Quanh gốc sơ ri

Đăng lúc: Thứ hai - 23/07/2012 15:11
Tôi được sinh ra và lớn lên trong ngôi vườn cổ tích bên bờ sông Tiền lộng gió. Theo sau tôi là lóc nhóc ba đứa em nữa. Trong khu vườn đó, chị em tôi in lại không biết bao nhiêu là dấu chân của một thời ngây ngô, thơ dại.

Nhà tôi nằm lọt thỏm giữa khu vườn. Phía trước là con sông lúc nào cũng đồng ca "ì… oạp" với đôi bờ. Bên trái là con  rạch nhỏ, có cây cầu gòn nối liền vương quốc của chị em tôi với xứ sở của thằng Hùng đầu bự.

Một lần ba tôi đi đám giỗ dưới nhà ông Nội Sáu tận Gò Công đem "dìa" hai nhánh Sơ ri. Ba cưng lắm, trồng ngay trong "vườn thượng uyển" của lâu đài. Một nhánh cứ héo dần rồi ra đi, bỏ một nhánh ở lại trở thành "hàng độc". Đó chính là niềm tự hào đến mức vỗ ngực xưng tên, vênh cả mặt của chị em tôi trước tất cả các vương quốc cùng xóm. Không biết ở xứ Gò Công cây sơ ri có mau lớn, có xanh mướt vươn dài những nhành lá rồi dịu dàng xòa xuống, thướt tha như cây sơ ri trước sân của chị em tôi? Những cánh hoa nhỏ xíu cứ thay nhau phủ tím gốc cây. Ngày nào cũng vậy, vừa bảnh mắt, chị em tôi đã bồng bế nhau ra lu nước, quẹt mặt quẹt mũi rồi chạy ù ra gốc sơ ri. Mới đầu còn tìm hái trái chín, sau rồi trái hườm hườm. Rồi luôn cả trái sống, trái non cứ bị lần lượt những cái miệng của chúng tôi nuốt không thương tiếc. Chính vì vậy mà tôi mới giữ được một túi đầy kinh nghiệm về sơ ri như: cách hái, cách ăn, cách làm lồng (vợt)… Cuộc thi "gỡ cuống sơ ri" đã được tôi tổ chức cho ba đứa em nhằm để truyền đạt các kinh nghiệm đó của tôi.

***

Lần ăn đám giỗ ông Cố ngoài vàm sông Cái, ba mẹ bơi xuồng chở ba đứa em của tôi đi tới chiều tối mới dìa, biểu tôi ở nhà giữ nhà và cho heo, gà ăn. Ngày đó là một ngày dài lê thê và buồn nhứt đối với tôi. Đói thì lục cơm nguội, cá kho, khát có nước mưa trong lu, có trái dừa xiêm ba chặt để sẵn. Ngủ thì leo lên võng. Bầy gà bữa nay ăn xong rồi cũng kéo nhau đi hết ra sau vườn không ở lại trong sân đá nhau hay kêu ỏm tỏi cho tôi đỡ buồn. Con heo cũng vậy, nằm ịch ra ngủ, không thèm ụt ịt hay cạp máng, phá chuồng như mọi khi. Con gà nhảy ổ tôi cũng không thèm canh chừng. Con Ngọ với thằng Tèo đi rồi, có ai đâu mà giành lụm trứng để lập chiến công với mẹ! Cơm trưa xong, bóng nắng đã ăn vô tới thềm cửa. "Hớ… hời!". Ngáp ngủ rồi, phải lên võng thôi. Ngủ một giấc đã đời, giật mình dậy, nhà vẫn vắng hiu. Nghiêng đầu ngó ra gốc cau ngoài mé rạch, không thấy xuồng. Ba mẹ chưa dìa.

Tôi lại lòng vòng quanh gốc sơ ri. Thèm nghe tiếng kiếm tre của thằng Tèo thằng Huy lúc chơi đánh nhau. Tại chỗ này, thằng Huy đâm kiếm vô nách thằng Tèo, hét "Anh nằm xuống! Chết!", xong rồi giãy đành đạch ra khóc vì thằng tèo không chịu chết, chơi ăn gian, chạy mất. Con Ngọ phải "ụm… bò.. ò… ò" quanh gốc sơ ri, cõng thằng Huy ngồi trên lưng để dỗ nó nín. Chỗ này…

Bỗng tôi nghe tiếng chim kêu, rõ ràng là ở trên cây sơ ri. Lần mò mãi tôi mới phát hiện ra, có một cái tổ chim phía nhành cây gần ngọn. Và loay hoay mãi, tôi cũng tìm được cách leo lên chỗ đó. Lúc lên tới thì con chim đã bay mất tiêu, chỉ còn cái tổ trống trơn. Hai bàn tay tôi toát mồ hôi lạnh ngắt còn hai cái đầu gối thì cứ run lên bần bật. Chưa bao giờ tôi ở trên cao như vầy. Mấy lần thấy ba ngồi lợp lá mái nhà tôi chỉ biết nhìn lên ao ước được ngồi trên cao như ba. Bữa nay thì toại nguyện rồi. Đã quá! Tôi vịn cành đứng lên. Trời cũng tương đương với mái nhà chứ bộ. Tôi thấy cái vĩ bánh mẹ phơi trên mái nhà. Trên máng xối thì đầy xác lá và có cả mấy cục ị … khô của con mèo nữa. Hèn gì lúc nào mẹ cũng bỏ cho nước chảy không mấy đám mưa liền rồi mới nghiêng bẹ chuối cho nước vô lu. Còn hai cái cọng gì bự bự đằng kia? Suy nghĩ lung lắm tôi mới hiểu ra và thất vọng vô cùng. Hóa ra đó là cái hột xoài mọc mầm trên mái nhà của tôi đó sao? Lúc đứng dưới đất, thấy hai cái cọng kẽm chìa lên đen đen, tôi cứ tưởng cái hột xoài hồi mùa trước, ăn xong tôi thẩy lên đó, đã mọc cành cây, như mấy cái hột xoài mẹ ươm ngoài luống rau thơm vậy. Vậy mà tôi cứ thấp thỏm chờ cho tới mùa mưa, cho nó mau lớn rồi có trái đặng tôi đi khoe với tụi thằng Hùng, thằng Định, con Cúc.

Một cơn gió tạt qua thổi bay mất "cái nỗi thất vọng" của tôi. Cây sơ ri rung lên, tôi thấy mình bị đưa qua đưa lại như ngồi võng. Hai cái đầu gối run bắn lên, chân tay như rụng rời. Tôi vội ngồi hụp xuống. Bỗng tôi thấy mình như con chim kia đang nằm trong tổ, ló cái đầu lên. Chỉ có điều tổ của nó làm bằng rơm và nhỏ còn tổ của tôi lớn, màu xanh, có sẵn cả trái chín quanh tổ để ăn, không cần bay tìm ở xa. Ừ, mà đúng thiệt. Sau vòm lá có chút thấp thoáng đỏ. Hà! Tôi trườn mình dài ra, ôm lấy cành cây và với riết mới hái được. Trái Sơ ri bự nhứt từ trước tới giờ mà tôi nhìn thấy. Một múi, hai múi… ngọt và thơm dễ sợ luôn. Múi thứ ba đã bị mấy dấu chim mổ rồi. Để cho con mắt, cái miệng, cái đầu cãi nhau một hồi, tay tôi mới đưa múi sơ ri cuối cùng vô miệng theo "lệnh của kẻ thắng cuộc".

Gió lại đong đưa cái tổ xanh làm nảy ra trong cái đầu tóc khét nắng của tôi một trò mới ngoài kéo mo cau và đánh trận. Đó là trò phi ngựa. Thế là tôi bắt đầu nhún, cành cây cứ mềm mềm  đưa lên đưa xuống, lá chạm nhau nghe xạc xạc. Tóc trán bay bay, tóc mai mát mát. Tôi thấy mình dũng cảm vô cùng. Cái đầu gối cũng theo vậy mà thôi run lập cập. Vừa nhún tôi vừa khoái chí hát cái bài ba dạy: Chú công an biên phòng rạp mình trên lưng ngựa. Ngựa phi nhanh như bay cả cánh rừng nổi gió. Ngựa ơi phi nhanh lên, nhanh lên nhanh nhanh lên!

Cưỡi ngựa chán, tôi lại ngồi trong tổ nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây rồi đoán coi đó là cây gì, có phải của vườn nhà mình không. Tôi còn cố rướn cổ nhìn cái nóc đình ở đầu xóm nhưng chỉ thấy được mỗi cái hàng dừa đứng chĩa mũi kiếm lên trời mà thôi.

Mấy con gà trống lại lục tục kéo vợ kéo con dìa đầy sân. Heo cũng bắt đầu trò kêu đói. Cho tụi nó ăn xong, tôi lấy dép ra lu nước tắm. Mẹ dặn không được tắm sông bữa nay. Ngoan mẹ mới cho ăn bánh. Tắm xong, tôi ra trước cửa ngồi chống cằm, nghêu ngao hát. Thỉnh thoảng chạy xuống cầu bến coi thấy xuồng dìa gần tới chưa, rồi lại chạy lên, ngồi hát. Hát hết bài rồi mà vẫn chưa nghe tiếng xuồng quen thuộc cập bến. Trời cứ tối dần. Vô tới cửa buồng đã không thấy đường đi. Cái hộp quẹt ở chỗ ông địa ba dẹp đâu mất tiêu rồi. Tôi cứ ngồi chờ, tới lúc tối thui không dám đi đâu nữa hết thì mới nghe tiếng dây xích khua rộn ràng dưới cầu bến. Không kịp mang dép, tôi mừng quýnh chạy ù xuống. Ba mẹ thay nhau hỏi nào là ăn cơm chưa, tắm chưa, sợ không… nào là kể cô Tư mượn xuồng đi chà lúa nên mới dìa tối… Tôi chỉ nói được: "Đi tới giờ mới dìa! Vậy mà nói đi chút xíu…" rồi như có cái cục khoai lang nghẹn ứ trong cổ họng, không nói được nữa. Tôi khóc hu hu và nấc lên tức tưởi. Mẹ phải năn nỉ một hồi tôi mới nín.

Ăn cơm xong, tôi được phần một cái bánh ích nhân dừa bự chảng. Nuốt cái ực, miếng bánh nhân dừa ngọt lịm, béo ngậy, thơm lừng trôi tuột xuống cổ. Sướng ơi là sướng! Tôi lại mong cho mau tới đám giỗ của ai đó đặng ba mẹ đem dìa cho tôi cái món khoái khẩu này. - Sao con không ăn cơm trước? - Tôi phụng phịu: ăn một mình hổng ngon, rồi lại cắn thêm một miếng bánh nữa.

Nằm trong mùng, ôm lấy cánh tay ba, tôi lí nhí hỏi: - Ba ơi, nếu mà trái mận bị chim mổ rồi, mình ăn vô có sao hôn ba?

- Ừ, thì biến thành chim chứ sao. Sao con hỏi vậy? Bộ con ăn trái mận đó hả?

- Không có. Tôi nhanh nhảu trả lời.

- Thôi, ngủ đi, con.

Tôi nằm im thin thít, không dám hỏi gì hơn. Ước gì… phải chi trái sơ ri trôi ngược ra, tôi sẽ phun cái phèo ra liền mà không hề nuối tiếc là nó bự hay nó ngọt. "Ba ơi, con…". Nhưng tiếng khò khò của ba đã đều đặn. Tôi lại nằm im, ôm chặt ba hơn rồi ngủ lúc nào không biết. Chừng giật mình dậy, rờ rờ… không phải tay ba mà là cái gì mềm mềm, mượt mượt, quen quen. Tim thót lại còn ba hồn chín vía vèo lên tận mây xanh. Tôi bật tung dậy. Dụi dụi mắt, nhìn trong bóng tối lờ mờ, một lúc tôi mới biết đó là… cây chổi lông gà. vẫn còn chưa tin, tôi rờ khắp mình mẩy. Chỉ toàn da với quần áo thôi. Yên tâm, tôi nằm xuống, kéo mền ngủ tiếp.

Sáng dậy, tôi kể thiệt với ba (trừ cái chuyện leo cây cỡi ngựa). Ba nói: không sao biết sợ thì mai mốt đừng ăn vậy nữa, chỉ ăn trái sạch, trái nguyên thôi, con đã nói thiệt thì không bị biến thành chim đâu.

***

Chắc hiểu được nỗi lòng của chị em tôi mà cây sơ ri cứ ngày càng ra nhiều trái.

Tới mùa lúa, chị em tôi theo ba mẹ ra ruộng, chiều mới dìa. Vừa về tới nhà là chị em tôi chạy liền ra gốc sơ ri. Ngày thứ ba, có sự cố. Ai đã hái sơ ri, đã vậy còn gãy nhánh, đổ lá đầy ra đất. Tức lắm! Chị em tôi bàn kế hoạch diệt thù.

Theo đúng kế hoạch, hôm sau ra ruộng, thằng Út Huy cứ khóc lóc đòi dìa. Cuối cùng mẹ biểu dắt em dìa nhà dỗ, chút nữa trở ra. Mấy chị em hí hửng rút êm về "thành" một cách bí mật. Chui lỗ chó bên hông nhà vô trong, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng: cửa sau mở chốt, chỉ cần bật ra; thằng Tèo và Huy tay kiếm lăm lăm, con Ngọ nhét đầy đạn mù u vô hai túi quần, ná thun cầm sẵn trên tay. Tôi cầm cờ trận bằng sống lá chuối mẹ rọc gói bánh hôm qua. Cây roi cũng bằng cọng chuối.

Đúng như dự đoán, kẻ thù đang tiến quân vô thành. Hóa ra không ai xa lạ mà chính là quốc vương Hùng đầu bự. Tim chúng tôi đập thình thịch, như muốn lọt ra ngoài vì hồi hộp. Thằng Út bữa nay sao mà ngoan, cứ im thin thít, không "phát thanh" bừa bãi. Không biết nó hiểu tầm quan trọng của cuộc chiến sắp tới, hay vì sợ, hay vì cái phần thưởng "cõng đi chợ" béo bổ mà tôi dụ nó hôm qua nữa? Lúc thằng Hùng thượng lên cây, tôi thấy mặt mình nóng ran. Chân tay không thể nằm im nữa nhưng cố "nuốt hận", chờ cho nó yên vị rồi mới phục thù được. Tôi lẩm bẩm: Mầy cả gan, dám leo lên ngai vàng, ngồi trên mình lục mã của tao mà cỡi. Tao sẽ cho mày biết tay!

Nhìn kẻ ngoại bang hành hạ cây sơ ri, tôi không chịu hơn được nữa. Tôi hét lên: "Quân sĩ đâu, xung phong!". Cửa bật tung, chị em tôi ào ra, vây lấy cây sơ ri. "Bịch!". Thằng Hùng buông tay rớt xuống rồi kêu: "Chạy!". Anh em tụi nó chạy thụt mạng ra khỏi cổng thành, rút tàn quân về nước. Thằng Hùng chạy sau cùng qua cầu gòn, luýnh quýnh làm sao mà trợt chân té "tùm" xuống mương.

- Hoan hô! Hoan hô - Em tôi la lớn. Thằng Út cũng ngọng líu nhái theo: - Khan khô!

"Gi… gi…". Cả bọn quay nhìn. "À, tù binh đây rồi!". Trong lúc bỏ chạy tụi nó còn quên thằng Cuội đang bò dưới đất, mắt cứ tròn xoe, tay chỉ lên cây kêu gi… gi…, nước miếng kéo thành sợi dài nối từ miệng xuống ngực áo. Thấy chị em tôi cười nó cũng khắc khắc cười theo, nhe hai cái răng chuột mới nhú.

Đám tàn binh đứng tiu nghỉu nhìn qua. Thủ lĩnh, mặt mũi, tay chân ướt lóp ngóp sình, lưng hằn mấy dấu cào của bụi ô rô dưới mương - quay sang trút hết tội lỗi lên đầu con Thúy, em nó: "Tao biểu mày ẵm em mừ chứ biểu mày hái đâu. Giờ, mày qua bển ẵm em dìa cho tao!"

Tôi lên nước dạy đời: Cho đáng. Ai biểu tụi bây hái trộm sơ ri mần chi. Chiều dìa tao mét cô năm cho coi!

Má nó (cô Năm) mà biết đựơc thì anh em tụi nó no đòn. Chính vì vậy mà mặt nó chảy xệ sau câu hăm dọa của tôi. Tôi hả hê lắm vì đã giáng một đòn quá tuyệt vời. Anh em nó liền xuống nước, giở giọng năn nỉ ỉ ôi. Nghe một lúc tôi cũng thấy bùi bùi, xuôi xuôi. Rùng mình nhớ tới mấy trận đòn của anh em nhà nó, tôi lập tức hạ lệnh:

- Qua ẵm em mày dìa đi! Mai mốt mà còn vậy nữa thì đừng trách, nghe chưa?

Chiều đó, ngoài cầu bến, hòa ước được ký kết bằng mấy củ khoai lang mật của thằng Hùng. Ăn xong, cả đám nhảy ùm xuống tắm. Nhìn cái lưng đen trũi hằn những vết xước lá ô rô của nó, tôi hỏi: Đau không? Nó lắc đầu rồi cười trừ. Tôi lấy tay kéo giề lục bình trôi ngang, ngắt lấy bông. Nó hỏi: "Chi vậy?", "Chiều nay ăn cơm cá kho". Một giề lục bình nữa trôi tới. Nó níu lại, hái bông, đưa cho tôi.

Giề lục bình hoa tím đã trôi xa. Cánh cửa của khu vườn cổ tích giờ cũng khép lại, nhưng tôi tin chắc rằng đất yêu thương vẫn ôm chặt những dấu chân kia vào lòng. Một ngày nào đó không xa… chúng tôi sẽ dắt con cháu trở về với khu vườn lung linh sắc nắng này. Chúng sẽ tha hồ chạy nhảy tung tăng. Những bàn chân hồng nhỏ xíu lại ấm hổi nụ hôn của đất vườn cổ tích. Và rồi tôi sẽ kể cho chúng nghe về những dấu chân hóa thạch của một thời xa lắc.

Song Mỹ
Voronezh (Nga), 20-3-2002
(Theo Văn nghệ TG Xuân 2003)

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

sơ ri

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 399
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 59170
  • Tháng hiện tại: 2223830
  • Tổng lượt truy cập: 46191063