Con mèo trong văn chương

Đăng lúc: Thứ tư - 23/02/2011 13:34
Con mèo trong văn chương

Con mèo trong văn chương

Xưa nay, con mèo là hình ảnh quen thuộc, là người bạn thân thiết của mọi người. Con mèo cũng là bạn của khách văn chương, thơ phú. Các nhà văn, nhà thơ cũng đã mượn hình ảnh con mèo để ký thác tâm sự hoặc đề cao nó qua việc bắt chuột, trừ được nạn chuột phá hoại mùa màng. Nhiều con mèo khôn ngoan đã trở thành những con mèo ngoại hạng. Bởi vậy, hình ảnh con mèo đã sớm được đưa vào văn học với bài “Con mèo” của Nguyễn Trãi, “Con mèo” của Phan Văn Trị, “Con mèo” của Tú Mỡ, “Con mèo” trong thơ ngụ ngôn của La - Phông - Ten (La Fontaine)…

Ngày xưa, Nguyễn Trãi cũng đã đề cao mèo qua bài thơ dựa theo điển tích Ngọc diện miêu (mèo mặt ngọc) và truyện cổ tích nói về con mèo là dì con cọp, giỏi leo trèo:

       Lọ vẫn sinh ra mãi phương Tây
       Phụng sự Như Lai trộm phép thầy
       Hơn chó được ngồi khi mặt bếp
       Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây…

Mô tả hình dáng con mèo tưởng không gì bằng bài thơ “Vịnh con mèo” của Cử Trị:

       Mấy từng đài các sải chân leo
       Nhảy lẹ chi hơn bằng giống mèo
       Vuốt nanh đã có vàng khoe sắc
       Vằn vện đành không bụi đóng meo
       Trăm tuổi hồn dần về chín suối
       Nắm lông để lại giúp trò nghèo

Tác giả mượn con mèo để ngụ ý chỉ trích bọn quan lại nham hiểm, cho rằng chúng nhờ tài xu nịnh để nhảy lẹ lên địa vị cao sang. Và, để biết tường tận về sự tinh khôn của mèo, tính tình của mèo và lòng chung thủy của mèo, xin giới thiệu ra đây bài thơ trào phúng của Tú Mỡ nói về con mèo:

        “… Ta hãy nhìn dáng nó đi ra chiều tư lự
       Khinh khỉnh trông đời bằng nửa con ngươi
       Nó tìm nơi ấm cúng, cao ráo để nằm ngơi
       Bộ phè phỡn như một ngài trưởng giả
       Nó ăn khảnh, phong lưu nhàn nhã
       Bữa thường không thịt cá dửng dừng dưng
       Trông mặt mà bắt hình dung
       Trong gia súc, nó xem chừng cao thượng nhất
       Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai
       Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi
       Ai trở mặt nó tức thời trở mặt…”

Trong tập truyện nổi tiếng “O chuột” của nhà văn Tô Hoài xuất bản năm 1941, ông viết: “Mèo lơ dơ và nghiêm nghị tựa như một thầy giáo nhà dòng, trên mình khoác một bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm”.

Hình ảnh con mèo trong thơ Cử Trị, Tú Mỡ cũng như trong văn miêu tả của Tô Hoài là thật đáng yêu, đáng mến. Tuy nhiên dưới cái nhìn của nhiều nhà thơ, con mèo bị chê bai không phải là ít.

Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu trong một bài thơ đã cho mèo là nhát: “Đôi mắt trong ngần nhát quá cheo!”. Cụ Phan Chu Trinh thì gán cho mèo là đồ làm biếng: “Không hay bắt chuột, hay nằm bếp”, với cụ Nguyễn Du thì lại gay gắt hơn: “Ra tuồng lúng túng chẳng xông bề nào!”.

Nhìn sang phương Tây, hình ảnh con mèo mà ta bắt gặp là con mèo trong thơ ngụ ngôn Fontaine diễn tả sự ngây thơ của con chuột con khi nó gặp gã mèo và lời răn dạy của chuột mẹ về tính độc ác, gian manh luôn rình rập để tàn sát dòng họ nhà chuột của gã, như sau:

       “… Lông bóng nhoáng râu ria đường bệ
       Đuôi lại dài, tam thể trên mình
       Lừ đừ coi bộ hiền lành
       Dương đôi mắt liếc long lanh khác thường
       Cùng giống chuột nghe chừng ái ngại
       Y như ta cũng có hai tai
       Lại gần con đã kiếm bài
       Làm quen với hắn một hai thân tình

Chuột mẹ nghe con nói thế, nhất là việc tả hình dáng của gã mèo và kiếm cách làm quen  với hắn, chuột mẹ hoảng hốt khuyên con:

       “Chết con ạ, đừng trông ngoài mã
       Bộ hiền lành chính gã miêu nhi
       Xưa nay độc ác gian phi
       Cùng nòi nhà chuột nó thì hại luôn
       ……………………………
       Thằng mèo nọ coi ta như gỏi
       Hại loài mình mòn mỏi đã lâu
       Đỏ lòng xanh vỏ có câu,
       Con ơi ghi lấy về sau đừng lầm!”

                                   Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Nguyễn Nhân Thống
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 44)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 31949
  • Tháng hiện tại: 2196609
  • Tổng lượt truy cập: 46163842