Tìm hiểu bài thơ“Mỹ Tho tức cảnh”của nhà thơ yêu nước Học Lạc

Đăng lúc: Thứ ba - 28/02/2012 08:39
Tìm hiểu bài thơ“Mỹ Tho tức cảnh”của nhà thơ yêu nước Học Lạc

Tìm hiểu bài thơ“Mỹ Tho tức cảnh”của nhà thơ yêu nước Học Lạc

Người ta thường biết đến nhà thơ Học Lạc (1842-1915) tên thật là Nguyễn Văn Lạc như nhà thơ trào phúng ở miền Nam cùng thời với Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa, Nguyễn Thông, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến. Ngoài cái giọng điệu châm biếm đùa cợt thế nhân, Học Lạc còn sáng tác những bài thơ mang tính chất trữ tình bộc lộ nỗi băn khoăn của nhà thơ đối với thời thế. Điển hình như bài thơ “Mỹ Tho tức cảnh”.

 Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho,

            Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.

            Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả,

            Cũ mới phân nhau cũng một đò.

            Phố cất vẽ vời xanh tựa lục,

            Buồm dong lên xuống trắng như cò.

            Đắc tình trạo tử nên mưa nắng,

            Dắn dỏi đua nhau tiếng hát đò.

Bài thơ này có nhiều chi tiết gắn liền với lịch sử, địa lý lâu đời của Mỹ Tho, khiến cho người đọc khó hiểu nên đã đưa đến những suy đoán chưa chính xác. Chẳng hạn có nhiều bài viết cho rằng: Bài thơ này bộc lộ nhiều niềm tự hào của tác giả về Mỹ Tho trong khoảng thời gian 1862-1915 (thời gian Học Lạc sáng tác bài này) với những công trình xây dựng Chợ mới Mỹ Tho, nền thương mại rất thịnh đạt của người Pháp (so sánh với Mỹ Tho đại phố trong Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức). Thậm chí họ còn minh họa thêm hình ảnh “Cầu Quay” của Pháp. Mặc dù trong bài thơ Học Lạc không hề đề cập tới.

Theo thiển ý muốn hiểu đúng bài thơ “Mỹ Tho tức cảnh” ta phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử và địa lý của Mỹ Tho (vào thời Trịnh Hoài Đức và Học Lạc) và thái độ của sĩ phu đối với thời thế lúc bấy giờ).

1) Hoàn cảnh lịch sử

- Về địa lý: Đất Mỹ Tho thời Trịnh Hoài Đức và Học Lạc vẫn không thay đổi địa danh.

- Về kinh tế: Trước là Mỹ Tho đại phố trung tâm kinh tế, nay Pháp có phát triển hơn về xây dựng và thương mại.

- Về lịch sử: Xưa là đất của triều đình Nguyễn mà nay là nhượng địa của Pháp; hình thành 2 khu dân cư: Việt và Pháp cùng tay sai.

2) Thái độ của sĩ phu đối với đất nước:

- Thời Trịnh Hoài Đức (1820 - 1840) đất nước ta còn độc lập, có chủ quyền nên họ Trịnh thể hiện niềm tự hào về Mỹ Tho đại phố là lẽ bình thường hợp với đạo lý.

- Thời Học Lạc: Từ 1862 Mỹ Tho (Định Tường) là nhượng địa của Pháp, nhân dân ly tán, sĩ phu cũng có thái độ khác nhau. Trước thời thế đó, yêu nước tích cực như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Thủ Khoa Huân; yêu nước tiêu cực như: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phan Hiến Đạo; xu thế cơ hội như: Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải…

Riêng Học Lạc ta có thể khẳng định là dù không thể so sánh với Nguyễn Đình Chiểu (bởi ông chưa bao giờ công khai chống Pháp) nhưng ông không đến nỗi bán rẻ lương tâm mà dùng thơ văn ca ngợi những công trình của người Pháp thiết lập trên đất Mỹ Tho.

Qua thơ văn và tiểu sử của Học Lạc, ta nhận thấy nhà thơ có thái độ nhất quán của một trí thức yêu nước: Luôn luôn bất hợp tác với Pháp, giữ gìn khí tiết nhà nho và bộc lộ nỗi đau buồn trước cảnh Mỹ Tho là nhượng địa của Pháp. Khi Học Lạc được vui thú: “Ăn Tiên lâu” ông vẫn ngậm ngùi:

               Khiển hứng no nê mùi Quảng tống

               Tiêu sầu quay mặt rượu Lang sa.

Rõ ràng khi cầm chén rượu Lang sa ông phải quay mặt thì làm sao Học Lạc có thể ca ngợi sự hiện diện của giặc ngoại xâm ở Mỹ Tho? Nắm vững hoàn cảnh lịch sử và thái độ của tác giả đối với thời cuộc, ta mới hiểu bài thơ “Mỹ Tho tức cảnh” đúng hướng, giải thích sự kiện, từ ngữ chính xác.

               Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho,

               Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.

Giới thiệu hoàn cảnh đất nước ta: Từ Sài Gòn đến Mỹ Tho đều lần lượt rơi vào tay quân Pháp. Chữ nhường xuất phát từ nhượng địa như Hòa ước năm 1862 đã ghi. Rõ ràng đấy là tiếng than thở chớ không phải là niềm tự hào của Học Lạc.

               Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả,

               Cũ mới phân nhau cũng một đò.

Dòng sông Bảo Định chảy qua Mỹ Tho nhưng đã phân chia hai bờ khác nhau, một bên là Pháp, một bên là dân địa phương ngụ cư (hai ngả), cũng một con đò đưa hai bến khác nhau. Hai câu thơ trên xen cài nhau một cách độc đáo đã làm nổi bật cảnh đất nước bởi giọng thơ châm biếm mỉa mai nhẹ nhàng tế nhị.

               Phố cất vẽ vời xanh tựa lục,

               Buồm dong lên xuống trắng như cò.

Trong thơ ca màu xanh, màu lục, cò trắng là những gì u buồn,
Học Lạc đã biểu hiện sự bực dọc, lo lắng với những gì mà Pháp cố khoa trương (vẽ vời) sức mạnh, giàu có của mình trên đất Mỹ Tho.

               Đắc tình trạo tử nên mưa nắng,

               Dắn dỏi đua nhau tiếng hát đò.

Tác giả đã nêu lên những chi tiết đối lập nhau của người chèo thuyền (trạo tử): giữa niềm vui (đắc tình, hát hò) với nỗi nhọc nhằn; những cố gắng gượng gạo: (nên mưa nắng, dắn dỏi đua nhau) khiến ta liên tưởng đến các câu của Đỗ Mục thời xưa.

               Thương nữ bất tri vong quốc hận,

               Cách giang do xướng hậu đình hoa.

Hay câu thơ đồng thời của Nguyễn Khuyến:

               Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.

Vừa châm biếm vừa phê phán thường thấy ở những nhà thơ vốn có tấm lòng “ưu thời mẫn thế”.

Với ý nghĩa như vậy nên tên tuổi Học Lạc là niềm tự hào của thành phố Mỹ Tho. Thơ ông là tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên tuyệt vời của Mỹ Tho giàu có, thơ mộng: Mỹ Tho một cõi anh hùng, một cõi thơ. Học Lạc trong tâm tưởng người Mỹ Tho với cái nghĩa cao quý là nhà thơ yêu nước.

Nguyễn Hồng Vũ
(Theo Tuyển tập Lý luận phê bình VHNT TG)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 213
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 40416
  • Tháng hiện tại: 2272966
  • Tổng lượt truy cập: 46240199