thực đã trở thành chiếc áo quá khổ, không còn phù hợp để đánh giá, thẩm định các tác phẩm văn học nghệ thuật. Lý luận văn học nghệ thuật chỉ thật sự làm tốt vai trò nếu nắm bắt kịp thời, khái quát kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong vận động phát triển của thực tiễn văn học học nghệ thuật của từng địa phương và quốc gia.

Võ Tấn Cường
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

lý luận phê bình

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 91800
  • Tháng hiện tại: 1957579
  • Tổng lượt truy cập: 48331706