Chữ bầu lên nhà thơ

Đăng lúc: Thứ ba - 11/05/2010 15:52
Chữ bầu lên nhà thơ

Chữ bầu lên nhà thơ

Ngôn ngữ giao tiếp khác với ngôn ngữ thơ ca. Cũng như chữ viết, trong một vài trường hợp nhất định không còn là “chữ” theo cách hiểu thông thường. Vậy cái sự bất bình thường ấy của con chữ nằm ở đâu? Chẳng đâu cả, bởi bản thân nó vốn dĩ đã là chữ rồi. Như vậy thì mâu thuẫn quá! Đúng, rất mâu thuẫn tuy nhiên “chữ” ở đây, trong câu nói của nhà thơ Lê Đạt ta nên hiểu là “chữ” của sự sáng tạo, “chữ” của văn chương.

Nhà thơ là người cày ải trên cánh đồng chữ, trong quá trình miệt mài kiếm tìm ý tưởng họ đồng thời sáng tạo ra nó, hay chỉ đơn giản là lựa chọn trong triệu triệu ngôn từ để diễn đạt ý bài thơ mà họ đã lập tứ từ trước. Nếu vậy chẳng hóa ra chữ chỉ là phương tiện truyền tải sao? Nếu suy xét theo khía cạnh này ta thấy hình như không được công bằng cho lắm. Bởi một nhẽ, phàm là “chữ” của văn chương, của thi ca thì trước nhất đó phải là chữ của sự sáng tạo nghệ thuật. Theo như nhà thơ Lê Đạt thì “văn và ý ngang nhau, cũng có thể ý có trước hoặc văn có trước, nếu ý đến trước thì phải tiếp nhận nó, và nếu chữ đến trước thì phải mở cửa mời nó vào, không được đuổi nó đi. Nhà thơ phải lễ phép với chữ. Nhà thơ quan liêu với chữ là nhà thơ vứt đi”. Từ sự san sẻ ấy ta thấy vai trò của chữ với nhà thơ quả không nhỏ. Sẽ chẳng có nhà thơ nếu không có “chữ” của sự sáng tạo, đó là thành tố quyết định thành bại tác phẩm của nhà thơ. Và hiển nhiên từ lập luận ấy ta có một hiện thực không thể phủ định đó là “Chữ bầu lên nhà thơ” theo cách nói của nhà thơ Lê Đạt. Và như vậy nhà thơ trước hết phải là phu chữ, là người cần mẫn không chỉ kiếm tìm trên cánh đồng ngôn từ mà còn phải biết gieo mầm nó. Nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Maiakôpxki nói “Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ” sàng lọc và lựa chọn là công việc của nhà thơ. Họ đãi chữ để tìm ra những từ đắc địa cho bài thơ của mình. Sẽ chẳng có bài thơ hay nếu câu chữ vụng về và như vậy chỉ vì lười biếng trong tìm kiếm, sử dụng ngôn từ mà người viết đã làm chết ý, chết tứ của cả bài thơ và dĩ nhiên anh sẽ chẳng thể là nhà thơ khi sản phẩm của anh là những bài thơ dở.

Nhà thơ Valéry của Pháp từng nói: “Thượng đế bao giờ cũng miễn phí cho nhà thơ câu thứ nhất” - “Để khuyến khích anh ta tiếp tục câu thứ hai đừng xoàng quá”. Còn nhà thơ Lê Đạt thì nhận định: Những câu thơ hay thường là sản phẩm của công ty hợp doanh giữa thượng đế và phu chữ. Nhà thơ phải suốt đời cần cù chữ. Phải có sự trao đổi giữa chữ và nhà thơ, nhà thơ với chữ, nhà thơ phải dân chủ với chữ, phải để chữ có quyền dân chủ và tham dự cuộc bầu cử.

Rõ ràng chữ đã bầu lên nhà thơ. Và như vậy cũng thấy được sự đòi hỏi của chữ với người sáng tạo ra nó. Và tất nhiên cái sự đòi hỏi ấy là chính đáng. Muốn có những câu thơ hay, bài thơ hay phải có những từ đắc địa, như vậy ý và tứ của bài thơ mới chỉ làm được năm mươi phần trăm điều đó. Năm mươi phần trăm còn lại là gì? Đến đây ai cũng có thể trả lời được. Nhưng làm thế nào để có năm mươi phần trăm ấy? Theo như tâm niệm của nhà thơ Lê Đạt thì trước nhất “Nhà thơ phải nhọc mệt, phải là phu chữ. Chữ bầu lên nhà thơ”. Làm được điều này anh sẽ là một nhà thơ. Chỉ khi vậy, người đọc mới thấy được sự giao thoa giữa nghĩa và chữ bởi nó chỉ được phác thảo mờ khuất sau bóng chữ. Điều đó khiến bài thơ hay hơn lên, lấp lánh hơn lên và dĩ nhiên người viết sẽ là nhà thơ thực sự. Câu thơ có nghĩa là câu thơ hay, điều này chỉ đúng trong một vài trường hợp nhất định. Câu thơ hay hiển nhiên phải là câu thơ có nghĩa nhưng như vậy mới chỉ là điều kiện cần chưa phải là đủ. Do vậy câu thơ hay cần khẳng định thêm phải là câu thơ lấp lánh, cái sự lấp lánh ấy là sự lấp lánh bởi những từ đắc địa, nó khác với cái lấp lánh của những câu chữ sáo rỗng, xủng xoảng. Cái lấp lánh của những câu chữ xủng xoảng là cái lấp lánh bề ngoài, nông cạn, thậm chí làm rối nghĩa, tối nghĩa. Khi nhà thơ cần mẫn với chữ thì sẽ có sự lựa chọn phù hợp nhất để diễn đạt ý cần nói. Ngôn ngữ thường được nhận định là vỏ bọc của tư duy, người viết biết dung hòa hai yếu tố đó để phục vụ cho ý tưởng của mình, nó sẽ đẩy cao được hơn lên giá trị của tác phẩm, ý đồ nghệ thuật, và tư tưởng của nhà thơ cài cắm trong đó. Nhà thơ thổi hồn vào tác phẩm thông qua ngôn ngữ thơ ca, và tất yếu phải dựa vào chữ, điều đó cho ta thấy “Chữ bầu lên nhà thơ” là một mệnh đề luôn luôn đúng.

Bài thơ hay đôi khi chỉ vì một câu thơ hay, một câu thơ hay khi có từ đắc địa. Dùng từ đắc địa làm lấp lánh cả ý, cả tứ cũng như cảm xúc của nhà thơ. Từ đắc địa thực sự chỉ được nhận diện khi nhà thơ không thể thay thế được nó bằng một từ nào khác. Để làm được điều này đòi hỏi người viết phải cần mẫn, tìm tòi, sáng tạo. Giữa ngút ngàn ngôn từ ấy làm sao người viết có thể nhận diện được đâu là từ đắc địa, điều này càng khẳng định cái sự vất vả của nhà thơ nhưng phàm là nhà thơ nhất thiết anh phải làm được điều đó. Ngoài những bài thơ hay, thảng hoặc độc giả cũng bắt gặp những câu thơ đắc địa. Để có câu thơ đắc địa đòi hỏi người viết phải có vốn ngôn từ phong phú, vốn sống dồi dào và hơn cả phải là một tri thức thực sự. Ví như câu thơ “Mưa rơi không cần phiên dịch” của nhà thơ Trần Dần là một câu thơ đắc địa điển hình. Hay bài “Bóng chữ” của Lê Đạt, “Người về” của Hoàng Hưng…

Ta thử thay thế từ “đắc địa” trong một vài câu thơ hay sẽ thấy ngay được vai trò của chữ, ví dụ như : Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trong đoạn tả vẻ đẹp Thúy Vân, Nguyễn Du đã rất tài tình và công phu trong việc dụng từ. Nếu thử thay từ “thốt” bằng một từ khác, chúng ta sẽ thấy câu thơ bị giảm nghĩa rất nhiều thậm chí là vô duyên, tối nghĩa. Trong trường hợp này thì không thể có từ nào thay thế nổi. Hay như trong bài “Bóng chữ” của Lê Đạt chúng ta sẽ thấy khả năng dụng từ của nhà thơ. Bài thơ rất kiệm lời và đặc biệt là câu cuối của bài làm người đọc ngẩn người thán phục: Chiều âu lâu/ bóng chữ động chân cầu.bóng chữ” nếu ta thay bằng “bóng người” thì sao nhỉ? Hay như: Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm (Đồng Đức Bốn). Nếu thay “giọt mắt” bằng “ánh mắt” thì câu thơ chỉ ở vào mức độ trung bình khá.

Ngôn ngữ trong văn học là ngôn ngữ mang tính cá thể cao độ thuộc về từng tác phẩm, tác giả do đó luôn đòi hỏi người viết phải nhận định được ngôn từ cần sử dụng. Và tất yếu mỗi người viết, mỗi nhà thơ đều cần có một hệ từ vựng riêng biệt. Sự nhặt nhạnh ngôn từ, không chỉ giúp nhà thơ có vốn từ phong phú mà còn giúp cho nhà thơ dễ có nhận định về nó trong mỗi tác phẩm.

Người viết chỉ trở thành nhà thơ khi họ biết sử dụng đúng chỗ đúng lúc những ngôn từ trong vốn từ vựng hỗn độn của mình. Nên có thể khẳng định “Chữ bầu lên nhà thơ” là một mệnh đề đích đáng.
Hoàng Chiến Thắng
(Theo Văn nghệ TG số 39)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 455
  • Khách viếng thăm: 452
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 62300
  • Tháng hiện tại: 2343957
  • Tổng lượt truy cập: 48718084