Nghèo là cái tội

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Truyện ngắn của Juan Rulfo (Mêhicô)

Quanh tôi, mọi việc đang mỗi lúc một trở nên tệ hơn. Tuần trước, cô Jacinta của tôi vừa mất và vào thứ bảy, sau khi an táng cô xong, cả nhà chưa kịp bình tâm trở lại thì trời bỗng dưng đổ mưa ào ạt. Điều này làm cha tôi rất tức giận, bởi tất cả chỗ lúa mạch thu hoạch được trong vụ mùa đang được phơi ra ngoài nắng, mà cơn bão kéo dài đến đột ngột quá khiến chẳng ai kịp trở tay đậy đệm gì được cả. Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc chen chúc nhau đứng dưới chái nhà, đau khổ nhìn cơn mưa đang hủy hoại cả một vụ mùa với biết bao công sức.

Rồi mới hôm qua đây thôi, khi chị Tacha của tôi tròn mười hai tuổi, thì con bò cái cha tôi định mang làm quà tặng cho chị nhân ngày sinh nhật lại bị dòng sông cuốn trôi đi mất. Nước sông đã bắt đầu dâng lên cách đây ba hôm trước lúc trời sáng. Lúc đó tôi đang ngủ say, nhưng tiếng sóng vỗ vào bờ nghe ầm ầm tưởng chừng như nhà sập khiến tôi bất chợt thức giấc, vội nhảy khỏi giường chạy ra ngoài với chiếc áo khoác trên tay để xem điều gì đang xảy ra. Sau đó tôi trở lại giường bởi biết đó chỉ là tiếng dòng sông đang chuyển động và chẳng mấy chốc lại rơi vào giấc ngủ.

Khi thức giấc tôi thấy trời đã đầy mây đen và tiếng con sông cuộn mình nghe lại càng dữ dội. Âm thanh vang lên rất gần và cái mùi nước lũ, hôi hám khó ngửi như cái mùi phế liệu được đốt đi lan tỏa khắp không gian.

Lúc tôi bước ra xem, nước sông đã dâng ngập bờ, đang từ từ tràn lên đường cái và ùa vào nhà cái bà vẫn được dân làng đặt cho biệt danh là cái trống vì có tật ưa lải nhải bên tai người khác. Người ta có thể nghe thấy tiếng nước bắn tóe lúc tràn vào chuồng gia súc và khi rút ra khỏi lối đi. Bà đang hối hả chạy tới chạy lui tung những con gà của mình lên mặt lộ để chúng tìm nơi tránh lụt.

Ở đoạn phía bên kia khúc sông cuốn, cây me chua vạm vỡ trồng cạnh chuồng gia súc cô Jacinta của tôi chắc đã bị nước cuốn đi mất, bởi chẳng ai còn nhìn thấy bóng dáng nó đâu nữa. Đây là cây me chua duy nhất trong làng còn tồn tại qua bao mùa lũ, nên người ta hiểu trận lụt này quả là lớn nhất từ bao năm rồi nay mới có trên dòng sông này.

Buổi chiều chị em tôi cùng trở lại xem xét. Nước sông ngầu đục và dơ bẩn đã lấp mất cây cầu dân làng thường qua lại. Chúng tôi ở lại đó hằng giờ để nhìn ngắm mà không thấy mệt mỏi, rồi đi dọc theo chỗ đất bị sạt lở để nghe người ta bàn tán cùng nhau. Ở đấy, đoạn gần sông, chúng tôi chỉ nghe tiếng nước réo ầm ầm và thấy những cái miệng há hốc ra rồi khép lại chứ không hề nghe ai lên tiếng. Họ cũng đang nhìn con sông vỗ vào chỗ đất lở và cố ước tính xem bao nhiêu thiệt hại nó sẽ gây ra cho vùng đất này. Cũng ở tại đó, tôi biết tin La Serpentia, con bò cái cha tôi định tặng chị Tacha đã bị nước cuốn đi. Ôi, con La Serpentia có hai cái tai một trắng, một đỏ và đôi mắt thật xinh xắn, dễ thương.

Tôi thật không hiểu nổi vì sao nó lại định lội qua khúc sông này trong khi hẳn nó cũng biết là đã không còn bình thường như trước nữa. Nó đâu có gì phải bồn chồn, lo lắng. Hẳn nó đã bước đi lúc còn đang ngái ngủ và chịu chết đuối một cách thật oan uổng. Sáng nào cũng vậy, khi mở cửa chuồng tôi thường phải đánh thức nó dậy rồi mới đưa được nó ra ngoài, bởi nếu không làm thế thì nó sẽ đứng đấy cả ngày với đôi mắt nhắm, hít thở theo cái nhịp điệu bò cái vẫn thường có lúc đang còn say ngủ.

Vậy thì điều ấy hẳn đã xảy ra trong lúc nó còn chập chờn giấc điệp. Có lẽ dòng nước lạnh giá khi ùa đến đã vỗ vào xương sườn khiến nó giật mình tỉnh thức. Có lẽ nó đã sợ hãi và bước lùi trở lại, nhưng nước đã quật ngã rồi lật ngược nó lên. Chắc nó đã rống lên kêu cứu dữ lắm. Nhưng chắc cũng chỉ có Thượng đế mới có thể nghe được nó đã kêu rống ra sao.

Chúng tôi gặp một người đã trông thấy nó lúc đang bị nước cuốn đi, và tôi hỏi ông xem lúc ấy có thấy con bê con nào ở cạnh đấy không. Ông ta bảo chỉ nhớ là thấy một con bò có cái da lốm đốm trôi vượt qua mình lúc ấy với bốn móng chổng lên trời, rồi sau đó chìm xuống mất tích trong dòng nước. Ông bận vớt củi khô đang trôi nổi trên sông để đem về chụm nên cũng không để ý là sau đấy nó có nổi lên lại hay không nữa.

Vậy thì giờ đây chúng tôi không thể biết là con bê còn sống hay là đã theo gót mẹ nó xuống thủy cung rồi. Xin Chúa phù hộ cho chúng! Những phiền muộn khổ não đã xảy đến với gia đình tôi lúc trước, chắc bây giờ sẽ quay trở lại, vì chị Tacha của tôi nay chẳng còn già nữa. Ý tôi muốn nói là cha tôi đã phải lao động cực lực mới mua được con La Ferpentina nầy từ khi nó còn là một con bê con, dự định sau nầy nuôi lớn sẽ tặng chi Tacha để làm một cái vốn nho nhỏ, mong chị lớn lên sẽ khỏi dẫm theo bước chân của hai người chị lớn mà trở nên một cô gái giang hồ.

Theo ý cha, hai người chị lớn của tôi sở dĩ đã trở nên hư hỏng đó là bởi gia đình tôi quá nghèo. Họ không chịu đựng nổi hoàn cảnh nên ngay khi còn là con gái đã bắt đầu kê ca ta thán và càng lớn lên càng thích giao du với bọn con trai đàng điếm, du thủ du thực, học hỏi những cái xấu nơi họ và học rất mau nữa là. Họ hiểu ý nghĩa tiếng huýt sáo khe khẽ của lũ con trai gọi mình giữa đêm khuya, và sau này còn dám công khai đi theo chúng giữa ban ngày. Họ sẵn sàng theo bọn đàn ông ra sông vào mọi lúc, thậm chí đôi khi người ta còn có thể bất ngờ gặp họ ở trong một cái chuồng gia súc, trần truồng, mỗi chị có một tên đàn ông nằm vắt vẻo trên người.

Cuối cùng cha tôi đành đuổi họ ra khỏi nhà. Ông đã cố hết sức để chịu đựng, nhưng các chị ấy càng ngày càng quá quắt. Họ đến sống ở Ayutla hay một nơi nào đó, tôi không rõ. Nhưng tôi biết là các chị ấy đã quá phóng túng, hư hỏng, hết thuốc chữa rồi.

Đó là lý do vì sao cha tôi rất lo lắng cho chị Tacha. Ông không muốn chị bước theo con đường của hai người kia; ông muốn chị lớn lên đoan trang, hiền thục và có thể lấy được một người chồng tốt. Và cái con La Serpentina kia như một thứ của tin ông dành cho chị khi lớn khôn. Có con bò cái trong tay, chị sẽ không còn có cái cảm giác là mình quá nghèo khổ nữa. Và đàn ông trong làng sẽ có đủ can đảm để cưới chị, cho dù chỉ với cái mục đích nhỏ nhoi là có thể sở hữu được con bò cái mập mạp, dễ thương kia mà thôi. Nhưng ngay cả chuyện ấy bây giờ cũng đã trở nên vô vọng.

Cái hy vọng duy nhất còn lại với gia đình tôi bây giờ đó là cái con bê con kia vẫn còn sống. Cầu trời cho nó đừng ngu dại dấn theo bước mẹ mình đi xuống lòng sông. Bởi nếu điều đó xảy ra, chị Tacha tôi chắc sẽ chỉ còn cách con đường hư hỏng trong gang tấc, và đó là điều mẹ tôi chẳng bao giờ muốn.

Mẹ tôi thường nói là không biết bà đã phạm phải tội lỗi gì mà Thượng đế lại nỡ trừng phạt bằng cách bắt bà phải sinh ra hai đứa con gái hư đốn đến thế. Trong dòng họ nhà bà, chưa từng có người phụ nữ nào lại làm những điều nhơ nhuốc, đáng hổ thẹn như vậy bao giờ. Họ đều được giáo dục phải biết kính sợ, vâng lời Thượng đế, cố trở nên một con người đáng trọng. Bà ôn lại đời mình, cố tìm ra những ý nghĩ xấu xa, những hành vi xằng bậy đã từng làm để xứng đáng chịu cái hình phạt kia, nhưng chẳng thấy gì. Cứ mỗi khi nhớ đến hai đứa con gái của mình thì bà lại khóc, và cầu xin Chúa đổ sự thương xót trên cuộc đời tội lỗi của họ.

Nhưng cha tôi thì lại bảo rằng suy nghĩ, lo lắng gì cho các chị ấy cũng là vô ích, vì họ đã đi theo con đường mình tự chọn. Kẻ cần phải lo chính là chị Tacha, người con gái duy nhất còn sót lại của gia đình. Chị ấy đang lớn mau, hai bầu vú bắt đầu nảy nở đã trở nên giống như các chị mình, vun cao, nhọn hoắt khiến đám con trai nhìn vào phải bối rối.

“Này, bà xem”, cha tôi nói, “bất cứ khi có thằng nào nhìn, thì nó ưỡn người ra khiêu khích. Rồi ra cuộc đời nó kết cục chắc cũng chẳng khác gì mấy cô chị đĩ thỏa của nó đâu”. Cha tôi nói thế vì chị chính là nỗi ưu tư lớn nhất của ông.

Và giờ đây chị Tacha đang khóc, vì biết là dòng sông đã cuốn mất con La Serpentina của mình. Chị ngồi cạnh tôi, trong chiếc váy hồng, đưa mắt nhìn dòng sông và khóc thương cho con bò cái. Hai dòng lệ nhớp nháp cứ tuôn đầy trên mặt, và bạn có thể tin rằng chị ấy có cả một dòng sông nước mắt ở trong người.

Tôi vòng tay ôm chị và cố sức an ủi, nhưng dường như chị chẳng hiểu được gì cả. Chỉ thấy chị càng khóc to hơn và tiếng nức nở, thổn thức ấy nghe cứ dồn dập như tiếng nước vỗ bờ. Toàn thân chị run rẩy. Cơn lũ vẫn cuồn cuộn đổ về, và những tia nước ngầu đục bắn tung tóe cả lên mặt chúng tôi. Khi chị khóc, hai bầu ngực nhỏ cứ phập phồng lên xuống, như thể chúng muốn căng tròn lên mau để khởi đầu cho sự hủy hoại cuộc đời của một người con gái trẻ.

Nguyễn Thị Thu dịch
(Theo bản tiếng Anh “Because We Are So Poor” của Lysander Kemp)
Nguồn: Văn nghệ Tiền Giang số 34