Người thợ tài hoa

Đăng lúc: Thứ tư - 27/01/2010 16:52
Người thợ tài hoa

Người thợ tài hoa

Nhìn đống sắt, thép vụn chất đầy một góc xưởng, tôi vui miệng hỏi đùa: - Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ còn thợ cơ khí thì ăn sắt, thép vụn phải không anh Hải?

Hà Long Hải cười: - Anh ăn được không, tôi cho anh đó!

- Thiệt không? Thiệt là tôi kêu mấy bà đồng nát vô liền hà. Cứ mỗi ký 1.000 đồng, đống phế liệu này dễ đến mấy tấn, tiền triệu chớ bộ ít à.

- Thì có ai bảo tiền chục, tiền trăm đâu, mà phải nói rằng hàng trăm triệu đồng mới đúng. Trước đây, anh em công nhân tụi tôi cũng nghĩ như vậy, nên đem cân ráo trọi. Còn bây giờ, tấc sắt tấc vàng đấy anh ạ.

Câu chuyện cứ vậy cuốn hút lấy tôi. Để đóng một sà lan, xí nghiệp phải sử dụng trung bình 300 mã gia cường. Mỗi mã gia cường cần đến 3,5 ký thép chính phẩm bẻ liền nhau thành hình chữ L. Nhìn đống sắt, thép phế liệu, Hà Long Hải suy nghĩ nếu tận dụng được số phế liệu này thay thế cho thép nguyên tấm cắt ra làm mã gia cường, sẽ làm lợi cho xí nghiệp được rất nhiều. Nghĩ là làm, Hà Long Hải bắt tay vào mày mò cắt, ghép, tính toán và sau nhiều lần thử nghiệm, Hải đã trình lên Ban Giám đốc xí nghiệp mẫu mã gia cường mới bằng hai miếng sắt phế liệu ghép với nhau thành hình chữ T. Qua tính toán của Phòng Kỹ thuật, mẫu mã gia cường hình chữ T của Hà Long Hải không những đảm bảo chất lượng mà còn có khả năng chịu lực cao. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Hải được đưa ra áp dụng, bình quân mỗi năm xí nghiệp tiết kiệm được gần 42 tấn thép chính phẩm và lợi nhuận tăng hơn 120 triệu đồng.

...Học xong lớp 11, do hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hà Long Hải phải bỏ ngang xương để xin vào học tại Trường Công nhân kỹ thuật đóng tàu. Ra trường, Hải được nhận vào làm công nhân tại xí nghiệp Cơ khí 1-5 thuộc Sở Công nghiệp Tiền Giang (nay là Công ty cổ phần cơ khí 1/5). Hải tâm sự: Học mà không được hành anh ạ. Thời bao cấp, mỗi năm xí nghiệp chỉ được giao đóng vài chiếc sà lan trọng tải nhỏ. Không có việc làm, công nhân tụi tôi được điều về các vùng nông thôn sửa chữa ba cái máy móc dụng cụ như máy cày, máy bừa, máy xay xát... Làm mà cứ ước mơ sau này sẽ được đóng mới những chiếc sà lan thiệt lớn. Mãi đến năm 1995, xí nghiệp mới có những doanh nghiệp tư nhân đến đặt đóng những chiếc sà lan loại 200 tấn đầu tiên. Mừng lắm anh ạ, vì những kiến thức học ở trường, giờ mới được đưa ra thực nghiệm.

Niềm đam mê như chắp cánh thêm cho Hà Long Hải. Cứ sau mỗi một chiếc sà lan được xuất xưởng, Hải lại tỉ tê thăm hỏi khách hàng cho biết những nhận xét về hình dáng, mẫu mã và tính năng kỹ thuật cũng như chi phí về nhiên liệu cho mỗi kí-lô-mét hành trình. Cuốn sổ tay của Hải đầy ắp những số liệu, những thông số về kỹ thuật, những ý kiến gợi mở của khách hàng. Đêm đêm, Hải mày mò nghiên cứu, tính tính toán toán, vẽ ra hàng loạt hình dáng của những chiếc sà lan trọng tải lớn. Theo nguyên lý, muốn tiết kiệm nhiên liệu và tăng vận tốc của sà lan thì phải giảm diện tích tiếp xúc của sà lan với mặt nước. Nghĩa là, càng làm giảm lực cản của nước bao nhiêu thì tính năng kỹ thuật của sà lan được nâng cao bấy nhiêu. Tuy nhiên, một yêu cầu kỹ thuật được đặt ra là tiết diện giảm, nhưng phải đảm bảo tải trọng của sà lan không được giảm, cái khó khăn là ở chỗ đó.

Nhờ những chuyến tham quan do xí nghiệp tổ chức tại các xưởng đóng tàu ở TP. HCM, ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hải thường chủ động tiếp xúc, lân la học hỏi ở nhiều đồng nghiệp về những kinh nghiệm cũng như nguyên lý kỹ thuật đóng mới các loại sà lan có trọng tải lớn. Sau nhiều lần nghiên cứu và tính toán kỹ, Hải đã mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc xí nghiệp cho phép thay đổi hình dáng của sà lan theo mẫu cải tiến của Hải.

- Đóng sà lan mà cũng cần đến thị hiếu của khách hàng sao?

- Cần lắm chớ anh. Thời buổi kinh tế thị trường, sự cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Ngoài những yếu tố về tính năng kỹ thuật, mẫu mã, hình dáng; vẻ đẹp bên ngoài của sà lan có một tầm quan trọng không nhỏ đâu anh. Cái đẹp, có ai mà không thích. Khách hàng cũng vậy, họ bình phẩm mẫu mã này, hình dáng nọ rồi thông tin cho nhau. Nhờ cải tiến được mẫu mã, hình dáng và nâng cao tính năng kỹ thuật, khách hàng của xí nghiệp ngày một tăng, doanh số thu vào ngày một lớn, lợi nhuận từ đó càng tăng trưởng, mức sống của anh em công nhân ngày một nâng cao.

Bằng vào lòng đam mê sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, yêu nghề, mẫu mã sà lan cải tiến của Hà Long Hải đã được Ban Giám đốc xí nghiệp chấp thuận đưa vào ứng dụng. Tôi hỏi: Anh có thể kể cho tôi biết sáng kiến cải tiến mẫu mã sà lan của anh được không?

Hải lại cười, nụ cười khiêm nhường, hiền hậu pha một chút gì đó như bẽn lẽn: Có gì đâu anh, chỉ là cải tiến chút chút vậy mà. Sà lan trước đây do xí nghiệp thực hiện phần mũi và phía sau lái thường bè rộng nên diện tích tiếp xúc với mặt nước lớn, nhìn không đẹp mà lại tốn nhiều nguyên liệu. Qua phản ánh của khách hàng, tôi đã thức trọn nhiều đêm nghiên cứu, tính toán và cuối cùng cũng tìm ra được một mẫu ưng ý nhứt với phần mũi và phần đuôi thon gọn mà thông qua hệ số kỹ thuật, trọng tải của sà lan không thay đổi. Nhờ có sự thay đổi này, về nguyên liệu trung bình sản xuất một chiếc sà lan trọng tải 400 tấn, tiết kiệm được khoảng 1 tấn thép, còn về nhiên liệu thì cứ 100 km giảm được 25 lít dầu. Thân hình thon, tiết diện tiếp xúc với mặt nước giảm, nên vận tốc mẫu sà lan cải tiến tăng được 5km/giờ.

- Như vậy, sáng kiến của anh làm lợi cho xí nghiệp được bao nhiêu?

- Trước hết phải nói rằng, sáng kiến là do tôi trình bày, nhưng công lao là của tập thể trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Phòng Kỹ thuật và anh em công nhân cùng với sự động viên, khuyến khích của Ban Giám đốc xí nghiệp. Còn về lợi nhuận thì hiện tại, mỗi năm xí nghiệp đóng trung bình 20 chiếc sà lan, mỗi chiếc tiết kiệm được 1 tấn thép, mỗi tấn trị giá 5 triệu đồng, vị chi mỗi năm làm lợi được khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cái lợi nhất là khách hàng có được chiếc sà lan hình dáng đẹp, ưng ý, tiết kiệm được nhiên liệu, tăng được vận tốc khi vận hành và xí nghiệp ký được nhiều hợp đồng đóng mới.

Từ một công nhân bình thường, yêu nghề, đam mê sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại nhiều lợi nhuận cho xí nghiệp, Hà Long Hải đã được lãnh đạo đề bạt lên làm Phó quản đốc Kỹ thuật, được anh em công nhân tín nhiệm bầu làm ủy viên BCH Công đoàn phụ trách công tác an toàn lao động. Nhiều năm qua, phân xưởng đóng tàu do Hà Long Hải phụ trách luôn hoàn thành nhiệm vụ thi công vượt thời gian từ 10 đến 15 ngày, được Ban Giám đốc khen ngợi. Bản thân Hà Long Hải 5 năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen và vừa qua, Hà Long Hải đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích có nhiều sáng tạo, phát huy sáng kiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất.

Đậu Viết Hương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 417
  • Khách viếng thăm: 416
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 101611
  • Tháng hiện tại: 1850511
  • Tổng lượt truy cập: 48224638