Đề tài đời tư và thế sự trong thơ Việt Nam 1975 - 1985

Đăng lúc: Thứ bảy - 21/05/2022 11:39
Thơ Việt Nam 1975 - 1985 có sự thay đổi căn bản cách chiếm lĩnh hiện thực về cuộc sống và con người. Từ cái chung về với cái riêng, từ giọng cao chuyển sang giọng trầm - cái giọng trầm cần thiết để con người tồn tại hài hòa trong nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm sống với chung quanh. Chính điều đó đã kéo theo cách nhìn mới nghiêm ngặt và dân chủ về đời tư và thế sự của mỗi chủ thể sáng tạo trong từng mối quan hệ bản chất và mối quan hệ tương tác cụ thể của hiện thực để hình thành ngôn từ thơ, hình tượng thơ và tư tưởng thơ phù hợp với tầm đón đợi của công chúng tiếp nhận. 

1. Bước ngoặt chuyển mình của đời sống xã hội

Giai đoạn 1975-1985 được xem là giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt chuyển mình của Đất nước mà tính chất đặc biệt của nó là từ thời chiến chuyển sang thời bình, từ cắt chia đến thống nhất; đồng thời, đây cũng là giai đoạn tiền đề cho công cuộc Đổi mới của Đảng. Khoảng thời gian này, nhân dân ta vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa cải tạo xã hội và bắt tay xây dựng cuộc sống mới từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Trong văn học, giai đoạn này vừa tồn tại những đặc điểm của nền văn học sử thi vừa xuất hiện những đặc điểm của nền văn học hậu chiến và tiếp nối sau đó là văn học thời kỳ đổi mới. Trong bối cảnh văn học chung đó, thơ là thể loại tiên phong thể hiện con người và cuộc sống trong từng mối quan hệ một cách sâu sắc, cụ thể và đa dạng thông qua các đề tài, chủ đề bản chất và phổ quát như đề tài chiến tranh, đề tài tình yêu, đề tài đời tư - thế sự cùng nhiều chủ đề khác. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn đề cập đến thơ Việt Nam mười năm hậu chiến mà cụ thể là đề tài đời tư và thế sự, xem đó như là sự chiếm lĩnh về hiện thực và con người một cách khách quan, dân chủ và thẩm mỹ, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống và chính nhu cầu của bản thân thơ ca. Những thay đổi đó xuất phát từ sự thay đổi cái nhìn nghệ thuật, kéo theo sự thay đổi toàn diện về cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm.

Nếu trước 1975, cái tôi công dân, chính trị và cái tôi sử thi chiếm vị trí chủ đạo trong sáng tác thì bước sang thời hậu chiến, cái tôi đó bị thu hẹp và dần nhường chỗ cho sự xuất hiện cái tôi đời tư để tạo nên cảm hứng và cảm xúc mới trong thơ. Cái tôi đời tư - thế sự đã trở thành “khúc độc dạo” của thiên hướng tư duy thơ. Các nhà thơ khao khát được bộc bạch, giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều. Khát vọng lớn nhất của người nghệ sĩ là đi tìm cái đẹp của bản thể cuộc sống, và cái đẹp ấy được người nghệ sĩ cảm nhận bằng niềm vui, nỗi buồn có thật của mình để thể hiện ra thành tiếng nói nghệ thuật phù hợp với tầm đón nhận của công chúng bạn đọc đương thời. Thơ sau năm 1975 có xu hướng trở về với cuộc sống đời thường của con người trong nhiều mối quan hệ bản chất và tương tác của chúng. Nhà thơ muốn nhận diện cái tôi của mình sau nhiều năm đạn bom, gian khổ ở chiến trường. “Cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào ca ngợi, chiêm ngưỡng xuống lắng đọng, suy tư. Không gian chuyển từ rộng sang hẹp, từ không gian lịch sử sang không gian đời tư. Những vấn đề sử thi chuyển dần sang màu sắc thế sự” [2,tr.92]. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, khiến cho thơ giai đoạn này thể hiện tinh thần dân chủ sâu sắc. Nhà thơ không còn bị vướng bận với những kiểu hiện thực chủ yếu hay hiện thực thứ yếu, không bị bó buộc trong những khung tư tưởng định sẵn mà được thể hiện tự do hơn trong mối quan hệ đa chiều, phức tạp của hiện thực. Vì vậy, cái tôi cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn, nhưng căn bản là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ.

2. Đề tài đời tư và thế sự trong thơ Việt Nam 1975 - 1985

Bên cạnh những đề tài chính như đề tài chiến tranh, đề tài tình yêu, đề tài sum họp sau chiến tranh..., thơ giai đoạn hậu chiến nhanh chóng tiếp cận và chiếm lĩnh đề tài đời tư - thế sự trong khung cảnh thời bình với tính chất đa chiều và phức tạp của nó xuất phát từ ý thức nghệ thuật của nhà thơ trong bước ngoặt chuyển mình của hiện thực đời sống và con người.

2.1. Sự nhận thức mới về con người và cuộc sống thời bình

Chiến tranh chấm dứt, đất nước chuyển sang thời kì mới, dù không còn tiếng súng, không còn đạn bom nhưng cuộc sống thời bình chẳng hề đơn giản mà diễn ra đầy khó khăn, thử thách. Những người lính, một thời chỉ quen cầm súng, chỉ biết sống rõ ràng, minh bạch, phán đoán kịp thời, dứt khoát với hiện thực chiến trường, giờ đây, trước cuộc sống mưu sinh thường nhật, buộc họ phải lật trở vấn đề để nhận thức và hành động khác trước. Khi hào quang chiến thắng rực rỡ đã thuộc về quá khứ thì thơ viết về chiến tranh và người lính lại mang màu sắc khác, bằng cái nhìn so sánh và nhận thức mới, đa chiều hơn, khách quan hơn.

Trở về với cuộc sống đời thường sau chiến tranh, bao được mất trong cuộc chiến chưa ai từng đánh giá và cũng không có thời gian để “dừng lại” xem xét, tính toán. Bởi giờ đây là lúc mỗi con người phải đối diện với chính mình, đối diện với nhu cầu cấp bách của xã hội còn “ngổn ngang” sau chiến tranh. Xây dựng và bảo vệ đất nước mới là nhiệm vụ quan trọng; nuôi dưỡng cái được chung của đất nước là vậy, nhưng với mỗi số phận, mỗi con người thì cái được mất khó lòng ai đong đếm nổi. Hôm qua đây, chính họ đã vội gạt nước mắt, đã không “kịp khóc” khi vùi xác đồng đội nơi góc rừng, con suối nào đó rồi hòa vào hùng ca mà tiếp bước đến thắng lợi cuối cùng. Để rồi hôm nay trở lại với cuộc sống đời thường, sau khi thực hiện ước mơ, họ bắt đầu day dứt cho những đồng đội không cùng chung hưởng niềm vui chiến thắng: “Chừng nào thật hòa bình/ Ra lộ bốn trải ni-long nằm một đêm cho thỏa thích” (Thanh Thảo).

Nếu thơ thời chiến chủ yếu là thơ hướng ngoại “không tự ngắm mình”, thì nay trước cuộc sống đời thường, thơ lại có nhu cầu hướng nội. Nhà thơ có dịp trở lại với những vui, buồn, hờn giận, những tình cảm riêng tư của chính mình: “Và thú thật/ Tôi cũng thích ngắm… tôi/ Bất động trên đường như một cái cây/ Mà từ rễ đến ngọn lay động/ Dưới ngôi sao chiều chợt sáng” (Nguyễn Khoa Điềm), “là khi tỉnh giấc trong đêm / một mình ta thấy ngồi bên nỗi Buồn/ là khi cạn một ly tràn/ đáy ly ta lại thấy làn mi xanh (Nguyễn Trọng Tạo).

Thơ sau 1975 mang chất trữ tình thế sự. Chất trữ tình thế sự này xuất phát từ nhu cầu nâng cao vẻ đẹp trí tuệ và chất hiện thực trong thơ, nhưng chủ yếu xuất phát từ những nguồn cảm xúc, trải nghiệm của nhà thơ trước cuộc sống mới. Trong chiến tranh, con người chủ động đi vào chiến trường bằng lòng tự hào của những người có lý tưởng cao đẹp, có sức mạnh và tiềm lực thì giờ họ suy nghĩ nhiều hơn về lẽ được mất của cuộc đời. Cái tôi trữ tình của thơ đứng vào vị trí con người đời thường để quan sát, chiêm nghiệm những vấn đề thế sự. Đó là hình ảnh người lính “Có lúc/ Một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ Ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc/ Nước mắt không thể chảy ra ngoài được” (Văn Cao). Một thời, họ từng “khoác áo chiến binh/ in dấu thời lá đỏ” nay trở về đạp xích lô trong “cơ chế thị trường nhìn đâu cũng thấy chợ” (Mai Hồng Niên); một người lính khác lạc lõng giữa khung cảnh xáo trộn sau chiến tranh: “Con lưu lạc trong bão bùng cơ chế/ Đứa trẻ con lầm lũi giữa chợ trời” (Thu Bồn)…

Nhưng rồi trước mắt, trong ngày vui giải phóng, tinh thần lạc quan của nhà thơ thể hiện ở giọng điệu trữ tình đằm thắm, ngọt ngào, sung sướng khi độc lập đã về tay nhân dân, đầy đầy tin yêu hi vọng. Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập trong ngày giải phóng Sài Gòn được Hữu Thỉnh khắc họa lại trong hân hoan bất tận:

                        Tự do xanh quá, mênh mông quá

                        Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi

                         Bỏ lại đằng sau bao trận đánh

                         Kịp vào thành phố sáng tên Người

                         Độc lập theo tăng vào cổng chính

                         Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!    

Bài thơ Nếu không có ngày 30 tháng Tư của Đinh Thị Thu Vân được cất lên với giọng điệu khát vọng, tin yêu đúng với những gì mình tin yêu và hy vọng. Tình yêu mà cô gái gửi gắm đó là niềm tin được làm người tự do, được sống trong không khí hòa bình khi non sông thu về một mối:

                        Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng

                        Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan, dễ dàng như bong bóng

                        Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính nơi mình

                        Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm

                        Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng

                        Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn

                        Làm thế nào em có thể đền ơn?

                        Tháng tươi xinh đẹp mãi tâm hồn

Tình yêu với giọng điệu thiết tha, mời gọi ân tình, bài thơ Tâm hồn của Song Hảo là tấm lòng vị tha, bao bọc, chở che, đầy âm vang chờ đợi, đầy ngọt ngào nhẫn nhịn, đầy cao thượng bao dung: “Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm về với em/ Chút hương đời dịu ngọt/ Hòa trong mảnh thơ riêng/ Đâu chỉ có mùa xuân/ Mới vàng hoa rực rỡ/ Đâu chỉ riêng mặt trời/ Xua tan đi giông tố/ Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em/ Lòng anh còn bóng đêm/ Em sẽ làm tia nắng/ Vườn nhà em đầy hoa/ Hương thơm và trái ngọt/ Mái nhà em dịu mát/ Đằm thắm và bao dung/ Mặt đất còn gai chông/ Bầu trời còn mưa gió/ Bao giờ anh đau khổ/ Hãy tìm đến với em”. Bài thơ Em, cây chò của anh của Nguyễn Khoa Điềm cũng ân tình như thế, ngay cả lúc tình yêu cay đắng nhất, dù chỉ còn duy nhất niềm an ủi là quá khứ, thì vẫn còn hi vọng ở tương lai:

                        Em, cây chò của anh, cánh rừng tuổi trẻ của anh…

                        Em mọc trên sườn núi ấy

                        Những năm chiến tranh

                        Đầy buồn vui can đảm

                        Trải bóng rộng đến bây giờ

                        Qua bao đớn đau mùa thay lá

                        Có thể nào khác được

                        Có thể nào em bật gốc giữa hồn anh

                        Em, cây chò của anh…

                                                    (Nguyễn Khoa Điềm)

Thơ hậu chiến có đặc điểm riêng của nó. “Không còn lời thơ cấu tạo theo quan niệm hát ca trong một dàn đồng ca lớn. Hát ca là trạng thái mãnh liệt, say sưa, bay bổng với lý tưởng (Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát/ Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta - Tố Hữu; Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên), để hướng tới động viên, kêu gọi, thúc giục mọi người. Trạng thái đặc thù của tâm trạng sử thi này đã biến mất. Thay vào đó, là quan niệm hát cho chính mình (với những lời tự hát, tự khúc), nói cho chính mình nghe, đối thoại với mình, suy ngẫm ưu tư, tự phân tích. Vì thế giọng thơ trở nên nhỏ nhẹ, tâm tình, ít ngôn từ to tát cao xa mang tính khẩu hiệu, ít lời kêu gọi, ít say sưa cháy bỏng vì lý tưởng, tiếng thơ bé đi, có sự điềm tĩnh, thâm trầm hơn” [1,tr.170]. Đó là sự nhận thức lại những gì trải qua sau cuộc chiến:

                        Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ

                        - Đây là những gì chúng ta đã sống và đã chết

                        Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó

                        - Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca

                        Những hàng phượng mang nắng từ trên vai thành phố

                        - Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn

                        Một người mẹ gánh nặng trở về

                        - Đây là những gì chúng ta mong mỏi và hi vọng

                                                                           (Nguyễn Khoa Điềm)

Từ tầm cao của cái tôi sử thi, tư thế trữ tình của nhà thơ giờ đây thực sự đối diện với cuộc sống xô bồ của đời thường với những vấn đề thế sự, nhân sinh cụ thể: tốt - xấu, phải - trái, giàu - nghèo, được - mất, quá khứ - hiện tại… Điểm nhìn nghệ thuật tập trung vào những nghịch lý nằm ngay chính trong lòng hiện thực đối lập này. Trong những biến động xã hội ấy, cái tôi trữ tình nhận thấy mình mất chỗ đứng và niềm tin: “Niềm tin ơi, Xin đừng rơi như lá rụng trái mùa” (Thu Bồn). Do thiếu niềm tin nên có lúc nhà thơ rơi vào tâm trạng hoang mang, hụt hẫng, đôi lúc bế tắc và bi phẫn: “Ngó đi đâu cũng vang bóng cơ hàn” (Nguyễn Quốc Chánh)…

Nghĩ về thành phố Đồng Hới đổ nát trong chiến tranh, Lê Thị Mây lại so sánh nó với bàn tay thiếu phụ bị tách rời thân thể cũng vì chiến tranh để biết nỗi đau quá khứ và niềm vui trong hiện tại. Từ đó, nhà thơ liên hệ đến hai sự thật Đồng Hới và thiếu phụ trước kia và bây giờ. Sự thật xưa: “Đồng Hới mấy ai còn nhớ/ Vòng thành cổ gạch vùi trong cỏ/ Những ngôi nhà dựng trên ký ức/ Mỉm cười với tôi một thiếu phụ tóc bay ngược gió”. Và một sự thật của hôm nay: “Đông Hới tựa một bàn tay bị nát dưới bom/ Bị cắt rời khỏi thân tôi - máu rỏ/ Tôi ôm vào lòng đám cỏ/ Và bóng ngôi nhà, bóng thiếu phụ đã biến mất từ lâu” (Ký ức). Từ hai hiện thực ấy, tác giả muốn nói về sự hồi sinh sau chiến tranh và sau bi kịch. Chính con người, bằng niềm tin và hy vọng của mình, họ sẽ gàn gắn vết thương chiến tranh để màu xanh Đồng Hới sẽ tái sinh và nỗi buồn của thiếu phụ cũng hồi sinh niềm vui sinh nở trong hiện tại.

Như vậy là tuy còn nhiều băn khoăn, đau đớn, nhưng trách nhiệm công dân của cái tôi trữ tình từ những cảm hứng về thời thế, con người, lịch sử vẫn là hướng phản ánh khẩn thiết, nhằm tìm kiếm một đạo đức xã hội mang tính thời sự, một nghĩa vụ đối với nhân dân, một chỗ đứng của người nghệ sĩ, thể hiện khát vọng về một xã hội yên bình và hạnh phúc.

2.2. Cảm hứng hòa hợp, tin yêu và khát vọng

Để tìm chỗ dựa cho đời sống tinh thần trong bộn bề đời tư - thế sự, một số nhà thơ có thiên hướng quay về với nhân dân, con người truyền thống, tìm về cội nguồn với quê hương, gia đình, làng mạc… trong tin yêu và khát vọng. Cuộc sống hiện lên trong nhiều bài thơ với cảm hứng lãng mạn: Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, Trên cảng dầu khí của Xuân Hoàng, Nắng gió Vũng Tàu của Hoài Vũ, Đàn chim di cư hát về rừng cũ của Võ Văn Trực, Trong những chuyến xe buýt của Lê Văn Ngăn…

Giờ đây, thơ hướng đến những quan hệ đời thường nhưng không tách rời hiện thực lớn lao của đất nước và dân tộc: “Khi những chiếc cầu lớn bắc qua sông/ Khi đổi thay tiêu chuẩn anh hùng/ Là xây dựng, cấy trồng, dạy dỗ/ Con đường cũ chạy vào lịch sử/ Những con đường mới mở rộng thênh thang” (Xuân Quỳnh)

Trong giai đoạn này, nhiều nhà thơ đã khai thác đề tài về lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, thơ chú ý cuộc sống mới. Sự vận động của hình tượng thơ luôn hướng về phía tương lai. Trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, niềm tin lặp đi lặp lại như một ám ảnh nghệ thuật. Với niềm tin “nhưng người ạ, mưa giông rồi chóng tạnh”, Nguyễn Trọng Tạo khơi được nguồn nước lành tinh khôi để thanh lọc tâm hồn con người: “ở đâu đó người vẫn yêu người lắm/ nước đục ư? qua bể lọc trong ngần” (Gửi con người). Niềm tin ấy càng mạnh liệt, bao dung: “cho thơ tôi được nói lời/ tình - yêu - tôi gởi đến người - tôi - yêu/ bởi tôi tin những sớm chiều/ người không quen… sống rất nhiều cho tôi” (Thư gửi một người không quen). Niềm tin đã trở thành cội nguồn, lí tưởng để nhà thơ tiếp tục khám phá cuộc sống trong chiều sâu tâm thức: “nhưng tôi người cầm bút than ôi/ không thể không tin gì mà viết…” (Tin thì tin không tin thì thôi).

Thanh Thảo trong Khối vuông ru bích thì triết lý và tỉnh táo hơn để nhận ra những lẽ vi diệu của cuộc sống, nhưng toát lên vẻ đẹp của lòng đam mê và khát khao chân thật của chính mình: “Tôi xoay những ô vuông/ Có nhà thơ than rằng đời bây giờ tỉnh táo quá/ Tôi, ngược lại, tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo/ Vì tôi biết cái tỉnh đó chỉ là phía nhìn được của đam mê”.

Phùng Khắc Bắc cũng thế. Nhà thơ mong nhanh chóng trở về miền đồi quê hương mình sau cuộc chiến tranh xa cách bằng sự liên hệ máu thịt với những người thân để biết nỗi đợi chờ đứa con trai duy nhất của người cha đã thành khẩn thiết và gấp gáp như thế nào: “Anh phải về vùng đồi/ Dù phương ấy có nhiều trắc trở/ Nơi ấy anh còn có người bố/ Mỗi cơn ho tắc thở, lại cố nguôi/ Chưa nỡ đi xa vì chưa dặn lại lời/ Khi đứa con trai còn vắng/ Phải về mau, về mau con ơi!”.

Nhiều nhà thơ lại có cách nhìn hiện thực và con người theo lối khác. Nhìn chung, hiện thực trong thơ giai đoạn này có sự thể hiện và tổng hợp mới cho phù hợp với tầm đón nhận mới của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận.

Nghĩa ân và trọng trách làm người trước thời gian, cuộc sống, đặc biệt là trước mẹ được nhìn nhận trong nhiều mối quan hệ nhân sinh cao đẹp. Thời gian giờ đây được ý thức một cách mãnh liệt, như một cách chạy đua giữa con người với thời gian để tồn tại có ích. Thời gian được tư duy ở nhiều khía cạnh khác trước, nó không còn là dòng chảy một chiều hướng về phía trước mà nó còn là mối lo âu, trăn trở nhiều chiều: “Những mùa quả mẹ tôi hái được/ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng/ Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng/ Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi/ Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” (Nguyễn Khoa Điềm).

Hoàn cảnh cuộc sống thời bình với bao người thân cũng được nhà thơ Nguyễn Duy nhìn nhận trong cảm quan hòa hợp, tin yêu, ân nghĩa: “Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó/ xả hết mình khi nước gặp tai ương/ rồi thanh thản trở về với ruộng/ sống lặng yên như cây cỏ trong vườn” (Cầu Bố); với mẹ, cũng thế: “Mẹ ta không có yếm đào/ nón mê thay nón quai thao đội đầu/ rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa/ Cái cò… sung chát đào chua…/ câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa).

Dù cảnh ngộ nào, quan hệ nào, nhà thơ cũng không ngừng tin yêu và hy vọng. Nguyễn Khoa Điềm đã nhận ra sự thật của tình yêu thời trận mạc, còn day dứt đến tận thời bình: “Âm vang tim anh?/ Sao em sâu xa như hạt mưa/ Từ bầu trời thanh khiết, mênh mông?/ Sao nỗi nhớ/ Lại làm mình xa đi/ Và trở lại/ Với mình?/ Sao khổ đau không thể cắt nghĩa nào khác/ Ngoài em?/ Sao em cười và anh đánh mất mình trong mênh mông đôi mắt/ Đen?/ Sao chân trời lại đầy biến động/ Đêm xa vắng?” (Những bài thơ tình viết trong chiến tranh)

Điểm khác biệt của thơ giai đoạn 1975-1985 so với giai đoạn trước là không chỉ dừng lại ở sự tán tỉnh, ca ngợi và thưởng thức. Cái được khẳng định của thơ hậu chiến ở chỗ con người cá nhân luôn gắn với thế sự. Họ cứng cỏi và mạnh mẽ, đam mê nhưng không bi lụy: “Anh hững hờ suốt cả mùa thu/ Để giọt mưa em giữa trời tan tác/ Giọt mưa em lẻ bạn/ Tan giữa trời mùa thu/ Vì thế, anh ơi vì thế/ Giọt mưa em đã mãi xa rồi/ Chỉ tiếc cho mùa thu buồn tẻ/ Anh xòe tay chơi vơi” (Nghiêm Thị Hằng).

Nếu trước đây nhân vật nữ trong thơ tình thường bị động, ít thể hiện tình cảm của mình, thì giờ đây, họ công khai, mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm, thừa nhận những lỗi lầm, mất mát, đau khổ, kể cả những điều trước đây kiêng kị không dám nói. Đinh Thị Thu Vân nhận ra: “chúng ta giống nhau quá đỗi/ cùng hững hờ/ cũng khinh khi…/ em nhận ra tất cả sự khôi hài của mình/ khi phơi bày trước anh/ niềm hi vọng thanh cao/ huyền ảo/ tội nghiệp em/ tội nghiệp em/ trần trụi lòng người thế mà mãi một thời em cứ làm chú nai ngơ ngác/ thần thánh tình yêu!/ thần thánh tâm hồn!/ và em chợt thương những người phụ nữ suốt đời chung thủy/ suốt đời vùi hồn trong những kỉ niệm/ ngỡ thiêng liêng” (Trần trụi tình yêu).

Từ hiện thực, Nguyễn Khoa Điềm vươn lên chiêm nghiệm, triết lý về công việc của một người sáng tạo: “Anh thuộc loại người quan tâm đến sự sinh trưởng ở bể sâu/ Những mắt thường không thấy được/ Sau khi chia sẻ với chúng ta vẻ đẹp của những lâu đài trang nghiêm óng ả/ Anh lặng lẽ đi tìm những nghịch lí dưới đất/…/ Anh, cái rễ cây dai dẳng nhất/ Vươn lên bám cuộc đời này/ Dẫu khi có buồn vui, nước mắt/ Anh vẫn tạc hình mình lên năm tháng chúng tôi…” (Tặng một người sáng tạo).

 Nguyễn Trọng Tạo thì nâng thi pháp thơ lên thành trọng trách của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ chưa hay thì thơ phải chân thành, không được làm dáng, giả tạo: “Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng/ Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi/ Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi” (Tản mạn thờ tôi sống). Và nhà thơ xác quyết niềm tin của mình trước ngọn đèn cùng trang giấy: “Nhưng tôi người cầm bút, than ôi!/ Không thể không tin gì mà viết” (Tin thì tin không tin thì thôi). Từ đó, nhà thơ hướng niềm tin và khát vọng của mình vào con người và cuộc sống.

Ngoài ra, thơ 1975 -1985 còn có một mảng nghiêng về hiện thực cuộc sống tâm linh. Đây là nỗ lực đi sâu vào cái tôi ẩn giấu, cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh con người của từng chủ thể sáng tạo.

Các nhà thơ tập trung tìm hiểu “cấu trúc cái tôi trong quan hệ với chính nó”. Tính “tự động tâm lý” đậm màu siêu thực được đề cao, từ đó thơ tìm về cảm thức tâm linh vừa hiện thực vừa siêu thực. Các tác phẩm thơ theo cảm hứng này thể hiện hình ảnh, biểu trưng về thế giới nội tâm thông qua cái tôi tâm linh nhiều màu sắc và tâm trạng cũng như những đức tin thuộc về tôn giáo - có cả tôn giáo của cái đẹp mang tính huyền thoại, văn hóa... Các nhà thơ có khuynh hướng chống lại các quy tắc phản ánh hiện thực sáo mòn trong thơ, kết hợp tư duy duy lý với tư duy ảo diệu, tâm linh trong nghệ thuật. Các tác giả theo cảm hứng này luôn quan tâm thể hiện hình ảnh và những biểu trưng gắn với con người và cuộc sống tâm linh thông qua các mối quan hệ đa chiều va đa phân…, tạo ra ý nghĩa triết mỹ và nghệ thuật mới so với thơ giai đoạn trước.Từ nhận thức mới về hiện thực cuộc sống con người và đời sống tâm linh, các nhà thơ đã quan tâm thể hiện chúng trong thơ như là nhu cầu sống hết mình cái tôi của mình, sau đó hướng về tha nhân để kêu gọi sự sẻ chia, tâm tình.

Tâm linh trong thơ giai đoạn 1975-1985 không phải là những khái quát siêu hình hoặc mang tính trừu tượng, xa vời, mà tâm linh ở đây được nhận thức như là nhu cầu cân bằng và hài hòa với các mối quan hệ mới của con người hậu chiến. Nhà thơ muốn làm sống dậy bên sau những trầm tích văn hóa, những ám ảnh văn hóa và lịch sử, quá khứ, về quê hương và những tình cảm mầu nhiệm, thiêng liêng nhất bằng tiếng nói nghệ thuật để “Cất giữ nỗi buồn bấu vật cố hương tôi” (Nguyễn Quang Thiều):. Còn Lâm Thị Mỹ Dạ thì quay về quá vãng: “Theo thời gian tôi về tìm lại/ Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm/ Ôi, cái khoảng đời vô tư trong sáng/ Lại rộn ràng từ hoa cỏ mọc lên”. Nguyễn Duy cũng thế, luion hoài vọng trong tâm linh, nuối tiếc: “Tôi đi lính lâu không về thăm quê ngoại/ Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Thực tại và tâm linh luôn đồng hành đã làm cho con người an bằng tâm thái để tin vào những gì tốt đẹp và thiêng liêng nhất của cuộc sống mà con người luôn giữ gìn, tương thông và tương cảm. Các nhà thơ thời hậu chiến đã ý thức và góp tiếng nói về hiện thực tâm linh một cách triết mỹ và nghệ thuật.

*

Có thể nhận thấy thơ Việt Nam 1975 - 1985 có sự thay đổi căn bản cách chiếm lĩnh hiện thực về cuộc sống và con người. Từ cái chung về với cái riêng, từ giọng cao chuyển sang giọng trầm - cái giọng trầm cần thiết để con người tồn tại hài hòa trong nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm sống với chung quanh. Chính điều đó đã kéo theo cách nhìn mới nghiêm ngặt và dân chủ về đời tư và thế sự của mỗi chủ thể sáng tạo trong từng mối quan hệ bản chất và mối quan hệ tương tác cụ thể của hiện thực để hình thành ngôn từ thơ, hình tượng thơ và tư tưởng thơ phù hợp với tầm đón đợi của công chúng tiếp nhận. Thơ Việt Nam 1975 - 1985 là một chặng hành trình chuyển tiếp hợp qui luật, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và nhu cầu của chính bản thân thi ca mà đề tài đời tư và thế sự là một trong những thành tựu đáng kể.

Nguyễn Hữu Công

 

______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (1984), “Mấy vấn đề thể loại sử thi của văn học hiện đại”, Tạp chí Văn học, số 1.
2. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam giai đoạn 1975-1990, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

thơ Việt Nam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 432
  • Khách viếng thăm: 429
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 25220
  • Tháng hiện tại: 1890999
  • Tổng lượt truy cập: 48265126