Người đi tìm lửa sâu cõi đá

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 11:58
Nhà thơ Vương Huy là người đam mê, bền bỉ trong việc dấn thân sáng tạo thơ ca. Bắt đầu yêu thơ và làm thơ từ năm mười bảy tuổi, Vương Huy đã gắn bó với công việc làm thơ gần ba mươi năm. Ba mươi năm qua, cuộc đời và con đường học vấn của Vương Huy có nhiều biến động, chìm nổi nhưng anh vẫn luôn giữ được niềm đam mê sáng tạo. Vương Huy đã xuất bản 02 tập thơ và 01 tập trường ca gồm: “Chiếc bóng trong mưa” (2006), “Lửa sâu cõi đá” (2015) và “Dụ ngôn người cô độc” (2019). Vương Huy từng đoạt giải cuộc thi thơ Bút Mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Anh là gương mặt thơ trẻ nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh thập niên 90 của thế kỷ XX.

 
  
Phẩm chất tâm hồn của thi sĩ Vương Huy bộc lộ qua sự mê đắm của trái tim và sự suy tưởng của trí tuệ. Thơ anh có sự hòa trộn, kết hợp giữa mê đắm và suy tưởng, tạo nên những hình tượng thơ vừa lung linh vừa vạm vỡ về ý tứ. Đối với Vương Huy, sự sáng tạo thơ ca chính là sự quay ngược dòng ký ức để đi tìm và khám phá sự sống, vẻ đẹp nguyên sơ của loài người. Ở phương Tây, lửa là một biểu tượng về khổ ải, thường gắn liền với địa ngục, nhưng cũng tượng trưng cho sự thanh tẩy và chuyển hóa. Theo các tư liệu về Phật giáo, Đức Phật thường dùng hình ảnh lửa để nói về bản chất khổ ải và mất mát của con người. Theo cái nhìn của thi sĩ Vương Huy, lửa biểu trưng hai mặt: sự hủy hoại và sự sinh sôi của vạn vật:

 

“Nơi đây, nơi đầy màu tối cun cút này,

                           tôi phải luôn ôm ấp một cái lửa nhỏ nhoi

Không thể buông rời

Chút lửa có cánh đầy hơi nóng sẽ bay vút không ngờ,

                    bay tắt vào đêm sơ khai, bay về thời vô dấu tích.”

...

Một giọt lửa phừng phừng ca hát đau đớn trên ngày tháng tro bụi

Tôi đang cố giữ ngọn lửa hay đang tự thiêu hủy chính mình?”.

(Lửa sâu cõi đá)

   Thi sĩ Vương Huy đi tìm lửa không chỉ trong cõi đá thời nguyên thủy mà còn tìm lửa trong cõi bí ẩn của sự vật, trong nội tâm của chính mình và đời sống của con người. Ngọn lửa nhà thơ đi tìm chính là ngọn lửa trắng ẩn tàng trong bản chất của sự vật và hồn người:

“Ta trở về men lối cũ hoa bay

Nhặt dấu chân của loài người rơi vãi

Buông dấu chấm xuống trang đời con gái

Em trở thành nỗi nhớ tuổi thơ tôi”.

                                            (Ngày về)

“Đừng hỏi thảm lá mục kia có như đời chúng ta

Nằm xuống đây lắng nghe đêm dần rã

Nhớ đan tay anh để nối liền hai hơi thở lạ

Mặt trời lên là ta chẳng còn nhau”.

                                   (Với cô gái giang hồ)

Ở một số bài thơ, Vương Huy đã khai thác và đào sâu vào bản thể của nhà thơ và sự vật để khám phá sự sống nhỏ nhoi sinh sôi và biến ảo:

“Tất cả nó là bốc cháy

Tất cả nó là thiêu

Rụi

Tất cả nó là một sợi khói lãng quên

Trong hân hoan đau đớn

Sự sống ăn dần từng chút

Từng chút

Bụi”.

                                 (Que diêm)

“Người đang dệt một miền mưa rất mộng

Nắng rất mơ. Người dệt để mong chờ

Ngày nào đó người hóa thành khung xám

Căng giọng buồn cho những ngón thiên thu”.

                                                              (Người dệt mộng)

Tư duy thơ của Vương Huy khỏe khoắn, mang tính suy tưởng của tư duy triết học, thường khắc họa sự đa chiều của không gian và thời gian. Đối với Vương Huy, sự cô độc trong sáng tạo không phải là cắt đứt mối giao hòa với đời sống xã hội và thiên nhiên mà chính là xác lập mối tương giao sâu thẳm giữa bản thể của nhà thơ và sự vật trong vũ trụ:

“Người cô độc thắp lời thơ cầu nguyện

Mặt đất chìm trong không khí hương bay

Chắp lời sương khói

Trong ngôi giáo đường tâm tưởng...”.

                                 (Dụ ngôn người cô độc)

Hầu như trên con đường sáng tạo, mỗi nhà thơ đều chịu ảnh hưởng của một bậc thầy về thơ ca. Vương Huy chịu ảnh hưởng bởi phong cách và tư tưởng của ba nhà thơ: Đinh Hùng, Phạm Công Thiện và Rainer Maria Rilke (Nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức). Tuy nhiên, Vương Huy đã âm thầm tìm lối rẽ của riêng mình. Anh đã tạo được phong cách thơ dị biệt và độc đáo. Thơ của Vương Huy sử dụng nhiều hình ảnh mang tính tượng trưng, siêu thực nhưng cũng thấm đẫm vẻ đẹp mang tính nhân văn của sự vật, con người trong đời sống hiện thực.

 

Võ Tấn Cường
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 189
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 5813
  • Tháng hiện tại: 2238363
  • Tổng lượt truy cập: 46205596