Cảm hứng phồn thực trong bài thơ "Về thăm nhà" của Lê Hà

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/07/2012 13:54
Cảm hứng phồn thực trong bài thơ

Cảm hứng phồn thực trong bài thơ "Về thăm nhà" của Lê Hà

Có lắm bài thơ được lưu giữ lâu dài trong tâm thức của người đọc chẳng phải vì chủ đề tư tưởng, nội dung hoặc hình thức biểu hiện mà do tính phồn thực hồn nhiên biểu đạt trong tác phẩm.

Chất phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương thường gợi liên tưởng đến cái giống cùng các động tác tính giao trong quan hệ chăn gối. Bài thơ "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm sống được chính nhờ câu thơ chở cảm hứng phồn thực tài hoa mê đắm mà ngang trái: "… Ba năm em tìm thấy lá - Chị cười xe chỉ ấm trôn kim"…

Tôi muốn mời bạn đọc bài thơ "Về thăm nhà" của Lê Hà.

Về thăm nhà

Về đụng bìa sân

Thơm hương cau

Thơm mùi thiên lý

Thơm nồi cháo khuya

Thơm tép hành hương

Thơm bình rượu cúc

Thơm đôi chung trà

Ba mùa vụ xa

Một khoảnh khắc gần

Ái ân tâm sự nồng chăn gối

Sáng ra rau má mọc đầy sân.

                           LÊ HÀ

Bài thơ vỏn vẹn 11 câu ngắn mà 7 câu đầu thuần giọng kể với những hình ảnh, hương vị thảo dã mà tác giả cảm nhận qua khứu giác. Hai câu 8 và 9 nhằm chốt lại không gian, thời gian tự sự. Đến đây bài thơ giống như một ký sự có ngắt câu tùy hứng, tùy cảm mà chưa gợi được cảm hứng thẩm mỹ nào thế nhưng. "Ái ân tâm sự nồng chăn gối - Sáng ra rau má mọc đầy sân" - chính chất phồn thực đã vớt và nâng chất  thơ tạo nên cảm hứng bất ngờ chuếnh choáng rất mực thú vị.

Thử hỏi tại sao về hôm trước mà sáng hôm sau từ trong buồng ngủ ra mới chợt "rau má mọc đầy sân". Mà có phải là rau má hay là rau sam, rau dịu, rau dấp cá? - Ai cũng biết rau má thường chỉ mọc ở mép mương, liếp rẫy vậy mà chẳng lẽ chỉ một đêm rau má lại "dám" bò vào mọc thành thảm ở sân nhà?

Tác giả đã chọn hình tượng rất đắt và khớp với cảnh quan điền dã. Nếu thay vì rau má mà chọn rau sam, rau dịu… ắt từ thơ sẽ hỏng. Rau má tự bao đời đã hóa thân và cống hiến nên máu thịt của thôn dân. Người xứ Thanh đã chẳng tự trào về tính cách: "Ăn rau má - Phá đường tàu" đó sao? Người Nam Bộ qua câu đố: "Thân em sống bụi sống bờ - Chồng con không có chỉ nhờ… tiếng kêu" đã nhân hóa cây rau má cho nó mang số phận hẩm hiu như số phận của bao đời người xóm mạc. Cũng tương tự như mô-tip ấy cây rau má của Lê Hà trong bài thơ đã biểu thị cho mầm sống. Vậy là ở trong nhà con người "nồng chăn gối" gieo mầm sống thì ngoài sân vườn cũng có mầm sống khác "tranh thủ" đội đất mà nẩy mầm, vươn cành cho mau bén rễ. Liên tưởng này gợi nhớ đến câu "Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa" trong Cung oán… Tôi suy đoán rằng khi cảm nhận được mối đồng điệu giao hòa giữa con người và cây cỏ thế nào tác giả cũng vươn vai sảng khoái?

Chất phồn thực trong thơ Lê Hà rất đỗi hồn nhiên, không gợi dục mà ý nhị, tinh tế phải đợi con mắt xanh của người đọc giải mã. Chất phồn thực này đã chuyển hóa nên khoái cảm tinh thần lẫn thể chất phản ánh nếp sống lạc quan của một thời.

La Quốc Tiến
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 6)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 173
  • Khách viếng thăm: 168
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 27016
  • Tháng hiện tại: 2259566
  • Tổng lượt truy cập: 46226799