Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng

Thời gian qua, do khó khăn về thời tiết, các ngành chức năng huyện Gò Công Tây đã tập trung chuyển đổi cây trồng để thích nghi với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cụ thể, ở những nơi khó khăn về nguồn nước tưới, hằng năm, nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng theo hướng trồng cây ăn trái để có thể thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện tại, cây thanh long được nhiều nông dân trong huyện lựa chọn để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác. Đến nay, toàn huyện Gò Công Tây đã phát triển hơn 280 ha thanh long và cây đang phát triển tốt. Trong khi đó, những cây trồng khác gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, có nơi còn mất trắng. Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Đồng Thạnh cho biết: “Gia đình tôi tiến hành chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long đã 3 năm nay. Hiện nay, thanh long bắt đầu cho trái, giá trị kinh tế cao hơn cây lúa rất nhiều. Lợi thế của cây trồng này là có thể chịu được khô hạn, thiếu nước trong vài tuần”.

Cây thanh long đang phát triển mạnh ở huyện Gò Công Tây. Ảnh: Ngô Tông
Cây thanh long đang phát triển mạnh ở huyện Gò Công Tây. Ảnh: Ngô Tông

Cùng với đó, cây bưởi da xanh, mãng cầu Xiêm hay các loại cây trồng khác cũng đang được các ngành chức năng khuyến cáo nông dân lựa chọn cây trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế cao trồng ở những vùng khó khăn về nước tưới. Hiện toàn huyện có gần 40 ha mãng cầu Xiêm, hơn 22 ha bưởi da xanh... đang phát triển tốt, một số diện tích đang cho thu hoạch, hứa hẹn nhiều thắng lợi cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Bảy, xã Bình Phú cho biết: “Cây mãng cầu Xiêm của tôi trồng đến nay đã 2 năm và đang chuẩn bị cho trái, công chăm sóc ít hơn rau màu và các loại cây trồng khác. Mãng cầu Xiêm được ghép từ gốc bình bát nên khả năng chịu hạn rất tốt, phù hợp với vùng đất này. Nếu thuận lợi, có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả còn lại sang cây mãng cầu Xiêm…”.

Với các loại cây màu, trong năm 2016, huyện đã chuyển đổi được hơn 1.400 ha, chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng lúa ở những vùng có khả năng bị thiếu nước tưới. Thực tế cho thấy, việc trồng luân canh lúa - màu, nông dân đã thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa thuần trên cùng một đơn vị diện tích. Chị Nguyễn Thị Chính, xã Đồng Thạnh chia sẻ: “Trồng màu lợi nhuận rất cao, thời gian xoay vòng nhanh hơn cây lúa, khả năng cải tạo đất tốt, bà con ở đây bây giờ cắt vụ lúa chuyển lên trồng xen canh hoặc chuyên canh màu khá nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

Trong năm 2017, huyện Gò Công Tây dự kiến sẽ thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác khoảng 260 ha, trong đó tập trung vào các cây mãng cầu Xiêm, thanh long, bưởi da xanh và cây màu ở những nơi có khả năng trồng lúa bị trễ vụ hoặc thiếu nước tưới, góp phần giảm thiệt hại và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Trần Long Nguyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Gò Công Tây cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, huyện xây dựng các vùng chuyên canh mãng cầu Xiêm 170 ha, 570 ha thanh long, 70 bưởi da xanh, 100 ha dừa, 880 ha rau màu… trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, đầu tư về giống cây trồng, nhân rộng các mô hình theo VietGAP, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Trồng trọt giai đoạn 2016 - 2020”.

Tác giả bài viết: Minh Toàn

Nguồn tin: Ấp Bắc