Những áng bi ký

Văn bia Chămpa, thường được gọi là bi ký Chămpa, được viết bằng chữ Sanskrit cho hai ngôn ngữ là Phạn và Chăm, ít được biết đến do chưa được dịch ra tiếng Việt và in ấn phổ biến, chỉ giới nghiên cứu mới có được những bản copy từ các công trình đọc và dịch nghĩa của người Pháp làm từ đầu thế kỷ 20. Thế nhưng đó là những áng văn đầy say đắm, ai một lần bắt gặp khó mà không bị nó lôi cuốn.
Vẻ đẹp bi ký Chămpa

 

 
Bi ký Khuê Trung – Đà Nẵng, một trong bốn tấm bia được phát hiện sau năm 1975 bằng chữ Phạn và Chăm cổ, với những dòng thật mê đắm: "Trong làn hương thơm ngát toả ra từ gót sen của ngài... hãy để nó ban phát niềm hoan lạc cho những kẻ kiếm tìm niềm hoan lạc".

Tháng giêng năm 803, vua Harivarman I đem quân ra Bắc, tiến đánh Châu Hoan và Châu Ái lúc này đang thuộc sự đô hộ của nhà Đường. Nhân dân hai châu này đã ủng hộ quân Chiêm, xem đó như anh em người nhà. Sau khi quân Chiêm rút, thứ sử Trung Hoa đã tàn sát hơn 30.000 người vì sự ủng hộ ấy. Về nước, Harivarman I cho khắc vào bia đá những dòng chữ thật kiêu hãnh: "Cánh tay dài của ta là mặt trời đốt sáng cho những người thuộc dân Trung Hoa đang ở cõi tối tăm"! (Ponagar Nha Trang, tháp chính, cột phía bắc cửa ra vào). Cũng ở trên cột trụ cửa này ta đọc thấy những dòng thật bay bổng về con người này: "Vẻ vinh quang của ông tựa như ánh trăng ban đêm đánh thức trái tim những người lương thiện như những đoá hoa sen".

Trên một tấm bia đá khác, cũng ở trong sách của Maspero, những dòng mô tả kinh thành Simhapura (tức kinh thành Sư Tử ở Trà Kiệu, trùng tên với đảo quốc Singapore nay) khiến lòng ta như bị thôi miên, chìm vào những liên tưởng khó dứt: "Vàng, thứ kim loại không bao giờ bị vấy bẩn và khi bị kéo thành bông nó vẫn là sắt đã được các triều vua không tiếc dâng cúng, trang hoàng các tượng và tháp thờ"; "Thành phố có cái vẻ lộng lẫy của thành phố Indra, lóng lánh những hoa sen trắng, được trang hoàng những hoa sen vàng đẹp nhất" (bia AIII Đồng Dương)... "Ông có một kinh đô giống như thành thị của các thần. Thành phố cùng những công trình kiến trúc rất là lộng lẫy được trang hoàng tươi trẻ, mới mẻ dường như do các thần tạo nên vậy’’.

 

 
Ảnh chữ khắc, ảnh tượng và đền tháp.

Thường ở cuối bài bia có những lời nguyền rủa kẻ ăn cắp đồ quyên cúng cho đền, lời văn thật giống với những gì ta thường nghe về các lời nguyền của các pharaon Ai Cập cổ đại: "Ở trên thế gian này kẻ nào giữ gìn của cải cho Indrabhadrecvara thì sẽ được sung sướng mãi mãi ở trên trời cùng với đội quân của Suras. Còn những kẻ nào ăn trộm đồ quyên cúng đó thì phải xuống địa ngục cùng với gia đình để chịu tội; mặt trời mặt trăng còn tồn tại đến bao giờ thì còn phải chịu tội đến lúc đó" (bia Da-trang, Ninh Thuận 25). Phải chăng vì những lời nguyền này mà ở miền Trung, trong dân gian vẫn lưu truyền một nỗi sợ hãi không rõ nguồn cơn với những gì thuộc về người Hời xưa.

Khó khăn và hy vọng

Trong suốt hơn 13 thế kỷ tồn tại (từ thế kỷ 2 đến cuối thế kỷ 15) vương quốc Chămpa ở miền Trung hầu như không để lại bất cứ văn bản sử liệu nào ngoại trừ những tấm bia đá được ghi bằng chữ Phạn (Sankrist). Chămpa có chữ viết sớm, có thể những ghi chép trên giấy sau cả ngàn năm đã hoàn toàn bị huỷ hoại. Điều này không lạ, nếu nhìn lại Việt Nam thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, đồng thời với sự tồn tại và hưng thịnh của vương quốc này, chúng ta cũng sẽ thấy các ghi chép sử liệu để lại của Việt Nam thời kỳ này là vô cùng ít, nếu không nói là một con số không. Với cách so sánh này, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vai trò của những văn khắc Chămpa, khi từ đó các nhà nghiên cứu tái hiện hầu như đầy đủ các vương triều và giúp ta hình dung phần nào đời sống người dân vương quốc này sau gần ngàn năm xa cách.

Việc nghiên cứu văn khắc Chămpa được khai mở vào cuối thế kỷ 19 bởi học giả tiếng Phạn (Sanskrit) nổi tiếng người Pháp Albel Bergaigne và được xuất bản năm 1893. Sau đó các văn bản chữ Chăm cổ cũng được đọc, và hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20 các học giả của viện này đã khai thác đây như nguồn sử liệu chủ yếu để dựng lại hơn 1.000 năm các vương triều vương quốc này. Sau đó, nhiều thập niên trôi qua việc nghiên cứu văn khắc Chămpa hầu như dừng lại. Người đọc được các bi ký Chămpa, nhất là các bia chữ Chăm cổ, hầu như biến mất trên toàn thế giới.

 

 
Ảnh chữ khắc, ảnh tượng và đền tháp.

Thật bất ngờ khi được biết ở viện Viễn Đông Bác Cổ Paris nhiều người vẫn tiếp tục một cách âm thầm công việc học chữ Phạn và đọc các văn khắc Chămpa; trong đó có GS.TS Arlo Griffiths, người Hà Lan, ông đã sang Việt Nam từ năm 2007 thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu của các chuyên gia trường Viễn Đông Bác Cổ và bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong dự án thống kê lại các văn bia, đọc và dịch các văn khắc mới phát hiện sau năm 1930 đến nay. Sau ba năm Arlo Griffiths và các cộng sự cho ra tập sách Văn khắc Chămpa tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng giới thiệu bốn bi ký mới phát hiện và 16 văn khắc ngắn khác.

"Không ai có thể hiểu đầy đủ các văn bản chữ Phạn này nếu không có kiến thức thấu đáo về văn hoá Ấn Độ". Cũng theo Arlo Griffiths, một trong những đặc điểm của tiếng Phạn được người Chăm sử dụng trên các văn bia là ở dạng văn vần của thi ca, siêu nhiên trong cách diễn tả ngay cả khi đề cập đến những chủ đề trần thế.

Việc đọc và dịch các bản chữ Chăm cổ lại gặp nhiều khó khăn hơn và phần lớn các văn khắc loại chữ này đã không được các nhà nghiên cứu trước đây dịch. Loại ngôn ngữ này theo Arlo Griffiths, chỉ biết đến trên từ các văn khắc Chămpa cổ chứ không phải từ bất cứ loại tài liệu nào khác: "Khi đặt tên cho ngôn ngữ này là Chăm cổ, các học giả phỏng đoán rằng nó chính là nguồn gốc nguyên thuỷ của tiếng Chăm hiện đại nhưng khác rất nhiều so với cả ngôn ngữ Chămpa hiện đại, lẫn ngôn ngữ Mã Lai". Tiếng Chăm trong các văn bia cổ thuộc về ngôn ngữ gì vẫn cứ còn là câu hỏi ở phía trước chờ các nhà nghiên cứu.

 

 
Ảnh chữ khắc, ảnh tượng và đền tháp.

Theo thống kê, hiện nay có hơn 230 tấm bia của người Chăm ở bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Tất cả đang cần được đọc lại và hiệu đính một cách cẩn thận chu đáo hơn. Hỏi Arlo Griffiths việc học đọc chữ Sanskrit có khó không và Việt Nam có ai đang theo học loại ngôn ngữ cổ này, anh nói: "Vấn đề không phải khó hay không mà là sự đam mê. Tôi mất 20 năm để có thể nắm được cách đọc văn tự này. Hình dạng các ký tự và ngôn ngữ đã thay đổi nhiều sau hơn ngàn năm. Chúng tạo nên những khó khăn nhưng lại cung cấp một số thông tin về thời đại hình thành của văn bản. Có một số bạn trẻ người Chăm theo học nhưng rồi sau đó đã bỏ cuộc. Tôi rất muốn truyền hết tất cả những hiểu biết của mình lại cho các bạn trẻ Việt Nam nhưng đam mê của các bạn cũng cần được sự trợ giúp từ phía Nhà nước".

Đà Nẵng hàng năm có hàng trăm du học sinh ra nước ngoài học bằng ngân sách nhà nước. Phần lớn theo học ngành kinh tế, kỹ thuật, tin học, sao không một người theo Arlo Griffiths để học chữ Sanskrit?

Và một điều nữa, không hiểu sao đến bây giờ vẫn chưa ai nghĩ đến việc cho dịch và công bố toàn bộ các văn bia Chămpa. Trong xu hướng đọc nghiêng nhiều về khảo cứu như hiện nay, một hai ngàn cuốn không phải là khó bán hết.

 

Tác giả bài viết: Hồ Trung Tú

Nguồn tin: SGTT