Thiên nhiên trong tập thơ “Giai điệu lá” của Thái Tràng

Đăng lúc: Thứ năm - 01/06/2017 10:13
Tác giả Thái Tràng - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang vừa cho ra mắt tập thơ đầu tay “Giai điệu lá” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Từ nhan đề “Giai điệu lá”, chúng tôi có thể hình dung cảm hứng bao trùm cho cả tập thơ đó là thiên nhiên.

Nhà thơ Võ Tấn Cường nhận định: “Thơ Thái Tràng ẩn chứa cái mênh mang của sông nước, sức sống xanh tươi của miệt vườn và vẻ đẹp dân dã, mộc mạc của con người và sự vật vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Quả thật vậy, thiên nhiên trong thơ của anh mang một màu sắc rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ đó là màu xanh lá tự nhiên - xanh của những cánh đồng, của mảnh vườn, của sông nước và cả màu xanh của biển… chúng đan quyện vào nhau, và đã trở thành ám ảnh trong tâm thức của tác giả khi cho ra đời tập thơ này.

 

Bài thơ “Giai điệu lá” gợi hứng từ một cuộc du ngoạn đến vùng đất

 

Tây Ninh:

 

công du xanh về đất Trảng

 

uống cái nóng mặn môi

 

nụ cười xã giao mật mía

 

cùng trời Tây Ninh lịch lãm những vạt rừng

 

mùa khô ru mình bằng màu lá đỏ cao su…

 

(Giai điệu lá)

 

Ở đó, vẫn có màu xanh quen thuộc của miền Tây như: xanh của rừng, xanh của đồng mía,… nhưng đặc biệt bao trùm hơn cả là màu lá đỏ của rừng cao su lúc khí trời sang thu đã ập vào tâm hồn của Thái Tràng:

 

Trời trưa thưa bóng sẫm

 

Nghe lá hát

 

Lá bay

 

Lá rong chơi với đất

 

Tiếng lá khô giòn rụm

 

(Giai điệu lá)

 

Hay khi tác giả vượt sông Hậu để đến Cần Thơ, bờ bắc Bình Minh - Vĩnh Long với những vườn cây ăn quả xanh tươi, trù phú được anh ví von như một thiếu nữ còn “xanh” rất độc đáo:

 

bờ xanh thanh nữ áo hoa

 

cầu dây dải lụa

 

gác qua đồng bằng

 

(Bước qua sông Hậu)

 

Thiên nhiên trong văn học trung đại mà trước nó là văn học dân gian thường hướng về mối quan hệ hòa đồng giữa nó và con người: Thân em như lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai; Thân em như đóa hoa rơi/ Phải chăng chàng thật là người yêu hoa (Ca dao),… Còn trong thơ đương đại, thiên nhiên như một khách thể thẩm mỹ để nhà thơ ngắm nghía, tận hưởng và sáng tạo. Tác giả Thái Tràng cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó:

 

Bên lán ruộng cha dựng lên ngôi nhà nhỏ

 

cây ngô đồng nở một cành hoa

 

(Cánh đồng và ngôi nhà của cha)

 

Hay:

 

Sông Cái Cối như vành cung giương thẳng

 

nhưng hiền từ nhả nước êm êm

 

(Sông Cái Cối)

 

Những câu thơ về đồng quê và bức tranh phong cảnh thể hiện tình yêu của tác giả đối với thiên nhiên. Những bức tranh ấy sẽ in dấu sâu đậm trong lòng độc giả, giúp con người có được niềm thư thái thưởng ngoạn nó trong xã hội phức tạp đương thời.

 

Trong thơ của Thái Tràng có xuất hiện khá nhiều nơi chốn - đó có lẽ là nơi gắn bó lúc còn trẻ hay suốt cả cuộc đời, có thể là một nơi tươi đẹp khiến anh không nguôi hồi cố,… Nhưng biểu tượng đẹp nhất trong mối quan hệ giữa tác giả với nơi chốn có lẽ là hình ảnh của những cánh đồng:

 

Cánh đồng rộng cây vừng già tư duy châu thụ

 

Mùa oằn lưng thợ gặt

 

(Đồng cây vừng)

 

cánh đồng khóm mở ra

 

bốn mùa ẩn vụ

 

gió sương hồng hào trồng tỉa

 

mồ hôi bén rễ thực bì

 

(Đồng khóm Tân Phước)

 

Khi nói về những cánh đồng, tác giả cho thấy ý nghĩa của thiên nhiên đầy hương và sắc. Đó không phải là những cảnh thiên nhiên bất động mà là một thứ thiên nhiên luôn vận động và như có cái hồn bên trong. Cái đẹp giữa thiên nhiên của tạo hóa kết hợp với sự khéo léo qua đôi mắt thẩm mỹ của Thái Tràng đã tạo nên sự đồng sáng tạo của độc giả.

 

Tác giả Thái Tràng sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa của Tiền Giang nên dường như những hương vị đặc sắc nhất của phương Nam đều được anh nếm trải. Cù lao - một danh từ dùng để chỉ khoảng đất nằm ở giữa sông, biển do bồi đắp của dòng chảy và có cây cối mọc nhiều cũng đã đi vào thơ của anh với những nét vừa quen,vừa lạ lẫm:

 

Rùa vàng trồi từ biển

 

Hít thở mây xanh trời xanh

 

(Huyền thoại đất cù lao)

 

Hay có khi đó là mùi bùn của đất mẹ từ những cánh đồng hòa vào vạn vật của vũ trụ giúp cho muôn loài tái sinh được tác giả cảm nhận qua các giác quan một cách say đắm:

 

Mùi bùn…

 

nhuốm vàng hương lúa sinh sôi

 

tháng năm nhâm nhi vi vu gió

 

đêm vuốt mũi u hoài

 

tiềm thức ớt cay cay…

 

nắng vàng lột vỏ

 

cua ốc trần mình

 

nguyên thủy gió choàng vai

 

(Mùi bùn)

 

Những nét vừa trình bày ở trên chỉ là một khía cạnh đặc sắc trong tập thơ của Thái Tràng. Tuy nhiên, chúng tôi xem thiên nhiên từ “Giai điệu lá” - Thái Tràng có một vị trí đáng kể trong tập thơ, nó giúp nối kết giữa con người với chốn mông lung của tự nhiên. Khi con người cô đơn, tuyệt vọng, cần sự an ủi thì thường tìm về không gian thiên nhiên. Đấy chính là con đường đánh thức sự hòa hợp giữa độc giả với môi trường với ngôn ngữ hết sức tự nhiên, mộc mạc, giản dị. Chính điều đó đã tạo nên giá trị nhân văn cho tập thơ và cũng chính là tâm huyết của tác giả khi cho ra đời tập thơ này.

 

TS. Nguyễn Trọng Hiếu
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 79)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 179
  • Khách viếng thăm: 171
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 8123
  • Tháng hiện tại: 2240673
  • Tổng lượt truy cập: 46207906