Khung cửa mở

Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái

Truyện ngắn của Hector Hugh Munro

Hector Hugh Munro (1870 -1916), được biết đến với bút danh Saki   sinh ra ở Miến Ðiện, nhưng lớn lên và học tại Anh Quốc. Những truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên báo khi ông làm ký giả cho tờ The Morning Post tại Balkans, Nga, Paris rồi Luân Ðôn, sau đó được tập hợp in trong các tuyển tập. Saki được xem là bậc thầy về truyện ngắn, được so sánh với O. HenryDorothy Parker. Khi chiến tranh lần thứ nhất bùng nổ, tuy đã ngoài bốn mươi nhưng ông gia nhập quân đội với cấp bậc thấp nhất và từ chối lãnh lương. Ông hy sinh trên chiến trường tại Pháp ngày 13-11-1916, do viên đạn bắn tỉa của một người lính Ðức. Phần lớn tác phẩm của ông đều được xuất bản sau khi ông qua đời.

Truyện của ông được viết theo phong cách dí dỏm, tinh nghịch, đôi khi pha lẫn rùng rợn, đầy tính bất ngờ. “Khung cửa mở” (The Open Window) là một trong những điển hình của khả năng kết hợp tài tình giữa tính hài hước và kinh dị trong thể loại truyện ngắn.

Dì cháu sẽ xuống ngay thưa ông Nuttel, trong khi chờ đợi, cháu rất hân hạnh được tiếp chuyện với ông”, cô bé mười lăm tuổi nói với giọng thật tự tin.

Framton Nuttel cố gắng nói một cách đúng mực, sao cho vui lòng cô cháu gái mà không làm tổn thương bà dì. Nhưng trong thâm tâm anh rất lo âu. Anh tự hỏi không biết đợt thăm viếng một loạt những người lạ như thế này có giúp gì trong việc chữa trị căn bệnh tâm thần của mình không.

“Chị biết mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi,” bà chị của anh đã nói thế khi anh sửa soạn ra đi. “Cậu phải sống yên một mình. Ðừng tiếp xúc với ai, nếu không tâm trạng của cậu sẽ nặng nề thêm. Cậu chỉ nên thăm viếng một vài người mà chị quen biết. Trong số đó một vài người họ rất dễ thương”.

Framton hy vọng bà Sappleton người mà anh sắp sữa gặp đây, sẽ là một trong số người “dễ thương” đó.

“Ông có quen biết nhiều người trong vùng này không?”, thình lình cô bé hỏi sau khi hai người im lặng khá lâu.

Framton giật mình. "Hầu như không quen biết ai", anh đáp. "Chị tôi ở đây khoảng bốn năm, tại nhà ông mục sư, chị giới thiệu tôi tới thăm một số vị ở đây". Khi nói câu này rõ ràng giọng anh tỏ ra tiếc nuối.

“Vậy ông hoàn toàn không biết gì về chuyện của dì cháu phải không?” cô gái điềm nhiên hỏi. “Chỉ biết tên và địa chỉ của bà thôi", anh thú nhận. Framton nhìn quanh căn phòng, tự hỏi không biết bà Sappleton đã lập gia đình chưa hay bà là một góa phụ. Một vài đồ vật cho anh cảm giác là căn nhà này có sự hiện diện của đàn ông.

“Một thảm kịch đã xảy đến cho dì cháu đúng vào ngày này cách đây ba năm", cô gái nói. “Chuyện xảy ra khi bà chị của ông đã rời khỏi đây rồi”.

“Thảm kịch à?” Framton kêu lên. Anh tự hỏi vùng quê yên tĩnh như thế này mà cũng xảy ra thảm kịch sao?

***

“Ông có thấy lạ khi nhà cháu lại để ngỏ khung cửa sổ vào buổi chiều tháng mười thế này không”. Cô gái vừa nói vừa lấy tay chỉ vào khung cửa sổ rộng kiểu Pháp trông ra sân cỏ.

“Độ rày trời ấm mà”, Framton đáp. “À, bộ cánh cửa đó có liên quan gì đến thảm kịch đã xảy ra à?”.

“Cách đây ba năm, cũng vào ngày này, từ khung cửa này, dượng cháu và hai người em ra ngoài đi săn, và họ đã không bao giờ quay trở lại. Khi băng qua cánh đồng hoang để đến khu đất săn chim, cả ba bị nhấn chìm dưới đầm lầy. Mùa hè năm đó thật khủng khiếp, mưa như trút nước, như ông biết đó. Nhiều chỗ năm này thì an toàn, nhưng năm khác lại xảy ra những điều bất trắc. Xác ba người không sao tìm ra. Ðó là phần ghê gớm nhất của câu chuyện”. Tới đây, giọng cô bé mất hết bình tĩnh và trở nên nghẹn ngào.

“Bà dì khốn khổ của cháu vẫn cứ tin tưởng là một ngày nào đó ba người sẽ trở về. Họ sẽ trở về cùng với con chó nhỏ màu nâu cũng bị chôn sống ở đầm lầy với họ. Dì cháu nghĩ rằng họ sẽ nhảy qua cánh cửa sổ để vào nhà như cách mà họ đã ra đi trước đây. Chính vì thế mà cánh cửa cứ mở ngỏ cho đến khi chiều tối. Bà dì khốn khổ của cháu thường kể đi kể lại cho cháu nghe chuyện ba người ra đi như thế nào. Ông cậu thì khoác chiếc áo măng-tô trắng ngang vai. Còn cậu em Ronnie thì cứ hát “Berti ơi… sao em lại nhảy…” để chọc ghẹo bà, vì bài hát này làm bà nhức đầu”.

Tới đây cô bé dừng lại.

“Ông biết không,” cô gái nói tiếp, “vào những buổi chiều im ắng như thế này, cháu có cảm tưởng lạnh xương sống khi nghĩ đến chuyện ba người nhảy vào nhà qua khung cửa bỏ ngỏ đó…”.

Cô gái rùng mình rồi đột nhiên dừng lại. Còn Framton thì thở phào nhẹ nhõm khi bà dì bất thần xuất hiện ở phòng khách và rối rít xin lỗi vì đã xuống lầu tiếp khách hơi trễ.

“Tôi hy vọng là ông đã nói chuyện vui vẻ với cháu Vera”, Bà Sappleton nói.

“Cô bé nói chuyện thật hay”, Framton đáp.

“Mong ông bỏ qua cho việc mở ngỏ cánh cửa sổ kia”, bà cô nói với giọng phấn chấn”. Chồng tôi và hai cậu em sẽ về trong chốc lát. Họ đi săn và thường vào nhà bằng ngả đó. Lại làm lấm cả mấy tấm thảm đẹp của tôi thôi. Ðàn ông các ông thì vẫn thế. Có phải vậy không ông?”.

***

Bà Sappleton huyên thuyên tiếp tục về chuyện đi săn, chuyện hiếm chim vào mùa này và triển vọng sẽ có vịt trời vào mùa đông. Cứ huyên thuyên vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Nỗi khủng khiếp càng lúc càng gia tăng trong lòng Framton. Anh cố gắng chuyển câu chuyện sang đề tài bớt ghê rợn hơn. Nhưng bà Sappleton hầu như không để ý đến điều đó. Bà tiếp tục đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa. Framton nghĩ thầm. Thật là tai họa khi anh tới đây đúng vào cái ngày cách đây ba năm gia đình người ta có ba
người chết.

“Bác sĩ nói tôi phải tuyệt đối nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, tránh mọi vận động mạnh về cơ thể”. Framton chân tình giải thích và hy vọng rằng, theo thông lệ mọi người đều tỏ ra cảm thông tới bệnh tật của người khác và thường ân cần hỏi han về những chi tiết, nguyên do và cách chữa trị. “Còn về vấn đề ăn uống thì các bác sĩ chưa đồng ý với nhau”. Framton nói tiếp.

“Chưa đồng ý à?” - Bà Sappleton hững hờ hỏi nhưng thật ra câu hỏi chỉ để che giấu cái ngáp vào phút cuối. Đột ngột, mặt bà sáng lên, vẻ chăm chú quan tâm…, nhưng không phải vì những lời của Framton.

“Ồ, họ về tới rồi kìa!” - bà kêu lên. “Ðúng giờ uống trà. Trời ơi, cả ba lấm bùn be bét!”.

Framton khẽ run lên. Anh rầu rĩ lắc đầu quay qua nhìn cô bé như thể chia sẻ sự cảm thông với những gì cô ta kể trước đây. Nhưng cô bé lúc này cũng đang mải nhìn ra ngoài khung cửa với đôi mắt mở to kinh hoàng. Framton cũng nhìn ra ngoài đó. Nỗi khủng khiếp hiện rõ trong đôi mắt của anh. Trong sự hoảng sợ tột độ, Framton xoay như chiếc lò xo trên ghế, mắt vẫn hướng ra ngoài
khung cửa.

Trong bóng tối chập choạng, ba bóng người đang vượt qua bãi cỏ. Họ đang tiến về phía căn nhà. Cả ba đều quàng súng. Một trong ba người khoác chiếc áo măng-tô trắng ngang vai. Một con chó nhỏ màu nâu mệt nhọc chạy theo bén gót. Rất âm thầm, cả ba tiến dần tới căn nhà. Rồi một giọng trẻ trung cất lên “Berti ơi…sao em lại nhảy…”.

Framton bật dậy. Anh vớ vội lấy cây gậy và chiếc áo khoác. Cửa ra vào, con đường trải sỏi và chiếc cổng chính là những gì anh còn mơ hồ nhận được trên bước đường tháo chạy. Một người đi xe đạp phải phóng vào hàng rào để tránh đụng phải anh trong lúc anh ba chân bốn cẳng chạy thục mạng.

***

“Bọn anh về đây rồi, em ơi,” người đàn ông khoác chiếc măng-tô kêu lên. “Vài chỗ hơi lầy nhưng đâu đó đều khô. Thằng cha nào mới vừa phóng ra ngoài vậy?”

“Một người rất kỳ khôi, ồ… Một anh chàng Framton nào đó.” Bà Sappleton nói “Anh ta chỉ nói về bệnh tật của mình. Anh ta có vẻ rất bồn chồn rồi vụt bỏ chạy chẳng nói một lời khi anh về tới, như thể nhìn thấy… ma vậy”.

“Có thể là vì con chó săn”, cô bé Vera nói tỉnh bơ. “Ông ta kể cho cháu nghe câu chuyện khủng khiếp về chó. Có một lần, ở bên bờ sông Hằng, ông ta bị dồn vào một nghĩa địa bởi một bầy chó ngao. Cả đêm hôm đó ông ta phải núp ở dưới chiếc mả mới đào trong khi bầy chó dại nhe răng, gầm gừ, sùi bọt mép ở bên trên. Chuyện khủng khiếp như vậy ai mà không bị ám ảnh đến khiếp được”.

 Tài bịa chuyện giỏi và nhanh nhẹn như cô bé thật không ai sánh nổi.

Thu Trang (dịch)