Kẻ trộm trong đêm

Ông Williams đã làm việc trong Viện Bảo tàng của trường Đại học Oxford nhiều năm, nhiệm vụ chính của ông là sưu tập những bức họa nổi tiếng vẽ những ngôi nhà cổ hay giáo đường miền thôn dã. Người ta thường nghĩ không có công việc nào nhàn nhã và ít gây phiền toái hơn công việc của ông, thế nhưng bản thân ông Williams thấy trong công việc tưởng chừng rất bình yên của mình vẫn có những khoảng tối.
Ông thường mua tranh để mở rộng bộ sưu tập của Viện Bảo tàng từ một cửa hàng ở Luân-đôn do ông Britnell làm chủ. Mỗi năm hai lần, ông Britnell gởi bảng danh sách liệt kê những  tranh mới mua được cho các khách hàng quen thuộc để họ chọn xem trước khi quyết định mua.

Tháng Hai năm 1895, ông Williams nhận được một bảng kê tranh mới từ ông Britnell với những dòng thư vắn tắt như sau:

Thưa ông,

Chúng tôi nghĩ ông sẽ lưu ý đặc biệt đến bức tranh số 978 trong bảng kê của chúng tôi; và nếu ông đồng ý, chúng tôi sẽ mau chóng gởi tranh đến trường để ông thưởng lãm.

J.W. Britnell

Ông Britnell tìm trong danh sách bức tranh số 978 và thấy những dòng ghi chú sau :

“Bức 978: Họa sĩ vô danh. Tranh vẽ một ngôi nhà cổ ở nông thôn nước Anh vào đầu thế kỷ 19. Kích thước 25cm x 40cm. Giá 20 bảng Anh (pounds)”.

Đọc những dòng trên, ông chẳng cảm thấy có chút ấn tượng hay hứng thú nào; hơn nữa, giá tranh lại khá cao. Tuy vậy, ông Williams vẫn ghi nó vào danh sách những bức tranh được yêu cầu gởi đến trường.

Số tranh yêu cầu được gởi đến trường vào một chiều chủ nhật, lúc ông Williams vừa ra ngoài. Chúng được mang vào nơi ông ở để ông có thể nghiên cứu trong thời gian nghỉ cuối tuần. Ông Williams thấy chúng được để trên bàn khi cùng một người bạn, ông Binks, trở về phòng để dùng trà.

Bức tranh 978 vẽ một ngôi nhà khá rộng ở nông thôn. Ngôi nhà nổi bật với 3 hàng cửa sổ chạy song song, và chỉ có một cửa ra vào duy nhất nằm chính giữa những cửa sổ ở tầng trệt. Cây cối trồng nhiều hai bên hông và phía trước nhà là một bãi cỏ rộng.

Ở một góc bức tranh có 3 mẫu tự A.W.F, có lẽ là tên viết tắt của một họa sĩ nào đó. Ông Williams nghĩ bức tranh cũng không có gì đặc biệt, có lẽ là tác phẩm của một họa sĩ nghiệp dư, và  thắc mắc không biết vì sao ông Britnell lại nêu giá tới 20 bảng Anh. Lật phía sau bức tranh, ông thấy có một mẩu giấy ghi vài cái tên, nhưng thời gian đã khiến chúng không còn nguyên vẹn. Cái tên thứ nhất: “Trang viên  -ngly, còn cái tên thứ hai có lẽ là một địa danh: - ssex”.
 

 
Ông Williams nghĩ cũng thú vị nếu tra cứu được tên của ngôi nhà này trong những sách chỉ nam trước khi gởi tranh trở về chủ của nó vào sáng thứ Hai. Trong lúc suy nghĩ, ông đặt bức tranh lên bàn và thắp  sáng ngọn đèn vì trời đã bắt đầu tối, rồi chuẩn bị pha trà.

Trong lúc dùng trà, bạn của ông vô tình cầm bức tranh lên ngắm, rồi tò mò hỏi:

- Ồ, ngôi nhà này ở đâu vậy, Williams?

- Đó là điều tôi cũng đang muốn biết đây - Williams đáp, trong lúc tay đang rút một quyển sách ra khỏi kệ - Nếu lật phía sau bức tranh, anh sẽ thấy một mẩu giấy ghi nó thuộc trang viên của một người nào đó ở Essex hay Sussex không rõ lắm, vì chữ đã bị khuyết phân nửa. Anh có nhận ra ngôi nhà này ở đâu không?

- Không, tôi không biết - ông Binks nói - Tranh này do lão Britnell gởi tới phải không? Chắc là việc sưu tập tranh của Viện Bảo tàng chứ gì?

- Vâng, và tôi định sẽ mua nếu giá của nó chỉ là 2 pounds thôi - ông Williams đáp - Chẳng hiểu vì sao ông ấy lại nêu giá cao đến 20 bảng. Anh thấy đấy, tranh cũng thường thôi, lại đơn điệu quá mức vì chỉ có độc mỗi một ngôi nhà, không bóng người để bức tranh sinh động đôi chút !

- Tôi đồng ý là nó không đáng giá 20 bảng- ông Binks tiếp lời - nhưng xem ra cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi thấy phần ánh sáng trong tranh được diễn tả khá tốt, và dường như có người ở đây này, ngay góc trái bức tranh, phía trước ngôi nhà.

- Để tôi xem - Williams nói -

Ồ, đúng là phần ánh sáng khá tốt. Nhưng còn người ở đâu? À, đây rồi! Chỉ là một cái đầu !

Và thật vậy, ở góc trái bức tranh có hình đầu của một người đàn ông hay phụ nữ gì đó đang dõi mắt nhìn về phía ngôi nhà mà trước đây ông Williams đã không để ý.

- Tuy bức tranh có vẻ được hơn lúc nhìn thoáng qua lúc đầu, nhưng chắc tôi cũng không dám tiêu 20 bảng của Viện Bảo tàng để rước về bức tranh vẽ một ngôi nhà mà mình chưa rõ lai lịch.

Ông Binks, vì có việc phải làm nên ra về sớm, và Williams tận dụng  khoảng thời gian trước khi đến giờ ăn tối lục tìm trong các sách chỉ nam của  mình có để truy tìm lai lịch của ngôi nhà.

- Giá mà biết chính xác những mẫu tự nằm trước cái đuôi “-ngly” này thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn - ông nhủ thầm- chứ bây giờ có quá nhiều tên tận cùng bằng “-ngly”, biết cái tên nào đúng đây !

Bữa tối của ông Williams ở trường đại học thường diễn ra vào lúc 7 giờ, sau đó vài người bạn sẽ ghé đến chỗ ông để cùng chơi bài. Trong lúc giải lao, ông Williams cầm bức tranh đưa cho Garwood, một người bạn cũng thích thưởng thức tranh, để xin ý kiến mà không nhìn đến nó. Sau một lúc ngắm nghía, Garwood nói:

- Bức tranh tuyệt đấy, Williams! Theo tôi thì phần ánh sáng không chê vào đâu được, và mặc dù không ưa cái hình người được vẽ bên trong lắm, bức tranh vẫn gây cho tôi nhiều ấn tượng.

- Thế ư? - Williams nói mà không nhìn bức tranh vì đang mãi đem nước giải khát đến cho các bạn.

Khi khách khứa về hết, Williams phải ngồi viết một lá thư cho đến quá nửa đêm. Khi định tắt đèn đi ngủ, ông vô tình đưa mắt nhìn bức tranh mà Garwood trước khi về đã để lại trên bàn. Chợt nhớ những lời phát biểu của Garwood, ông tò mò ngắm kỹ rồi bỗng trố mắt trong niềm kinh ngạc . Ở bãi cỏ rộng phía trước ngôi nhà, một con người trước đây chưa từng thấy đang bò bằng tay và đầu gối về phía ngôi nhà; người này mặc một bộ đồ đen có mũ trùm đầu và trên lưng có hình một cây thập giá màu trắng.

Sau một lúc ngẩn ngơ, ông Williams chộp ngay lấy bức tranh đem vào một căn phòng trống, lật úp nó bỏ vào tủ; rồi ông khóa cửa tủ và khóa luôn cả cửa phòng. Khi trở về phòng mình, trước khi đi ngủ ông viết một bản ghi chép mô tả chi tiết những biến đổi của bức tranh kể từ khi mình bắt đầu nhận được nó.

Ông mừng vì tối nay đã đưa tranh cho Garwood xem, và ông ta đã tận mắt nhìn thấy cái hình người “khó ưa” trong tranh; như vậy, những gì mình thấy nãy giờ đâu phải chỉ là ảo tưởng ! Ông quyết định sáng mai sẽ mời ai đó đến dùng điểm tâm để cùng nghiên cứu bức tranh với mình - có lẽ ông hàng xóm Nisbet là người thích hợp nhất; sau đó ông sẽ dùng cả buổi sáng còn lại để tiếp tục truy tìm lai lịch ngôi nhà từ những tài liệu có được.

Ông Nisbet đến vào lúc 9 giờ sáng và hai người cùng ngồi yên lặng dùng điểm tâm. Khi bữa sáng xong, ông Williams vì quá bồn chồn nên vội vã chạy vào căn phòng trống, mở khóa tủ lấy bức tranh ra nhưng không hề liếc nhìn nó, rồi trở về phòng ăn trao nó vào tay Nisbet.

- Bây giờ, anh Nisbet, tôi muốn nhờ anh giúp một việc. Đó là anh hãy ngắm cho kỹ bức tranh này, rồi mô tả lại cho tôi thật chi tiết. Tôi sẽ cho anh biết lý do sau.

- Được mà - Nisbet nói - À, bây giờ tôi đang có trong tay bức tranh vẽ một ngôi nhà ở vùng nông thôn nước Anh dưới ánh trăng.


- Dưới ánh trăng? Anh chắc chứ?

- Sao lại không chắc ! Mặt trăng được vẽ rõ ràng trong tranh, có cả những đám mây bao quanh nó nữa.

- Được rồi, anh nói tiếp đi - Williams ngập ngừng - Nhưng thật tình là tôi đã không thấy có mặt trăng nào cả khi ngắm nó trước đây.

- Vâng, nhưng có lẽ tôi cũng không thấy có gì nhiều cần tả thêm - Nisbet tiếp tục - Ngôi nhà có 3 hàng cửa sổ, mỗi hàng 5 cửa; trừ tầng trệt có một cửa ra vào thế chỗ cho cửa sổ nằm chính giữa và …

- Có bóng dáng người nào không?- Williams ngắt ngang.

- Người ư ? Tôi có thấy  người nào đâu ?

- Sao? Không có ai trên bãi cỏ rộng phía trước ngôi nhà à?

- Không. Không có ai cả.

- Anh chắc chứ?

- Dĩ nhiên là chắc. À, có điều...

- Điều gì?

- Một cửa sổ ở tầng trệt, nằm ngay bên trái cửa ra vào mở toang.

- Thật ư? Chúa ôi, tôi nghĩ hắn ta đã đột nhập vào ngôi nhà rồi !

Williams nói với giọng kích động, rồi vội vã đến chỗ Nisbet đang ngồi, chộp lấy bức tranh để được nhìn tận mắt. Ồ, những gì ông vừa nghe đều là sự thật! Cái người đang bò trên bãi cỏ ông thấy đêm qua đã biến mất , và một khung cửa sổ nằm bên trái cửa ra vào đang mở rộng.

Williams ngẩn ngơ không nói nên lời trong một lúc, rồi ngồi xuống bàn giấy viết hý hoáy một hồi, sau đó mang hai tờ giấy đến trao cho Nisbet. Ông nhờ Nisbet ký xác nhận vào tờ thứ nhất, đó là những điều ông ta vừa mô tả về bức tranh; còn tờ thứ hai Williams ghi lại những gì mình đã thấy tối qua.

- Rốt cuộc những chuyện này là sao đây?

- Đó là điều chính tôi cũng đang  muốn biết - Williams nói - Bây giờ, có

3 việc tôi cần phải làm ngay. Trước tiên, hỏi lại Garwood xem ông ấy chính xác đã trông thấy gì khi ngắm tranh tối qua; kế đến, phải chụp ảnh bức tranh này ngay trước khi nó biến dạng; cuối cùng, phải tìm cho ra địa điểm ngôi nhà này .

- Tôi có thể chụp ảnh bức tranh giúp anh - Nisbet nói - Nhưng, tôi thấy dường như chúng ta đang được mục kích một sự việc quái gở nào đó đã từng diễn ra trong ngôi nhà này vậy. Vấn đề là không biết màn tiếp theo ra sao, đã diễn ra hay chưa? Anh nói đúng, cái người anh thấy đang bò trên sân tối qua đã đột nhập vào ngôi nhà qua khung cửa sổ, tôi đoán là sẽ có nhiều chuyện hấp dẫn diễn ra bên trong.

- Tôi định sẽ làm như thế này, anh  xem có được không - Williams nói - Tôi sẽ mang bức tranh đến vị bác sĩ lão thành Green để ông ấy xem và cho ý kiến. Ông ấy vốn sinh trưởng ở Essex, lại thường đến thăm người anh của mình đang sống ở Sussex, nên tôi nghĩ ông ấy chắc rất rành hai vùng đất có cái đuôi “-ex” này.

- Ý kiến hay - Nisbet tán thành - Nhưng tôi nghe nói ông ấy đã đi nghỉ cuối tuần ở đâu đó rồi mà.

- À, vâng, tôi nhớ ra rồi - Williams tiếp - Ông ấy đã đi Brighton dịp cuối tuần này. Vậy tôi sẽ để lại một tin nhắn, mời ông ấy đến gặp chúng ta sau khi trở về. Trong khi đó, anh hãy mang bức tranh đi chụp ảnh giùm nhé; còn tôi sẽ đến Garwood để hỏi rõ về những gì anh ta đã trông thấy tối qua - Ông ngập ngừng - Anh biết không, cuối cùng tôi nghĩ tốn 20 bảng để mua bức tranh này cũng đáng giá lắm.

Một lúc sau, Williams trở lại phòng mình có Garwood cùng đi theo. Garwood nói tối qua lúc ngắm tranh ông thấy một người mặc đồ đen đang bò trên bãi cỏ trước nhà, lưng áo có in hình gì đó màu trắng, không biết có phải hình thập giá hay không. Trong lúc Garwood đang ghi lại lời chứng thì Nisbet bước vào, nói rằng mình đã hoàn tất việc chụp ảnh bức tranh.

- Bây giờ anh định làm gì tiếp theo đây, Williams? - Garwood hỏi - Chẳng lẽ cứ ngồi đây cả ngày ngắm tranh để theo dõi những biến chuyển của nó?

- Không, tôi nghĩ chúng ta không cần làm thế - Williams đáp -Từ lúc tôi nhìn bức tranh từ tối qua đến giờ rất nhiều thời gian đã trôi qua, và nhân vật chính trong tranh đã có thể hoàn tất mình muốn làm rồi; thế nhưng theo như chúng ta thấy hắn chỉ mới đột nhập vào nhà qua khung cửa sổ. Tôi nghĩ có lẽ hắn muốn chúng ta được mục kích tận mắt những gì sắp xảy ra. Dù sao, bức tranh chắc cũng sẽ không thay đổi nhiều trong ngày hôm nay, nên tôi đề nghị chúng ta sẽ cùng dạo chơi thư giãn sau bữa ăn trưa, sau đó trở lại đây dùng trà. Không ai có thể vào phòng này trừ người giúp việc thân cận của tôi, vì anh ta có chìa khóa.

Mọi người đều đồng ý với chương trình , vì họ cũng không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với ai về bức tranh kỳ dị này, e sẽ gây ra nhiều tranh cãi.

Khoảng 5 giờ chiều, tất cả quay trở lại tư thất của ông Williams trong khuôn viên trường đại học để dùng trà. Khi bước vào phòng, họ ngạc nhiên khi thấy Filcher, người giúp việc cho ông Williams đang ngồi nhìn bức tranh trên bàn với vẻ hoảng hốt. Filcher đã làm việc cho trường đại học nhiều năm nhưng chưa bao giờ có thái độ kỳ cục như vậy. Dường như ông ta hiểu chuyện nên cố đứng lên khi thấy ba người đàn ông bước vào.

- Xin lỗi, tôi không cố ý vào đây để xem trộm tranh đâu.

- Không sao, Filcher à - Williams nói - Nhưng tôi muốn hỏi ông có suy nghĩ gì sau khi nhìn thấy bức tranh đó?

- Vâng, thưa ông - người giúp việc đáp - Dĩ nhiên vì không thuộc chuyên môn nên tôi không hiểu nhiều lắm về ý nghĩa của bức tranh, nhưng thật tình tôi không muốn đứa con gái bé nhỏ của mình nhìn thấy nó chút nào, vì tôi sợ đêm về nó sẽ thấy ác mộng. Dường như nó không thuộc loại tranh có thể đem trưng bày một cách tùy tiện, vì có thể gieo vào lòng người xem nỗi sợ hãi. Ông thấy đó, tranh vẽ một người đàn ông ăn mặc quái gở đột nhập vào nhà bắt cóc một đứa bé và đang trên đường trốn chạy. Đó là tất cả những gì tôi nghĩ. Xin lỗi, hôm nay ông còn cần tôi làm gì nữa không; nếu không, tôi xin được phép ra về. Vâng, cảm ơn ông.
 
Filcher rời phòng, và ba người đàn ông cùng ùa lại bên bức tranh ngay lập tức. Ngôi nhà vẫn như trước đây, lặng lẽ dưới trăng và những đám mây; nhưng khung cửa sổ mở ra lúc trước nay đã khép chặt, và con người từng thấy trên bãi cỏ nay lại xuất hiện nhưng không phải với tư thế bò trên đất nữa. Hắn đang chạy xa ngôi nhà bằng những bước dài, trên tay ôm một đứa bé không biết còn sống hay đã chết. Vầng trăng nằm khuất ở phía sau và chiếc áo choàng đen rộng có mũ trùm gần như che khuất hết khuôn mặt, chỉ còn thấy được cái trán rộng và mớ tóc lưa thưa. Đặc biệt đôi chân thò ra bên dưới áo choàng trông gầy gò, khẳng khiu đến tội nghiệp.

Ba người bạn lặng lẽ theo dõi bức tranh cho đến giờ cơm tối, nhưng không có sự biến đổi nào. Sau khi dùng cơm xong , họ hối hả trở lại căn phòng để tiếp tục theo dõi. Bức tranh vẫn còn đó, nhưng con người chạy trốn lúc nãy đã biến mất, chỉ còn lại ngôi nhà nằm đơn độc dưới trăng và những đám mây.

- Bây giờ, việc chúng ta cần làm nhất là tìm cho ra nơi ngôi nhà này tọa lạc - Williams lên tiếng và họ lấy từ kệ sách các sách chỉ nam và hướng dẫn xuống, bắt đầu tìm kiếm.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi trong lúc họ cặm  cụi làm việc. Mãi gần 2 giờ sau mới nghe thấy tiếng Williams bất chợt vang lên:

- A! Có lẽ đây là điều chúng ta đang cần!

Ông đọc to những dòng chữ trong quyển Sách chỉ nam về Essex đang cầm trong tay:

Anningly. Ngôi nhà thờ cổ xây dựng từ thế kỷ 12, gồm cả hầm mộ của gia tộc Francis cùng trang viên của họ. Dòng họ này nay đã tuyệt tự, vì người cuối cùng của gia tộc đã biến mất một cách bí ẩn vào năm 1802 trong lúc còn là một đứa trẻ. Cha cậu, Sir Arthur  Francis, một họa sĩ nghiệp dư khá nổi tiếng, đã sống cô độc trong trang viên sau biến cố trên cho đến lúc qua đời 3 năm sau, khi đã hoàn tất xong bức họa về trang viên của mình".

Ông Williams đọc đến đây thì chợt nghe có tiếng gõ cửa, và bác sĩ Green bước vào. Ông vừa từ Brighton trở về và vội đến đây ngay sau khi đọc được tin nhắn của Williams. Ông đồng ý ngay rằng bức tranh mà Williams đang cầm giữ chính là trang viên Anningly, vì trang viên này rất gần với nơi ông sinh sống thuở còn trẻ.

- Vậy bác sĩ có lời giải thích nào cho cái nhân vật lúc ẩn lúc hiện trong tranh không ạ? - Williams hỏi.

- Tôi cũng không chắc lắm, Williams à - bác sĩ Green đáp - Lúc nhỏ, tôi có nghe các bô lão ở Anningly bàn tán về sự biến mất bí ẩn của đứa bé thuộc dòng tộc Francis này. Họ bảo ngài Arthur, là cha đứa bé, đã gây nhiều ân oán với một số người dân địa phương vì họ thường xâm nhập lãnh địa của ông để đánh bắt cá và săn chim. Tình trạng này cứ tái diễn mãi khiến ông bực bội và quyết định phải bắt và trừng phạt cho được cái bọn hay quấy nhiễu này. Thế là từng người một dần dần bị loại trừ, cuối cùng chỉ còn lại một người tên Gawdy. Anh chàng Gawdy này thuộc dòng họ đã từng giàu có và có chức vị, nhiều người trong gia tộc được chôn trong nghĩa trang của nhà thờ; nhưng thời gian trôi qua, dòng họ  suy sụp nên tất cả đất đai cùng của cải lần lượt theo nhau đội nón ra đi. Hẳn điều này đã khiến Gawdy rất là cay đắng. Trong một thời gian dài, ngài Arthur không thể làm gì được anh ta vì Gawdy cứ im hơi lặng tiếng, nhưng rồi một đêm kia đám gia nhân của Arthur bắt được quả tang Gawdy đang săn chim trong rừng và một cuộc đọ súng xảy ra. Một gia nhân của ngài Arthur bị bắn trọng thương. Thế là đã có đủ chứng cớ để truy tố, và quan tòa dĩ nhiên là đứng về phía Arthur. Anh chàng Gawdy tội nghiệp đã bị treo cổ sau đó vài hôm. Về việc đứa bé mất tích, dân làng cho rằng để trả thù, một số bạn bè của Gawdy đã tổ chức bắt cóc để khiến cho dòng họ của ngài Arthur tuyệt tự; nhưng sao tôi vẫn cho rằng đích thân  Gawdy đã trở về để thi hành chuyện đó. Hừm! Nhưng thôi, tôi không muốn đề cập đến chuyện này nữa. Chúng ta cùng nhau làm một chầu rượu nhé?
 
Câu chuyện về bức tranh sau đó cũng được thuật lại cho một số người những lúc trà dư tửu hậu; có người tin, cũng có kẻ không. Ông Britnell thì chẳng biết tí gì ngoài việc bức tranh có điểm gì đó bí ẩn ông không hiểu được. Bức tranh đó hiện nay đang được trưng bài trong Viện Bảo tàng của trường đại học, và mặc dù có nhiều người cẩn thận quan sát, chẳng ai có dịp trông thấy sự biến đổi kỳ dị của bức tranh lần nữa.
 
Truyện của M.R. James (Anh) 
Võ Trung Hiếu dịch
Theo VNTG số 54