Nghệ sĩ điêu khắc Trần Văn Trầm: Tạc hình cho đá

Đăng lúc: Thứ tư - 01/06/2011 09:02
Nghệ sĩ điêu khắc Trần Văn Trầm: Tạc hình cho đá

Nghệ sĩ điêu khắc Trần Văn Trầm: Tạc hình cho đá

Anh Trần Văn Trầm, Trưởng phòng Hành chính của Bảo tàng Tiền Giang và là một nghệ sĩ điêu khắc rất có tâm với nghề. Cuộc đời anh cũng lắm thăng trầm và thử thách. Sinh năm 1953 tại xã Phú An, huyện Cai Lậy, trong một gia đình nghèo làm nông, đông anh em, quanh năm chỉ biết cày sâu, cuốc bẳm bên ruộng đồng, nên từ nhỏ anh đã tập cho mình tính tự lập rất sớm.

Thương mẹ, cha và các em, anh ý thức được rằng chỉ có con đường học vấn mới giúp anh và gia đình thoát nghèo vươn lên. Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP. HCM, khoa điêu khắc hệ chính quy, Trần Văn Trầm bằng chính khả năng và nghị lực của mình đã vượt qua khó khăn để đi đến thành công. Có dịp, lần giở quyển Địa chí Tiền Giang, tập I, năm 2005, ở chương Mỹ thuật, chúng ta sẽ thấy hàng loạt công trình điêu khắc gắn với tên tuổi của anh. Chỉ tính riêng số lượng tác phẩm bia tượng được đặt tại các địa danh lịch sử của Tiền Giang, anh có đến trên 50 tượng. Có thể kể một số tác phẩm bia tượng tiêu biểu mà anh đã tô điểm cho đất Tiền Giang.

Ở các huyện Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây có các bia lưu niệm Ngọn cờ đầu, Căn cứ Tỉnh ủy, Căn cứ Tỉnh đội, Tiểu đoàn 209, chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Nghiệp, chân dung chí sĩ yêu nước Đốc Binh Kiều, chân dung nhà giáo yêu nước Lưu Tấn Phát; bia Căm thù thực dân Pháp ở bến đò Phú Mỹ, bia Chiến thắng Gò Cây, bia Diệt tên quận trưởng ác ôn Nguyễn Trung Long, chân dung bốn ông Quới, Ghè, Giác, Quân, tượng Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ... Tại TP. Mỹ Tho, có bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy, bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh đội, tượng chân dung Thủ Khoa Huân...

Ngoài ra, bàn tay tài hoa của anh còn in dấu ở nhiều tỉnh thành khác của đất phương Nam. Ở Vĩnh Long, anh cùng người em ruột sáng tác và xây dựng tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao - hai vị anh hùng buổi đầu chống Pháp, tượng gồm 2 nhân vật được làm bằng chất liệu đồng có chiều cao 10m. Đây là tác phẩm dự thi đã phải vượt qua nhiều tác giả và nhiều vòng xét tuyển khắt khe của Hội đồng Nghệ thuật, để được uy nghi đứng tại Ngã ba Vũng Liêm, trên đường đến tỉnh Trà Vinh.

Ở TP. Hồ Chí Minh, khi tham gia Trại sáng tác điêu khắc chất liệu đá lần I năm 2005, anh đã mang đến một "Giấc Mơ Xưa" bằng đá cẩm thạch xám, mang hồi ức tuổi thơ thuở còn ngồi lưng trâu đọc sách. Tham gia Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế lần II tại An Giang năm 2005, anh đã tạo chiếc Ghe Ngo đầy bản sắc văn hóa phương Nam của dân tộc Khmer trong những kỳ lễ hội. Pho tượng được đặt gần chân núi Sam, trên cánh đồng nhiều nắng gió.

Tại Trại điêu khắc Festival biển ở Vũng Tàu năm 2006, anh hoàn thành tác phẩm Khoan Biển - một hình dung độc đáo về thành phố biển giàu tiềm năng cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn du lịch. Qua hình tượng chiếc vỏ ốc khoan xuống lòng biển sâu, anh muốn gởi gắm tình cảm của mình rằng, Vũng Tàu là một trong những nơi phát triển mạnh mẽ trong việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để đem về làm giàu cho Tổ quốc.

Là một con người cởi mở, hòa đồng, có tính khôi hài, nhưng trong các sáng tác anh lại có một cõi riêng sâu lắng. Anh ít quan tâm về danh tiếng và tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật cũng không đồng đều. Về giải thưởng, năm 1993, anh đạt giải nhất tượng Du kích vành đai Bình Đức, khắc họa hình ảnh cô du kích đang đứng canh giữ vùng đất quê hương, giải thưởng do Hội Văn học - Nghệ thuật và Tỉnh đội Tiền Giang phối hợp trao tặng. Năm 2003, anh đạt giải B Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm Vượt sông, mô tả một nữ bộ đội dùng tấm áo choàng che mưa làm phao để vượt qua sông chuẩn bị đi vào trận đánh.

Ngoài ra, anh còn sáng tác nhiều tác phẩm với những chủ đề khác nhau như: Ký ức về những kỷ niệm không thể nào quên của thời thơ ấu, những dĩ vãng hào hùng lẫn đau thương mà anh đã sống trong thời chiến tranh còn đọng lại... đều được anh phản ánh sinh động. Điều đáng nói ở đây là hầu như trong tất cả các tác phẩm của anh đều mang tính nhân bản rất cao.

Hiện tại, anh mơ ước được dựng tại khuôn viên Bảo tàng Tiền Giang và trưng bày cùng khắp các công viên trong tỉnh một bộ tượng chân dung những danh nhân Tiền Giang trên mọi lĩnh vực như: văn học, nghệ thuật, lịch sử... - những con người đã làm rạng danh mảnh đất Tiền Giang. Anh mong sao, qua bộ tượng này sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Qua cảm nhận trực quan, mọi người sẽ có cái nhìn sâu hơn, sống động hơn, đầy đủ hơn về vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, tài năng, trí tuệ... của những người con đất phương Nam.

Huỳnh Minh
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 184
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 45586
  • Tháng hiện tại: 2278136
  • Tổng lượt truy cập: 46245369