Vùng đất hồn thơ và phê bình văn học của Nhà thơ Trần Đỗ Liêm

Nhà thơ Trần Đỗ Liêm đã xuất bản 4 tập thơ và 4 tập văn xuôi. Năm 2016, lần đầu tiên Trần Đỗ Liêm ra mắt người đọc tập tiểu luận phê bình Vùng đất hồn thơ (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), tập hợp 12 tiểu luận phê bình về thơ, truyện ngắn và điện ảnh của Trần Đỗ Liêm. Trong bối cảnh phê bình văn học đương đại ở Việt Nam đang khủng hoảng, hầu hết các nhà phê bình văn học quay lưng với văn học hiện đại, trở về nghiên cứu văn học cổ, văn học trung đại, tác phẩm tiểu luận phê bình Vùng đất hồn thơ của Trần Đỗ Liêm thật đáng chú ý và trân trọng.

Phê bình văn học đương đại ở Việt Nam có 3 kiểu phê bình: Phê bình văn học theo kiểu hàn lâm, phê bình văn học theo kiểu nghệ sĩ và phê bình văn học theo kiểu báo chí. Phê bình văn học theo kiểu hàn lâm do các nhà nghiên cứu phê bình văn học viết. Phê bình văn học theo kiểu nghệ sĩ thường bộc lộ sự cảm nhận, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ về tác phẩm văn học. Phê bình văn học theo kiểu báo chí thường do các nhà báo phụ trách lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đảm nhiệm. Phê bình văn học của Trần Đỗ Liêm thuộc kiểu phê bình văn học nào? Theo tôi, phê bình văn học của Trần Đỗ Liêm thuộc phê bình văn học theo kiểu nghệ sĩ. Trần Đỗ Liêm không vận dụng các hệ hình phê bình để phê bình tác phẩm văn, thơ. Ông chủ yếu bộc lộ sự cảm nhận tinh tế của tâm hồn, sự nhạy bén của trực giác để khám phá và phê bình tác phẩm văn học.

Các tác phẩm phê bình văn học của Trần Đỗ Liêm tập trung phê bình, đánh giá về truyện ngắn của Lương Hiệu Vui, Nguyễn Trọng Tấn; thơ của Trần Công Tùng, Trần Thế Ngọc, Linh Giang và của các nhà thơ nữ Tiền Giang… Phê bình văn học của Trần Đỗ Liêm thể hiện cảm nhận tinh tế và bộc lộ cảm xúc thẩm mỹ của nhà phê bình đối với những hình tượng, chi tiết và ngôn từ độc đáo trong tác phẩm văn học. Tác giả Trần Đỗ Liêm đánh giá, tập truyện ngắn Dòng đời trôi mênh mang của Nguyễn Trọng Tấn để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng người đọc. Phê bình về tập thơ Lục bát tình em của Linh Giang, Trần Đỗ Liêm cho rằng, nhà thơ nổi tiếng nhờ con chữ. Phê bình thơ của Trần Thế Ngọc, ông cho rằng dòng thơ chảy cùng dòng đời… Xen giữa những đoạn văn thể hiện sự cảm nhận, đánh giá, Trần Đỗ Liêm thường bộc lộ quan điểm của mình về chức năng của văn học, thiên chức của nhà văn, nhà thơ và đặc trưng của thơ ca.

Trong bài phê bình thơ Dòng thơ chảy cùng dòng đời, Trần Đỗ Liêm viết: “Thơ trọng ở ý, quý ở lời, chơi vơi ở hồn”. Có thể nói, đây là quan niệm về thơ thể hiện sự tâm huyết mà Trần Đỗ Liêm đã đúc kết qua mấy chục năm làm thơ của ông. Quan niệm về thơ của Trần Đỗ Liêm độc đáo ở chỗ, ông đã thể hiện được đặc trưng của thơ, đó là sự mới mẻ về ý tứ, sự đa nghĩa, mơ hồ của ngôn từ và hình tượng lung linh của bài thơ thể hiện cái hồn của nhà thơ. Ngoài ra, Trần Đỗ Liêm vận dụng kiểu phê bình xã hội học, ngôn ngữ học để phân tích, đánh giá tác phẩm văn thơ. Ông thể hiện những điều độc đáo về công việc, cơ chế sáng tạo của nhà văn, nhà thơ; đồng thời khám phá, thể hiện sự tiếp nhận của bạn đọc đối với tác phẩm văn học dưới nhãn quan phê bình văn học theo kiểu xã hội học và ngôn ngữ học.

Trần Đỗ Liêm bộc lộ quan điểm của ông về mối quan hệ biện chứng giữa vùng đất văn hóa và hồn thơ của nhà thơ. Trần Đỗ Liêm cho rằng: “Thơ là bộ phận của văn hóa, nó luôn phụ thuộc vào bề dày cuộc sống tâm thức của con người trong một vùng đất. Hồn vùng đất nào thơ văn mang hồn vùng đất đó…”. Quan niệm của Trần Đỗ Liêm hoàn toàn đúng. Thế nhưng, theo tôi, điều cần nhận thức rõ đó là, ngoài việc tác phẩm văn học mang cái hồn của mỗi vùng đất, nó còn cần phải mang tính nhân văn và tính nhân loại nữa. Những tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đều ẩn chứa trong nó tính nhân văn và tính thời đại.

Trần Đỗ Liêm cho rằng: “Làm thơ không chỉ là viết cho mình, mà phải viết cho người, cho đời, viết hộ người, hộ xã hội những vấn đề nóng hổi của cuộc sống đặt ra…”. Quan niệm của ông thể hiện ý thức của một nhà thơ về thiên chức của nhà thơ và chức năng của thơ ca. Dù nhà thơ sáng tác theo trường phái, khuynh hướng nghệ thuật nào thì thơ ca cũng phải mang hơi thở của đời sống và thể hiện khát vọng sống của con người.

Trần Đỗ Liêm ít dùng thuật ngữ văn học, không viện dẫn sách vở, ngôn ngữ trong tác phẩm phê bình của ông mang tính hình tượng, xen lẫn cách kể chuyện về con người, sự việc trong cuộc sống nên tác phẩm phê bình của ông sinh động, hấp dẫn, người đọc dễ tiếp nhận, dễ hiểu. Tuy nhiên, phê bình văn học của nhà thơ Trần Đỗ Liêm là kiểu phê bình nghệ sĩ nên nặng về bộc lộ cảm nhận mang tính chủ quan và chưa tạo được tính khái quát, tính hệ thống, chưa bộc lộ quan điểm phê bình, khám phá tác phẩm văn học dựa trên cơ sở lý luận của các hệ hình phê bình văn học. Dù sao tác phẩm tiểu luận phê bình Vùng đất hồn thơ của nhà thơ Trần Đỗ Liêm vẫn khẳng định thái độ dấn thân và sự tâm huyết của ông đối với công việc phê bình văn học.

Tác giả bài viết: Võ Tấn Cường

Nguồn tin: Ấp Bắc