Mùa khô 2016 - 2017 diễn biến phức tạp

Đó là nhận định của nhiều ngành chức năng tại Hội nghị: “Tổng kết sản xuất lương thực năm 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2016 - 2017”.
Người dân bên ruộng lúa chết khô do hạn hán. Ảnh: Phương Anh
Người dân bên ruộng lúa chết khô do hạn hán. Ảnh: Phương Anh

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá sản xuất lương thực năm 2016 đạt được nhiều kết quả khả quan. Thời gian tới, các địa phương và ngành chức năng cần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách sâu rộng. Củng cố, nâng chất hoạt động hợp tác xã. Tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các chương trình thủy lợi để phục vụ phát triển nông nghiệp. Kiểm soát tốt vật tư để giảm thiệt hại cho nông dân trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, các ngành chức năng cùng với các huyện, thị, thành có phương án đối phó với mùa khô 2016 - 2017… Ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: “Trong vụ đông xuân 2016 - 2017, bà con nào xuống giống lúa không theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp sẽ không được hỗ trợ”.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương cần tiếp tục chăm sóc lúa thu đông 2016. Huyện Tân Phú Đông không cho nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 vì đã có gần 200 ha xuống giống ngoài khuyến cáo và đây là vùng rất có khả năng hạn, mặn sẽ xảy ra. Huyện Tân Phước cũng đã có xuống giống vụ lúa đông xuân ở những nơi không có đê bao an toàn, vì vậy cũng không tiếp tục xuống giống ngoài khung khuyến cáo của ngành. Ngoài ra, mỗi địa phương cần có một kịch bản để xử lý hạn, mặn trong năm 2016 - 2017. Các huyện phía Đông cần trữ ngọt, ngăn mặn. Các huyện phía Tây cần củng cố đê bao để chống lũ, ngăn triều cường…

Tác giả bài viết: Sĩ Nguyên

Nguồn tin: Ấp Bắc