Chuyện những bức họa vẽ trên bao tải

Đăng lúc: Thứ hai - 25/03/2013 08:53
Nhiều người gọi ông là “Van Gogh của Việt Nam”. Ông đã “xuất khẩu” hình ảnh Việt Nam đầy bản sắc ra thế giới qua những chiếc… bao tải. Những chiếc bao tải gai xù xì của những tháng ngày gian khó được họa sĩ Phạm Lực vẽ lên đó cảnh sắc, con người và tâm hồn Việt đẹp đến nao lòng.
Tác phẩm Xuân thì vẽ trên chất liệu bao tải

Tác phẩm Xuân thì vẽ trên chất liệu bao tải

Triển lãm Nối hai thế kỷ trưng bày 70 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực trong bộ sưu tập của TS Nguyễn Sĩ Dũng diễn ra ngày 19/3 (và kéo dài tới 29/3) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem.  

Những bức tranh “bao tải”

Chẳng mấy khi, một triển lãm nghệ thuật lại thu hút sự quan tâm của nhiều chính khách đến vậy: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Đại sứ Đan Mạch; Đại sứ Nhật Bản; TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (chủ nhân sưu tập các bức tranh trong triển lãm), ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc… Trong khi nội dung triển lãm chỉ đơn giản kể về thân phận con người qua những bức tranh được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau (trong đó có cả bao tải - “đặc sản” của thời kỳ bao cấp).

TS Nguyễn Sĩ Dũng lý giải về sức hút của cuộc triển lãm: Cuộc sống mà họa sĩ Phạm Lực mô tả là những gì diễn ra trong thế kỷ 20 và một phần của thế kỷ 21. Đây là khoảng thời gian của muôn vàn những sự kiện, muôn vàn những xô đập và biến động. Trong một bối cảnh như vậy, rất nhiều điều về thân phận của con người, về sướng khổ của kiếp chúng sinh rất dễ bị bỏ qua. Đó âu cũng là lẽ thường tình, là điều dễ được biện hộ. 

Rất may, với sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ Phạm Lực, những điều này đã được ghi lại. Và những ngày khốn khó không bị chìm trong lòng lãng quên. Sự nghiệp sáng tạo của ông chính là cầu nối giữa hai thế kỷ, giữa con người đương đại với quá khứ (và có lẽ, cả với tương lai). Tranh của họa sĩ Phạm Lực mô tả những góc khuất của chiến tranh, những cảnh làm ăn tần tảo, những trạng thái tâm lý đa dạng, đa chiều của những người dân đất Việt. Tất cả đều sinh động và chân thực.

Đặc biệt, những bức tranh được trưng bày tại triển lãm khỏe khoắn, bạo liệt, đẩy sự hài hòa của đường nét và màu sắc đến điểm tận cùng. Sự hài hòa mong manh này như làm xiếc trên dây. Dừng đúng chỗ sẽ là đỉnh cao khôn cùng, nhấn thêm một chút hoặc bớt đi một chút sẽ xuống đáy vực của sự tầm thường xoàng xĩnh. “Và đây chính là sự khác biệt, sự mê hồn của tranh Phạm Lực”- TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.

Trước khi bước vào phòng triển lãm, khán giả đã bị bất ngờ bởi những bức tranh vẽ trên bao tải đặt ngay ngoài hành lang tối. Phải chăng có một thời kỳ gian khó tới độ con người chỉ muốn lưu lại trong ẩn ức những khoảng mờ về sự tồn tại? Hay sự sắp đặt ám chỉ những góc tối cố hữu trong quy luật phát triển của cả một xã hội nói chung và đời sống nghệ sĩ nói riêng?

“Không, chúng ta đến đây không để quên. Mà chúng ta đến đây để nhớ về những tháng ngày đã qua. Ngay trong phòng triển lãm sáng quắc này, các bạn vẫn bắt gặp những bức tranh bao tải. Đó cũng là những bức tranh tôi tâm đắc nhất. Chúng được vẽ trong những năm 1960- 1970 và phản ánh trực diện những ngày cực nhọc nhất của đất nước”- họa sĩ Phạm Lực chia sẻ với TT&VH.

Và “mối tình ngoại truyện”

Đó là một chiều Hè năm 1996. Đang đi đá bóng, ông Nguyễn Sĩ Dũng thấy một bức tranh lạ lùng đặt ở một ngôi nhà nhỏ ven đường. Từng đi khắp các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, ông chưa thấy bức tranh nào kỳ khôi đến vậy. 

Tìm gặp chủ nhà và cũng là tác giả, ông Dũng vào tận phòng tranh nhỏ bên trong rồi mê mẩn những bức tranh. Ưng nhất một bức vẽ thiếu nữ, ông Dũng hỏi mua. Họa sĩ Phạm Lực lúc ấy “hét bừa” 50 USD. Vị khách lạ không ngã giá một câu, vui vẻ trả tiền và hẹn những lần gặp khác.

Họa sĩ Phạm Lực và TS Nguyễn Sĩ Dũng bén duyên nhau từ đấy. TS Nguyễn Sĩ Dũng say mê những bức tranh Phạm Lực, cố tìm những người có cùng đam mê và phát triển CLB Sưu tập tranh Phạm Lực. Cũng từ đấy, Phạm Lực không còn phải lo “cơm áo”. Tài chính là vấn đề của CLB. Việc duy nhất của họa sĩ là vẽ. Sức vẽ khủng khiếp của ông đã nổi tiếng suốt những năm tháng vừa cấm súng, vừa cầm cọ, nay được “bung” hoàn toàn. Và từ đó, trong tương quan hàng vạn bức tranh của Phạm Lực ở khắp năm châu, những bức tranh tuyệt mỹ ở lại Việt Nam ngày một nhiều.     

Trở lại triển lãm, hôm nay Phạm Lực vui lắm. Một niềm vui mà ông họa sĩ tài danh, kiệm lời biểu hiện rõ trong điệu bộ cuống quýt. Khi được hỏi cảm xúc, Phạm Lực lúng túng: “Năm nào tôi cũng có triển lãm ở Pháp, Anh, Mỹ… Nhưng triển lãm này đặc biệt ý nghĩa với tôi. Bởi nó đánh dấu tuổi 70 của tôi. Hơn thế, trong ngày này, tôi có dịp ngắm lại những đứa con tinh thần của mình khi chúng được đặt trang trọng ở Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Và tôi biết, chúng đang ở đúng chỗ rồi!”.

Phạm Mỹ
(Theo thethaovanhoa.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 191
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 38887
  • Tháng hiện tại: 2271437
  • Tổng lượt truy cập: 46238670