Bà nội

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2016 08:04
Bà nội đặt trái dưa hấu lên sàn nước, bà cầm chiếc gáo dừa vụt vào ảng rồi xối lên quả dưa. bà kỳ cọ nó một lúc. Quả dưa tròn trịa bóng lộn dưới tay bà. Với tay lấy chiếc giẻ, bà lau khô nó rồi bước vào đặt lên bàn. Bà lại quày quả bước qua cái sống chén, một tay rút con dao yếm, một tay đẩy nhẹ chiếc võng, tiếng kẽo kẹt đang nhỏ dần lại vang to. Bà lấy thêm chiếc rổ tre, bỏ con dao và cái dĩa lớn vào đó rồi quay lại bàn.
Minh họa: Thanh Sơn

Minh họa: Thanh Sơn

Nãy giờ, tôi ngồi trên cái ghế thấp canh chiếc võng im lặng nhìn. Bà biểu tôi đưa võng cho con Lẹ ngủ yên, lát nữa xẻ dưa bà sẽ cho một miếng. Tôi nghe lời bà ngồi đúng chỗ ấy, nhưng đưa được vài cái thì tôi quên khuấy công việc của mình - tôi vẫn mãi nhấp nhỏm nhìn bà với quả dưa to - Có lẽ bà cũng cho như vậy là đủ; thằng Nhỏ - em tôi- và con Tí - con chú tôi - không có ai làm đầu trò hoặc quấy chọc đang tỉ mẩn ngồi chơi bên đống gáo dừa. Bếp đã đỏ lửa; nồi cơm và ấm nước cũng gần sôi rồi.

Bà xén đầu quả dưa rồi bổ nó ra. Tôi nhổm dậy. Hai mảnh dưa lật ngửa bày ra lớp ruột đỏ thắm lấm tấm mấy dãy hạt đen huyền ươn ướt. Bà bổ tiếp mấy nhát nữa, quả dưa đã biến thành một dãy hình cung nhòn nhọn xếp đều trên bàn. Tôi chép miệng nuốt ực một cái, bàn tay vô tình thò ra, chạm vào… chiếc võng.

Tôi kéo mạnh. Tiếng võng lại kẽo kẹt vang lên.

Bà nội lượn lưỡi dao vào từng miếng dưa rồi bà xắt xắt. Con dao yếm sắc lẻm nhịp tới đâu từng lát dưa hình tam giác xinh xắn liên tiếp ngã vào cái dĩa to tướng tới đó, vài giọt nước mỏng mảnh ứa ra nghe…ngòn ngọt trong cổ. Thoắt cái, bà đã xắt xong một miếng, mảnh vỏ xanh cong cong được bà cho vào rổ, chẳng mấy chốc mà cả dĩa, cả rổ đã đầy vung. Bà vẫn chưa ngó ngàng gì đến tôi!

Vị ngòn ngọt ở cổ dần dần lạt nhách rồi trở thành cơn ấm ức, tôi khóc òa lên. Tôi thấy thằng Nhỏ và con Tí trố mắt nhìn tôi. Qua màn nước mắt, gương mặt ngạc nhiên của chúng nhòa nhòa mới đáng ghét làm sao.

Lũ cháu chúng tôi đứa nào cũng tự cho là bà thương mình nhất nhưng theo tôi hạng nhất ấy phải là tôi. Này nhé, chị Hai tôi và con Xèng - con lớn của cô - mỗi khi chúng tôi thức dậy thì đã đi học mất rồi vì vậy họ sẽ không được củ khoai hoặc trái chuối lớn nhất mà bà để sẵn mỗi sáng để phân phát cho lũ chúng tôi; có ở nhà thì họ cũng chẳng tích sự gì, chỉ giỏi tài đánh đũa và nhảy dây, không đáng cho bà thương nhất. Thằng Nhỏ - em tôi và con Tí - con chú - thì tổ khóc nhè; giành đồ chơi cũng khóc, té ngã cũng khóc, kiến cắn cũng khóc; tụi nó còn có tật xấu là thỉnh thoảng lại són ra quần. Con Lẹ - con nhỏ của cô - thì tệ nhất, chỉ biết bú rồi ngủ, lúc nào cũng nhóp nhép cái núm vú màu vàng, nó lại hay cắn, ai trong chúng tôi cũng từng bị nó cắn - Bà tôi nói nó đang mọc răng - riêng chuyện són và bỉnh thì nó là số một. Nó thật làm phiền cho bà biết bao!

Về phần tôi ư? Tôi không hề có những bê bối như vừa kể , tôi không khóc dù từng ngã từ cây chùm ruột phía sau hay từ cây mận phía trước nhà; tôi giúp bà khối việc, việc bà nhờ cũng có, việc bà không nhờ cũng có. Này nhé: đưa em, đập miểng gáo, chụm lửa, bày trò cho lũ thằng Nhỏ, con Tí,… Cũng có khi bà rầy tôi, nhưng mà ít lắm, bà mặc nhiên chấp nhận phần lớn những “trò khỉ khọt” của tôi. Chắc chắn bà “cưng” tôi nhất!

Thế mà bà lại xắt hết trơn trái dưa hấu đặc sản mùa tết. Bà nở dành hết nó cho bữa cơm mà không hề đoái hoài gì đến thằng cháu. Tôi đâm ghét bà làm sao!

Gia đình chúng tôi bây giờ làm ăn thất bại, ấy là việc sau này tôi mới biết, ông nội buồn phiền sinh bệnh rồi mất. Chúng tôi phải dọn từ chỗ chợ búa về ở tại vùng ven - Bà vẫn nói như vậy mỗi khi thắp nhang cho ông. Chúng tôi biết ông chủ yếu là qua lời kể của bà, theo đó, ông là người giỏi giắn, hoạt bát và thương lũ tôi không kém gì bà; hầu hết chúng tôi ít nhiều đều được ông bồng ẵm nưng niu, lo lắng cho từ lúc còn đỏ hỏn. Tôi thực sự không còn nhớ gì về ông nhưng mỗi khi thấy bà vừa buồn buồn, vừa nghiêm nghị nhìn lên bàn thờ có đặt di ảnh của người đàn ông đứng tuổi với khóe miệng như cười, bất giác chúng tôi cũng im lặng, kính cẩn theo bà.

Ba má, chú thím và cô tôi đều ra đi từ sáng sớm, mọi việc ở nhà bà đều quán xuyến cả; cũng có lúc tôi nghe ba tôi biểu má hoặc thím nghỉ vài hôm để đỡ bớt công việc cho bà nhưng hầu như không lúc nào có được việc ấy. Bà bảo thời buổi kiếm ăn khó, phải cố gắng làm lụng - có bươi mới có cái mà mổ - và rồi suốt ngày, chúng tôi lại chỉ đối diện với mình bà…

….Bà cũng trố mắt nhìn tôi như bọn thằng Nhỏ, con Tí. Chợt hiểu, bà phì cười:

- Mồ tổ cái thằng láu ăn! Không có mất phần đâu! Nín đi! Con Lẹ thức dậy là bà không nấu cơm

được à!

Con Lẹ ngọ ngoạy, nhóp nhép cái núm vú rồi lại thở đều. Bà xắn cho chúng tôi mỗi đứa nửa miếng khá to. Thì ra bà vẫn có dành phần, phần ấy bị chiếc rổ che khuất. Tôi bị một phen ngỡ ngàng. Tay cầm miếng dưa, miệng thì thút thít, tôi ù chạy núp vào kẹt cửa.

Bà lại tiếp tục công việc: đưa võng, xới cơm, bớt lửa, nướng khô, châm nước…

Nhắm mắt, tôi cũng biết bà làm tiếp những gì! Bà sẽ lại gọt tiếp đống vỏ dưa, gọt bỏ phần vỏ xanh ở ngoài cùng ấy. Mớ vỏ biến thành những mảnh cong cong trắng muốt. Bà lại xắt chúng thành những cọng to to, dài dài... Bà sẽ xé mớ khô sặc, trộn vào đám cọng dưa ấy. Cuối cùng một dĩa gỏi tú ụ, ngon lành sẽ xuất hiện; Bà tận dụng được tất cả những thứ mà nếu là trước đây thì đã được quẳng vào thùng rác.

…Nhiều món ăn nhà nghèo kiểu đó đã nuôi chúng tôi ngày một lớn lên; gian bếp ám khói gáo dừa luôn đỏ lửa ấy vẫn sưởi ấm chúng tôi suốt cả một quãng ấu thơ nghèo khó; quả chuối lá chín vàng, củ khoai lang dương ngọc, cây mận hồng đào, cây chùm ruột sần sùi với những chùm ruột khi còn non thì chát, lúc đã xanh thì chua và khi chín vàng thì ngọt ái vẫn theo tôi từ ấy đến nay. Hình hài của bà nội giờ chắc cũng đã chan hòa vào đất nhưng hình ảnh người bà với bộ bà ba đen lam lũ vẫn luôn lồng lộng, đầy ắp trong lòng tôi, vẫn luôn nâng đỡ, dìu dắt tôi trong cuộc mưu sinh gian khó, bà từ tốn hiện diện bên tôi mỗi khi tôi định giở ra một trò khỉ gì đó. Ôi! Bà nội thân thiết của tôi.

Ngọc Hùng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 196
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 10484
  • Tháng hiện tại: 2243034
  • Tổng lượt truy cập: 46210267