Nhường nhau học vị Trạng nguyên…

Trong hơn 840 năm của lịch sử khoa cử Nho học nước ta, các triều đại phong kiến đã mở 185 khoa thi, lấy đỗ 2.898 vị đại khoa.
Đã có hàng vạn người tham gia ứng thí, dự “trận bút, trường văn” để “tranh khôi, đoạt giáp” những mong “bảng vàng đề tên”, tuy nhiên có một cuộc tranh tài diễn ra quyết liệt nhưng điều lạ lùng là lại có chuyện nhường nhau danh hiệu Trạng nguyên…

Khi vua phải tung bài thi chọn Trạng

Câu chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử Nho học  xảy ra vào năm Kỷ Mùi (1499) đời vua Lê Hiến Tông. Trước khi mở khoa thi, tháng 4 năm đó vua đã nhắc nhở đại thần về tầm quan trọng của việc tuyển chọn người tài năng như sau: “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh, khoa mục là đường chính của các quan, đường chính mở thì chân nho mới nhiều. Cho nên ngày xưa dùng khoa thi lấy người giỏi phải nghiêm quy chế chia vị, phải cẩn trọng thể lệ dán tên, có lệnh cấm bảo nghĩa, đổi sách cho nhau nhằm ngăn giữ mầm gian, được nhiều người giỏi để giúp cho sự dùng vô cùng của nhà nước” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vâng theo lệnh vua, các quan hết sức thận trong khi xét bài, chấm thi, cuối cùng lấy đỗ được 55 người xuất sắc nhất. Đến ngày mồng 9 tháng 7 các sĩ tử đỗ thi Hội được vào thi Điện (thi Đình).

Các thông tin về khoa thi năm Kỷ Mùi (1499) chỉ được chính sử ghi chép ngắn gọn, vì thế ít người biết rằng phải khó khăn lắm vua Lê Hiến Tông mới chọn được người đoạt Trạng nguyên, đó là Đỗ Lý Khiêm. Chuyện rằng tại kỳ thi Đình, khi xét bài thi, các quan thấy điểm của Đỗ Lý Khiêm và Lương Đắc Bằng không ai vượt ai mà bằng nhau nên đành xem kỹ lại bài thi thì câu văn trong bài của Lương Đắc Bằng có phần trội hơn. Trước tình huống đó, các quan không biết làm thế nào đành tâu trình, xin vua quyết. Theo đề xuất của đại thần, vua Lê Hiến Tông cho hai người làm một bài ứng chế thêm. Lạ kỳ là sau khi làm bài ứng chế, Đỗ Lý Khiêm và Lương Đắc Bằng vẫn bằng điểm nhau; vua lại phải đích thân ra thêm một đề, lấy tên  là văn “bái mạng”. 

Là người có tính cương trực, tự cho là mình còn kém tài Lương Đắc Bằng nên Đỗ Lý Khiêm có ý muốn nhường danh hiệu Trạng nguyên, vì thế khi làm bài văn “bái mạng” ông chỉ viết qua loa, chiếu lệ cho có mà không dốc hết tài học để viết. Bài làm xong được trình lên, vua Lê Hiến Tông đọc đến bài của Đỗ Lý Khiêm thấy câu văn, ý tứ kém xa các bài trước mới đoán ra suy nghĩ của ông, bèn nói với Lương Đắc Bằng. Biết được điều này, Lương Đắc Bằng xin nhận kém hơn, bày tỏ mong muốn vua chấm Đỗ Lý Khiêm làm trạng. Thế là hai người nhất mực nhường nhau làm vua Lê Hiến Tông băn khoăn, chưa biết quyết thế nào. Các quan đành nghĩ ra một cách xin vua cho vẽ một vòng tròn trên sân rồng rồi tung quyển thi của hai người vào đó. Kết quả quyển thi của  Đỗ Lý Khiêm rơi trúng vòng tròn, còn quyển thi của Lương Đắc Bằng rơi ra ngoài, vua liền công nhận Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn. 

Chẳng mấy chốc câu chuyện trên được lưu truyền ra ngoài, người đương thời liền đặt câu ca về quan Trạng Đỗ Lý Khiêm như sau:

Thực thi thì đỗ Trạng
Làm văn bái mạng chỉ Bảng nhãn thôi.
Còn Lương Đắc Bằng, dân chúng cũng ưu ái viết về ông bằng câu ca rằng:
Thực thi thì Bảng nhãn
Làm văn bái mạng lại đỗ Trạng nguyên.


Ảnh minh họa

Chân dung hai người nhường nhau học vị Trạng nguyên

Người được trao học vị Trạng nguyên sau nhiều cuộc thử thách và cả yếu tố may mắn là Đỗ Lý Khiêm, về sau ông đổi tên là Đỗ Lý Ích, người xã Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Sau khi đỗ Trạng, ông làm quan đến chức Phó đô Ngự sử, một năm vâng mệnh đi sứ phương Bắc nhưng mắc bệnh, mất ở dọc đường,  triều đình thương tiếc phong làm Phúc thần, sai dân thờ cúng ghi nhớ. 

Còn Bảng nhãn Lương Đắc  Bằng (1475-1526) tự là Tử Lăng, sinh ra trong một gia đình khoa bảng quê ở làng Trác Vĩnh, giáp Cổ Hoằng (nay là làng Lương Trào, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cha là Lương Hay, đỗ Giải nguyên năm Canh Thìn (1460) đời Lê Thánh Tông, được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Thái thượng thừa; mẹ là Lê Thị Sử,  người tính tình đôn hậu, ham thích văn thơ; chính vì vậy, vốn đã thông minh lại được cha mẹ quan tâm dạy dỗ nên từ nhỏ Lương Đắc Bằng đã nổi tiếng khắp vùng. Năm 12 tuổi, ông theo học người bác họ là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, được rèn luyện không chỉ văn chương mà còn được học cả địa lý, thiên văn, toán pháp...

Với tài năng xuất chúng nên con đường công danh của Lương Đắc Bằng gặp rất nhiều thuận lợi, năm Bính Thìn (1496) ông thi Hương đậu Giải nguyên khi mới 21 tuổi, năm Kỷ Mùi (1499) thi Hội trúng Hội nguyên và sau đó thi Đình đỗ Bảng nhãn. Là người tài giỏi, có nhiều đóng góp lớn nên ông được thăng dần từ chức Thị độc, tiếp đó làm Tả thị lang, rồi được cử giữ chức Lại bộ thượng thư, tước Đôn Trung bá; làm quan trải 4 triều vua (Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông). Đến thời vua Lê Uy Mục, triều đình chia bè kết cánh đấu đá nhau, vua thì ham mê tửu sắc, ăn chơi vô độ; xã hội rối ren, nhân dân cơ cực. Cùng với nhiều trung thần khác, Lương Đắc Bằng ra sức can gián, ông đã viết một bản tấu dâng lên vua, chỉ trích sự kém cỏi, xa hoa, thất chính. Sau đó Lương Đắc Bằng tham gia cuộc nổi dậy của một số hoàng thân quốc thích và quan lại trong triều, ông được họ cử soạn bài hịch thẳng thắn chỉ ra những tội lớn của vua Uy Mục: “...giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn họ ngoại được tin dùng, phường đuôi chó tung hoành làm bậy, kẻ cương trị bị ruồng bỏ, người ngay thẳng ẩn nấp ở nẻo xa. Tước đã hết rồi mà bổng lộc không ngớt; dân đã cùng rồi mà vơ vét không thôi. Thuế định cặn kẽ, tiền tiêu như bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính, coi bề tôi như trâu, coi dân như rác…, những điều đó đã khiến cho nhân dân nhức óc, cả nước đau lòng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sau “biến loạn năm Kỷ Tị” (1509), vua Lê Uy Mục bị giết, vua Lê Tương Dực nối ngôi vẫn lao vào con đường ăn chơi trác táng, xa hoa, chính sự thì lơ là, lòng dân oán thán không kém gì dưới triều Uy Mục. Nhiều lần lên tiếng can gián đều không được chấp thuận, nhân khi mẹ mất, ông xin về quê chịu tang và định cáo quan ở nhà dạy học nhưng chưa hết tang thì lại có chỉ dụ của vua gọi ra Thăng Long. Trở lại kinh đô tháng 10 năm Canh Ngọ (1510), thấy mọi việc không có gì thay đổi, Lương Đắc Bằng bèn soạn thảo và dâng lên vua Lê Tương Dực 14 kế trị nước, an dân, gọi là “Trị bình thập tứ sách”. Sử chép rằng,  vào mùa đông, tháng 10 năm đó, triều đình phục chức Lại bộ tả thị lang cho Lương Đắc Bằng lại cho kiêm chức Đông các học sĩ, nhập thị kinh diên nhưng ông từ chối. Nhân đó, Lương Đắc Bằng dâng lên 14 kế sách trị nước, đại ý là: “1- Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm dứt tai biến, 2- Dốc lòng hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu, 3- Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm, 4- Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc, 5- Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe, 6- Tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch, 7- Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiêm phác, 8- Nêu khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường, 9- Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô, 10- Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng, 11- Lựa chọn quan can gián để gây khí thế dám nói, 12- Nới nhẹ việc lực dịch để thỏa lòng mong đợi của dân, 13- Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí của bốn phương, 14- Luật pháp, chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình”.

Vua Lê Tương Dực khen là hay bèn cho làm theo nhưng thực tế không thi hành được mấy. Năm Bính Thìn (1516) triều đình nhà Lê lại rơi vào khủng hoảng, vua Lê Tương Dực bị giết, Lê Chiêu Tông lên ngôi, những tưởng sẽ có thay đổi tích cực, nhưng mọi chuyện vẫn như cũ, chán nản, Lương Đắc Bằng xin cáo quan về quê dạy học và nghiên cứu lý số. Khi về quê hương, vốn cảm phục về tính cương trực, liêm khiết, nghe tiếng người trung nghĩa, mến đức và tài của ông mà học trò khắp nơi đến xin theo học. Trong số những học trò đó có rất nhiều người sau này trở thành nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thừa Hưu, Đinh Bạt Tụy... Năm Bính Tuất (1526) ông ốm mất, nghe tin dữ, quan ngự sử Đỗ Cương đã vỗ bàn khóc mà than rằng: “Người trung nghĩa như Lương Đắc Bằng đã qua đời, vận mệnh nước nhà hỏng đến nơi rồi”. Lời than đó không phải không có cơ sở, không lâu sau Mạc Đăng Dung giết vua Lê Cung Hoàng, cướp ngôi nhà Lê.

Tác giả bài viết: Hùng Phong

Nguồn tin: phapluatxahoi.vn